22/11/2019 -

Suy tư, nghiên cứu

3644
Trong đời sống thực hành đức tin của Người Kitô hữu, chúng ta thường cầu nguyện với Đức Mẹ như là trạng sư, là đấng an ủi và chở che mỗi khi gặp gian truân. Còn đối với việc cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần thì chúng ta có rất ít kinh nguyện về Ngài. Chúng ta thường cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng thánh hóa công việc đầu giờ, và trong kinh Đức Chúa Thánh Thần chúng ta xin Người xuống đầy lòng và đốt lửa kính mến. Đặc biệt là xin Người “sửa lại mọi sự trong ngoài” và yên ủi dạy dỗ làm những việc lành. Đấng an ủi vẫn luôn cư ngụ trong cung lòng mỗi người, song đôi khi ta lại quên mất Ngài trong đời sống cầu nguyện, nhất là chạy đến với Người như là Đấng Bảo Trợ.
Đức Hồng Y L.J Suenens trong cuốn sách “Thánh Thần hơi thở sống động của Giáo hội” viết rằng “Tôi tin rằng đã đến lúc đặt lại vị thế của Đức Maria trong bối cảnh tác động của Thánh Thần. Tôi xác tín rằng càng liên kết chặt chẽ việc sùng kính Đức Maria với Chúa Thánh Thần và càng thể hiện dưới tác động của Chúa Thánh Thần thì lòng sùng kính này ở những nơi nào đã từng bị giảm sút sẽ càng được khôi phục lại. Trong nhãn quan đó, Đức Maria đương nhiên xuất hiện như người được tràn ngập ân sủng Thánh Thần, như người Kitô hữu đầu tiên nhận được đoàn sủng”. Thật vậy, giữa Đức Maria và Chúa Thánh Thần có mối tương quan mật thiết với nhau. Đức Maria vừa là một kỳ công của Chúa Thánh Thần vừa là tấm gương trong việc đón nhận các ân huệ của Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần với Đức Maria
Có nhiều sự kiện liên quan đến Chúa Thánh Thần với Đức Maria. Tuy nhiên, chúng ta chỉ xét ba sự kiện nổi bật đó là: mầu nhiệm nhập thể, ngày lễ ngũ tuần, và dưới chân thập giá.
Trước hết, nói đến tác động của Chúa Thánh Thần đối với Đức Maria trong mầu nhiệm nhập thể. Tin mừng theo thánh Mátthêu ghi nhận tác động của Chúa Thánh Thần trên Đức Maria: “Sau đây là gốc tích của Đức Giêsu Kitô, bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống bà đã có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ông Giuse chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 18-20).
Trong Tin mừng Luca, chúng ta cũng đọc thấy sứ thần giải thích cho Đức Maria biết lý do của việc thụ thai Chúa Giêsu: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Lc 1, 35).
Còn trong kinh tin kính thường đọc vào ngày Chúa nhật, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi bà Maria trọn đời đồng trinh”. Thật vậy, Giáo hội tuyên xưng rằng Đức Maria thụ thai là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria và quyền năng của Ngài bao phủ lấy Mẹ.
Đức Maria trở thành đền thờ của Thiên Chúa, và trở nên mảnh đất trù phú để Chúa Thánh Thần làm triển nở vào thời cánh chung (Is 32,15). Thiên Chúa tạo dựng từ hư vô; Chúa Thánh Thần dựng nên con người Giêsu từ sự trinh khiết của Đức Maria.[1]
Thứ đến, là vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Khi hiệp thông cùng với các tông đồ trong nhà Tiệc ly, Đức Maria cùng với các tông đồ cầu nguyện để chuẩn bị lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần. Khi đó, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống cách hữu hình, dưới hình lưỡi lửa trên Đức Maria và các Tông đồ (Cv 1,8). Cũng giống như trước kia sau khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria và Mẹ đã vội vã lên đường đi thăm người chị họ Êlisabét, thì nay các Tông đồ sau khi lãnh nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các ngài cũng vượt qua mọi nỗi sợ hãi để rồi dám rời khỏi nơi an toàn, ra đi loan báo Tin mừng một cách can đảm.
Đức Maria lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần cùng với các Tông Đồ. Đức Maria giữ một vai trò đặc biệt, Mẹ là mối dây liên kết giữa thời Cựu Uớc, thời Tân ước, với thời của Giáo hội, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đức Maria là ký ức của Hội Thánh.
Tiếp đến, dưới chân thập giá Đức Maria cùng với Hội Thánh lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Đức Maria chứng kiến việc Chúa Giêsu trao ban thần khí (Ga 19,30), cũng như sự kiện cạnh sườn bị đâm thâu, từ đó máu và nước trào ra (Ga, 19,34). Chúa Thánh Thần được ban từ Đức Kitô tử nạn và phục sinh, đó là Thánh Linh nguồn mạch nước hằng sống. Có thể coi đây như một sự trút đổ Thần Khí.[2]
Thật vậy, các sách Tin mừng cho chúng ta thấy tác động của Chúa Thánh Thần trên Đức Maria vào lúc Ngôi Lời nhập thể và vào lúc khai sinh Hội thánh. Như vậy, Đức Maria đã cộng tác với Chúa Thánh Thần trong buổi khai sinh Chúa Giêsu cũng như vào buổi khai sinh Hội thánh.
Khi nhìn ngắm việc Đức Maria hợp tác với Chúa Thánh Thần. Mẹ Maria như là mẫu gương cho đời sống tâm linh của mỗi người tín hữu. Nghĩa là chúng ta hãy noi gương Đức Maria luôn biết lắng nghe tiếng Chúa và để cho Thánh Thần hướng dẫn và bảo trợ cuộc đời của mình. Cuộc đời của Đức Mẹ cũng đối diện với nhiều băn khoăn sợ hãi, nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần bảo trợ Mẹ đã biến đổi từ chỗ hoàn toàn do dự, sợ hãi đến can đảm để rồi nói lời xin vâng trong từng giây phút cuộc đời. Mẹ Maria đã trung thành với sứ mạng của Chúa giao phó cho đến cùng, bất chấp nhiều trở ngại. Mẹ đã theo Chúa Giêsu cho đến dưới chân thập giá.
Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng đối diện với nhiều nỗi sợ hãi, có thể là nỗi sợ về sự dấn thân cho công việc chung, cũng có thể là sợ về tương lai của mình rồi sẽ ra sao, hay là sợ thiệt thòi khi mình phải làm việc âm thầm mà không được ai biết đến, nỗi sợ đó cũng có thể là lo lắng làm sao cho gia đình được hạnh phúc, lo lắng làm sao cho hội đoàn mình được hiệp nhất và thăng tiến.
 Chúng ta hãy chạy đến với Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ và hướng dẫn chúng ta. Chúng ta cầu xin Ngài giải thoát chúng ta khỏi những nỗi sợ để rồi dám vượt qua những trở ngại, vượt qua cái tôi ích kỷ để mở tâm hồn với tất cả mọi người và nhất là dám dấn thân vào những môi trường trong đó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh từ bỏ.
 Lam Thành


[1] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập XIV, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2017, trg. 305.
[2] Sđd, trg.307.
114.864864865135.135135135250