27/03/2015 -

Suy tư, nghiên cứu

5020
TRIẾT HỌC, HỌC TRIẾT [1]

Plato đã viết dụ ngôn Cái Hang cách đây hơn hai ngàn năm. Tuy nhiên, dụ ngôn này vẫn còn mang tính thời sự đối với chúng ta bởi vì nó cho chúng ta biết triết học là gì.

1. Triết học là một hành trình

Triết học là một hành trình. Thật vậy, trong dụ ngôn của Plato, triết học là một cuộc hành trình vượt lên khỏi cái hang tăm tối để vươn tới ánh sáng. Theo góc độ này, triết học khác với những môn học thuật khác. Không giống như những môn học khác, triết học không có nhiều thông tin và lý thuyết. Quả thực, các triết gia đưa ra nhiều lý thuyết và nhiều quan điểm, nhưng những lý thuyết triết học đó chỉ là sản phẩm của triết học chứ không phải là chính triết học. Tất nhiên, trong quá trình nghiên cứu triết học, ta luôn phải nghiên cứu những lý thuyết quan trọng của một số đại triết gia, nhưng điểm căn cốt của việc nghiên cứu không chỉ dừng lại ở việc ghi nhớ. Thay vì học thuộc, ta hãy xem nó như là một hỗ trợ giúp ta biết làm sao để “làm” triết học.

Bằng cách tìm hiểu xem những triết gia lớn đã “làm” triết học như thế nào và bằng cách lưu tâm đến những quan điểm và triết thuyết của họ, ta có thể hiểu hơn về suy tư triết học là thế nào. Quan trọng hơn, ta có thể dùng những thông tuệ của họ để soi sáng cho ta trên hành trình triết học của mình. Đó chính là cuộc lữ hành, là một hoạt động, và điều đó mới quan trọng, chứ không phải là những sản phẩm ta mang về từ hành trình đó.


2. Triết học là một hoạt động đầy cam go

Như Plato đã làm sáng tỏ trong dụ ngôn về Cái Hang, triết học là một hành trình, là một hoạt động đầy gian nan thử thách. Hành trình vươn lên, ra khỏi cái hang không dễ chút nào, bởi vì nó bao gồm cả những trăn trở về những niềm tin căn bản nhất sẵn có trong mỗi người về chính mình và vũ trụ. Điều này có nghĩa là, giống như trong dụ ngôn, hành trình triết học của ta đôi lúc dẫn ta đi vào những hướng xem ra ngược đời. Nó có thể dẫn ta tới những quan điểm mà mọi người xung quanh không chấp nhận. Triết học còn là thách thức vì nó đòi hỏi ta phải suy tư phê bình, nhất quán, và cẩn trọng về những quan điểm nền tảng của ta. Ta có thể cảm thấy khó chịu khi bị buộc phải đặt lại vấn đề và phê bình những quan điểm sẵn có một cách có hệ thống và hợp lý.

Quả vậy, hành trình ra khỏi cái hang tăm tối buộc ta cần phải làm việc có khoa học và miệt mài suy tư thấu đáo về mọi thứ, càng cẩn thận và rõ ràng bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Đó là lý do tại sao một người mới chập chững bước vào con đường triết học cần có một người thầy hướng dẫn, như Plato nói, người thầy có thể lôi môn sinh của mình ra khỏi cái hang cheo leo, rồi đẩy anh ta ra nơi tràn gập ánh sáng mặt trời. Người thầy thực hiện điều này bằng cách thôi thúc người học trò tự đặt ra cho chính mình những câu hỏi hóc búa mà chính bản thân người học trò không dám đối diện với nó.


3. Mục đích của triết học là sự tự do

Kế đến, như Plato đã chỉ ra và chúng ta cũng đã bàn đến, mục đích của triết học là sự tự do. Triết học phá vỡ gông cùm, xiềng xích trói buộc và kéo ghì chúng ta xuống. Lắm khi chúng ta đang mang xiềng xích, gông cùm trên người mình mà không biết. Giống như những tù nhân trong dụ ngôn Cái Hang, ta ngoan ngoãn chấp nhận những niềm tin và quan điểm của những người xung quanh mình, chẳng hề có chút thắc mắc gì cả. Điều này khiến cho thế giới quan của ta hẹp hòi và cứng nhắc. Triết học giải phóng ta khỏi những thiên kiến và thói quen thiếu suy nghĩ, mà lâu nay ta đã vô tình tiếp thu từ những người xung quanh, để ta có thể đạt tới những suy tư thực sự của riêng mình.

