28/10/2014 -

Suy tư, nghiên cứu

1317
Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên, OP.

Đi Dâng Lễ Như Một Thói Quen…

Một số không nhỏ các bạn trẻ ngày nay “chán đi lễ”. Họ lý luận: đi dâng lễ mà như đi xem một “vở tuồng cổ”, hoặc vô tình như đi xem “cây sậy phất phơ trước gió” ( Lc 7,24). Từ hình thức đến nội dung, cả đến những cử điệu và phẩm phục… đều không có gì thu hút.

Việc mù mờ về ý nghĩa của các phần trong thánh lễ, những bài đọc:

- Vừa không  hiểu nội dung các bài đọc trong phần Phụng vụ Lời Chúa.

- Vừa thấy nội dung đó không dính dáng gì đến đời sống hàng ngày.

Tình trạng không thấy Thánh lễ dính dáng gì đến cuộc sống thường ngày chắc chắn là tình trạng của hầu hết, cả người trẻ cũng như người lớn, đôi khi cả nơi tu sĩ nữa.

Quả thật, không thiếu tu sĩ khi dâng lễ như một cái xác không hồn, với tâm trạng mệt mỏi, chai cứng. Nói chung là không cảm thấy đó là nhu cầu cần thiết cho đời sống tâm linh. Thánh Thể  lương thực cho cuộc sống trần gian, làm cho niềm tin của người tín hữu kiên vững và mạnh dạn dấn thân vào đời. Thánh lễ là cột sống nâng đỡ cuộc sống giữa đời. Do đó, tình trạng “không hiểu gì” chính là một nguy cơ tiềm ẩn sâu xa của một đời sống yếu kém đức tin.
Trong bối cảnh của năm “Đời Sống Thánh Hiến” (2015) và năm Thánh mừng 50 năm thành lập Giáo phận Xuân Lộc với chủ đề: sống mầu nhiệm Thánh Thể, xin được có vài dòng chia sẻ về “Bí Tích Thánh Thể, Lương Thực Cho Người Lữ Hành”, vì quả thực, nơi Bí tích Thánh Thể vừa là sức sống vừa là sức mạnh cho đời dâng hiến.

I. TỪ NHU CẦU CUỘC SỐNG

1. Từ phép lạ hoá bánh đến Bí tích Thánh Thể

Mầu nhiệm Thánh Thể được Chúa Giêsu tiên báo từ trong phép lạ hoá bành ra nhiều, sau khi đã chọ dân chúng ăn bánh no nê (x. Ga 6). Đó không phải là chuyện tình cờ, nhưng là nguồn mạch cuộc đời của bí tích Thánh Thể.

Nói cách khác, Thánh Thể cũng  xuất phát từ câu hỏi của Chúa Giêsu “ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây”; và Thánh Thể cũng chính là “bánh” nuôi dưỡng cuộc sống con người, một thứ bánh làm cho đời sống con người được sung mãn, thứ bánh thực sự đáp ứng nhu cầu thâm sâu của con người, nhu cầu sống với Thiên Chúa, như đã được Thiên Chúa sáng tạo. Như thế, trong ý định của Chúa Giêsu, Thánh Thể có khả năng làm cho cuộc sống con người được “sống và sống dồi dào” trong mọi chiều kích, làm cho tất cả mọi phẩm tính của bản chất người được phát triển và làm cho vận mạng con người được hoàn thành.

Trong chiều hướng Thần học Cánh chung của Vatican II, cần phải khám phá ra dưỡng chất của Thánh Thể không phải chỉ là một “công nghiệp pháp lý” dùng để đổi chác lấy Nước Trời, nhưng chính là nguồn sức mạnh của Thánh Thần trong dòng lịch sử để biến đổi lích sử, nghĩa là chắc chắn bao gồm những giá trị nhân bản của Tin Mừng cũng như những giá trị siêu việt trong khát vọng thâm sâu của con người.

