21/12/2010 -

Suy tư, nghiên cứu

1838

 


 


 


Trong Mùa Giáng Sinh và đặc biệt ngày Lễ Thánh Gia Thất, (và với Giáo Hội Việt Nam là Bế Mạc Năm Thánh vào Lễ Hiển Linh), vấn đề giáo dục được nêu bật lên. Giáo dục Gia Đình luôn là vấn đề cấp bách,nhất là đối với tín hữu Công giáo. Những gì xảy ra trước mắt chúng ta, những trào lưu tư tưởng, những lối sống duy vật,thực dụng, những phong trào sống thác loạn, ích kỷ, thụ hưởng, đang ảnh hưởng mạnh mẽ lên giới trẻ,lên con cái chúng ta,khiến không ai khỏi lo lắng. Giáo Hội lo lắng và vận động mọi cách để các phụ huynh và những nhà hữu trách đạo đời ý thức tầm quan trọng của giáo dục gia đình, trong đó giáo dục giới tính,tình dục phải được lưu ý hàng đầu. Trong suy nghĩ đó,BTGH muốn giới thiệu lại TÀI LIỆU CỦA HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG vể SỰ THẬT VÀ Ý NGHĨA CỦA TÍNH DỤC CON NGƯỜI. Trước khi chờ đợi giới thiệu toàn văn tài liệu qúy giá nầy, BTGH chân thành cám ơn Cha Augustinô Nguyễn-văn-Trinh và sử dụng những đoạn được ngài công phu chọn lựa và chuyển ngữ.


 


SỰ THẬT VÀ Ý NGHĨA CỦA TÍNH DỤC CON NGƯỜI
NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG ĐỂ GIÚP GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH


(Tài liệu của Hội Ðồng Tư vấn giáo hoàng ban hành ngày 8.12.1996)


 


Tài liệu của Hội Ðồng Tư vấn giáo hoàng ban hành ngày 8.12.1996 với tựa đề bằng tiếng Pháp là : Vérité et signification de la sexualité humaine. Des orientations pour l’éducation en famille. (Sự thật và ý nghĩa của tính dục con người. Những định hướng để giúp giáo dục trong gia đình). Tài liệu được chia thành những phần như sau :


Chúng ta chỉ dịch những phần có liên quan đến giáo dục hôn nhân, đặc biệt là về tính dục mà thôi. Tức là chúng ta sẽ nhìn phần 1 : Ðược kêu gọi để yêu thương chân tình gồm các số 8 đến 15, phần II của tài liệu này nói đến đức khiết tịnh, gồm từ số 16 đến 25 và phần VI : những giai đoạn nhận thức gồm các số 77 đến 111.


 


















NHẬP ĐỀ



số 1 – 7



NỘI DUNG


I.                 Ðược kêu gọi để sống tình yêu chân thật


II.                Tình yêu chân thật và đức khiết tịnh


III.               Trong viễn ảnh của ơn gọi


IV.              Cha mẹ là những nhà giáo dục


V.               Hướng dẫn giáo dục trong gia đình


VI.              Các giai đoạn trong nhận thức


VII.            Ðường hướng thực hành



 


08-15


16-25


26-36


37-47


48-63


64-111


112-144



KẾT



145-150




Phần I :


ÐƯỢC KÊU GỌI ÐỂ YÊU THƯƠNG CHÂN TÌNH


Số 8 :


Con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa để yêu thương. Tân Ước mặc khải cho chúng ta rõ ràng chân lý này và liên kết chân lý này với mầu nhiệm của sự sống nội tại trong Thiên Chúa Ba Ngôi : “Thiên Chúa là tình thương (1 Ga 4,8) và nơi chính mình Người, Người đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng nhân tính của người năm và người nữ theo hình ảnh Người và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như cả khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống tình yêu thương và hiệp thông. Tình yêu thương là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi con người” (FC 11). Ý nghĩa trọn vẹn của sự tự do cá nhân và sự tự chủ xuất phát từ sự tự do đó, đều hướng vào sự ban tặng chính bản thân mình trong sự hiệp thông và tình bạn hữu với Thiên Chúa và với mọi kẻ khác.


