20/06/2019 -

Suy tư, nghiên cứu

1312

Tôi có hơn chục năm tham gia các chương trình/dự án phát triển cộng đồng ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong thời gian đó, tôi từng tổ chức khoảng hơn 300 phiên làm việc nhóm với những người tham gia thuộc nhiều tầng lớp xã hội, nhiều tộc người, và tôn giáo tín ngưỡng khác nhau. Quá trình làm việc với mỗi nhóm tác nhân đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

Các anh chị em từng tham gia hoạt động nhóm chắc đều thuộc lòng công thức: (1)+(1)+…+(n)<1. Điều ấy có nghĩa là, để đi đến sự đồng thuận, mỗi người đều phải hi sinh một phần “cái Tôi” của mình và kết luận cuối cùng được chốt lại về một vấn đề nào đó không bao giờ có thể thỏa mãn hoàn toàn ý muốn của tất cả mọi người. Những nguyên tắc/quy định trong làm việc nhóm thì nhiều, nhưng có 2 điều không được phép quên: (i) trao quyền điều hành cho các thành viên trong nhóm tác nhân; và (ii) tất cả mọi người đều có quyền/và nghĩa vụ tham gia đóng góp ý kiến. Nhưng đã là nhóm, luôn có hiện tương “chín người mười ý”. Và một trong những căn bệnh khá phổ biến của người Việt là ai cũng nghĩ mình là trung tâm. Vì thế, ở nhiều cuộc họp nhóm bà con cãi nhau như mổ bò, không ai chịu nghe ai, nhất là nếu chủ đề lại liên quan đến lợi ích (phân loại hộ nghèo, hỗ trợ vật chất/vốn tài chính…). Cuộc họp sẽ càng trở nên khó khăn hơn, nếu có sự tham gia chung của cả người giàu và người nghèo, hoặc người Kinh với người dân tộc thiểu số. Xu hướng chung, là những người giàu thường hay tham góp ý kiến hơn những người nghèo, và những người Kinh thường lấn át/áp đặt các tác nhân là dân tộc thiểu số.

Riêng với các nhóm tác nhân là người Công giáo (và Tin Lành), tôi chưa bao giờ gặp những khó khăn tương tự. Thách thức lớn nhất đối với cán bộ phát triển cộng đồng ở khu vực Công giáo (và Tin Lành) là phải tạo được niềm tin đối với người dân. Một khi đã được bà con tin mến, việc tổ chức các phiên làm việc nhóm chỉ còn là chuyện nhỏ.

Điều khiến tôi cực kỳ ấn tượng, là kỹ năng làm việc nhóm của hầu hết thành viên trong cộng đoàn giáo dân (cũng như các nhóm Tin Lành) đều hết sức thuần thục. Họ đĩnh đạc trong việc thay nhau điều hành các phiên họp. Họ tự tin đưa ra các ý kiến của mình. Và khi một người nói, tất cả những người khác đều kiên nhẫn lắng nghe. Trong thảo luận, mọi người đều có thái độ khiêm cung/cầu thị. Khi đạt được sự đồng thuận, mọi người ai vào việc nấy với một tâm thế hết sức thoải mái. Hiện tượng này phổ biến ở tất cả các khu vực Công giáo (và Tin Lành) vùng người Kinh cũng như vùng dân tộc thiểu số hay vùng xen cư Kinh-Thượng.

Có thể giải thích hiện tượng này như thế nào? Thực sự là không khó, nếu chúng ta trở lại với Giáo lý Hội Thánh Công giáo, với các nguyên tắc của Học thuyết xã hội Công giáo, và với các hoạt động thường xuyên trong các cộng đoàn giáo dân cũng như các dòng tu.

Ngay từ khi còn nhỏ, mọi giáo dân đều được thuyết giảng theo Giáo lý rằng mỗi người - không phân biệt nam nữ - đều được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì giống Thiên Chúa, mỗi người đều là một ngôi vị, một ngã vị có ý thức và tự do. Mặt khác, con người cũng là một hữu thể tương quan với nhiều chiều cạnh và quy mô khác nhau. Chính trong quá trình hiệp thông với các tín hữu, mỗi người mới phát triển được tiềm năng của mình và nhờ đó họ có thể đáp trả lại ơn gọi làm người của Thiên Chúa. Và vì thế, họ chủ động/tự tin tham gia trong các phiên họp nhóm cũng là điều dễ hiểu. Bởi mỗi cuộc làm việc nhóm như vậy đều được coi là một quá trình hiệp thông.

Học thuyết xã hội Công giáo đề ra các nguyên tắc cơ bản: (i) Nhân vị, được hiểu là mọi người đều phải tôn trọng phẩm giá của bản thân và của tha nhân, không phân biệt nam nữ, chủng tộc, màu da, địa vị xã hội; (ii) Mọi người đều hành động theo công ích, lấy công ích - tức là lợi ích của cộng đồng - làm mục tiêu tiên quyết của mình; (iii) An sinh xã hội dựa trên quyền tư hữu về tài sản nhưng có sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo; (iv) Dân chủ và tham gia; và (v) Đoàn kết và hợp tác.

Tìm hiểu kỹ các nguyên tắc xã hội Công giáo, người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự tương đồng gần như trùng lặp với các nguyên tắc phát triển xã hội hiện nay của các quốc gia trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Nhưng khác với các bài giảng trong trường học thế tục (đôi khi nhàm chám và mang tính hình thức), các nguyên tắc trong Học thuyết xã hội Công giáo ít nhiều mang tính thiêng, bởi nó được truyền dạy trong nhà thờ, thông qua các buổi thuyết giảng của các chức vị có sứ vụ mục tử (chăn chiên). Điều quan trọng hơn, nó luôn được nhắc đi nhắc lại trong quá trình trải nghiệm của mỗi người: phụng sự Thiên Chúa, chăm lo cuộc sống gia đình và cộng đoàn, thực hiện các Thánh ý qua các sứ vụ công tác xã hội.

Tôi không dám chắc rằng, tất cả giáo dân đều nhớ được nguyên văn Giáo lý hay các nguyên tắc xã hội, nhưng có thể khẳng định hầu hết trong số họ đều nắm được những nội dung căn bản. Và nó đã trở thành phương châm hành động trong mọi hoàn cảnh, rèn luyện cho mỗi tín hữu một trong những kỹ năng quan trọng nhất của cuộc sống: kỹ năng làm việc nhóm.

Ảnh: Các buổi hoạt động nhóm của các bạn trẻ Công giáo.
Nguồn: Mai Thanh Sơn (https://www.facebook.com/thanhson.mai.16/posts/2555969767755297)
114.864864865135.135135135250