“Thực vây, sau khi đã theo mệnh lênh và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến trên trái đất tất cả các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bán tính và hoạt động của con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là Chúa Kitô giao hoàn lại Chúa Cha Vương quốc vĩnh cửu và đại đồng: “vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và ân phúc, vương quốc công bình, yêu thương và hoà bình”(kinh tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua). Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến” (MV 39c).

2. Một vài đường hướng thần học không còn phù hợp

Có một vài hướng suy tư thần học trước đây đã khiến cho bí tích Thánh Thể, hình như, làm giảm nhẹ đi nguyên lý cứu độ như một sự đáp ứng nhu cầu thật của con người, để nghiêng về các nguyên lý khác, nguyên lý danh giá và nguyên lý công bằng của luật pháp, nguyên lý siêu thoát... Chúng ta co thể kể ra một chút những lý do ấy:

a. Nguyên lý công bằng theo luật pháp

Nền Thần Học Cứu Độ thời đầu Kinh viện đã trình bày Ơn Cứu Độ của Đức Giêsu bằng khái niệm đền thay. Đức Giêsu lập công nghiệp để đền thay cho tội lỗi của nhân loại đối với sự công bằng vô cùng của Chúa Cha.

Lối nhìn này biểu lộ chiều hướng “thượng thăng” trong nhiệm cục cứu độ, phát triển vào đầu thiên niên kỷ thứ hai, khác với chiều hướng “hạ giáng” của thiên niên kỷ thứ nhất. Đồng thời lối nhìn này cũng cắt lìa cuộc Tử Nạn lập công của Đức Giêsu với toàn bộ cuộc đời công khai của Ngài cũng như với cuộc Phục sinh của Ngài. Theo nền thần học đền thay, cuộc đời công khai của Đức Giêsu chỉ là phần dẫn nhập không quan trọng và cuộc Phục sinh của Đức Giêsu cũng chỉ là phần kết luận để khẳng định quyền năng của Thiên Chúa, đáp ứng cho nguyên lý danh dự mà thôi.

Lối nhìn này làm cho Mầu Nhiệm Nhập Thể chỉ còn có một nhiệm vụ duy nhất là lập công cứu chuộc đền bù lại đối với sự công bằng của Chúa Cha. Chính vì thế, mọi giá trị trong cuộc đời Đức Giêsu, trong giáo huấn của Đức Giêsu, trong sứ vụ công khai của Đức Giêsu đều trở nên phụ thuộc và có thể nói là dư thừa nếu so với công nghiệp của Ngài được thể hiện trọn vẹn trong cái chết.

Ngày nay, ý thức được những thiếu sót trong nền thần học “đền thay”, nói chung, người ta không coi cái chết của Đức Giêsu chỉ như một sự lập công, nhưng là liên đới, là thái độ dấn thân yêu thương đến cùng, là thể hiện những giá trị của bài giảng trên núi, thể hiện những giá trị mới của Nước Trời và trung tín đến cùng để đảm bảo cho những giá trị Nước Trời trở nên như men, như hạt cải lớn lên trong trần gian.

Thiên Chúa đã ban Thần Khí để Đức Giêsu đến với những người nghèo hèn bé mọn nhất trong xã hội, để chia sẻ, cảm thông và ban cho họ niềm hy vọng Cứu Độ.

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã sức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn...” (Lc 4, 18-19). Ngài đã đến thể hiện ý nghĩa yêu thương, liên đới, cảm thông với những mảnh đời sống bên lề xã hội. Vinh quang của Thiên Chúa là con người được hạnh phúc (Thánh Irênê).

b. Nền thần học phi lịch sử

Còn một ảnh hưởng quan trọng nữa, đó là nền thần học nói chung và tu đức nói riêng mang tính cách siêu thoát. Nền thần học và tu đức này đã ảnh hưởng sâu xa suốt mọi thời gian dài trong Giáo Hội, khiến cho đời sống đức Tin của người Kitô không dính dáng gì đến những thách đố của cuộc sống, những dấu chỉ của thời đại[1].  Chúng ta thấy, trong Công Đồng Vatican II, đã có một cuộc đấu tranh giữa khuynh hướng thần học phi lịch sử và nền thần học nhấn mạnh đến tính cách lịch sử căn bản của ơn cứu độ[2]. Từ những dữ kiện ấy, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa hết sức quan trọng của nền thần học Cánh chung trong Công Đồng Vatican II.

