12/06/2017 -

Suy tư, nghiên cứu

1901

Dưới thời Mao Trạch Đông nắm quyền cai trị Trung Quốc Đại Lục, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khống chế xã hội và người dân vô cùng chặt chẽ. Nếu như tổng hợp các phương thức khống chế và tẩy não này lại, thì có thể khiến người ta phải giật mình kinh sợ.

Tiếp theo Phần 1

nguoi Trung Quoc

5. Giai tầng “tiện dân”

Trong các cuộc vận động, những ai kém may mắn có thể bị chụp mũ và trở thành một “phần tử” nào đó trong xã hội, chẳng hạn như phần tử phản cách mạng, phần tử cánh hữu, phần tử phản bội, gián điệp, hay đi theo tư bản chủ nghĩa. Thời kỳ đầu giải phóng còn có “phần tử địa chủ, phú nông”. Nếu một người không may bị liệt vào danh sách này, thì những người thân cùng huyết thống theo chính sách “Thuyết huyết thống” cũng sẽ bị liên đới, trở thành một nhóm người trong xã hội bị kỳ thị, và cuối cùng thành giai tầng “tiện dân”.

Lúc đó giai tầng này thường được gọi là nhóm “5%”. Kỳ thực, nếu cộng thêm những người thân cùng huyết thống theo “Thuyết huyết thống” thì giai tầng này chiếm tỷ lệ khoảng 20% dân số.

Những thành viên trong giai tầng tiện dân này sống trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt. Họ không được vào Đảng, không được làm quan chức, không được đi học đại học. Về công việc thì phải làm những việc nặng nhọc mệt mỏi nhất, trong khi thu nhập lại là thấp nhất. Những người khác có thể ngang nhiên bắt nạt họ, thậm chí là đánh chết mà không có ai bênh vực hay bảo vệ. Mỗi lần vận động bắt đầu, không cần biết có lý hay phi lý, họ đều bị bắt quỳ thành một hàng ở trước hội trường.

Sự tồn tại của giai tầng tiện dân được cho là “có tác dụng đảm bảo hiệu quả cho sự an định của xã hội” theo định hướng của Đảng. Với Đảng mà nói, việc phát động nhóm “95%” trấn áp “5%” sẽ đạt được những hiệu quả như sau:

  1. “Hiệu ứng chuyển hướng chú ý”: Khi các cơ quan quản lý hành chính gây ra tội lỗi nào đó thì có thể đổ lên đầu của nhóm “5%” này, chuyển hướng chú ý của toàn bộ nhóm 95% còn lại.
  2. “Hiệu ứng kênh giải tỏa stress:” Khiến nhóm 95% thông qua quá trình khinh miệt trút giận giai tầng tiện dân mà đạt được tâm thái cân bằng.
  3. “Hiệu ứng giết gà dọa khỉ”: Giữa hai nhóm 95% và 5% này gần như không có một khoảng cách nào, nên các cấp huyện đoàn Đảng ủy có quyền “chụp mũ” cho bất kỳ ai, đẩy những người từ nhóm 95% xuống nhóm 5%. Chính vì vậy mà những người trong nhóm 95% luôn cảm thấy không an toàn, luôn lo sợ sẽ bị đẩy vào nhóm 5% kia. Do vậy họ sẽ luôn cố gắng “tuân theo quy củ, không loạn ngôn loạn động” và công khai bài xích nhóm 5% để có thể giữ vững vị trí của mình. Đôi khi, ngay cả lãnh đạo tối cao quốc gia, chủ tịch nước, bí thư Đảng, những công thần của Đảng, lãnh đạo tỉnh, giáo sư đại học…. mà không phù hợp với tiếng nói chung của Đảng thì một ngày nào đó cũng có thể bị hạ bệ xuống nhóm 5%.
  1. “Hiệu ứng so sánh địa vị”: Khi hình thành “giai tầng tiện dân”, thì một nhóm công nhân và nông dân sẽ có thể tiến nhập lên địa vị cao hơn một chút. Giả sử là một người lao động phổ thông, vậy thì, khi đưa mắt nhìn xuống dưới mà so sánh, sẽ có thể hình thành một cảm giác hài lòng hơn hẳn; khi bắt nạt người khác có thể quên đi cảm giác ưu phiền dẫn đến mệt mỏi; mà thông qua phê bình đấu tranh lại hình thành một ý thức sợ hãi kỷ luật. Nhờ đó mà tâm thái của nhóm người này trở nên cân bằng, tự biết hài lòng với bản thân bất chấp sự mệt mỏi nghèo khó.

