09/07/2014 -

Suy tư, nghiên cứu

2907

 

Người ta nói rằng: “Con người chỉ mất hai năm để học nói nhưng mất cả đời để học im lặng”. Thật vậy, thường thì ta muốn được người khác nghe mình hơn mình nghe họ, bởi mỗi người luôn muốn khẳng định cái tôi của mình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến con người thiểu hiểu biết nhau. Kết quả làm rạn nứt các mối tường quan giữa người với người. Để hiểu biết nhau và xây dựng được mối tương quan tràn đầy tình thân ái con người cần giành nhiều thời gian để quan tâm và lắng nghe nhau.

Đối với Thiên Chúa cũng vậy, con người muốn hiểu biết và thêm lòng yêu mến Ngài thì phải học hỏi và lắng nghe lời Người. Thánh Giêrênimô nói rằng: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Việc lắng nghe và suy gẫm lời Chúa thể hiện lòng yêu mến của chúng ta đối với Ngài. Ta không thể nói yêu mến Chúa mà không lắng nghe và tuân giữ lời Người.

Trong tin mừng, nhiều lần Chúa tỏ lòng yêu mến đối với những người lắng nghe lời Chúa. Chúa khen Maria đã chọn phần tốt nhất (vì cô đã biết ngồi dưới chân Chúa để nghe lời người). Người chúc phúc cho những ai biết lắng nghe và tuân giữ lời Ngài. Người cho họ thuộc vào gia đình thiên quốc của mình.

Hành trình của người Kitô hữu không gì khác hơn là thi hành ý của Chúa. Để làm được điều đó cần ta phải học hỏi tìm kiếm và lắng nghe lời Chúa. Có như thế chúng ta mới biết được ý của người để thi hành. Chính Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về điều đó đối với Chúa Cha. Ngài luôn cầu nguyện để học hỏi, tìm kiếm ý Thiên Chúa. Người coi ý Chúa Cha như là lương thực của mình, và đỉnh cao của sự vâng phục ấy là Người tự nguyện đón nhận cái chết đau khổ, nhục nhã vì yêu nhân loại.

Đức Maria cũng là mẫu gương tuyệt hảo nhất trong việc lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Thánh Lu-ca nói rằng: “Người hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc2, 52). Mẹ không những cưu mang con Chúa mà còn cưu mang “Lời” của Chúa. Suốt cuộc đời mẹ luôn là “lắng nghe” và thưa “xin vâng” liên lỉ.

 Thánh Đa Minh cũng vậy, Ngài không ngừng chìm đắm trong lời Chúa. Các chứng nhân trong buổi điều tra để tuyên thánh cho ngài nói rằng thỉnh thoảng Ngài ngưng đọc cuốn sách đang suy gẫm với đôi mắt đẫm lệ, cùng những lời than thở sốt sắng, rồi ngẩng đầu lên để biện bác hay tranh luận, hoặc ngược lại để lắng nghe và chờ đợi. Khi đi đường, người luôn mang bên mình cuốn Kinh Thánh Mát-thêu và các thư của thánh Phaolô. Di sản người để lại cho nhân loại là một đoàn con đông đảo đang say mến rao giảng lời Chúa cho mọi người[1].

Cuộc sống ngày nay dễ đưa con người đến chỗ coi thường phẩm giá cao quý của mình. Nhiều bạn trẻ rơi vào sự hụt hẫng, mất định hướng, không tìm được ý nghĩa của cuộc sống; Trong số đó có cả một số nhà trí thức. Nếu không để lời Chúa dẫn dắt, con người sẽ bị rơi vào một ma trận không lối thoát trong xã hội đề cao hưởng thụ và khoái lạc, không tìm được ý nghĩa của cuộc sống để cống hiến cho Giáo hội và xã hội. Vì lời Chúa là ngọn đuốc chiếu sáng, soi sáng, và hướng dẫn chúng ta trong mọi suy tính, quyết tâm, và hành động. Nó soi sáng Đức tin, củng cố Đức Cậy, đốt lên ngọn lửa mến Chúa yêu người trong lòng chúng ta.[2] Năng lắng nghe và suy gẫm lời Chúa chúng ta không sợ mình lầm đường lạc lối, không sợ mình phải hư mất đời đời. Trái lại chúng ta sẽ có được bình an, hạnh phúc và niềm vui trọn vẹn.

