16/01/2017 -

Suy tư, nghiên cứu

2806
Đám tiệc phải nhậu, vui nhậu, buồn nhậu, không vui không buồn cũng nhậu. Nhậu nhẹt đã trở thành một “phong trào” rầm rộ ở miền Tây Nam bộ! Và phía sau các trận nhậu là những hệ lụy đắng lòng.


Nhậu “trên từng cây số”

Mới hừng đông sáng mà Tư T. cùng 2 “chiến hữu” Tám B., Chín S. ở ấp An Hòa, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã chiếm cứ khoảng sân trước cổng một khu vườn vắng chủ để bày trận nhậu, 3 người ngồi 3 góc giống như…3 ông Táo. Khoảng 7 giờ, người qua đường nghe T. lè nhè bảo mấy “chiến hữu”: “Tụi bây ăn đi, nhậu là phải ăn mồi, tụi bây nhậu không ăn thì đau bao tử chết, rồi tao nhậu với ai ?”. Nghe Tư T. nói vậy, tôi tò mò bước sang nhìn vào mâm nhậu xem mấy ông “đệ tử lưu linh” uống rượu với món gì. Trời ạ! Trên mâm nhậu bày sơ sài bằng tấm lá chuối tươi trải dưới đất, chỉ có 2 trái me, 1 trái xoài xanh đã bị cắn lam nham, nhúm muối trắng và chai rượu đế 1 lít đã vơi gần hết, vậy mà Tư T. một mực ép “chiến hữu” phải ăn vì sợ…đau bao tử. Anh Ba Đực, một người dân ở đây, nói: “Ngày nào tụi nó cũng nhậu từ sáng sớm, đến 8 giờ là giải tán, đường ai nấy đi. Anh khuyên can, nhắc nhở hoài mà tụi nó đâu có nghe, cứ nhậu miết như vậy, không còn sức lực để làm việc gì phụ giúp gia đình. Mà không biết vô công rỗi nghề như tụi nó thì lấy đâu ra tiền để ngày ngày mua rượu uống”.


…không đám tiệc, không có việc gì cũng bày mâm lai rai.
Ngược xuôi nhiều năm ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, tôi đã chứng kiến (và nhiều lúc phải tham gia) những trận nhậu kỳ cục. Tôi có anh bạn công tác tại một cơ quan cấp tỉnh ở Tiền Giang. Lần đó, không biết bị sếp mắng chuyện gì mà anh ta một mình ra quán nhậu bình dân gần cơ quan kêu 2 trứng vịt lộn cùng 2 xị rượu đế. Uống rượu một mình để giải sầu, nhưng anh bạn tôi vẫn làm “đúng bài bản” như có người đối ẩm: tợp xong nửa ly rượu là anh ta để qua phía đối diện trống không, nói “tới mày đó”, lát sau lại lấy ly về uống hết. Uống hơn 1 xị rượu, bất ngờ những người trong quán nghe anh ta lớn tiếng chửi thề, rồi nói: “Mới uống xong, sao bây giờ tới vòng nữa? Uống rượu đừng có ăn gian chớ”. Hóa ra, anh ta quên là đang nhậu một mình, cứ tưởng bị bạn nhậu ăn gian, nên la lối um sùm, khiến cả quán cười nghiêng ngửa. Từ đó anh bạn tôi chết danh “nhậu một mình cũng ăn gian”. Lần khác, trong chuyến công tác ở Vĩnh Long, tôi gặp lại mấy người bạn chí cốt. Anh em tay bắt mặt mừng và mấy ông “thổ địa” buộc tôi phải cùng họ làm một trận “không say không về”. Trận nhậu bắt đầu từ 10 giờ sáng, chán quán này thì dời quân qua quán khác nhậu tiếp, bia- rượu chảy như suối. Ở quán nhậu cuối cùng, khi các em phục vụ ra nói: “Mấy anh ơi, mấy anh làm ơn ra về để tụi em đóng cửa quán nghỉ ngơi” thì tôi nhìn đồng hồ thấy đã hơn 3 giờ sáng hôm sau. Ngủ chưa tròn giấc, mới 8 giờ sáng thì mấy anh bạn lại đến đập cửa phòng khách sạn ầm ầm, gọi đi ăn sáng. Tôi mắt nhắm mắt mở, sật sừ lên xe đi theo bạn, chẳng ngờ họ lại đưa tôi đến đúng quán nhậu vừa ra về lúc hơn 3 giờ sáng. Chưa kịp trở tay, mấy em phục vụ đã tíu tít bày ra 1 bàn nhậu mới, cười tủm tỉm, nói: “Trời ơi, biết nhậu sớm như vầy thì hồi đêm tụi em đã nói mấy anh ở lại quán nhậu luôn tới sáng cho rồi”. Hậu quả của trận nhậu này khiến tôi phải cáo bệnh, xin cơ quan cho nghỉ 1 ngày để dưỡng sức. Nhưng chuyện tôi ngán nhất là đi công tác xuống các xã vùng sâu, vùng xa. Thật tình mà nói, anh em cán bộ địa phương và bà con nông dân rất hiếu khách, nhưng có một quy định “bất thành văn” là không nhậu không thể lấy thông tin. Có những vị chủ tịch xã, những bác nông dân còn nói thẳng: “Không uống vài ly thì đừng hòng nói gì cho viết báo”, vậy là buộc phải lai rai, nhiều khi lấy đủ thông tin để viết báo thì đã say quắc cần câu.