Thực tế là còn có một số nhóm người dù không phải là giai tầng tiện dân nhưng cũng bị đối xử tệ bạc không kém gì giai tầng này: nhóm phần tử trí thức bị liệt vào phần tử “phản hữu”; những người bị phê phán trong Cách mạng Văn hóa bị gọi là “xú lão cửu” hay “đối tượng bị cải tạo”; những binh sĩ, cảnh sát, nhân viên của chính phủ cũ; những người phát ngôn bất mãn với chính trị hay xã hội; kể cả những người mà thân phận không rõ ràng…

6. Kết cấu nhị nguyên thành thị – nông thôn

Thời bao cấp, cư dân có hộ khẩu ở thành thị có quan hệ lớn đến vấn đề lương thực thực phẩm. Liên quan đến thực phẩm là bởi mua hàng phải sử dụng các loại tem phiếu, như phiếu mua gạo, phiếu mua vải, phiếu mua thịt, phiếu mua dầu, phiếu mua xà phòng, phiếu mua củi, phiếu mua đường, phiếu mua thuốc lá… con số lên đến khoảng 80 loại phiếu khác nhau. Trên thị trường, những vật dụng sinh hoạt cơ bản không thể dùng tiền để mua, mà phải có tem phiếu, lượng hàng hóa cung ứng theo định lượng. Mỗi hộ gia đình ở thành thị sẽ được phát số tem phiếu nhất định.

Nông dân thì không có đặc quyền này, tức là không được phát tem phiếu. Do đó, nếu họ bỏ làng bỏ đất đi nơi khác thì không thể sinh tồn và gần như bị trói buộc tại nơi định cư. Nếu nông dân mà rời làng ra tỉnh, thì bị gọi là “lưu manh”, sau khi bị đưa trở lại quê cũ, sẽ bị công an địa phương bắt giữ để “cải tạo” và giấy phép “tạm trú” sẽ không được cấp nữa.

Ngược lại, người ở thành phố nếu không được phê chuẩn, cũng không được tùy ý di cư đi nơi khác (bởi vì tem phiếu do đơn vị ở địa khu này phân phối, sẽ không sử dụng được ở địa phương khác). Thành ra họ cũng bị trói buộc trong một đơn vị nhất định. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, các xí nghiệp và trường học đều thực hành quân đội hóa biên chế: “tổ chức quân sự hóa, hành động chiến đấu hóa, tư tưởng cách mạng hóa và lãnh đạo nhất nguyên hóa”, sự quản chế của bên trên đối với bên dưới do vậy mà càng trở nên cực đoan hơn.

Với ĐCSTQ mà nói, điều này có tác dụng lớn trong việc quản lý nhân khẩu lưu động, và cũng để hạn chế nguồn tin tức truyền miệng từ nơi này sang nơi khác, thuận tiện cho cơ quan truyền thông trung ương thỏa sức đưa thông tin một chiều.

7. Phân phối kiểu “cái nồi cơm lớn”

Về vấn đề kinh tế và thu nhập thì Đảng rao giảng cái gọi là “bình quân đẳng cấp”.

