04/08/2013 -

Suy niệm chia sẻ

785

 


Năm đức tin với thánh Tôma


(bài 43): Chú giải kinh Kính mừng


 


  


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.


 


 


 


LeTruyenTinTrong tiếng Việt, chúng ta gọi là kinh “Kính mừng” lấy từ hai từ mở đầu. Trong tiếng Latinh, vào thời Trung cổ, kinh này được đặt tên là “Lời chào của thiên sứ” (salutatio angelica). Có lẽ tên gọi này đã ảnh hưởng đến toàn thể bải chú giải của thánh Tôma. Mở đầu, tác giả cho thấy thông thường thiên sứ không thể “kích chào” loài người bởi vì các thiên sứ thuộc cấp bậc cao hơn loài người: a) do bản tính thiêng liêng; b) vì gần gũi Thiên Chúa hơn; c) vì tỏa chiếu ánh sáng hơn. Thế mà thiên sứ Gabriel lại cúi chào Đức Trinh nữ Maria bởi vì so sánh với các thiên sứ, a) Người đầy ân sủng; b) Người gần gũi Thiên Chúa hơn; c) Người tinh tuyền hơn.


 


Bố cục của bản chú giải gồm hai phần chính dựa theo hai lời của Tin mừng Luca: 1/ Lời của thiên sứ. 2/ Lời của bà Elizabeth. Phần thứ hai ngắn hơn, bởi vì theo bản Vulgata, lời của bà Elizabeth chỉ vỏn vẹn có một câu: “Chúc tụng hoa trái bởi lòng chị”. Trong bản văn ngắn ngủi này, chúng ta nhận thấy có hai câu chuyện thần học đáng kể: a) danh xưng Maria; b) tình trạng ân sủng của Người.


 


1/ Danh xưng Maria. Vào ba cơ hội, danh xưng Maria đã được giải thích như là: a) Kẻ mang ánh sáng trong mình; b) Bà chủ; c) Sao biển. Thực ra Maria là một tên gọi của nhiều phụ nữ Do thái (Myriam). Bà chị của ông Moisen đã mang tên này. Sách Tin mừng cũng nói đến ba bà Maria (Maria em gái của Marta, Maria Madalena, Maria Cleopha). Tuy nhiên, danh xưng này trở thành nổi tiếng với người thân mẫu của Chúa Giêsu, vì thế có rất nhiều bút mực đã đổ ra để đào sâu ý nghĩa của nó. Chỉ riêng từ thánh Epiphaniô (thế kỷ IV) cho đến cha Hugues de Saint Victor (thế kỷ XII), người ta đếm được 70 lối giải thích khác nhau. Trên thực tế, các giải thích ngữ học thường còn kèm theo giải thích thần học nữa. Ngoài ra, xét theo tầm nguyên, có giả thuyết cho rằng Miryam gốc bởi tiếng Ai cập có nghĩa là “Kẻ được Thiên Chúa sủng ái”[1]


 


2/ Ân sủng của Đức Maria. Trong bài chú giải này, thánh Tôma đã hơn một lần bàn đến sự thánh thiện của Đức Maria. Người được giữ gìn khỏi các tội cá nhân, dù là tội trọng hay tội nhẹ. Còn tội nguyên tổ thì sao? Vào thời ấy, hầu hết các nhà thần học, do ảnh hưởng của thánh Augustinô, đều chủ trương rằng Đức Maria có mắc tội tổ tông truyền. Lý do là vì nếu Người không mắc tội tổ trông thì sẽ không cần đến ơn cứu chuộc của Đức Kitô. Thánh Tôma cũng nghĩ như vậy khi viết các tác phẩm lớn (chẳng hạn như Tổng luận thần học). Tuy vậy, trong bản chú giải kinh Kính mừng, được soạn vào lúc cuối đời, thánh Tôma đã thay đổi ý kiến:


 


a) Khi chú giải câu văn “đầy ân sủng”, tác giả nhìn nhận rằng Đức thánh Trinh nữ được đầy ân sủng hơn hết các thánh, nhưng vẫn thua Đức Kitô. Đức Kitô thì được tinh tuyền trước khi đầu thai, còn Đức Maria được tinh tuyền ở trong lòng mẹ. Như vậy, phải chăng đức Maria đã mắc tội nguyên tổ lúc đầu thai? Câu trả lời không đơn giản. Đức Kitô đã hiện hữu trước khi thành thai trong lòng Đức Maria, và không mắc tội gì. Còn Đức Maria, trước khi thành thai thì chưa hiện hữu (chưa có linh hồn), vì thế làm thế nào mà nói rằng mắc tội hay không mắc tội? Tiên vàn phải có linh hồn đã; thế mà linh hồn được tạo dựng từ lúc thành thai. Đây là một vấn nạn triết học vào thời đó!


