07/11/2016 -

Suy tư, nghiên cứu

1686


Các học sinh khối Junior (lớp 4, 5 và 6) ở CIS trong các tiết mục hát đồng ca về nội dung "Trách nhiệm".
Tôi nghiệm thấy, sau 8 năm làm giáo dục với người Canada, bài học giá trị nhất đã học được là phải "Giáo dục tính cách bằng hành động".

Đây cũng là tên gọi một chương trình rất quen thuộc đối với học sinh của hệ thống CIS từ nhiều năm qua. Nhưng có lẽ ngay cả trong các bậc phụ huynh, vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ được ý nghĩa của chương trình này.

Khi thực hiện một số nội dung cải cách nền giáo dục của tỉnh bang từ cách đây hơn 10 năm, Bộ Giáo dục Ontario (Canada) đã nhận thấy yêu cầu phải thay đổi quan điểm về việc rèn luyện tính cách cho HS. Ở đây, cũng xin mở ngoặc nói thêm rằng trong khi nền giáo dục của chúng ta cho phép giáo viên được ĐÁNH GIÁ ĐẠO ĐỨC của HS thông qua việc xếp loại hạnh kiểm, thì những nền giáo dục tiến bộ như của Canada lại chỉ chú trọng vào việc GIÁO DỤC TÍNH CÁCH và giúp HÌNH THÀNH KỸ NĂNG cho HS. Cá nhân tôi vẫn cho rằng xét về quan điểm sư phạm, việc GV được đánh giá hay xếp hạng đạo đức đối với HS trong trường học là một cách làm thiếu nhân văn và phản khoa học. Tuy nhiên, xin sẽ để một dịp khác bàn sâu hơn về chủ đề này.

Trở lại với nội dung về chương trình giáo dục tính cách ở Ontario. Khi thay đổi phương pháp giáo dục đạo đức cho HS, Bộ Giáo dục đã chú ý nhấn mạnh rằng cần phải dạy cho HS hiểu và hình thành những tính cách tốt đẹp bằng các hành động cụ thể. Mà những hành động ấy phải được thể hiện hàng ngày ở trường học, thông qua các hoạt động giáo dục và hành vi cá nhân của mỗi HS cũng như của đội ngũ GV trong môi trường sư phạm. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên, cán bộ quản lý hoặc nhân viên trong trường... đều phải là những tấm gương để HS nhìn vào đó và hiểu được về các tính cách. Ở phạm vi rộng lớn hơn, Bộ Giáo dục cũng mong muốn gia đình phải trở thành đối tác của nhà trường để cùng tham gia vào việc giáo dục tính cách có hiệu quả cho HS.

Chương trình giáo dục tính cách của Ontario, vì thế, không phải là một chương trình cộng thêm cho HS như kiểu các chương trình giáo dục kỹ năng đang thực hiện trong các trường công lập ở VN hiện nay. Lại càng không phải là một môn học như môn Đạo đức của ta. Bộ Giáo dục Ontario yêu cầu phải giáo dục cho HS nhận thức và phát triển 10 tính cách cơ bản trong suốt 10 tháng của mỗi năm học. Dựa trên yêu cầu này, mỗi hội đồng giáo dục địa phương (District School Board) và mỗi trường lại tự xây dựng kế hoạch triển khai chương trình giáo dục tính cách theo cách riêng của mình. Điều đáng nói là với cùng một chủ đề tính cách trong một tháng, nhưng họ xây dựng cách truyền đạt cho HS tùy theo lứa tuổi và cấp học.

Ở hệ thống CIS, kể từ năm 2010, với sự tư vấn của đối tác tại Ontario là Hội đồng Giáo dục vùng Niagara (DSBN) và nay là Hội đồng Giáo dục Toronto (TDSB), chương trình Giáo dục tính cách bằng hành động (Character Education in Action) đã được triển khai bao gồm 10 tính cách: Sự Tôn trọng (Respect); Tinh thần trách nhiệm (Responsibility); Lòng Dũng cảm (Courage); Lòng Chính trực (Integrity); Sự Kiên nhẫn (Perseverance); Sự Quan tâm (Caring); Tinh thần Lạc quan (Optimism); Tinh thần hợp tác (Cooperation); Thái độ Hoà bình (Peacemaking); Lòng Biết ơn (Gratitude). Trong suốt 10 tháng của mỗi năm học, các tính cách sẽ được khám phá thông qua các hoạt động chính khóa đa dạng trong lớp học, đáp ứng được nhu cầu của từng cấp lớp, theo từng lứa tuổi và được điều chỉnh phù hợp về văn hóa. Tất cả giáo viên sẽ triển khai truyền đạt những tính cách này thông qua các bài viết và tranh cổ động của học sinh, những buổi đọc sách, những trải nghiệm mang tính học tập, các hoạt động trang trí trên bảng thông tin, các chương trình gây quỹ cũng như nhiều hoạt động từ thiện và các buổi sinh hoạt với chủ đề giáo dục tính cách... Cứ cuối mỗi tháng, các GV và HS lại tổ chức tổng kết thành quả đạt được về việc giáo dục tính cách trong tháng vừa qua và giới thiệu tính cách mới của tháng kế tiếp. Các HS thường thuyết trình, diễn kịch, múa hát, xem phim, vẽ tranh hay đọc thơ tự sáng tác... để diễn đạt mức độ nhận thức của mình đối với chủ đề tính cách đã học và tính cách sắp được tiếp cận trong tháng tới.