Thánh Thể phải gắn liền với cuộc sống con người, không phải chỉ như một kho ân sủng nhưng như một sự liên đới cụ thể và mãi mãi, một sự liên đới được thể hiện trong mỗi dòng lịch sử cuộc đời của mỗi người để biến cuộc đời của mỗi người Kitô hữu thành một Lịch Sử Cứu Độ.

II. CẤU TRÚC CỦA THÁNH LỄ GẮN LIỀN VỚI THỰC TẾ CUỘC SỐNG

Trong chiều hướng tìm cách gắn liền Thánh Thể với cuộc đời, xin thử xác định ý nghĩa cuộc sống trong một vài chặng quan trọng cơ cấu Thánh lễ hiện nay.

1. Phụng vụ Lời Chúa

Lời Chúa là lời ngỏ, lời ngỏ với chính mỗi người, với hoàn cảnh cụ thể riêng biệt của mỗi người. Lời Chúa “khám bệnh và chữa lành” cho các mảnh đời và làm cho con người biết được chính mình, biết được Chúa làm trên cuộc đời mình. Bài giảng chính là một tác động của Thánh Thần làm cho Lời Chúa đụng đến cuộc đời và mảnh đời riêng của mỗi con người như là một lời ngỏ thân tình của Thiên Chúa.

2. Phần Dâng Lễ

Lễ dâng là chính mảnh đời của mỗi người trong từng trạng huống của cuộc sống, được sắp xếp để trở thành lễ dâng. Tóm lại, cuộc đời gồm thành công, thất bại, cả những yếu đuối và cả tội lỗi,  được gói ghém lại trong tấm bánh và chén rượu để trở thành lễ dâng.

Nói cách khác. Lễ dâng trong mỗi thánh lễ, dù vẫn là bánh rượu, nhưng khác nhau, với những nội dung khác nhau vì gồm gói những mảnh đời khác nhau. Như thế, người linh mục, cầm bánh và rượu trong tay, là cầm chính mảnh đời hàng ngày, nóng bỏng và xù xì của con người để dâng cho Thiên Chúa.

3. Phần Truyền Phép

“Truyền phép”ký giao ước để Đức Giêsu lại một lần nữa chịu chết và Phục sinh cho một mảnh đời của con người. Đức Giêsu đón nhận mảnh đời, những vấn đề của con người như chính “Thịt và Máu” của chính mình. Mầu nhiệm “biến đổi bản thể” cho thấy một thứ trao đổi cuộc đời cho nhau. Chúa đón nhận cuộc đời ta như của chính Chúa; và ta được đồng thừa tự với Ngài trong chức vị làm con của Chúa Cha.

Nhờ cuộc trao đổi ấy, chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa Cha chính cuộc đời của mình trong Đức Giêsu và có thể thân thưa lời Abba với Chúa Cha trong Thần Khí Nghĩa Tử của Đức Giêsu.

4. Phần Hiệp Lễ

Cuối cùng, rước lễ là đón nhận lại chính cuộc đời của mình; nhưng là một cuộc đời đã có Đức Giêsu ở trong, đã ký giao ước với Chúa Giêsu để Ngài cùng lo, cùng liên đới trách nhiệm, cùng bắt tay vào cuộc.

Trong mầu nhiệm trao đổi cuộc đời, Tấm bánh và chén rượu vẫn còn hình bánh rượu, nhưng bản chất của chúng đã không còn; thì cũng thế, khi rước lễ cuộc đời chúng ta sẽ được đón nhận và mảnh đời ấy vẫn mang dáng vẻ xù xì, vẫn đầy gian lao và có thể ra như thất bại; nhưng thật ra, mảnh đời ấy đã được thánh hoá trong sự chết và Phục sinh của Đức Giêsu, chúng được hoàn thành, chúng được “biến đổi ý nghĩa” trong tình yêu và trong lễ dâng của tấm lòng.

