13/07/2016 -

Suy tư, nghiên cứu

1175
Mặc cho việc đã được hợp nhất với Anh quốc từ năm 1707 và cho đến nay vẫn là một phần của Liên Hiệp Anh (United Kingdom), Scotland đã luôn là một vùng lãnh thổ có hệ thống pháp luật của riêng họ với một nền tảng tư duy pháp lý rất có bản sắc – mang nhiều đặc tính của hệ thống Pháp Luật Châu Âu Lục Địa (Civil Law) hơn là của hệ thống Thông Luật (Common Law) truyền thống của Anh quốc.

Scotland đã từng là một quốc gia có chủ quyền độc lập và đã có những giai đoạn giai dẳng đấu tranh đẫm máu cho sự độc lập này trước thế lực nằm cùng đảo Anh (Great Britain island) là Anh quốc.

Năm 1603, vị vua của Scotland là vua James VI trở thành người nối ngôi vương triều Anh quốc vì có quan hệ huyết thống với vương triều Anh. Việc nối ngôi này dẫn đến một sự hòa hợp khá gượng ép của hai vương triều Scotland và Anh quốc.

Sự hòa hợp gượng ép này 100 năm sau đó dẫn đến sự hợp nhất một cách tương đối hòa bình của hai nước Scotland và Anh quốc thành Vương quốc Anh (Kingdom of Great Britain) vào năm 1707. Sự hòa hợp này được thể chế hóa bằng pháp luật qua các đạo luật Hòa Hợp (Acts of Union) được cả hai quốc hội Anh và quốc hội Scotland thống nhất thông qua.


Các đạo luật hợp nhất được trình lên cho Nữ hoàng Anne của Anh quốc.
Chung đường biên giới dưới sự kiểm soát của một vương triều và sau đó là một chính quyền Liên Hiệp Anh (United Kingdom), Scotland vẫn gìn giữ được một số sự độc lập nhất định về bản sắc, phong tục và đặc biệt là luật pháp.

Không chỉ bảo toàn được bản sắc, phong tục và luật pháp của mình, người Scotland cũng đặc biệt tích cực trong việc đóng góp vào sự phát triển văn hóa, kinh tế và thương mại của khối Liên Hiệp Anh.

Thời kỳ đỉnh cao của các đóng góp này là vào giai đoạn nay được gọi là thời kỳ Khai Sáng tại Scotland (Scottish Enlightenment) thế kỷ 18 khi nước này có một loạt những anh tài đóng góp trí thức và khoa học cho thế giới, tiêu biểu có các triết gia Francis Hutcheson và David Hume, nhà kinh tế học Adam Smith, nhà sử học James Mill (cha của nhà triết học Anh John Stuart Mill).

Trong cuốn sách “Người Scotland đã sáng tạo ra thế giới hiện đại như thế nào” (How the Scots Invented the Modern World), nhà sử học người Mỹ Arthur Herman đã tường thuật lại một cách chi tiết và hào hứng cách mà người Scotland mang lại những đóng góp quan trọng cho thế giới trong khi vẫn gìn giữ được sự độc lập văn hóa và pháp luật của họ.
Trích đoạn “Người Scotland đã sáng tạo ra thế giới hiện đại như thế nào”
(How the Scots Invented the Modern World) – Arthur Herman (Three Rivers Press 2001):

“… Năm 1712, chỉ một năm sau khi triết gia Francis Hutcheson đến Glasgow, một cậu bé mười sáu tuổi tên là Harry Home [sau này là một thẩm phán và triết gia nổi tiếng – ND] cũng vừa tới Edinburgh để bắt đầu học luật tại các văn phòng của John Dickson, một người làm nghề gọi là ấn chương tác gia (writer of the Signet) hay gọi theo cách của người Anh thì là luật sư tư vấn (solicitor). Sự khác biệt ở đây không chỉ là về mặt thuật ngữ, nó phản ánh sự khác biệt thật sự giữa hai hệ thống pháp luật của hai nước, và cà sự khác biệt giữa tâm thế của những người học và làm luật trong hai hê thống.

