30/09/2013 -

Suy niệm chia sẻ

781

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.


424612 391636597622835 727044011 nLần trước, chúng tôi đã giới thiệu lịch sử và cấu trúc kinh Tin kính của Dân Thiên Chúa, được đức thánh cha Phaolô VI tuyên đọc vào ngày 30 tháng 6 năm 1968, để kết thúc Năm Đức tin kỷ niệm 1900 năm tuẫn giáo của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.


Nội dung gồm 30 số: 7 số Dẫn nhập giải thích lý do của việc truyên xưng; 23 số tiếp theo là chính các lời tuyên xưng. Xét về cấu trúc, tuy dựa trên tư tưởng chính của tín biểu công đồng Constantinopolis I (năm 381) nhưng bản kinh xếp đặt theo một cấu trúc khác, và thậm chí xen thêm những lời giải thích vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Đức Kitô. Dựa theo những chủ đề chính, ta có thể chia thành tám mục, sau phần nhập đề (số 1-7): Mầu nhiệm Thiên Chúa nhất thể tam vị (số 8-10), Mầu nhiệm đức Kitô (số 11-12), Thánh Linh (số 13), Thánh mẫu (số 14-15), Tội nguyên tổ (số 16-18), Hội thánh (số 19-23), Thánh Thể (số 24-26), Cánh chung (số 27-30).


Chúng tôi sẽ chia thành hai bài: lần này, nghiên cứu nhập đề và Ba ngôi Thiên Chúa (số 1-13), và phần còn lại được dành cho bài tới. Nguyên bản tiếng Latinh được đăng trong AAS 60 (1968) 434-445. Bản dịch Việt ngữ được đăng trên Linh mục nguyệt san Sacerdos số 81, tháng 8 năm 1968, trang 498-507, với vài sửa đổi (cách riêng phân đoạn, đặt tựa đề).


Nhập đề (số 1-7).


Lý do của việc tuyên xưng. Giá trị đạo lý của bản tuyên xưng.


1/ Thiên Chúa Nhất vị Tam thể (số 8-10)


* số 8: Tuyên xưng một Thiên Chúa trong ba ngôi. (Tín biểu Constantinopolis: Thiên Chúa là Cha, Đức Kitô là Chủ tể, đồng bản thể với Cha). Đấng Tạo dựng (vì là một hoạt động bên ngoài cho nên được quy cho cả ba ngôi) muôn vật: hữu hình và vô hình (kể cả các thiên sứ: công đồng Lateranô IV) và mỗi linh hồn con người, thiêng liêng và bất tử (công đồng Laterano V).


* số 9: Thiên Chúa duy nhất theo bản tính nhưng bao gồm tất cả mọi thiện hảo: Ngài là Hiện hữu, Tình yêu, khôn tả và khôn thấu.


* số 10: Sự nhiệm xuất: Con được sinh ra; Thánh Linh phát xuất từ Cha và Con.


2/ Đức Kitô (số 11-12)


* số 11: Sự Nhập thể


- Thiên tính của đức Kitô: Chủ tể, Con Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa, cùng một bản thể với Cha.  


- Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành (công đồng Nixêa)


- Ngôi Lời đã làm người (công đồng Nixêa) nghĩa là với một linh hồn và thân xác con người.


- do quyền năng của Thánh Linh ...: Đức Maria là trinh nữ và là mẹ (chống lại thuyết ảo thân, ngộ giáo).


- Đức Kitô có hai bản tính (công đồng Ephesô, Calxêđonia, tín biểu Athanasiô).


* số 12: Mầu nhiệm Cứu chuộc


- Đức Kitô cư ngụ giữa chúng ta, mặc khải Thiên Chúa cho chúng ta, loan báo và thiết lập Nước Thiên Chúa. Người mạc khải Thiên Chúa là Cha, mạc khải điều răn mới của các chân phúc.


- Mầu nhiệm Vượt qua: Tử nạn (chịu chết trên thập giá, cứu cuộc trong máu của Người). Phục sinh; Lên trời.


- Quang lâm và Chung thẩm.