Theo mô hình kinh tế kế hoạch, việc phân phối tài sản xã hội cũng được hành chính hóa. Các cấp bậc quan chức chiểu theo nguyên tắc xây dựng kim tự tháp về thu nhập kinh tế thống nhất trên toàn quốc. Thu nhập kinh tế và đẳng cấp chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau. Quan càng lớn thì tiền càng nhiều, quan càng nhỏ thì tiền càng ít. Từ lịch sử Trung Quốc mà nói, sự kết hợp giữa quyền lực và tiền bạc xưa nay chưa từng chặt chẽ đến như vậy.

Theo lý thuyết này thì nếu ở cùng một đẳng cấp, cho dù tại khu vực nào trên toàn quốc, cơ bản là đều có mức thu nhập tương đồng.

Nhưng từ sự bất bình quân giữa các đẳng cấp khác nhau trong thời Mao Trạch Đông mà nói, thì xưa nay chưa từng phân hóa sâu sắc đến như vậy, ngay cả nếu so sánh với thời kỳ mở cửa hiện nay. Dưới thời đại của Mao Trạch Đông, chỉ xét đến tiền lương, thì sự chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất giữa các đẳng cấp khác nhau lên đến hơn 30 lần.

Hơn nữa, các khoản tiêu dùng cá nhân “hô biến” trở thành các chi phí công vô cùng lớn, còn chi phí mang đúng danh nghĩa cá nhân lại hết sức ít ỏi. Nói một cách khác thì quyền lực càng lớn, các khoản chi tiêu công hợp pháp càng lớn, mà những khoản chi này thực tế là dành cho mục đích cá nhân và gia đình.

Nói về phân hóa xã hội, những người giàu có bậc nhất Đại Lục thì gia sản lên đến hàng trăm triệu nhân dân tệ, có du thuyền riêng, có máy bay riêng… Còn một người công nhân phổ thông (tức là “giai cấp lãnh đạo”), thì tiền lương hàng tháng vào khoảng 30-40 nhân dân tệ, tiền tiết kiệm được vào khoảng 200 nhân dân tệ, thiết bị gia dụng sở hữu chỉ có một chiếc đèn pin.

Trong khi đất nước trải qua thời kỳ khó khăn, một nhóm cán bộ có thể bí mật tiến hành phân chia vài bao tải lương thực và nửa con lợn, số lượng thức ăn đủ để sinh tồn qua một nạn đói. Còn có những thành viên trong hợp tác xã mà cả gia đình bị đói mà không hề được phân chia chút lương thực nào. Trên lý thuyết thì cán bộ được phân chia nhiều hơn xã viên một bao gạo, nhưng chênh lệch thực tế thì không phải như vậy.

Trong xã hội Trung Quốc hiện nay, cuộc sống của người dân đã thay đổi nhiều, ai cũng có cơ hội trở nên giàu có. Nếu nói về chênh lệch giàu nghèo, thì người nghèo cũng có những giới hạn nhất định, không đến mức phải chết vì bị đói.

Tuy nhiên, rõ ràng là dù quá khứ hay hiện tại thì cũng không có cái gọi là bình quân đồng dạng mà Đảng rao giảng, vẫn có chênh lệch giàu nghèo. Nói đúng ra, thì trong quá khứ, khoảng cách giàu nghèo phân hóa rõ ràng hơn. Nhưng thời kỳ đó người dân ít bất bình hơn, bởi vì họ cũng biết ít thông tin hơn. Lượng thông tin tỷ lệ thuận với cấp bậc hành chính và thu nhập kinh tế. Người có quyền lực và thu nhập càng cao, thì càng được biết nhiều thông tin hơn (người dân phổ thông chỉ có thể đọc các loại báo tuyên truyền cũng như các báo cáo tình hình do đơn vị chỉ định, đó thực sự không phải là tin tức, chỉ là giáo dục tuyên truyền). Thêm nữa còn có vấn đề như ở phần trước đã đề cập đến, đó chính là sự không cân xứng thông tin “bên trên biết bên dưới, bên dưới không hề biết bên trên”. Lãnh đạo cấp càng cao thì càng có nhiều bí mật “cấp quốc gia” cần che giấu, không để dân thường được biết.