TÌNH YÊU NHÂN BẢN ÐƯỢC XEM NHƯ LÀ SỰ BAN TẶNG CHÍNH BẢN THÂN


Số 9 :


Con người có khả năng để thực hiện một tình yêu cao hơn: không phải là tình yêu theo vật dục (concupiscence) chỉ biết nhìn đối tượng để thỏa mãn xung năng của mình, nhưng là một tình yêu bạn thiết và biết sẵn sàng hy sinh, có khả năng nhận biết và yêu con người vì chính họ. Ðó là một tình yêu quảng đại, giống với tình yêu của Thiên Chúa; con người muốn điều lành cho kẻ khác, bởi vì nhận ra kẻ khác đáng yêu thương. Ðó là tình yêu tạo nên hiệp thông giữa hai cá nhân, vì mỗi người nhìn cái thiện trong người khác như là của chính mình. Ðó là một sự ban tặng chính con người của mình cho người mình yêu, trong sự ban tặng đó sự thiện của chúng ta tỏ lộ và hiện thực trong sự hiệp thông giữa con người, qua đó con người học hỏi để hiểu giá trị của yêu và của được yêu.


Mọi người đều được mời gọi bước vào tình bạn chân tình và biết sẵn sàng hy sinh. Nhờ tình yêu của kẻ khác mà con người được giải thoát ra khỏi sự ích kỷ của mình : trước tiên là nhờ tình yêu của cha mẹ và của những người đảm nhận vai trò của cha mẹ và cuối cùng là của chính Thiên Chúa, nơi Người xuất phát mọi tình yêu chân thật và chỉ trong tình yêu này, con người khám phá ra được mình đã được yêu đến mức độ nào. Ðây là nguồn gốc cho sức lực giáo huấn Kitô giáo: “Con người được Thiên Chúa yêu thương ! Ðây là lời công bố rất đơn sơ, nhưng cũng rất đánh động mà Hội Thánh cần phải nói cho con người”. Như thế, chính Ðức Kitô đã tỏ lộ cho con người căn tính đích thực của mình : “Ðức Kitô, Ađam Mới, trong khi mặc khải về Chúa Cha và tình yêu của Người, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ” (GS 22).


Tình yêu do chính Ðức Kitô mặc khải “mà thánh Phaolô đã ca tụng bằng một thánh thi trong lá thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrinthô, chắc chắn là một tình yêu đòi buộc. Nhưng chính ngay trong điểm đó mà người ta thấy được vẻ đẹp của nó : trong thực tế là một tình yêu đòi buộc, tình yêu mới xây dựng điều thiện hảo của con người và chiếu tỏa sang mọi người khác”. Ðó là một tình yêu biết tôn trọng từng cá nhân và và nâng cao phẩm giá của họ, chỉ vì “tình yêu thực sự chân thật khi nó tạo điều thiện hảo cho cá nhân và cộng đoàn, khi tạo ra và trao ban cho mọi người khác”.


TÌNH YÊU VÀ TÍNH DỤC CON NGƯỜI


Số 10 :


Con người được mời gọi để yêu và để tự hiến trong sự thống nhất hồn xác. Phái nam và phái nữ là những hồng ân bổ sung cho nhau. Từ thực tế này, tính dục con người là phần căn bản của khả năng cụ thể để yêu mà Thiên Chúa đã đặt để trong người nam cũng như người nữ. “Tính dục là thành phần căn bản của cá tính, nó là một cách thức hiện hữu, cách thức tự thể hiện, giao tiếp với kẻ khác, cách thức cảm nghiệm, diễn tả và sống tình yêu nhân bản”. Khả năng yêu thương được xem như là tự hiến “nhập thể” trong nền tảng hôn nhân của thân xác, trong nền tảng đó, phái tính nam cũng như phái tính nữ nhận được sự xác định của mình. “Thân xác con người với giới tính nam nữ, nếu được nhìn từ mầu nhiệm sáng tạo, không những là nguồn của sung mãn và sinh sản như trong trật tự của toàn thể tự nhiên, nhưng được chứa chất “ngay tự ban đầu” đặc tính “phu thê”, có nghĩa là có khả năng diễn tả được tình yêu : trong tình yêu này, con người – cá nhân trở thành quà tặng và – qua quà tặng này – thực hiện được ý nghĩa của sự hiện hữu và bản chất của mình”. Mọi hình thức tình yêu đều mang dấu ấn phái tính nam nữ.


