14/04/2017 -

Suy tư, nghiên cứu

1449
“Nếu tiêu chuẩn về chức danh thấp sẽ dẫn đến thầy không tốt, thầy không tốt sẽ dẫn đến trò dởm, trò dởm sẽ trở thành thầy còn dởm hơn nữa”, GS.TSKH Ngô Việt Trung, Viện Toán học cho hay.
GS, PGS đông như kiến!

Số liệu giáo sư và phó giáo sư đã được công nhận ở nước ta từ năm 2011 - 2016 và Tổng số GS, PGS đã được công nhận ở nước ta từ năm 1980 - 2015 (Nguồn: Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước) - Đồ họa: N.KH. Theo Báo Tuổi trẻ

Vừa qua Bộ GD&ĐT đã đưa ra dự thảo Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Bản dự thảo có một số thay đổi quan trọng so với Quy định cũ được ban hành năm 2008.

Tuy nhiên, bản dự thảo này lại khiến nhiều người thất vọng về những tiêu chuẩn quá thấp và những quy định cứng nhắc.

Liên quan đến vấn đề này, GS. TSKH Ngô Việt Trung, Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội) cho hay: “Bản dự thảo về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư mới chỉ nâng cao các tiêu chuẩn hình thức về nghiên cứu và đào tạo mà quên mất tiêu chuẩn cốt lõi về trình độ chuyên môn.

Chính những điều này đã và sẽ phá hoại lâu dài nền giáo dục Việt Nam.

Theo tôi để xét trình độ chuyên môn của một nhà khoa học, cần xem danh mục công bố khoa học của họ và hơn thế nữa là xem họ công bố ở đâu.

Thế nhưng tiêu chuẩn tối thiểu cho chức danh PGS hay GS chỉ là công bố được ít nhất một (hay hai) bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI, Scopus đã được toàn thế giới công nhận.

Có thể thấy tiêu chuẩn này quá thấp, mọi người chỉ cần biết rằng là theo thông lệ quốc tế, luận án tiến sĩ cần phải có ít nhất hai bài báo khoa học đăng trên các tạp chí ISI/Scopus.

Thế mà học vị tiến sĩ mới chỉ là bằng cấp công nhận ai đó có đủ trình độ nghiên cứu độc lập, còn xa mới có thể có chức danh phó giáo sư. Có thể ví người có học vị tiến sĩ là người mới có trình độ vỡ lòng trên con đường làm khoa học, còn người có chức danh phó giáo sư là người làm thầy dạy học.

Người chỉ có trình độ vỡ lòng sao có thể đi dạy học cho người khác được. Nhiều đồng nghiệp của tôi nói rằng tiêu chuẩn trên là một nỗi hổ thẹn cho nền giáo dục Việt Nam”.


GS. TSKH Ngô Việt Trung, Viện Toán học

GS. TSKH Ngô Việt Trung cũng cho biết thêm: “Nhiều người thường hay viện cớ nền khoa học và giáo dục Việt Nam còn thấp nên chỉ cần tiêu chuẩn thấp thôi. Nếu tiêu chuẩn thấp sẽ dẫn đến thầy không tốt, thầy không tốt sẽ dẫn đến trò dởm, trò dởm sẽ trở thành thầy còn dởm hơn nữa.

Sau vài thế hệ sẽ chẳng còn ai tin vào chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam nữa. Vì vậy việc đầu tiên cần làm nâng tiêu chuẩn tối thiểu cho chức danh GS/PGS lên trên thông lệ quốc tế cho luận án tiến sĩ.

Theo tôi nghĩ quy định mới không nên tính điểm cho việc viết sách vì những hệ lụy khôn lường của việc này. Cần phân biệt rõ giữa sách giáo khoa và giáo trình giảng dạy.

Thông thường, các giáo viên chuẩn bị giáo trình giảng dạy theo những sách giáo khoa tốt được viết bởi những người có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm và am hiểu chuyên môn sâu sắc.

Chỉ có rất ít các nhà khoa học có khả năng này và phải kỳ công nhiều năm mới viết xong một cuốn sách tốt. Phần lớn các ứng viên chức danh bây giờ đều viết sách, không phải là một cuốn mà đến 3-4 cuốn hoặc hơn nữa, càng nhiều cuốn thì càng tùy tiện.

Tôi đã được đọc những cuốn sách của các ứng viên được viết rất “ngây ngô” và nhiều khi “phản khoa học”. Những cuốn sách này chắc đã được tác giả dạy cho sinh viên của mình và tôi thực sự lo ngại cho sinh viên hiện nay vì có thể họ sẽ được truyền đạt những kiến thức sai lệch và việc này có thể kéo dài qua nhiều thế hệ.

Có một nghịch lý là trong lúc tiêu chuẩn về chuyên môn của chức danh thấp nhưng những tiêu chuẩn khác thì được yêu cầu rất cao. Ví dụ như ứng viên chức danh phải viết ít nhất một cuốn sách phục vụ đào tạo. Viết được một cuốn sách tốt là một công việc công phu và không phải ai cũng làm được việc này.

Bản dự thảo cũng yêu cầu ứng viên chức danh phải có nhiều thâm niên giảng dạy nhưng thâm niên giảng dạy không phản ánh khả năng giảng dạy của ứng viên.

Ở các nước phát triển, khả năng này được thẩm định khi ứng viên làm thuyết trình trước một hội đồng khoa học chứ người ta không quan tâm mấy đến thâm niên.

Vì vậy, quy định mới chỉ nên yêu cầu ứng viên có thâm niên giảng dạy và không cần phải liên tục trong 3 năm cuối để có thể tuyển được những người giỏi được đào tạo ở nước ngoài trở về nước làm việc.

Tóm lại, chúng ta không thể nâng cao trình độ các GS/PGS bằng các tiêu chuẩn mà không nước nào dùng. Cái mà nước nào cũng dùng là thành tích công bố quốc tế thì lại không được quan tâm đúng mức.

Theo quan điểm của cá nhân tôi các quy định chức danh phải tạo được động lực để hình thành một thế hệ mới các nhà khoa học Việt Nam có thể ngẩng cao mặt trên trường quốc tế”.

Nguồn: baomoi.com
114.864864865135.135135135250