07/03/2017 -

Suy tư, nghiên cứu

2516
Sách giáo khoa địa lý Việt Nam một thời lưu truyền câu nói “nước ta có rừng vàng biển bạc” với hàng trăm loại gỗ quý, hàng ngàn loại khoáng sản, trên rừng dưới biển đủ sơn hào hải vị. Nhiều năm gần đây, câu cửa miệng của một thế hệ thầy cô dạy địa lý đã mất hút cùng với sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên khoáng sản và sức mạnh phản biện của mũi dùi dư luận.
Kinh tế Việt Nam đã từng tăng trưởng “nóng” ở giai đoạn cách đây một thập kỷ, nhưng đó là mô hình tăng trưởng kiểu cũ, tức là dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, sức lao động giá rẻ… bởi thế nên cái giá phải trả cho sự tăng trưởng ấy là cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Tàu bơm hút cát neo đậu dày đặc tại khu vực đảo Phú Quốc – Ảnh: Vân Trường/TT
Chúng ta đang tiêu xài phung phí của để dành cho con cháu mai sau, rừng đại ngàn Tây Nguyên giờ chỉ là ký ức của đồng bào dân tộc thiểu số. Cơn bão số 9 (năm 2009) đổ bộ vào Miền Trung gây ngập lụt tại Quảng Nam và các tỉnh lân cận, lũ đã xoi ra vài hình ảnh cần báo động.

Một trong những điều ngạc nhiên nhất mà người dân năm đó chứng kiến là gỗ trôi từ thượng nguồn về hạ lưu làm tắc nghẽn dòng chảy sông Vu Gia – Quảng Nam. Báo chí, dư luận lập tức đặt câu hỏi thời sự: Điều gì đang xảy ra với rừng đầu nguồn? Tuy nhiên, câu hỏi này sau đó cũng trôi theo dòng lũ.

Sau cái đận gỗ làm nghẽn dòng chảy ấy, mấy năm nay nhiều cơn lũ bất thường tự nhiên ập đến lúc nửa đêm về sáng như đã xảy ra năm rồi ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên hồi năm ngoái… Nói bất thường là vì lũ “kiểu mới” này không còn phù hợp với tư duy kinh nghiệm của con người về lũ truyền thống – do mưa nhiều ngày nước lên không mà theo quy trình nào cả!

Người ta đua nhau khuân núi, vạt rừng, lấp sông làm thủy điện, bao nhiêu lâm sản lòng hồ chẳng biết “bốc hơi” theo cách nào, giá bán điện cũng không vì thế mà “dễ chịu” với người dân. Chỉ thấy nước với nước cứ đua nhau ùa về mỗi mùa mưa đến. Báo chí cũng đã đặt nhiều dấu hỏi vì sao người người đua nhau làm thủy điện? Nhưng cuối cùng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Nhiều chuyên gia ví von ngành công nghiệp khai thác khoáng sản chỉ là “đào lên bán”, cũng chẳng sai tí nào nhưng không biết có đúng không khi nhiều doanh nghiệp kêu thua lỗ, có cả doanh nghiệp đào 7 tấn vàng lên bán vẫn không có lời! Thực hư ra sao thật khó biết nhưng chỉ thấy tài nguyên quốc gia ngày một kiệt quệ mà nền kinh tế chưa kịp lớn để thích nghi với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra.

Từ miền xuôi đến miền ngược nơi đâu người ta cũng “móc ruột” đất mẹ lên để bán, trong khi các nước láng giềng họ tận thu về dự trữ. Rồi đến một lúc không xa chúng ta phải mang tiền sang nước họ để mua về những thứ mà trước đây ta bán cho họ với giá rẻ mạt. Rồi con cháu chúng ta lấy gì sống? Thế hệ tương lai dựa vào đâu để xây dựng đất nước? Đó là những câu hỏi là người có trách nhiệm không thể làm ngơ.

Hết trên rừng giờ xuống dưới lòng biển, cát lậu đua nhau tuồn ra khỏi lãnh thổ chẳng biết đi đâu! “Sa tặc” không phải bây giờ mới có nhưng nay khai thác đến độ công khai trắng trợn đến mức coi thường luật pháp, móc lòng sông, lòng biển đem bán với giá rẻ mạt và những thảm họa chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Ngoài khơi kia thế lực ngoại bang xây đảo nhân tạo bằng… cát, liệu có mối dây liên hệ nào ở đây chăng? Không ở đâu xa, Singgapore nuôi tham vọng mở rộng lãnh thổ bằng cát, trong khi lãnh thổ thềm lục địa của ta ngày càng sâu thẳm vì… mất cát.

Không gì thiêng liêng bằng đất mẹ, từng hạt cát hôm nay còn lại là nhờ máu xương của hàng lớp lớp cha ông đổ xuống. Sao lại nhẫn tâm bán đi? Bán đất, bán cát tức là bán lãnh thổ của Tổ quốc, sẽ mang tội với tiền nhân, con cháu.

Rừng không còn vàng, biển chẳng còn bạc, đồng bằng có nguy cơ xóa sổ vì thế lực “nhân tai” lăm le dòm ngó. Ăn bám của để dành chính là ăn vào tương lai đất nước.

Trương Khắc Trà
http://enternews.vn
114.864864865135.135135135250