Điều đáng học hỏi ở đây là họ đã giáo dục HS hình thành nên những phẩm chất cơ bản bằng một tư duy rất thực tế và khoa học. Không có việc rao giảng theo kiểu nhồi nhét kiến thức về đạo đức và bổn phận công dân. Rõ ràng là để giúp một đứa trẻ hình thành nên các tính cách tốt, điều đầu tiên là phải giúp nó nhận thức được tính cách đó là gì và tại sao lại cần phải có? Tiếp theo, bắt đầu giúp trẻ rèn luyện và phát triển tính cách. Mà cả hai bước này đều phải thể hiện bằng những hoạt động hàng ngày, để đứa trẻ đi từ HIỂU đến LÀM THEO, tức là từ NHẬN THỨC đến HÀNH VI và từ đó hình thành THÓI QUEN. Thói quen tốt sẽ tạo nên tính cách tốt. Tư duy này rất đúng theo triết lý của câu ngạn ngữ quen thuộc: "Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động gặt thói quen; Gieo thói quen gặt tính cách; Gieo tính cách gặt số phận".

Nhưng thuyết phục hơn, các nhà sư phạm ở đây còn quan niệm phải giáo dục trẻ bằng ý thức tự làm gương của những người lớn. Đây là điều rất thiếu ở trường học và xã hội chúng ta hiện nay. Từ lúc còn thơ cho đến khi trưởng thành, trẻ em luôn nhìn vào người lớn để nhận thức và bắt chước. Người lớn như tấm gương phản xạ lại cho trẻ, nên mỗi hành động của người lớn luôn được trẻ thu nhận lại đầy đủ. Khi còn nhỏ các em có xu hướng bắt chước một cách vô thức. Nhưng lớn hơn chút nữa, trẻ sẽ biết đặt câu hỏi và thậm chí phản ứng với hành động cuả người lớn khi việc làm đi ngược với lời nói của họ. Một bà mẹ không thể dạy con về phép lịch sự và sự tôn trọng đối với người khác khi có thể thản nhiên chen ngang trong lúc xếp hàng hay lúc tính tiền ở siêu thị ngay trước mặt con. Một ông bố khó có thể nhắc nhở con về việc bảo vệ môi trường khi vẫn cứ quen thói vừa lái xe chở con (xe máy hoặc cả xe ô tô) vừa thản nhiên quăng rác xuống đường. Trẻ em luôn có khả năng quan sát rất tinh tế và thường đánh giá, nhận xét người lớn qua hành vi ở mọi góc độ bất ngờ. Có lần tôi tiếp một cuộc gọi bất đắc dĩ qua điện thoại di động khi đang ở nhà. Để khéo léo từ chối một đề nghị hẹn gặp vô bổ không cần thiết, tôi nói với người đầu dây bên kia rằng đang đi công tác xa nên xin hẹn gặp dịp khác. Khi nói mà không để ý rằng con gái nhỏ (lúc ấy đang học lớp 3) ngồi gần đấy. Khi vừa cúp máy, con gái ấm ức thốt lên: "Sao mẹ nói dối? Mẹ đang ở nhà mà lại nói là đi công tác? Mẹ xấu, mẹ nói dối!!!...". Lúc đó mới đớ người, cứng họng và phải cuống quít tìm cách giải thích lại với con :P. Có bà mẹ đưa con đi chơi tình cờ gặp bạn. Thấy mẹ chào hỏi xong lại vồn vã mời người bạn đến nhà chơi, cậu bé hồn nhiên nhắc: "Thôi, cô đừng tới nhà cháu nữa! Hôm nọ cháu nghe mẹ bảo với ba là đã chán ngấy khi nhìn thấy mặt cô rồi !!!". Có phụ huynh còn kể với tôi: "Ôi, các thầy cô ở trường dạy thế nào mà nhóc nhà em nó thật thà tới độ làm mình quê luôn, cô ạ! Hồi hè vừa rồi đưa con đi nước ngoài chơi. Lúc mua vé vào cổng tham quan thuỷ cung, em đang nói với người bán vé là cháu cao dưới 1,2m và chưa đến 10 tuổi để tính được mua một vé trẻ em cho tiết kiệm. Ai ngờ con bé kéo tay mẹ hét ầm lên (bằng tiếng Anh), đại ý: Mẹ, con 11 tuổi rồi, sao mẹ lại nói vậy? Với lại hôm bữa sinh nhật, bố đã đo và khen con cao được 1,4m rồi cơ mà! Trời! Em nghe mà muốn độn thổ luôn vì mắc cỡ!...".