4. Triết học thẩm định những giả định cơ bản nhất của ta

Dụ ngôn của Plato nêu lên những quan niệm mà triết học thẩm định là những lưu tâm căn bản nhất về sự hiện hữu của con người. Như tù nhân thấy được các vật thể của cái bóng mà lâu nay anh ta vẫn tưởng là thật, người làm triết học cũng suy xét những giả định cơ bản nhất của ta về thế giới xung quanh. Thuật ngữ “philosophia” gợi lên điều này, vì nó có nghĩa là “yêu mến sự khôn ngoan”. Làm triết học nghĩa là yêu mến sự khôn ngoan. Bởi vì khôn ngoan chính là sự hiểu biết những khía cạnh cơ bản nhất của nhân sinh, yêu mến sự khôn ngoan -làm triết học- nghĩa là nghiền ngẫm và truy tìm để thấu hiểu những vấn đề cơ bản nhất của cuộc đời.

Quan điểm triết học như là hoạt động suy tư về những quan niệm cơ bản về những khía cạnh nền tảng và ý nghĩa nhất của đời ta có lẽ được diễn giải rõ ràng nhất, không phải bởi Plato, mà bởi Perictione, một nữ triết gia có lẽ cùng thời với Plato.

Perictione cho rằng triết học -việc truy tìm sự khôn ngoan- rốt cuộc là việc tìm hiểu cho bằng được nguyên do tại sao con người và vũ trụ này lại hiện hữu ở đây. Đó là một công cuộc tìm kiếm sự hiểu biết vượt ra khỏi ranh giới của toán học và các ngành khoa học khác. Toán học và các ngành khoa học khác chỉ nghiên cứu những khía cạnh cụ thể của thế giới xung quanh. Triết học, ở một góc độ khác, nỗ lực hiểu những khía cạnh tổng quát và căn bản nhất của chính chúng ta, vị trí của chúng ta trong vũ trụ, mối tương quan giữa chúng ta với Thượng Đế.

Triết học xem xét những tư tưởng căn bản làm nền tảng cho tôn giáo khi đặt vấn đề: Có Thượng Đế không? Có sự sống mai hậu không? Chân lý nào ta có được trong trải nghiệm tôn giáo? Triết học xem xét những tư tưởng căn bản đặt nền tảng cho khoa học khi đặt vấn đề: Phải chăng khoa học có những giới hạn khi bàn về thực tại? Phải chăng những lý thuyết khoa học chỉ đúng ở một mức độ nào đó, hay chúng thực sự truyền tải những chân lý thực sự về vũ trụ? Sự thật là gì? Triết học thẩm định những giá trị căn bản làm nền cho mối tương quan giữa con người với nhau khi đặt vấn đề: Công bằng là gì? Chúng ta nợ nhau cái gì? Tình yêu là gì?

Triết học suy tư về những hiểu biết căn bản làm nền tảng cho quan niệm của chúng ta về thực tại khi đặt vấn đề: Con người có thực sự tự do, hay là mọi sự đã được tiền định bởi những ngoại lực nào đó? Mọi sự vận hành một cách tùy tiện hay có mục đích đối với vũ trụ này? Những sự vật chúng ta trải nghiệm hàng ngày tồn tại thực sự hay còn có những dạng hiện hữu khác ngoài thế giới này đang xuất hiện xung quanh chúng ta?

Vậy, làm triết học là phải suy tư về những giả định căn bản và quan trọng nhất làm nền tảng cho mọi thứ ta thực hiện và tin tưởng. Quả thực, ta có thể định nghĩa triết học -yêu mến và theo đuổi sự khôn ngoan- xét như là một hoạt động suy xét cách cẩn trọng và với óc phê bình về những lý do đằng sau những giá định căn bản của cuộc sống

 
Kim Tước - Học Viện Đa Minh

[1] Trích dịch từ cuốn Philosophy - A Text with Readings, 11th edition, p.6-8 (Mannuel Velasquez) - Người dịch tự đặt tựa đề
 
114.864864865135.135135135250