Luật Scotland đã luôn phát triển theo cách rất khác luật Anh quốc. Cả hai luật có khởi điểm gần cùng thời gian với nhau, vào thế kỷ thứ 12 và thế kỷ thứ 13. Nhưng theo dòng thời gian, quan điểm của các luật sư và thẩm phán người Anh ngày càng trở nên biệt lập. Họ tìm cách giải quyết gần như tất cả các loại tranh chấp bằng cách tìm kiếm trong phong tục và án lệ từ quá khứ của chính họ – vì thế nên mới có tên Thông Luật (common law) có nghĩa là luật thông tục trong lãnh thổ vương quốc Anh.

Người Scotland thì khác. Họ học được cách tìm các nguồn tham khảo rộng rãi hơn cho các nguyên tắc pháp lý nền tảng của họ, bao gồm cả luật La Mã của hệ thống luật lục địa (civil law). Người Scotland nghiên cứu các học giả pháp lý thời trung cổ, những học giả luật lục địa vĩ đại vốn đã luôn bận rộn tìm cách làm sống lại di sản của người La Mã tại Châu Âu lục địa.

Vì thế, tới thời John Knox [nhà thần học sống vào khoảng nửa sau thế kỷ 16 – ND], luật Scotland trông giống luật của Pháp hoặc Ý hơn là luật của người hàng xóm phương nam. Thật sự là có nhiều luật sư người Scotland vào giai đoạn thế kỷ 17 đến Pháp để hoàn thành việc học luật của họ thành vì đến Anh bởi vì các nguyên lý pháp luật của Anh quốc rất ít có nghĩa hoặc là hoàn toàn vô nghĩa trong tâm trí người Scotland.

Trong mắt người Mỹ, hai hệ thống Anh và Scotland có thể trông như nhau. Để đưa một vụ việc ra tòa, một người phải thuê luật sư tư vấn (tại Scotland là ấn chương tác gia), người luật sư này theo đó tìm một luật sư tranh tụng (barrister) (tại Scotland là trạng sư – advocate) để trình bày vụ việc của thân chủ trước một thẩm phán. Nhưng sự tương đồng chỉ đến mức đó mà thôi.

Trong hệ thống Scotland, mối quan hệ giữa bên nguyên và bên bị không chỉ đơn giản là một mối quan hệ đối địch. Bên công tố không có bài phát biểu mở màn (hoặc cũng có thể hiện là đọc lại bản cáo trạng tại Việt Nam – opening statement); bằng chứng chống lại bên bị phải tự thân nó đã có giá trị. Thẩm phán và bồi thẩm đoàn (trong thời của Harry Home thì vẫn chưa có hình thức bồi thẩm cho các phiên tòa dân sự) có những trách nhiệm rất to lớn. Không như trong hệ thống Anh và Mỹ, một thẩm phán trong hệ thống Scotland không chỉ hỏi bằng chứng đang có chứng minh được gì. Ông ta phải dám đặt ra những câu hỏi quan trọng như: Chuyện gì đã thực sự xảy ra?

Quyết định của một thẩm phán trong hệ thống Scotland dù là trong vụ việc dân sự hay hình sự không chỉ giới hạn tầm nhìn vào dự kiện của vụ việc mà phải chỉ ra được những nguyên tắc hàm ẩn về sự công bằng (fairness) và về sự công bình (equity) là mấu chốt của vụ việc. Người thẩm phán được dẫn dắt không phải bởi án lệ mà bởi tư duy duy lý thế nên luật La Mã mới trở thành quan trọng trong một vai trò mà các nhà bình luận sau này gọi là “tư duy duy lý thành văn” (written reason).

Ngay từ thời Trung Cổ, thật sự là các bộ óc pháp lý của Scotland đã dựa rất nhiều vào luật La Mã để lấp các khoảng trống trong luật pháp của họ. Các thẩm phán trong Tòa Tối Cao Scotland (Court of Session) còn được chỉ định là các nguyên lão nghị viên (senator), như thể họ là những người kế thừa Viện Nguyên Lão – cơ quan lập pháp và tư pháp trong hệ thống La Mã cổ đại.

Vị giáo sư luật Scotland đầu tiên của trường đại học Edinburgh, Alexander Bayne, đã giải thích rằng “Chúng ta xem rằng luật La Mã, vốn không khác biệt với luật thành văn và thông tục của chúng ta, như một phần luật của chúng ta.” Sau này, trong vai trò một thẩm phán ưu tú, Harry Home đã đồng ý với nhận định đó. Ông viết “Luật của chúng ta mọc lên từ luật của thành La Mã cổ.”