3/ Thánh Linh (số 13)


* Tín biểu Constantinopolis: Thánh Linh là Chúa, Đấng ban sự sống, được phụng thờ và tôn vinh với Cha và Con, Người đã phán dạy qua các ngôn sứ.


* Tác động của Thánh Linh trong Hội thánh: Người được phái đến Hội thánh để soi sáng, thánh hóa, bảo vệ Hội thánh (Hội thánh bất khả hủy).


-------------


 


KINH TIN KÍNH CỦA DÂN THIÊN CHÚA


 


Nhập đề


Anh em đáng kính và các con yêu dấu,


1. Với lễ nghi trang trọng này chúng tôi bế mạc năm kỷ niệm 19 thế kỷ cái chết anh hùng của hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, và như thế chúng tôi cũng muốn bế mạc, “Năm Đức Tin” để kính nhớ liệt vị Tông đồ, để chứng tỏ ý chí trung thành không thể nao núng vào kho tàng đức tin (x. 1Tm 6,20) mà các ngài truyền lại cho chúng ta, đồng thời để củng cố ý muốn sống đức tin đó trong giai đoạn lịch sử Giáo Hội đang trải qua đường lữ thứ trần gian.


Những lời cám ơn


2. Chúng tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải cám ơn cách công khai tất cả những người đã hưởng ứng lời kêu gọi của chúng tôi, đã đem lại cho “Năm Đức Tin” sự sung mãn lạ lùng của nó bằng cách đào sâu niềm tin tưởng của chính bản thân vào Lời Thiên Chúa, bằng cách tổ chức những cuộc đoàn thể tuyên xưng đức tin và thực hiện nhân chứng về đời sống Kitô hữu. Với anh em trong hàng Giám mục, và với đoàn thể tín hữu trong Hội thánh Công Giáo, chúng tôi muốn ngỏ lời cám ơn cách riêng và ban phép lành Toà Thánh đặc biệt.


Nhiệm vụ củng cố đức tin cho anh em


3. Đồng thời, chúng tôi nhận thấy nhiệm vụ phải thi hành sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao phó cho thánh Phê-rô mà chúng tôi là người kế nghiệp - người rốt nhất xét về công trạng - đó là sứ mệnh củng cố đức tin nơi các anh em (x. Lc 22,32). Dĩ nhiên chúng tôi ý thực sự yếu hèn của chúng tôi, nhưng với tất cả sức mạnh do một sứ mệnh thông đạt cho chúng tôi, giờ đây chúng tôi, xin tuyên xưng đức tin của chúng tôi, chúng tôi tuyên đọc một kinh Tin Kính, tuy không là tuyên bố một tín điều, nhưng là lặp lại và quảng diễn Kinh Tin Kính của Công đồng Ni-xê của Thánh truyền bất tử trong Hội Thánh Thiên Chúa, phù hợp với hoàn cảnh ngày nay.


Người thời đại trước vấn đề đức tin


4. Làm như thế là vì chúng tôi nhận thấy nỗi niềm ưu tư hiện đang dằn vặt tâm can con người thời đại trước vấn đề đức tin. Họ không thể thoát ly ảnh hưởng của một thế giới đang bị lung lay tân gốc, trong đó có nhiều xác tín cũng bị đem ra mổ xẻ và tranh luận. Chúng tôi thấy cả những người Công giáo cũng đang say mê mới lạ và đổi thay. Đã hẳn Giáo Hội luôn luôn có bổn phận cố gắng nghiên cứu và trình bày, một cách thích hợp với tâm trạng người thời nay, những mầu nhiệm khôn lường của Thiên Chúa, mang nặng những hiệu quả cứu độ cho mọi người. Tuy nhiên, phải hết sức thận trọng, trong khi nghiên cứu tìm hiểu, không được vi phạm đến giáo lý tinh truyền của đạo, vì như thế, chỉ sinh hỗn độn và gây hoang mang cho bao người tín hữu, như kinh nghiệm đã cho biết.