Số 11 :


Như thế, Tính Dục Của Con Người Là Một Ðiều Thiện Hảo : Ðó là một phần của quà tặng sáng tạo mà Thiên Chúa nhìn thấy là “tốt” khi Người dựng con người theo hình ảnh và giống Người và Người dựng nên con người “có nam có nữ” (St 1,27). Giới tính là con đường để con người đến gần kẻ khác và tự bộc lộ mình ra cho kẻ khác, và như thế mục đích chính của nó là tình yêu, nói rõ hơn, tình yêu như quà tặng và đón nhận, như cho và nhận. Tương quan giữa người nam và người nữ theo bản chất của nó là tương quan của tình yêu : “Tính dục phải được tình yêu định hướng, giáo dục và bổ túc, vì chỉ có tình yêu mới giúp cho tính dục mang tính nhân bản”. Khi một tình yêu như thế hiện thực trong hôn nhân, sẽ làm cho sự tự hiến qua thể xác nổi bật lên tính trao đổi và trọn vẹn của quà tặng; tình yêu vợ chồng trở thành một sức mạnh làm phong phú và giúp cho con người phát triển, đồng thời bồi dưỡng cho văn minh tình yêu; nhưng nếu ngược lại thì tính dục sẽ mất đi ý nghĩa và biểu hiệu quà tặng của mình, từ đó xuất phát một thứ văn minh của “đối tượng” chứ không phải văn minh của con người; trong thứ văn minh này con người bị sử dụng như người ta sử dụng các đồ vật. Trong khung của văn minh hưởng thụ nưgời nữ trở thành đối tượng sử dụng của đàn ông, con cái trở thành phiền toái cho cha mẹ.


Số 12 :


Trong lương tâm của Kitô hữu, đối với cha mẹ cũng như con cái, có một sự thật vĩ đại và một thức tế căn bản : đó là ân huệ của Thiên Chúa ; ân huệ mà Thiên Chúa đã tạo cho chúng ta khi dựng nên chúng ta để được sống và hiện hữu như người nam hay người nữ, trong một sự hiện hữu duy nhất với những khả năng vô tận trong việc phát triển tinh thần và luân lý : “Ðời sống con người được đón nhận như một quà tặng, để tới phiên mình tiếp tục được trao ban” (La vie humaine est un don recu pour être à son tour donné).”Có thể nói, quà tặng giúp cho thấy đặc tính đặc thù của sự hiện hữu cá nhân, hay rõ hơn, bản chất của chính cá nhân. Khi Ðức Chúa Yahvé phán : “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2,18) Chính Người xác nhận con người “đơn độc” không thể nào thể hiện trọn vẹn được bản chất của mình. Con người chỉ có thể thực hiện được, khi sống “với kẻ khác”, và rõ hơn là sống “cho kẻ khác”. Khi con người tự bộc lộ và tự ban tặng mình cho kẻ khác, tình yêu vợ chồng mang lấy hình thức tự hiến trọn vẹn đặc thù cho bậc sống này. Và cả ơn gọi sống đời tận hiến cho Chúa, “một hình thức vượt trổi để dễ dàng tận hiến cho Chúa bằng tình yêu trọn vẹn không chia sẻ”, để có thể phục vụ Người trong Hội Thánh cách tốt nhất, ơn gọi này cũng nhận được ý nghĩa của mình trong sự tự hiến được ân sủng của Chúa đỡ nâng. Trong mọi hoàn cảnh và bậc sống, việc tận hiến này còn kỳ diệu hơn nữa nhờ hoạt động của ân sủng cứu độ, nhờ ân sủng này mà chúng ta “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4) và được kêu gọi để sống hiệp thông tình yêu siêu nhiên với Thiên Chúa và mọi người. Các kitô làm cha làm mẹ, dù trong những hoàn cảnh tế nhị nhất, cũng đừng quên rằng ngay trong sâu thẩm của mọi lịch sử đời người cũng như của gia đình, vẫn luôn luôn có ân huệ của Chúa.


