20/07/2015 -

Suy tư, nghiên cứu

1723
Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo,
Ðến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời
Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi
Là sản phẩm do tay Ngài mà có.

 
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng rằng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống.” Vâng, Chúa Thánh Thần là Đấng ban sức sống dồi dào cho Giáo Hội, hợp nhất các tín hữu nên một trong Chúa Kitô và, thúc đẩy Giáo Hội chu toàn sứ mệnh Chúa Kitô trao phó.
Trải qua hơn 2000 năm nay, Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hoạt động trong lòng Giáo Hội. Người luôn soi sáng, hướng dẫn, đồng hành và canh tân Giáo Hội, trợ lực Giáo Hội vượt qua mọi thách đố thời đại. Nhờ Chúa Thánh Thần tác động Giáo Hội Chúa ngày càng tăng triển và trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng.
Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cộng đoàn, giáo xứ kiên vững trong đời sống đức tin, nhiệt thành sống đức ái và bề bỉ sống niềm hy vọng. Nhờ đó công cuộc Phúc Âm hoá giáo xứ và cộng đoàn ngày càng sinh hoa kết trái dồi dào.
 
Nhờ Chúa Thánh Thần, Cộng đoàn, giáo xứ kiên vững sống đức tin
 
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động và bất ổn. Các giá trị đạo đức, luân lý đang bị đảo ngược, do sự tác động của những trào lưu hưởng thụ, chủ nghĩa vô thần, duy thực dụng và duy khoái lạc. Con người ngày nay đang có nguy cơ đánh mất niềm tin, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời. Trước thực trạng đó, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi sống đức tin giữa đời thường bằng việc đưa các giá trị Tin Mừng vào trong môi trường sống của mình, làm cho cuộc sống thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân.
Chúa Thánh Thần là nguyên lý sống của đời sống đức tin. Chính Người nâng đỡ đức tin của chúng ta và làm cho đức tin đó hoạt động mạnh mẽ trong cuộc đời Kitô hữu, trong cộng đoàn, giáo xứ. Người làm cho muôn người được đồng tâm nhất trí trong một đức tin, một tình yêu chân thành. Nhờ Chúa Thánh Thần tác động, cộng đoàn, giáo xứ ngày càng sống đức tin vững vàng hơn trước mọi nghịch cảnh cuộc sống. Bởi lẽ, đức tin đó được bén rễ sâu và được xây dựng trên nên tảng là Chúa Kitô, được củng cố trong Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, các cộng đoàn, giáo xứ ngày càng kiên vững, ngày càng yêu mến Chúa Kitô, yêu mến Giáo Hội nhiều hơn và chia sẻ tình yêu ấy cho người khác, nghĩa là dấn thân cho sứ vụ Phúc-Âm-hóa cách mạnh mẽ hơn.
Ngược dòng lịch sử Giáo Hội, ta thấy từ ngày thành lập đến nay, Giáo Hội hầu như liên lỉ gặp những thử thách bên trong cũng như bên ngoài. Mặc dầu trải qua bao thử thách, nhưng có Chúa Thánh Thần luôn đồng hành và hướng dẫn, Giáo Hội ngày càng lớn mạnh và tăng triển không ngừng. Chúng ta thấy, thời Cách mạng Pháp (1789-1799), biết bao nhiêu linh mục, tu sĩ phải lưu đày, xử giảo hoặc bị nhận chìm xuống lòng biển Thái Bình Dương, nhưng Giáo Hội không vì thế mà sụp đỗ. Đến khi Napolêon lên ngôi, ông lại sang Ý bắt luôn cả Đức Giáo Hoàng Piô VII đem về cầm tù tại Fontainebleau. Một hôm vì quá tức giận, Napolêon I đã nói thẳng với Hồng Y Consalvi, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh: “Ông không biết sao: tôi có thể tiêu diệt cả Giáo Hội.” Hồng Y Consalvi hóm hỉnh trả lời: “Thưa ngài, chính chúng tôi đây là kẻ ở bên trong Giáo Hội, mà dù với bao gương xấu, tội lỗi, chia sẻ khuyết điểm vẫn không phá nổi Giáo Hội Thánh, suốt 19 thế kỷ qua thì sức mấy mà ngài phá tan Giáo Hội được!” Về sau, Napolêon đã phải tuyên bố: “Các dân nước qua đi, các ngai vàng sụp đỗ, Giáo Hội vẫn tồn tại!”
Trên quê hương Đất nước chúng ta, Giáo Hội cũng đã trải phải qua biết bao thử thách đau thương, nhưng không vì thế mà lụi tàn. Nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội Việt Nam vẫn kiên vững trong đức tin, lớn lên trong thử thách và không ngừng trổ sinh hoa trái thiêng liêng. Một vài dẫn chứng như thế để cho thấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Quả thật, nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội, giáo xứ, và cộng đoàn Kitô hữu vẫn luôn kiên vững sống đức tin trước những thách đố của thời đại. Đức tin đó được hành động nhờ đức ái.

