20/12/2016 -

Tản mạn, giải trí

1180
Nhiều năm quan sát học sinh và sinh viên, tôi thấy nền giáo dục của chúng ta làm hỏng cơ hội làm người của các em.


– Các em không thể tự mình tìm hiểu, phân tích đánh giá được bản thân mình, người khác, và các hiện tượng trong xã hội.

– Các em cũng không biết cách kiểm soát và biểu lộ suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn của mình một cách hợp lý.

– Các em cũng không biết tư duy, diễn đạt một cách có trật tự và mạch lạc.

Các sinh viên của tôi không hiểu mình có thể làm gì, nên làm gì và sẽ làm gì. Các em chỉ biết học, chơi, yêu, và đến năm cuối hoặc ra trường thì mới giật mình: bấy lâu nay mình học kiến thức này, kiến thức kia để làm gì.

Các em học văn, thậm chí sẽ trở thành các thầy cô giáo dạy văn tương lai mà viết một đoạn văn cũng không có ý tưởng rõ ràng. Không biết mình đang thực sự suy nghĩ điều gì. Thái độ học tập cũng chủ yếu là vì điểm, chú ý ôn nội dung nào để thi cử mà thôi.

Điều này là hệ quả trầm trọng của giáo dục phổ thông.

Nhiều năm tiếp xúc và quan sát giáo viên phổ thông, tôi thấy điều này: giáo viên phổ thông thiếu vắng trầm trọng quan niệm về giáo dục hiện đại. Với đa phần giáo viên, việc dạy là dạy kiến thức hạn hẹp của một bài, một kỹ năng (mà thực ra là kỹ xảo), dạy cái cần biết, nên biết, mà không phải là dạy học cho một nhiệm vụ giáo dục của môn học, tức là cách đi đến và sử dụng cái cần biết. Cái cần biết thì vô cùng và tuỳ vào trường hợp, quan trọng là ta biết đi đến nó, và biết sử dụng nó hợp lý hay không.

Họ cũng thiếu vắng một quan niệm về con người, mà nền tảng là những tư tưởng về con người trong triết học và khoa học xã hội. Tôi biết, khi tôi nói ra ý này, nhiều người sẽ bảo rằng tôi đã đưa vấn đề đi quá xa, quá lý thuyết. Nhưng do tiếp xúc và suy nghĩ về môi trường phổ thông nhiều năm, tôi thấy cơ sở sâu xa cho những lựa chọn bất hợp lý của giáo viên là quan niệm phiến diện về con người.

Chẳng hạn như chấp nhận bắt các em học bài thuộc lòng thay vì đặt những câu hỏi, chấp nhận giảng bài chay thay vì tổ chức thảo luận…, dù họ đã tiếp xúc với tất cả những lợi ích và ý nghĩa của phương pháp sư phạm mới.

Những cái ấy, xét cho cùng, từ nguồn gốc, là do không hiểu điều gì là quan trọng với một con người: hạnh phúc, tự do, sự khẳng định, tinh thần trách nhiệm… hay kiến thức về điều này điều nọ.

Những lý do viện dẫn về thời gian, về thi cử, cũng chỉ là một phần, chủ yếu chỉ là để biện minh cho sự khiếm khuyết ấy mà thôi.

Tôi không tiếp xúc với giáo dục của các nước xã hội chủ nghĩa khác, nên không biết đây có phải là do sự thiếu vắng một nền tảng tư tưởng về giáo dục, tư tưởng về con người đa dạng và hiện đại hay không.

Để dạy cho các em biết cách làm người, người dạy cũng phải thực sự biết cách hiểu con người.

Tôi khởi viết bài này từ năm 2014, đã hai năm qua rồi, các lứa học sinh mới cũng thế thôi, chưa có tiến triển thay đổi nào.

Hoàng Phong Tuấn (Giảng viên đại học Sư phạm TPHCM)
Theo TGTT
114.864864865135.135135135250