Số 13 :


“Bởi vì con người là một tinh thần nhập thể, nghĩa là một linh hồn biểu lộ trong một thân xác và là một thân xác được sinh động do một tinh thần bất tử, nên nó được mời gọi sống yêu thương trong toàn thể tính thống nhất của nó. Tình yêu thương cũng bao gồm cả thân xác con người và thân xác được dự phần vào tình yêu thương của tinh thần” (FC 11). Chúng ta phải đọc ý nghĩa liên vị của tính dục dưới ánh sáng của Mặc Khải kitô giáo : “Tính dục đặc thù hóa người nam và người nữ không những trên bình diện thể lý, nhưng cả về mặt tâm lý và tinh thần, ghi đậm dấu ấn trên mỗi nét của đời sống. Sự khác biệt này liên kết với việc hai phái tính bổ túc cho nhau, đáp ứng trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa theo như ơn gọi của từng người”.


TÌNH YÊU VỢ CHỒNG


Số 14 :


Khi tình yêu triển nở trong hôn nhân, nó vừa bao gồm tình bạn hữu vừa vượt trên tình bạn này. Tình yêu hiện thực giữa một người đàn ông và một người đàn bà, cả hai tận hiến cho nhau với trọn phái tính là nam và nữ, xây dựng một cộng đoàn cá nhân dựa trên khế ước hôn nhân. Ðây là cộng đoàn được Thiên Chúa muốn, để có thể đón nhận sự sống con người, sinh sản và giúp cho sự sống đó phát triển. Sự ban tặng tính dục chỉ thuộc về tình yêu này và duy chỉ tình yêu này mà thôi. “Tính dục ấy chỉ được thực hiện một cách nhân bản đích thực nếu nó là một thành phần làm nên tình yêu thương, trong đó người nam và người nữ dấn thân trọn vẹn cho nhau cho đến chết” (FC 11). Giáo lý toàn cầu nhắc nhở :”Theo ý định của Thiên Chúa, phái tính hướng về tình yêu vợ chồng. Trong hôn nhân, ái ân trở thành dấu chỉ và bảo đảm của sự hiệp thông tinh thần. Giữa hai tín hữu, dây liên kết hôn nhân được thánh hóa bằng bí tích” (2360).


TÌNH YÊU MỞ NGỎ CHO SỰ SỐNG


Số 15 :


Một dấu chứng rõ ràng nhất cho tính đích thực của tình yêu vợ chồng là sự mở ngỏ đón nhận sự sống : “Trong thực tế sâu xa nhất của nó, tình yêu thương vốn cốt yếu là ơn huệ, và tình yêu vợ chồng, khi đưa đôi bạn đến chỗ “biết” nhau làm cho họ trở thành “một xương một thịt”, nó không chấm dứt nơi hai người, nhưng nó làm cho họ có khả năng thực hiện được việc trao hiến lớn lao nhất, nhờ đó, họ trở nên những người cộng tác với Thiên Chúa để thông ban sự sống cho một nhân vị khác. Vì thế, khi hai vợ chồng trao hiến cho nhau thì cũng trao ban một hữu thể thực hữu vượt khỏi họ, tức là đứa con, dấu chỉ thường xuyên của sự hiệp nhất vợ chồng và là tổng hợp sống động và không thể phân chia của tư cách làm cha làm mẹ của họ” (FC 14). Khởi đầu từ sự hiệp thông tình yêu và sự sống này, đôi bạn đạt được sự phong phú nhân bản và tinh thần ; chính trong môi trường tích cực này, đôi bạn mới có khả năng giáo dục con cái về tình yêu và đức khiết tịnh.