Nhờ Chúa Thánh Thần, Cộng đoàn, giáo xứ nhiệt thành sống đức ái

Giữa một xã hội tục hóa hôm nay, con người chạy theo đồng tiền, chạy theo vật chất mà quên đi giá trị của đời sống tinh thần. Coi đồng tiền cao hơn giá trị con người. Đó là nguyên do phát sinh “căn bệnh” dững dưng vô cảm. Căn bệnh đã và đang gây nên hậu quả thật khủng khiếp cho xã hội, cộng đồng, đất nước. Nó biến con người thành kẻ vô trách nhiệm, vô lương tâm, vô văn hóa, thậm chí là kẻ tội đồ. Thật vậy, “Thái độ vô cảm ích kỷ này mang một chiều kích toàn cầu, đến độ chúng ta có thể nói đó là một thứ toàn cầu hoá thói vô cảm.”
Trước thực trạng cuộc sống như thế, các cộng đoàn, giáo xứ và mỗi chúng ta được mời gọi sống tinh thần phục vụ, làm chứng cho đức tin sống động nhờ đức ái. Nhờ sự thúc đẩy và tác động của Chúa Thánh Thần, các cộng đoàn, giáo xứ đã và đang đáp lời gọi mời khẩn thiết của Đức Thánh Cha Phanxicô, bằng cách mở lòng mình ra với Thiên Chúa, vượt thắng tình trạng “toàn cầu hoá của sự thờ ơ, vô cảm,” dấn thân vào đời sống của xã hội rộng lớn hơn mà mình cũng là thành phần, nhất là với những người nghèo, những người bị bỏ rơi bên lề xã hội.
Nhờ Chúa Thánh Thần tác động, các cộng đoàn, giáo xứ đang nỗ lực thực thi đức ái trong đời sống thường ngày bằng những nghĩa cử yêu thương. Nhiều cộng đoàn, giáo xứ hằng ngày tổ chức các bữa cơm từ thiện, các đợt khám chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo, các đợt hiến máu nhân đạo cứu người, các chuyến uỷ lạo vùng sâu vùng xa, thăm viếng các cô nhi quả phụ, những người già không nơi nương tựa, phục vụ trong những trại phong, cô nhi viện… Tất cả đang làm chứng cho Chúa tình yêu Chúa trong một xã hội thiếu văng tình người hôm nay.
Nhờ Chúa Thánh Thần tác động, các cộng đoàn, giáo xứ ngày càng có nhiều tâm hồn nhiệt thành, quảng đại dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Hiện nay trên thế giới có 1243 Dòng nữ và 250 Dòng nam. Thống kê năm 2009 cho biết Giáo hội tại Việt Nam chúng ta có 124 dòng tu, gồm 21 Đan viện, 24 tỉnh dòng và miền dòng thuộc Tòa thánh, 50 hội dòng Giáo phận, 29 tu hội và tu đoàn, với 770 linh mục, 1914 nam tu sĩ, 13838 nữ tu. Tất cả các Hội Dòng này đều là một hồng ân của Chúa Thánh Thần; tất cả đều tuyên xưng cùng một lý tưởng Tin Mừng; tất cả đều cùng theo ý hướng chung là thực thi đức ái trọn hảo theo gương Chúa Giêsu, dưới sự tác hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Quả vậy, “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” Nhờ Chúa Thánh Thần, các cộng đoàn, giáo xứ nhiệt tâm sống đức ái, hăng say thực thi công cuộc Phúc Âm hoá và trở nên chứng nhân của niềm hy vọng vào Nước Trời.
 