Vậy đó! Trẻ em luôn trong veo, thẩm thấu thẳng băng và trung thực mọi hành động, lời nói của người lớn chúng ta. Nên hãy cẩn trọng đến từng chi tiết trong mọi hoạt động hàng ngày của cuộc sống, nếu muốn giáo dục con em mình phát triển các tính cách tốt. Ở CIS, có lần tôi thắc mắc với thầy Hiệu trưởng người Canada của khối Tiểu học rằng tại sao lại nghiêm cấm không cho GV được sử dụng điện thoại cá nhân trong giờ lên lớp? Giả như có việc gì cấp bách PH cần liên lạc thì sao? Thầy nghiêm giọng giải thích: "Nếu chúng ta đã có quy định không được sử dụng điện thoại đi động trong lớp học thì GV phải là người chấp hành nghiêm túc đầu tiên để làm gương cho HS. Không có lý gì trong khi HS bị cấm mà GV lại vẫn được ngang nhiên sử dụng bởi vì họ là GV! Mặt khác, khi dành thời gian để nghe ĐT di động trong lúc đang dạy học cho HS, thực chất là GV đã lấy cắp thời gian của HS trên lớp và như thế là gây tổn hại đến quyền lợi của các em. Nếu GV chỉ nghe điện thoại 1 phút thôi, mà lớp có 20 HS thì có nghĩa là GV đã lấy đi của HS 20 phút! Và chúng tôi không thể chấp nhận điều này nếu muốn dạy cho HS về sự tôn trọng và lòng trung thực. Còn PH nếu có gì cấp bách thì họ đã có số điện thoại của bộ phận Học vụ để liên lạc và yêu cầu hỗ trợ. Nếu cần gặp GV thì họ có thể để lại lời nhắn ở Học vụ để GV sẽ gọi lại cho PH sau giờ lên lớp...".

Nhìn rộng hơn, việc giáo dục tính cách cho trẻ cũng cần phải có sự tham gia và "cộng đồng trách nhiệm" của toàn xã hội chứ không chỉ là nghĩa vụ của nhà trường hay gia đình. Đơn cử như dạy trẻ về 5 điều Bác Hồ dạy. Chúng ta sẽ dạy cho trẻ em ra sao khi chính người lớn không thể hiện được tình "yêu Tổ quốc" bằng việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho đất nước? Dạy trẻ ra sao về "yêu đồng bào" khi chúng ta vẫn có thể thản nhiên hội họp, tiệc tùng, ăn chơi, trong khi đồng bào mình đang phải tự xoay xở, khốn đốn đối phó với hậu quả của thiên tai và nhân tai? Dạy trẻ ra sao về "khiêm tốn, thật thà, dũng cảm" khi mà tới giờ này chúng ta vẫn cứ thích khoe khoang, "tự sướng" để khỏa lấp nguyên nhân chậm phát triển. Thói tật dối trá để lấy thành tích và che giấu khuyết điểm vẫn là căn bệnh kinh niên trầm kha trong bộ máy chính quyền các cấp. Và sự dũng cảm dám nhận trách nhiệm, dám đứng ra giải quyết hậu quả cũng như sẵn sàng từ chức vì hậu quả do mình gây ra dường như vẫn là những khái niệm rất xa lạ đối với các quan chức hiện nay...

Vậy nên, "giáo dục tính cách bằng hành động" không hề là đơn giản và không phải dễ thực hiện, xét trên mọi phương diện về mặt cá nhân cũng như xã hội. Muốn làm được điều này, trong một xã hội như ở ta, cần thay đổi tận gốc nền giáo dục và nâng cao dân trí cũng như trình độ của bộ máy quản lý Nhà nước. Nhà trường - gia đình - xã hội luôn là một tổng thể quan hệ hài hoà, gắn bó và bổ sung hiệu quả cho nhau. Nếu chỉ thực hiện giáo dục tính cách cho trẻ ở một hoặc hai vế của mối quan hệ này, và vẫn tiếp tục giáo dục bằng những lời nói suông trong các bài học Đạo đức như hiện nay thì sẽ chỉ có thể duy trì được một nền giáo dục... thất bại!

Oanh Nguyen Thi
(Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường quốc tế Canada - CISS)
114.864864865135.135135135250