Phần II :


TÌNH YÊU CHÂN THẬT VÀ ÐỨC KHIẾT TỊNH


Số 16


Tình yêu trinh khiết như tình yêu vợ chồng, như chúng ta sẽ nói sau, là hai hình thức qua đó ơn gọi của con người để yêu thương được thực hiện ; để có thể phát triển, cả hai đòi buộc mỗi người phải dấn thân sống khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình. Như quyển Giáo Lý toàn cầu dạy: “Tính dục chỉ có giá trị thực sự nhân linh khi được hội nhập vào tương quan giữa người với người, trong đó người nam và người nữ hiến thân cho nhau trọn vẹn và vĩnh viễn” (số 2337). Ðương nhiên việc tình yêu tăng triển, tức là khi thực sự là một tự hiến chính bản thân, đòi buộc phải có những kỷ luật về cảm nghiệm, đam mê và tình cảm giúp đạt được sự tự chủ. Con người chỉ có thể ban tặng những gì anh ta có : nếu như con người không làm chủ lấy bản thân – nhờ vào các nhân đức và cụ thể là đức khiết tịnh – sẽ không thể làm chủ bản thân mình thì làm sao có thể ban tặng chính mình được. Ðức khiết tịnh là sức mạnh tinh thần, giúp tình yêu khỏi bị sự ích kỷ và sự gây hấn ràng buộc. Ðức khiết tịnh càng giảm dần trong con người bao nhiêu, thì tình yêu của người đó càng gia tăng sự ích kỷ bấy nhiêu, có nghĩa là, tình yêu đó không còn là sự ban tặng chính bản thân, nhưng chỉ để thỏa mãn một khoái cảm.


ÐỨC KHIẾT TỊNH NHƯ BAN TẶNG CHÍNH BẢN THÂN (DON DE SOI)


Số 17 :
Ðức khiết tịnh là sự xác nhận phấn khởi của người biết sống sự ban tặng chính bản thân mình, hoàn toàn thoát khỏi mọi ràng buộc của ích kỷ. Ðiều này chỉ có thể có khi con người biết học chú ý đến kẻ khác, liên hệ với họ trong khi tôn trọng phẩm giá của họ trong sự khác biệt. Người giữ đức khiết tịnh không qui về mình, không có những tương quan ích kỷ với kẻ khác. Ðức khiết tịnh làm cho nhân phẩm được hài hòa, được chính muồi và được tràn đầy sự bình an nội tâm. Sự thanh khiết tinh thần và thể xác giúp cho chúng ta biết tôn trọng chính bản thân, đồng thời giúp chúng ta biết tôn trọng kẻ khác, chỉ vì nó giúp chúng ta nhận ra những con người đáng kính trọng vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và đã trở thành con cái Thiên Chúa nhờ ân sủng, được Ðức Kitô tái sinh, Ðấng đã gọi chúng ta ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2,9).


SỰ TỰ CHỦ


Số 18


“Ðức khiết tịnh đòi hỏi phải học biết tự chủ, để sống như một con người. Rõ ràng con người phải lựa chọn : hoặc chế ngự các đam mê và được bình an ; hoặc làm nô lệ chúng và trở nên bất hạnh” (GLTC 2339). Qua kinh nghiệm, mỗi người đều biết rằng, đức khiết tịnh đòi buộc phải từ bỏ những tư tưởng, lời nói và hành động mang tính chất tội lỗi mà Thánh Phaolô luôn nhắc nhớ chúng ta (x. Rm 1,18 ; 6,12-14 ; 1 Cr 6,9-11 ; 2 Cr 7,1 ; Gl 5, 16-23 ; Ep 4,17-24 ; 5,3-13 ; Cl 3,5-8; 1 Tx 4,1-18 ; 1 Tm 1,8-11 ; 4,12). Như thế cần có khả năng và thái độ tự chủ. Ðây là những dấu chỉ của sự tự do nội tâm, ý thức trách nhiệm với mình và với kẻ khác ; đồng thời cũng minh chứng con người đó có một lương tâm được đức tin giáo hóa. Sự tự chủ này đòi buộc con người phải tránh những cơ hội phạm tội và biết làm chủ những xung lực bản năng tự nhiên.


Số 19


Nếu như gia đình đã có nền giáo dục tốt đẹp và thường khuyến khích con cái thực tập những nhân đức, thì việc giáo dục đức khiết tịnh sẽ dễ dàng và sẽ không gặp xung khắc nội tâm, cả những khi người trẻ gặp phải những hoàn cảnh rất tế nhị.