III. VIỆC TUYÊN KHẤN TRONG BÀN TIỆC THÁNH THỂ

Trong bữa tiệc ly: “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông” (Mc 14,22). Các nhà tu đức và phụng vụ đều cho rằng những động tác này mang tính phụng vụ và mời gọi chúng ta sống ý nghĩa “dâng hiến” của mình, nhất là mỗi lần ta hiệp dâng thánh lễ[3]. Xin tóm tắt sơ lược ý nghĩa:

- Người cầm lấy bánh: tay Chúa đặt lên đời ta và dẫn đưa ta,

- Người dâng lời chúc tụng: Chúa đã chấp nhận và thánh hiến việc tận hiến của ta... Từ nay, cuộc đời  của ta đều dành riêng cho Người.

- Người bẻ ra: thời giờ, sức khoẻ, khả năng... đời ta tùy thuộc nơi Chúa và nơi Hội Dòng định liệu vui nhận cả những khó khăn khi thi hành ý Chúa.

- Và trao cho các ông: tuyên khấn cho sứ vụ. Yù nghĩa của việc sai đi. Thần Khí Chúa đã sai tôi đi.

KẾT LUẬN: LỄ DÂNG CUỘC ĐỜI

Cuộc đời của người tín hữu là cuộc lữ hành đức tin. Người tín hữu sống đức tin giữa lòng đời hôm nay, giữa những éo le của đời sống. Trước một thế giới duy tục, đề cao hưởng thụ, người tín hữu dễ bị lôi vào thế “mê hồn trận”. Thánh lễ giúp người tín hữu sống mật thiết với Chúa Kitô: nhập thể, loan giảng Tin Mừng cứu độ, đi vào cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Chúa. Nhờ sống mầu nhiệm Thánh lễ giúp họ xây dựng nước trời giữa trần gian này.

Thánh lễ là hy tế tạ ơn vô giá. Như giọt nước hoà tan trong chén rượu, trở nên máu Thánh Chúa; đời sống của ta có phần trong lễ dâng của Chúa Kitô. Sau lễ tạ ơn, tiếp đến là Thánh lễ cuộc đời, bao gồm cả vui buồn, sướng khổ, được dâng lên Chúa, và trái tim ta cảm thấy ấm áp, tràn trào niềm vui.
 
Gợi ý suy niệm:

1. Phải chăng đời tu thường rất dễ rơi vào tình trạng “đứng trên” cuộc đời, ở ngoài những ưu tư khắc khoải, nhưng nghịch lý đớn đau của cuộc sống?

2. Phải chăng chính thực trạng ít quan tâm đến cuộc đời của tầng lớp tu sĩ, linh mục đã góp phần không nhỏ làm cho Thánh Thể chỉ diễn tả thuần ý nghĩa thượng thăng?

3. Bạn đã bước vào Thánh lễ với tâm trạng nào? Bạn có dành thời giờ để tạ ơn Chúa không?

4. Theo bạn, để được sinh động và sốt sắng, chúng ta phải tổ chức thánh lễ như thế nào? (về khung cảnh bài trí, chọn các bài đọc, nội dung bài hát, bài giảng, lời cầu của cộng đoàn).

[1] Xc. Dictionare de la Vie spiritualles. Art. Signes desTemps
[2] Xc. Yves Congar. Con người và Tư Tưởng. Trung Tâm Học Vấn Đaminh. 2005, tr. 208-209. Rosimo Gibellimi. Panotama de la Theùologie au XX eø S. Cert. Paris 1994. pp 225-241
[3] Đã triển khai trong bài Bí tích Thánh Thể và Cộng Đoàn Tu Trì.
114.864864865135.135135135250