Có câu nói rằng: “Người giàu thường biết ai nghèo hơn mình, còn người nghèo không biết ai giàu hơn mình”. Do đó, cả người giàu và người nghèo đều tự cảm thấy đầy đủ sung túc. Nếu đưa cho người ta một cái gọi là “bình quân giàu nghèo”, thì người ta sẽ không bất bình vì cái gọi là phân hóa giàu nghèo nữa. Nhờ vậy, mà xã hội sẽ trở nên ổn định theo định hướng của Đảng.

Hơn nữa khi đó còn đề xuất cái gọi là tinh thần “không theo đuổi tiền”, sống đơn giản, ai mà tiêu nhiều tiền sẽ bị chụp mũ là “chạy theo lối sống của giai cấp tư sản”. Điều này cũng khiến Đảng trấn an lòng dân. Một quy tắc mà ai cũng được tiêm nhiễm vào đầu khi đó là “Vinh hoa phú quý là thuộc về giai cấp bên trên, còn gian khổ chất phác là từ bình dân phát sinh”.

8. Sùng bái cá nhân

Để làm điều này, ĐCSTQ huy động toàn bộ các lĩnh vực văn hóa (tin tức, nghệ thuật, giáo dục, lịch sử, triết học và khoa học xã hội) suốt thời gian dài nhắm vào hai chủ đề: thần thánh hóa một cá nhân này, và phỉ báng một cá nhân khác. Chẳng hạn như, mọi công lao đều quy về Mao Trạch Đông, mọi lỗi lầm sai trái đều đổ cho người khác gây nên.

Hình thức của sùng bái cá nhân cũng có nhiều kiểu, như “sáng thăm hỏi chiều báo cáo”, học theo lời Mao “sét đánh cũng bất động”, mỗi ngày đều học tập chính trị, sáng tác các ca khúc thì cả trăm bài đều ca ngợi Mao, sách giáo khoa tiểu học đến trung học đều ca tụng Mao, văn nghệ hay báo chí cũng ngập tràn những lời tán tụng… Thậm chí nhiều bài báo còn trích dẫn nhiều lời nói trong Mao Ngữ lục. Khi Mao ban hành một chỉ thị mới, các đơn vị sẽ khua chiêng gõ trống khắp nơi hô vang khẩu hiệu “bốn vĩ đại”.

“Mao Chủ tịch Ngữ lục” được coi là “chỉ thị tối cao”, vượt trên cả hiến pháp.

“Thân cha thân mẹ không bằng thân Mao Chủ tịch”, “Ba trung thành, bốn tuyệt đối”, “Học thuyết của Mao, một ngày không học đi xuống dốc, hai ngày không học phát sinh nhiều vấn đề, ba ngày không học không cách nào sống được”… khi tuyên truyền đều tiêm nhiễm vào đầu óc người dân những quan niệm này.

Khi trẻ bắt đầu đi học, chữ đầu tiên phải viết là: Mao Chủ tịch vạn tuế! Chữ tiếp theo là: Đảng Cộng sản vạn tuế! Viết tên của mình không phải chuyện quan trọng.

Các cơ quan ngôn luận còn được chỉ thị: “Sự thật cần phải vì chính trị mà phục vụ, lịch sử và tin tức, không được nói chân thực, chỉ nói những gì mang tính khuynh hướng.” Nếu như chỉ trích hay có ý kiến bất đồng với Mao, thì có thể tính là đại tội và liệt vào phần tử “phản cách mạng”.

Tất cả những điều này khiến trong đầu người dân Trung Quốc hình thành một suy nghĩ: Nếu như tôi sống khổ sở, gặp cảnh suy bại, thì chính là tại quan chức địa phương không làm tròn chức trách, hoặc là do thế lực phản động nước ngoài phá hoại. Nhưng với họ thì sẽ luôn có một “vị cứu tinh”, đó chính là Mao Chủ tịch…

(Hết)

Hồng Ngọc
(trithucvn.net)

114.864864865135.135135135250