Ðối với một số người phải sống trong môi trường mà đức khiết tịnh bị tấn công và xem thường, sống khiết tịnh được coi như là một cuộc đấu tranh quyết liệt, đôi khi mang tính chất anh hùng. Nhưng với ân sủng của Ðức Kitô, Ðấng tuôn đổ tình yêu của mình xuống trên Hội Thánh như Hiền Thê, mọi người có thể sống khiết tịnh, cả khi phải sống trong những môi trường không thuận lợi.


Như Công Ðồng Vaticanô II tuyên bố : mọi người đều được mời gọi để nên thánh , điều này giúp chúng ta hiểu rằng, dù trong đời sống độc thân hay trong bậc hôn nhân, hoàn cảnh nào cũng có những hành động anh hùng. Ðiều này xảy ra cho từng người, cách này hay cách khác, trong thời gian dài hay vắng. Ðời sống hôn nhân cũng là con đường vui tươi và đòi hỏi phải có sự thánh thiện.


ÐỨC KHIẾT TỊNH TRONG ÐỜI SỐNG HÔN NHÂN


Số 20


“Người có gia đình được mời gọi giữ đức khiết tịnh trong đời sống vợ chồng ; người độc thân giữ đức khiết tịnh khi sống tiết dục” (GLTC 2349). Cha mẹ biết rằng điều kiện hữu hiệu nhất cho việc giáo dục con cái sống tình yêu khiết tịnh và thánh thiện trong cuộc đời, đó là chính họ phải sống khiết tịnh trong đời sống hôn nhân. Có nghĩa là họ phải ý thức trong tình yêu của họ có tình yêu của Thiên Chúa hiện hữu và ý thức việc trao ban tính dục phải được thể hiện trong sự kính sợ Thiên Chúa và theo chương trình tình yêu của Người, với sự trung tín, tôn trọng và quảng đại đối với người phối ngẫu và đối với sự sống ; chỉ qua cách thức này hành động tính dục mới thực sự trở thành biểu tượng của “Caritas” (Tình Thương). Chính vì thế, ngay trong hôn nhân, người kitô hữu được mời gọi sống sự tận hiến này ngay trong liên hệ cá nhân của mình với Thiên Chúa – như là biểu tượng của đức tin và tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, cũng như với sự trung tín và sung mãn, đó là những điểm đặc thù của tình yêu Thiên Chúa.


Chỉ qua cách thức đó, con người mới có thể đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và chu toàn ý muốn của Người, mà các giới răn giúp chúng ta nhận ra. Không có tình yêu chân chính nào, trong hình thức cao đẹp nhất, mà lại không phải là tình yêu của Thiên Chúa. Yêu Chúa có nghĩa là tuân giữ lệnh truyền của Người: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15).


Số 21


Ðể sống đức khiết tịnh, đàn ông cũng như đàn bà đều phải luôn được Thánh Thần hướng dẫn. “Trung tâm của linh đạo hôn nhân… là đức khiết tịnh. Ðức khiết tịnh không những được xem như nhân đức luân lý do tình yêu tạo thành, nhưng còn là nhân đức được liên kết với ân sủng của Chúa Thánh Thần – trước nhất là với hồng ân kính sợ Thiên Chúa (donum pietatis) xuất phát từ chính Thiên Chúa. Như thế, trật tự nội tại của đời sống hôn nhân, cho phép triển nở các biểu hiện tình thương theo mẫu mực và ý nghĩa của nó, trật tự đó chính là hoa trái không những của nhân đức mà đôi vợ chồng thực tập, nhưng còn là hoa trái của hồng ân Chúa Thánh Thần, Ðấng mà họ được phép cộng tác.


Mặt khác, cha mẹ nào xác tín rằng qua chính đời sống khiết tịnh và cố gắng của mình, họ là chứng nhân của sự thánh thiện trong đời thường, đó cũng là tiền đề và điều kiện cho việc giáo dục của ho đối với con cái, họ phải xem mọi cuộc tấn công vào nhân đức và đức khiết tịnh của con cái họ đều là những xúc phạm đến chính đời sống đức tin của mình và là nguy cơ làm nghèo nàn đi đời sống hiệp thông sự sống và hồng ân của họ (x. Ep 6,12).