Trách vụ người chú giải


5. Muốn thế, cần phải nhớ rằng bên kia cái có thể quan sát và kiểm chứng một cách khoa học được, trí khôn mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta có thể hiểu cái thực hữu, chứ không chỉ là sự bộc lộ chủ quan của những cơ cấu và của sự tiến hoá lương tâm; mặt khác trách vụ của người Chú giải là vừa tôn trọng vừa tìm hiểu và làm sáng tỏ ý nghĩa thật của nguyên văn, chứ không võ đoán đưa ra một nghĩa giả định.


Niềm tin tưởng sắt đá


6. Nhưng, trước hết và trên hết, chúng tôi đặt niềm tin tưởng sắt đá của chúng tôi nơi Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội, và nơi chính Đức Tin là nền tảng của đời sống của Nhiệm thể (Chúa Kitô). Chúng tôi biết các tâm hồn đang mong chờ vị đại diện của Chúa Kitô lên tiếng, và trong nhiều dịp chúng tôi đã đáp ứng lòng mong đợi đó. Thế nhưng hôm nay là cơ hội đặc biệt để nói lên một lời trang trọng hơn.


Nhân danh toàn thể Dân Chúa


7. Trong ngày được chọn để bế mạc Năm Đức Tin, ngày lễ hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, chúng tôi muốn dâng lên Thiên Chúa hằng sống lễ vật tuyên xưng đức tin của chúng tôi. Và cũng như xưa, tại Cêsarê Philipphê, Tông đồ Phêrô đại diện cho mười hai Tông đồ đã vượt trên dư luận người đời, tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống, thì nay, người kế vị hèn mọn của Người, chủ chiên của Hội thánh hoàn vũ, xin được phép lên tiếng nhân danh toàn thể Dân Chúa, để làm chứng về chân lý thiên linh đã được uỷ thác cho Hội thánh để truyền bá cho mọi dân tộc.


Chúng tôi muốn cho việc tuyên xưng đức tin của chúng tôi được khá đầy đủ và rõ ràng, để đáp ứng đặc biệt với nhu cầu của bao tâm hồn tín hữu cũng như của bao người đang sống trong trên mặt đất, thuộc bất cứ Cộng đồng tôn giáo nào, đang đi tìm ánh sáng Sự Thật.


Để làm vinh danh Thiên Chúa cực thánh và Đức Kitô Chúa chúng ta, cậy trông vào sự phù giúp của Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, để mưu ích cho Giáo Hội, nhân danh toàn thể các chủ chăn và tín hữu, giờ đây chúng tôi đọc lời tuyên xưng Đức tin, trong niềm hiệp thông tinh thần với tất cả các anh em và con cái yêu dấu.


 


TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN


 


I. THIÊN CHÚA NHẤT THỂ TAM VỊ


xetxu8. Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất, là Cha, Con và Thánh Thần, Đấng tạo thành muôn vật, hữu hình như thế giới này, nơi đây chúng ta đang sống đời tạm bợ, và vô hình như các thuần thần cũng gọi là thiên thần (x. Dz.-Sch. 3002) và là Đấng tạo thành linh hồn thiêng liêng và bất tử ở nơi mỗi người.


9. Chúng tôi tin rằng Thiên Chúa duy nhất là một trong bản thể vô cùng thánh thiện, gồm hết mọi thiện hảo, toàn năng, hiểu biết vô tận, quan phòng, có ý muốn và tình thương. Thiên Chúa là Đấng hiện hữu, như Ngài đã mặc khải với Mai-sen (x. Xh 3,14); và Thiên Chúa là Tình Yêu, như thánh tông đồ Gioan dạy (x. 1 Ga 4,8): Hiện Hữu và Tình Yêu hai danh hiệu để chỉ một bản tính khôn tả của Thiên Chúa, Đấng đã khấng tỏ mình ra cho chúng ta, Đấng “ngự trên ánh sáng siêu phàm” (x. 1 Tm 6,16), Đấng ở trên mọi danh hiệu, ở trên vạn vật và trên mọi lý trí thụ tạo. Duy chỉ Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta biết đúng và biết đầy đủ về đời sống Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần, cuộc sống mà chúng ta được mời gọi đến chia sẻ, ngay từ đời này trong bóng tối đức tin và đời sau trong ánh sáng vĩnh cửu.