Luật La Mã, vốn nổi tiếng với những nguyên lý công bình (equitable rules) của nó, đã tạo không gian cho việc tư duy sắc bén. Nó bắt một thẩm phán phải suy nghĩ độc lập thay vì lo lắng quá nhiều về việc các thẩm phán khác đã nói gì trong quá khứ. Nó cũng dạy một bài học vô giá vốn được hình thành một cách chắc chắn trong tư duy pháp lý Scotland: không ai, ngay cả vị quân chủ, có thể đứng trên luật pháp.

Thể chế Scotland duy nhất còn lại không bị ảnh hưởng bởi các đạo luật hợp nhất năm 1707, bên cạnh hệ thống nhà thờ và các trường đại học, chính là hệ thống pháp luật Scotland. Tòa nhà Quốc hội Scotland vốn trước đây là tổng hành dinh của chính quyền tự chủ, bây giờ là tổng hành dinh của hệ thống các tòa án.

Khi cậu thiếu niên Harry Home tới tòa nhà Quốc hội Scotland lần đầu tiên, chắc hẳn cậu bé đã được thấy các thẩm phán đi tới đi lui giữa các phòng tòa trong những bộ áo choàng lộng lẫy bằng lua màu hạt dẻ (thiết kế giống với kiểu áo choàng đỏ của thẩm phán tại Pháp), các nhóm ủy quyền viên (attorney) và khâm sai (bailiff) đưa thân chủ tới tòa, và chắc là cậu bé đã được nghe những tiếng rao từ những người bán hàng rao bán đồ hàng của họ từ các sạp trên những con đường và con hẻm gần tòa nhà. Nơi đó sẽ là tâm điểm của thế giới đối với cậu bé. Suốt phần đời còn lại, cậu ta sống chỉ cách tòa nhà Quốc hội vài dãy nhà.

Tập sự với một ấn chương tác gia (được gọi thế vì họ hay dùng nhẫn có dấu ấn chương [signet] để đóng dấu công chứng giấy tờ) là một cách thông thường để bắt đầu học nghề luật. Làm việc cho Dickson, Home được đắm mình trong những vấn đề pháp lý phức tạp từ những vụ mua bán và chuyển nhượng đất đai và từ công tác xác lập sở hữu gia truyền.

Chắc là Home đã phải dành hàng giờ để trở nên thành thục với các quy định cổ lỗ sỹ và với từ vựng trong hệ thống đất đai Scotland từ thời phong kiến vốn là một hỗn hợp tiếng Pháp vùng Normandy, tiếng Anh trung cổ và tiếng Scotland. Đầu tiên là đủ các thể loại sở hữu như ward, feu, blench, bur-gages hay mortification. Sau đó là các thể loại nghĩa vụ với chủ đất: bonds, contracts, tacks (một dạng hợp đồng thuê đất), wadsets (hay là vay cầm cố – mortgages), venditions, và bills of bottomry.

Việc sở hữu, mua bán và cho thuê đất cũng như tài sản lúc đó đang phát triển. Việc này vừa chồng lấp vừa thách thức lên những hình thức sở hữu và sang nhượng cũ. Ai đúng đắn hơn? Người sở hữu đất theo chế độ cũ hay người sở hữu theo chế độ mới? Đó là câu hỏi sẽ luôn đeo bám Home về sau và ông chắc hẳn đã không thể trả lời nó mà không có những kinh nghiệm thực tập từ trước tại các văn phòng của Dickson…”
Tìm đọc:
- Sách “Người Scotland đã sáng tạo ra thế giới hiện đại như thế nào” (How the Scots Invented the Modern World) của Arthur Herman trên Amazon
- “Hai hệ thống pháp luật Common Law và Civil Law” – Nguyễn Minh Tuấn
- “Luật La Mã trong sự hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa” – Nguyễn Văn Nam
- “Luật La Mã tại Scotland” – William Gordon (Tiếng Anh)
- “Vài So sánh Civil Law và Common Law” –  Joseph Dainow (Tiếng Anh)

luatkhoa.org
114.864864865135.135135135250