GIÁO DỤC ÐỨC KHIẾT TỊNH


Số 22


Giáo dục con cái để sống đức khiết tịnh cần phải đạt được 3 điểm sau :


a) phải gìn giữ trong gia đình bầu khí tích cực của tình yêu, đạo đức và biết tôn trọng hồng ân của Thiên Chúa, đặc biệt là hồng ân sự sống ;


b) dần dần giúp cho các em hiểu được giá trị của tính dục và khiết tịnh, khi nâng đỡ tuổi trưởng thành của họ lời nói, gương lành và cầu nguyện ;


c) giúp họ hiểu và khám phá ra ơn gọi cá nhân của mình cho hôn nhân hay cho đồng trinh tận hiến cho Nước Trời, bằng cách hài hòa xu hướng, tâm trạng và hồng ân riêng của Chúa Thánh Thần và luôn tôn trọng thiên hướng của họ.


Số 23


Các nhà giáo dục khác có thể hỗ trợ cho cha mẹ chu toàn trách vụ này, nhưng họ không thể thay thế vị trí của cha mẹ được, dù có lý do thể lý hay tâm lý nặng nề đi nữa. Về điểm này Huấn Quyền đã trình bày rõ ràng trong liên hệ toàn bộ giáo dục cho trẻ em: “Vai trò giáo dục của cha mẹ hết sức quan trọng, đến nỗi, nếu thiếu sót, thì khó lòng bổ khuyết được. Thực vậy, chính cha mẹ có trách nhiệm tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội. Do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể”. Giáo dục là bổn phận của cha mẹ, chỉ vì công trình giáo dục chỉ là việc tiếp tục sinh sản và là một sự ban tặng nhân tính, mà họ đã long trọng cam kết trong nghi thức hôn phối.


toàn bộ, đặc biệt trong những gì liên quan đến đức dục và đến ngành hội nhập xã hội là ngành rộng lớn. Sự bổ khuyết do đó làm cho tình cha và tình mẹ được trọn vẹn và tăng cường cho tính chất cơ bản của tình


“Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chủ yếu của con cái mình và họ cũng có một uy thế cơ bản trong lãnh vực này : họ là những nhà giáo dục bởi vì là cha mẹ. Họ chia sẻ sứ mạng giáo dục của họ với những người khác và những định chế khác, như Hội Thánh và Nhà Nước ; trong mọi trường hợp, phải làm sao để áp dụng cho đúng mức Nguyên Tắc Bổ Khuyết (principe de subsidiarité). Dựa theo nguyên tác này, mang lại cho cha mẹ một sự trợ giúp là điều chính đáng và thậm chí là một bổn phận, cho dầu vẫn phải tôn trọng lằn mức nội tại và không thể vượt qua đã được vạch ra di ưu thế của cha mẹ xét về quyền lợi và do những khả năng cụ thể của họ. Như vậy, nguyên tắc bổ khuyết là cốt để giúp cho tình yêu của cha mẹ bằng cách cùng góp phần vào thiện ích của hạt nhân gia đình. Thật ra, cha mẹ không đủ tầm cỡ để đơn phương đáp ứng tất cả những đòi buộc của trình tự giáo dục trong cha tình mẹ, bởi lẽ tất cả những người khác tham gia vào trình tự giáo dục đều chỉ có thể Hành Ðộng Nhân Danh Cha Mẹ và Với Sự Ưng Thuận Của Cha Mẹ và thậm chí trong một mức độ nào đó, Vì Họ Ðã Ðược Chính Cha Mẹ Giao Phó Cho Trọng Trách Này” (Thư Gia đình 16).