Những dây liên lạc hỗ tương đã cấu tạo nên Ba Ngôi tự nguyên thuỷ, cũng làm cho Ba ngôi chung một bản tính Thiên Chúa, nói lên đời sống hạnh phúc thân mật của Thiên Chá chí thánh, vượt trên mọi hiểu biết và suy lường của trí khôn loài người (x. Dz-Sch 804). Vì thế chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa nhân lành, bởi vì có nhiều tín đồ trên thế giới cùng làm chứng cho Thiên Chúa duy nhất trước mặt loài người mặc dù họ không biết đến mầu nhiệm Tam vị chí thánh.


10. Còn chúng tôi, chúng tôi tin kính Đức Chúa Cha, Đấng đã sinh ra Đức Chúa Con từ trước muôn đời; chúng tôi tin kính Đức Chúa Con là Ngôi Lời Thiên Chúa tự đời đời đã được sinh ra; chúng tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là ngôi vị không được tạo thành, xuất phát bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Như vậy, nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, đồng vĩnh cửu, đồng bình đẳng (x. Dz-SCh 75), chan hoà một cách viên mãn đời sống vinh quang và hạnh phúc bất diệt của Thiên Chúa, vì thế luôn luôn “phải được tôn kính là một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, và Thiên Chúa Ba Ngôi trong một bản thể duy nhất” (Dz-Sch. 75).


 


II. ĐỨC KITÔ


1374885 1420205984867939 1588056733 n11. Chúng tôi tin kính Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng tôi. là Con Thiên Chúa. Người là Ngôi Lời, được sinh ra bởi Đức Chúa Cha tự trước muôn đời, đồng bản tính với Đức Chúa Cha (Dz-Sch. 150), nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria do quyền năng Đức Chúa Thánh Thần, và đã làm người: Người bằng Đức Chúa Cha về bản tính Thiên Chúa, Người ở dưới Đức Chúa Cha về bản tính loài người, (x. Dz.-Sch. 76): hai bản tính không trà trộn (một điều không thể nào có được) nhưng hợp trong một ngôi vị duy nhất.


12. Người “đến cư ngụ giữa chúng ta ..., tràn đầy ơn thánh và chân lý” (Ga 1,14). Người đã loan báo và thiết lập Nước Thiên Chúa, Người mạc khải Chúa Cha cho chúng ta nơi chính bản thân mình. Người đã truyền cho chúng ta một điều răn mới là yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x. Ga 15,12). Người dạy chúng ta con đường đi đến Phúc thật của Tin Mừng đó là: tinh thần khó nghèo, hiền từ, kiên nhẫn trong đau khổ, khao khát công lý, hay thương xót, tâm hồn trong sạch, ý muốn hoà bình, cam chịu bách hại vì công lý (x. Mt 5,1-10).


Người đã thụ hình dưới thời quan Phongxiô Philatô, như Chiên Thiên Chúa gánh các tội lỗi trần gian (x. Ga 1,29): Người đã chết trên thập giá vì chúng ta, đã mang lại cho chúng ta ơn cứu độ bằng máu chuộc tội (x. Dt 9,23). Người chịu mai táng trong mồ, đã chỗi dậy ngày thứ ba bởi quyền năng của mình, do sự phục sinh Người nâng cao chúng ta lên để thông dự vào đời sống thần linh, tức là ơn thánh. Người lên trời, từ đó Người sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, mỗi người tùy theo công trạng của mình: những ai sống cho tình yêu và thảo hiếu với Thiên Chúa sẽ được hưởng phúc đời đời, những ai khước từ Thiên Chúa sẽ bị luận phạt muôn kiếp. Và Nước Người không bao giờ cùng.


 


III. ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN


263y6qh13. Chúng tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người cùng được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy, Người được cử đến với chúng ta do Chúa Kitô sống lại và lên trời: Người soi sáng, linh hoạt, che chở và điều khiển Hội thánh, Người thánh hoá các linh hồn miễn là họ không từ chối ơn của Người. Người hành động trong thâm sâu của linh hồn, khiến cho họ có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu “chúng con hãy nên trọn lành như Cha chúng con ở trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48).


 


 

114.864864865135.135135135250