12/07/2015 -

Suy tư, nghiên cứu

906

“Tôi ơi, Đừng tuyệt vọng” là bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn gửi gắm cho những ai đang rơi vào những hoàn cảnh bế tắc cố gắng chấp nhận cuộc sống. Phải, ai trong mỗi người chúng ta chưa từng một lần đau khổ, chưa một lần thất bại, chưa một lần cảm thấy bế tắc. Đã là con người thì không ai chưa từng nếm trải đau thương. Những lúc như thế, ta cảm thấy mọi cánh cửa của cuộc đời dường như đóng lại.

Là một người Kitô hữu, chúng ta tin vào Thiên Chúa quan phòng. Người sẽ không bỏ mặc ta những lúc ta gặp gian nan khốn khó. Những lúc đến với Chúa với niềm tin mạnh mẽ như thế ta nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ xa lìa Chúa dù có xảy ra chuyện gì. Thế nhưng, khi khó khăn đến dường như ta cảm thấy cuộc đời đen tối, ta nghi ngờ vào niềm tin của mình, ta trách vấn về sự hiện hữu của Thiên Chúa, ta cảm thấy cô độc đối diện với những trắc trở mà không thấy bàn tay nâng dỡ của Chúa. Những khi gặp thử thách như thế, ta mới thấy niềm tin trống không của mình. Những ai từng trải qua những trở ngại như vậy mới thật lòng nguyện xin sự bền bỉ chiến đấu với mọi gian nguy để giữ vững đức tin của mình. Nhưng chúng ta không biết rằng Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và ban ơn trợ giúp, luôn hoạt động để giúp ta khỏi sa đọa, gục ngã và giữ niềm tin cho ta.

Chúa Thánh Thần

Nhìn vào cuộc đời trên dương thế của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy luôn có Chúa Thánh Thần trợ lực và đồng hành với Người. Từ lúc chuẩn bị cho công cuộc cứu chuộc, Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy và linh hứng cho các ngôn sứ, thủ lãnh hoạt động theo đường lối của Thiên Chúa để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ra đời. Khi Ngôi Lời Nhập Thể, Người đã soi sáng cho Đức Giêsu biết hướng về Cha của Người, đã trợ lực cho Đức Giêsu vượt qua những cơn cám dỗ trong sa mạc, và hướng dẫn Đức Kitô trên đường rao giảng Tin Mừng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4, 18-19). Chúa Thánh Thần đã luôn hiện diện với Đức Giêsu trong sứ mạng cứu độ.

Nhìn vào lịch sử của Giáo Hội, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Người đã luôn hoạt động trong Hội Thánh. Ân sủng của Người tràn ngập trong chi thể của Đức Giêsu để giữ cho nó không sụp đổ trước bàn tay của tà thần. Chúa Thánh Thần đã làm cho một nhóm môn đệ theo chân Chúa Giêsu trở thành một Hội Thánh đông đảo như ngày nay. Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh được tồn tại và chính sự hiện hữu sung mãn này là chứng nhân cho sự hiện hữu của Người.

          Mỗi người chúng ta là chi thể của Đức Giêsu nên chúng ta cũng được xức dầu cùng với Đức Kitô khi chịu phép bí tích Thánh Tẩy. Đồng thời, mỗi người chúng ta cũng được ân sủng của Chúa Thánh Thần khi chịu bí tích Thêm Sức. Chúng ta không nhận ra Người nhưng Người vẫn luôn có mặt trong từng phút giây của ta, trong từng hơi thở, trong từng biến cố, trong những lần vấp ngã. Từng khoảng khắc của cuộc sống, ân sủng của Người vẫn âm thầm tuôn tràn trên mỗi con người chúng ta. Chúng ta không cảm nhận thấy Người nên chúng ta không nhận ra sự hiện diện của Người. Do đó, chúng ta cho rằng Người không hiện hữu.

Tại sao phải bền bỉ với Chúa Thánh Thần?

Sự bền bỉ với Chúa Thánh Thần cho ta cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Từ sự cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa cho ta nhận ra tình yêu của Người. Thiên Chúa đã yêu ta đến nỗi đã chính Con một của Người là Đức Giêsu Kitô. Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã đến thế gian sống thân phận con người. Người cũng chịu muôn vàn đau khổ và cũng chịu những thử thách cám dỗ như ta nhưng Người đã vượt qua tất cả. Sự đau khổ tột đỉnh của Người là cái chết trên thập giá. Người đã dùng cái chết để nói cho ta về tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu ấy cho ta thấy mình không cô độc trong đau khổ mà vẫn cảm thấy Thiên Chúa luôn hiện diện và yêu thương ta.

Bền bỉ với Chúa Thánh Thần như thế nào?

          Qua đau khổ, ta mới nhận ra được niềm tin vào Chúa của mình là như thế nào. Cuộc sống êm đềm làm cho ta tưởng mình có một niềm tin mạnh mẽ. Không gặp thử thách, gian nan ta cho rằng đời đầy những hoa hồng. Niềm tin của ta cũng mạnh mẽ như Phêrô trong bữa tiệc ly : “ Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” ( Mt 26, 33). Thế nhưng, gian khổ ấp đến làm cho niềm tin của ta tan nát. Trong đau khổ, ta sẽ sẵn sàng bất chấp mọi sự. Ta sẵn sàng chối bỏ niềm tin trước đây vốn mạnh mẽ. Chính những đau khổ này sẽ tinh luyện đức tin cho ta. Điều quan trọng là khi gặp những nghịch cảnh ta cần phải trung tín trong đức tin của mình. Ta cần cầu xin ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần soi sáng và thêm sức cho ta giữ vững niềm tin của mình vào Thiên Chúa.

Kết

          “ Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa tăm chiều thử thách. Những thử thách đó nằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà con phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.” ( 1 Pr 1, 6-8). Đức tin của Kitô hữu được đặt nền tảng trên Đức Giêsu. Nhưng chỉ có Chúa Thánh Thần mới giúp chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa. Việc bền bỉ trong Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta trung kiên trong đức tin của mình.

                                                                                      Giuse Phạm

114.864864865135.135135135250