Xưa kia mỗi khi dân Israel tụ họp lại, luôn luôn có phần đọc lời Chúa và áp dụng vào cuộc sống. Lời Chúa đã quy tụ toàn thể con cái Itrael nhất là sau thời gian lưu đầy trở về quê hương. Việc đọc Lời Chúa, sự nhắc lại mặc khải trên núi Sinai tạo nên sự hiệp thông với Thiên Chúa và con người. Sự hiệp thông ấy được biểu lộ qua việc tái thiết đền thờ, xây dựng lại thành đô và các bức tường thành đã bị phá đổ từ trước.

 Niềm vui đã trở lại với toàn dân, sau khi họ nghe đọc lời Chúa, mọi người được mời gọi tham dự đại tiệc, và kêu gọi hay chia phần cho những ai không có gì để ăn, kêu gọi mọi người hãy kết  hiệp với nhau trong cùng một niềm vui được xây trên lời Chúa. Đức thánh Cha Bênêdictô XVI nói rằng: “Lời Chúa luôn luôn là một sức mạnh canh tân, mang lại một ý nghĩa và trật tự cho thời đại chúng ta đang sống”.[3]

Cuộc sống hôm nay tiến bộ hơn nhiều so với ngày xưa nhưng con người lại phải đối diện với những rạn nứt về các mối tương quan trong gia đình đang có nguy cơ tăng. Nó phá hoại hạnh phúc của các gia đình, nhất là những gia đình trẻ. Nơi một số gia đình, vợ chồng không còn tin tưởng nhau, cha mẹ không tin tưởng con cái. Nó khiến mọi người tìm cách để dò xét nhau. Kết quả ai cũng cảm thấy ngột ngạt, khó chịu; các thành viên không còn thấy gia đình là một tổ ấm yêu thương nữa.

Làm sao có được một bầu không khí yêu thương chân thành và đầy sự cảm thông khi các gia đình loại Chúa ra khỏi  cuộc sống của mình, không còn giành ra ít phút để cùng cầu nguyện và lắng nghe lời Chúa.

“Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai, Thầy mới có những lời đem lại sự sống”, lời của thánh cả hôm xưa cũng phải là lời cho gia đình chúng ta hôm nay. Chỉ có Chúa mới đem đến cho chúng ta niềm vui và sự bình an thực sự, chỉ có Ngài mới làm cho cuộc đời chúng ta trở lên có ý nghĩa, và cũng chỉ có người mới có thể qui tụ mọi người trong gia đình nên một. Vì lời ngài là sức sống, là ánh sáng, là chan chứa hy vọng là con đường để chúng ta bước đi. Và chỉ lời Ngài mới có sức đổi mới tâm hồn con người.

Để kết xin mượn lời của Đức Hồng y Martini, ngài nói “Nếu gia đình đạt được việc họp nhau lại để nghe lời Chúa hoặc nhắc lại điều mà qua phụng vụ Giáo hội công bố hoặc đọc trực tiếp và có hệ thống những trang Kinh Thánh. Gia đình ấy sẽ gặp nguồn suối  vô tận những sứ điệp quý báu trong chính cuộc sống gia đình, trong những nỗi thăng trầm mà các thành viên trong gia đình trải qua vào các mùa khác nhau của cuộc sống, trong những biến cố liên tiếp xảy ra trên thế giới hôm nay”.[4]

 

[1] Guy bedouelle, o.p., Thánh Đa-Minh Ân sủng Lời Chúa (Tp.HCM: Đại kết, 1992), 11.

[2] Vũ Đức Thành, dg, Những bài giảng bất hủ của Cha thánh Gioan Maria Vianney, tập 2 (Hà Nội: Tôn giáo, 2012),168.

[3] G.B. Lưu Văn Lộc, dg., Huấn từ của đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI (Tp.HCM: Tôn giáo, 2009),30.

[4] Hồng y Martini, Cho Lời Đức Kitô lan tỏa

114.864864865135.135135135250