Số 24


Như Ðức Thánh Cha trong lá thư gởi cho gia đình trình bày , đặc biệt về vấn đề tính dục và tình yêu chân thật có khả năng tự hiến, đôi khi chủ đích giáo dục phải đấu tranh với thứ văn hóa theo hướng duy nghiệm: “Sự phát triển của nền văn minh đương thời gắn liền với tiến bộ khoa học và kỷ thuật, thường đạt được theo hướng một chiều và bởi đó mang những đặc tính thuần túy DUY NGHIỆM. Như mọi người biết, chủ trương duy nghiệm sản sinh những hoa trái như là thuyết Bất Khả Tri (agnosticismus) trong các lãnh vực lý thuyết và thuyết Duy Lợi Ích (utilitarismus) trong các lãnh vực luân lý và thực hành… Thuyết Duy Lợi Ích là một nền văn minh sản xuất và hưởng thụ, một nền văn minh của các “sự vật” chớ không phải của các “ngôi vị”, một nền văn minh trong đó những ngôi vị bị sử dụng như thể người ta sử dụng những sự vật… Ðể xác tín điều này, chỉ cần xem xét một số chương trình giáo dục phái tính được đưa vào trong các nhà trường thường bất chấp ý kiến trái ngược và thậm chí bất cập những phản đối của rất nhiều phụ huynh” (Thư GÐ 13).


Trong những hoàn cảnh như thế, cha mẹ cần xem lại giáo huấn của Hội Thánh và nhờ sự trợ lực của Hội Thánh, nắm lại trách nhiệm của mình ; và nơi nào cần thiết và thấy có ích lợi, phụ huynh phải liên kết với nhau, đưa ra đường hướng giáo dục nhằm đề cao giá trị con người và tình yêu kitô giáo và qua những vị trí rõ rệt, họ có thể thắng được lý thuyết Duy lợi ích về mặt đạo đức. Ðể cho việc giáo dục thích ứng với những đòi hỏi khách quan của tình yêu chân chính, cha mẹ phải đảm nhận với chính trách nhiệm của mình một cách tự do.


Số 25 : Về vấn đề chuẩn bị cho bậc hôn nhân, huấn quyền nhắc nhớ rằng trách nhiệm giáo dục này trước tiên phải là chuyện của gia đình. “Những thay đổi dồn dập trong lòng hầu hết các xã hội tân tiến đòi hỏi không những gia đình mà cả xã hội và Hội Thánh đều phải dấn thân vào nỗ lực chuẩn bị tương xứng cho các bạn trẻ, để họ có thể cáng đáng các trách nhiệm trong tương lai của họ” (FC 66).


Chính vì điều này mà việc giáo dục trong gia đình lại càng mang nhiều ý nghĩa ngay khi các em còn trong tuổi ngây thơ: “Việc chuẩn bị xa bắt đầu từ khi còn thơ ấu ; khoa sư phạm khôn ngoan của gia đình phải nhằm đưa đứa trẻ tới chỗ khám phá ra rằng mình được phú ban một tâm lý vừa phong phú, vừa phức tạp ; được phú ban một nhân cách đặc thù, với những sức mạnh cũng như những yếu đuối riêng của mình” (FC 66).


Chúng ta vào phần VI bao gồm các số từ 64 đến 111. Phần này nói về Các Giai Ðoạn Hiểu Biết ; chúng ta sẽ không dịch hết, nhưng chi duyệt sơ qua 4 điểm hướng dẫn và đi thẳng vào các Giai Ðoạn Chính Trong Quá Trình Phát Triển Của Trẻ Em. Ðây là phần cho các phụ huynh hơn.


Tài liệu đưa ra 4 nguyên tắc hướng dẫn về vấn đề tính dục :


1. Mỗi em bé là một cá nhân duy nhất và sẽ không có bản sao. Vì thế, mỗi em cần được giáo dục thích ứng tùy từng em (số 65).


2. Chiều kích luân lý là một phần giáo dục cần được giải thích (số 68).


3. Giáo dục đức khiết tịnh và những hướng dẫn cần thiết về tính dục cần phải nằm trong khung của giáo dục tình yêu (số 70).


4. Cha mẹ phải hướng dấn vấn đề này hết sức tế nhị, nhưng rõ ràng và váo đúng lúc cần thiết (số 75).


(còn tiếp một kỳ)

114.864864865135.135135135250