Nhờ Chúa Thánh Thần, Cộng đoàn, giáo xứ bề bỉ sống đức cậy
 
Giữa “một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ,” dường như người ta đánh mất niềm tin vào nhau, đánh nhất niềm hy vọng vào cuộc sống, vào tương lai, và không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống.
Trước mối nguy cơ đó, các Kitô hữu, các cộng đoàn, giáo xứ được mời gọi đi vào một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, và mở lòng ra để Chúa Thánh Thần tác động hầu giúp ta sống niềm hy vọng, khao khát Nước Trời, sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình, khi tin tưởng vào các lời hứa của Chúa Kitô và phó thác vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, mà vững lòng trông đợi hạnh phúc mà Đức Giêsu đã hứa ban.
Nhờ Chúa Thánh Thần tác động, các cộng đoàn, giáo xứ đang bền bỉ sống niềm hy vọng hạnh phúc Nước Trời ngay tại trần thế này. Niềm hy vọng đó giúp ta bền tâm vững chí làm việc thiện và hướng về trời cao. Chính niềm hy vọng đó là động lực để giúp ta sống, để ta phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi gian nan thử thách trong đời sống hiện tại, để luôn biết hướng về một ngày mai tươi sáng với một niềm tín thác vào Đấng vẫn hằng chờ đợi chúng ta.
Niềm hy vọng đó giúp cho cộng đoàn, giáo xứ và mỗi chúng ta thêm động lực phục vụ tha nhân tận tâm hơn vì đó chính là sứ mang Chúa trao phó. Niềm hy vọng đó khuyến khích ta tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì đó chính là điều kiện cho ta được vào Nước Trời. Niềm hy vọng đó thúc đẩy chúng ta làm chứng cho những giá trị Tin Mừng, và làm ta có khả năng trao cho người khác những l‎ý do để sống và để hy vọng.
Quả thế, nhờ sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cộng đoàn, giáo xứ và mỗi chúng ta bền bỉ sống đức cậy một cách vững vàng và đủ xác tín để trả lời cho những người chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta.
 
Tạm kết
 
Chúa Thánh Thần là Bậc Thầy Vĩ đại trên hết mọi người thầy, là Ðấng gợi mở, linh ứng, luôn thức tỉnh và khơi nguồn cảm hứng cho đời sống Kitô hữu, cho các cộng đoàn và giáo xứ. Chúa Thánh Thần làm cho cuộc sống chúng ta năng động, làm cho đức tin chúng ta không ngừng sáng tạo và tái tạo; làm cho đức mến của chúng ta nồng nàn thắm thiết hơn; làm cho đức cậy của chúng ta vững vàng hơn, giúp cho chúng ta không thất vọng trước mọi nghịch cảnh cuộc đời.
Lời thánh Phaolô nhắc nhở và mời gọi cộng đoàn Galát năm xưa, cũng chính là lời mời gọi mỗi cộng đoàn, giáo xứ chúng ta hôm nay rằng: “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.” Ước mong sao, các cộng đoàn, giáo xứ cũng như mỗi chúng ta luôn biết vâng nghe và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để qua đó, mỗi cộng đoàn, giáo xứ và mỗi chúng ta trở nên những chứng tá đích thực trong môi trường mình sống; cùng nhau loan báo Tin Mừng Cứu độ, cùng nhau xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống, hầu những hoa quả của Chúa Thánh Thần được sum sê nảy nở trong cuộc sống chúng ta, như lời thánh Phaolô nói: đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiếtđộ. Được như thế, năm Phúc Âm hoá đời sống giáo xứ và cộng đoàn sẽ mang lại nhiều thành quả tốt lành trên quê hương đất nước chúng ta và trên toàn thế giới.
Pet. Võ Tá Đương, OP
114.864864865135.135135135250