09/05/2017 -

Suy tư, nghiên cứu

1309

Nền kinh tế xây dựng trên nguồn tài nguyên dữ liệu đòi hỏi cách tiếp cận mới liên quan tới luật chống độc quyền nếu không muốn cả thế giới bị điều khởi bởi một vài người.


Cả một nền công nghiệp nổi lên nhanh chóng cùng khoản lợi nhuận khổng lồ khiến những nhà quản lý chống độc quyền phải ngồi lại để khai thông dòng chảy, loại bỏ các rào cản kìm hãm sự phát triển. Cách đây tròn thế kỷ, dầu mỏ được coi là tài nguyên quý giá nhất. Giờ đây, ngôi vị đó đã chuyển sang cho nền công nghiệp số mà dữ liệu trở thành tài sản vô giá.


Hình: Giờ là kỷ nguyên của những Google, Apple và Facebook...

Thế giới đã bước ra khỏi kỷ nguyên dầu mỏ

Những gã khổng lồ như Alphabet (công ty mẹ Google), Amazon, Apple, Facebook và Microsoft lớn mạnh tới mức tưởng chừng như không thể đánh bại. Họ thu về hơn 25 tỷ USD lợi nhuận ròng trong quý I/2017. Amazon chiếm phân nửa thị phần trực tuyến tại Mỹ trong khi Google và Facebook gần như thống trị mảng quảng cáo ở xứ sở cờ hoa năm 2016.

Mức độ phình to về quy mô lẫn lợi nhuận khiến người ta lo ngại những vụ sụp đổ giống như từng xảy ra trong quá khứ. Bài học nhãn tiền phải kể đến đế chế Standard Oil vươn mình thành gã khổng lồ giữa thời kỳ hưng thịnh của dầu mỏ bỗng ngã quỵ tới mức phá sản đầu thế kỷ 20.

Quá trình mở rộng toàn thị trường không phải nguyên nhân bởi người dùng ngày càng hưởng lợi từ vô số dịch vụ mới. Rất ít người lên mạng mà không dùng công cụ tìm kiếm Google hay kiểm tra newsfeed trên Facebook. Ở Mỹ, vai trò của Amazon trong lĩnh vực giao vận vô cùng quan trọng.

Các công ty cũng khá “dễ dãi” để cung cấp những dịch vụ miễn phí mà người dùng chẳng phải bận tâm tới bản quyền. Ngay cả sự xuất hiện muộn màng của Snapchat cho thấy thị trường vẫn còn đất diễn cho bất kỳ ai.

Thế nhưng, quyền kiểm soát dữ liệu lại trao cho các công ty Internet sức mạnh quá lớn. Những quy định về luật cạnh tranh trong kỷ nguyên dầu mỏ đã trở nên lỗi thời ở thời đại “kinh tế thông tin”. Vì thế, toàn thị trường cần tìm ra cách tiếp cận mới hiệu quả hơn.

Bỏ qua giá trị khổng lồ từ dữ liệu là một sai lầm

Thế giới đã thay đổi ra sao? Điện thoại thông minh và Internet góp phần tạo ra nguồn dữ liệu phong phú có sức lan tỏa rộng lớn. Tất nhiên, chúng mang nhiều giá trị hơn hẳn so với trước đây. Dầu mỏ dù rất quan trọng nhưng không đủ sức len lỏi vào tất cả lĩnh vực như công nghệ thông tin.

Những gã khổng lồ công nghệ luôn chiếm lợi thế nhờ hiệu ứng mạng lưới. Như Facebook khi đã trở thành phương tiện truyền thông ưa thích sẽ thu hút được đông đảo người dùng, qua đó sở hữu lượng thông tin mang tính toàn cầu, hiểu rõ tính cách, sở thích của khách hàng.


Hình: Dữ liệu là khối tài sản vô giá

Hay như Google có cho mình dữ liệu tìm kiếm thông dụng nhất, còn Amazon lại nắm bắt những mặt hàng được ưa chuộng. Không ngoa nếu nói rằng, họ sở hữu “Thiên nhãn” thấu hiểu mọi hoạt động trên thị trường. Và trong tương lai, AI đôi khi còn đoán biết suy nghĩ trước cả khi chúng ta nhận thức được điều đó.

Với tiềm lực tài chính hùng mạnh, các ông lớn có thể thâu tóm những đối tượng manh nha đe dọa lợi ích của mình. Điển hình như vụ Facebook chi 22 tỷ USD mua lại WhatsApp, ứng dụng nhắn tin khi đó mới chỉ có chưa đến 60 nhân viên. Đó là chiêu thức nhằm giảm tính cạnh tranh và rủi ro trong tương lai.

Vì sao phải kêu gọi cải tổ bộ máy chống độc quyền?

Về bản chất, những công cụ chống động quyền cũ lại ít đả động tới loại tài sản mềm mang tên “dữ liệu”. Nếu đánh giá Google mà chỉ ngồi đếm số bàn ghế kê trong văn phòng hay loạt địa ốc tập đoàn sở hữu là chưa đủ. Bởi vậy, giới làm luật phải suy xét lại tất cả điều luật căn bản, trong đó phải đặc biệt lưu tâm tới hai cách tiếp cận dưới đây.

Trước tiên, các cơ quan chống độc quyền cần nhìn nhận đúng hơn về tình hình trong thời đời số. Như khi xem xét một vụ sát nhập nào đó, họ thường lấy quy mô công ty để xác định xem có nên can thiệp hay không. Nhưng giờ đây, giới chức trách phải tính đến phạm vi tác động từ nguồn dữ liệu mà công ty nắm giữ trong mỗi vụ mua bán.


Hình: Cần có cơ chế mới kiểm soát những ông lớn công nghệ

Đấy là lý do vì sao Facebook lại sẵn sàng bạo chi cho ứng dụng chưa sinh lãi WhatsApp, vốn có quy mô dăm chục nhân viên. Cơ quan chống độc quyền phải huy động nguồn dữ liệu đa dạng hơn trong việc phân tích tác động của mỗi thương vụ.

Nguyên tắc thứ hai là phải minh bạch hóa thông tin, buộc bên cung cấp dịch vụ trực tuyến tiết lộ việc kiểm soát dữ liệu. Tức họ phải báo cho người dùng những thông tin gì mình nắm giữ và nguồn doanh thu từ đó.

Thực tế mà nói, xem xét lại dự luật chống độc quyền trong thời đại thông tin số chẳng hề dễ dàng. Thậm chí, nó có thể gây ra những rủi ro nhất định, như việc chia sẻ dữ liệu đe dọa tới sự riêng tư. Nhưng nếu các chính phủ không muốn nền kinh tế bị thống trị bởi vài “gã khổng lồ” thì họ buộc phải sớm hành động.

Tham khảo The Economist
Le Min KOP (Trí Thức Trẻ)

114.864864865135.135135135250