Những hậu quả đau lòng từ nhậu

Trở lại chuyện Tư T., hôm đầu tháng 3 về quê tôi nghe anh Ba Đực thông báo: “Thằng Tư T. mới chết rồi, chết vì ung thư gan giai đoạn cuối. Hai chiến hữu của nó là Tám B., Chín S. thì vẫn uống rượu đều đều, nhưng chắc không còn lâu”. Nhưng ra đi thanh thản như Tư T. cũng còn may, bởi lâu nay ở miền Tây có hàng ngàn chuyện bi thảm phía sau những cuộc nhậu. Cuối tháng 2/2016, anh Nguyễn Ngọc Th. ngụ xã Long Hưng (huyện Châu Thành, Tiền Giang) đi hát karaoke với bạn thì bị 2 tên côn đồ có rượu trong người đâm chết chỉ vì anh Th. nói chuyện với bạn lớn tiếng, làm những kẻ giết người thấy ngứa mắt. Cuối tháng 1/2016, Dương Triệu Hiếu (ngụ xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, Tiền Giang) mới 33 tuổi nhưng nổi tiếng mê nhậu hơn lo làm ăn, trong cơn say đã dùng cây rượt đánh con gái ruột 8 tuổi đến gãy tay, bất chấp sự can ngăn của xóm giềng. Trước đó, ở phường 2 TP Tân An (Long An) tên Thái Văn An (SN 1989) sau khi nhậu say về nhà thì thấy cha ruột là Thái Văn Hùng đang nhậu ở nhà hàng xóm. Cho rằng cha ruột và hàng xóm “khi dễ” không mời hắn nhậu chung, tên An vào nhà xách lưỡi lê qua tiệc nhậu đâm trọng thương cha mình và 1 người khác. Khi lực lượng công an đến hiện trường, tên này liên tục mắng chửi và chống cự khiến lực lượng làm nhiệm vụ phải áp dụng biện pháp mạnh mới bắt được hắn. Cũng trong tháng 2/2016, ở xã Lương Hòa (huyện Bến Lức, Long An) 2 bạn nhậu chí cốt là ông Nguyễn Văn Đ. và Huỳnh Văn D. đã tử vong ngay trên bàn nhậu sau khi cả 2 tổ chức thi uống rượu tay đôi từ sáng đến xế chiều. Gần đây, vào ngày 4/3/2016 ông Nguyễn Văn Hai (SN 1967, ngụ xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, Long An) được đưa vào bệnh viện Long An cấp cứu vì suy nhược cơ thể do uống rượu triền miên lâu ngày. Các bác sĩ xác định ông Hai có biểu hiện loạn thần do nghiện rượu, nhưng chưa kịp chuyển sang điều trị chuyên khoa thì chiều ngày 9/3 ông này đã nhảy từ lầu 5 xuống đất tự tử. Rất may là khi rơi xuống đất, ông Hai vướng vào phần mái tôn ở lầu 2 nên chỉ bị thương phần xương chậu, nếu rơi thẳng xuống nền xi măng thì không biết ra sao nữa?

Ở miền Tây Nam bộ, lâu nay nhậu nhẹt đã trở thành một “phong trào”. Vui nhậu, buồn nhậu, không vui không buồn cũng nhậu, không tính tiệc nhậu đám giỗ, đám cưới, đám tân gia, đám sinh nhật... kể cả đám tang. Bây giờ từ thành thị đến thôn quê đi tới đâu cũng thấy quán nhậu mọc lên như nấm sau mưa. Chỉ tính riêng tại một thành phố nhỏ như Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), thống kê của ngành thuế cho thấy có gần 700 quán nhậu lớn nhỏ và dịch vụ ăn nhậu chiếm một phần khá lớn trong thu nộp ngân sách. Vậy thì khắp 13 tỉnh thành ở ĐBSCL có bao nhiêu quán nhậu, có bao nhiêu người ngày ngày uống rượu và bao nhiêu ngàn lít rượu, lít bia được tiêu thụ mỗi ngày, hầu như chưa thể có con số thống kê chính xác. Chỉ biết rằng, tiền bạc, thời gian đổ vào các quán nhậu là không nhỏ và chưa có địa phương nào tìm được giải pháp khả thi để ngăn chặn chuyện nhậu nhẹt triền miên, cho dù nhiều nơi đã ra chỉ thị cấm cán bộ, viên chức nhậu nhẹt trong giờ hành chính. Một chuyện rất đáng lưu ý là hiện nay nhậu nhẹt không còn là đặc quyền của đàn ông mà các chị, các bà đã xuất hiện ngày càng nhiều tại các quán nhậu. Họ cũng hò hét “1,2,3… dzô trăm phần trăm” rồi cụng ly rôm rốp không thua kém cánh đàn ông, cũng say xỉn nói năng chửi thề lè nhè, ói mửa ầm ầm không khác gì những “đệ tử lưu linh” chính hiệu. Phải chăng, đó là mặt trái của vấn đề bình đẳng giới?.

PHẠM ANH (Tạp chí Nông thôn Việt)
114.864864865135.135135135250