 


b) Sau đó, đến khi chú giải câu văn “Chúa ở cùng Bà”, thì tác giả nói rằng Đức Trinh nữ vượt xa các thiên thần về sự tinh tuyền, bởi vì Đức Maria không mắc tội nguyên tổ, cũng như hình phạt của tội này.


 


Chúng tôi chia bài huấn giáo của thánh Tôma làm hai kỳ. Lần này, chú giải những lời: “Kính mừng”, “Đầy ơn sủng. Kỳ tới, các lời: “Chúa ở cùng bà”, “Bà được chúc lành hơn các phụ nữ, “Chúc tụng hoa trái của lòng bà”. 


-----------


Trong kinh Kính mừng ta có thể phân biệt ba phần: 1/ lời của thiên sứ “Kính chào, ôi kẻ đầy ơn sủng, Chúa ở cùng bà, bà được chúc phúc hơn mọi phụ nữ” (Lc 1,28). 2/ lời của bà Elizabeth, thân mẫu thánh Gioan Tẩy giả: “chúc tụng hoa trái của lòng bà” (Lc 1,42); 3/ danh xưng “Maria” được Giáo hội thêm vào[2]. Thực vậy, thiên sứ không nói “Kính chào, ôi Maria” nhưng là “Kính chào, ôi kẻ đầy ân sủng”; tuy vậy chúng ta sẽ thấy rằng những ý nghĩa khác nhau của danh xưng “Maria” rất xứng hợp với lời chào của thiên sứ.


 


I. Lời của thiên sứ


            A. Ave: kính chào[3]


 


Người xưa cảm thấy rất vinh dự khi được thiên sứ hiện ra với loài người, và người ta rất hân hạnh được bái phục trước những sứ giả của Thiên Chúa. Thật vậy, ông Abraham được ca ngợi bởi vì ông đã đón rước các thiên sứ vào lều của mình, và đã bái phục các ngài[4]. Thế nhưng chưa bao giờ xảy ra chuyện một thiên sứ kính bái một con người như là trường hợp Gabriel chào đức thánh Trinh nữ: “Kính chào”


 


Sở dĩ một thiên sứ không bao giờ hạ mình xuống trước một con người là bởi vì thiên sứ trổi vượt hơn con người xét theo ba lý do: xét vì phẩm tính, xét vì sự gần gũi với Thiên Chúa, xét vì ánh huy hoàng của thiên ân.


 


1) Thật vậy, xét về phẩm tính, thiên sứ thuộc bản tính linh thiêng, như thánh vịnh (103,4) đã viết: “Ngài đã dựng nên các sứ giả của Ngài như là thần khí”, còn loài người thì thuộc bản tính hư nát. Ông Abraham nói: “Này tôi là hàng tro bụi mà được nói chuyện với Chúa tôi sao?” (St 18,27). Vì vậy, thật không thích hợp để cho một loài linh thiêng và bất hoại lại hạ mình trước một loài hư nát như con người.


 


2) Thiên sứ gần gũi với Thiên Chúa như là cận thần của Ngài: “Muôn ngàn thiên sứ phụng sự Thiên Chúa và vô vàn vị hầu cận đứng trước nhan Ngài” (Đn 7,10). Ngược lại, loài người giống như một kẻ xa lạ, bởi vì nó đã lìa xa ngai Thiên Chúa do tội nguyên tổ, do đó có thể lặp lại câu thánh vịnh rằng: “Này tôi sẽ trốn tránh vào chỗ xa với” (Tv 54,8). Vì vậy con người đương nhiên phải tỏ lòng tôn kính đối với thiên sứ là cận thần của Thiên Chúa.


 


3) Sau cùng, các thiên sứ thông dự ánh quang của Thiên Chúa cách sung mãn. [Ông Bildad Shukhita][5] đã tự hỏi:: «Làm thể nào kiểm kê đạo quân của ngài được? Có ai trong họ mà chẳng không được ánh sáng thiên linh chiếu tỏa không? » (G 25,3). Vì thế, các thiên sứ luôn hiện ra trong hào quang rực rỡ, còn con người cho dù cũng được thông dự ánh sáng của ân sủng, nhưng chỉ cách mờ nhạt thôi. Do đó thật không xứng hợp cho một vị thiên sứ tỏ lòng cung kính bái phục con người, cho đến khi nào tìm thấy giữa loài người có kẻ trổi vượt hơn mình về tính linh thiêng, về sự gần gũi Thiên Chúa và về sự chói ngời ân sủng. Đó là điều thiên sứ đã thấy nơi Đức Maria khi chào Người là “kẻ đầy ân sủng”.


 


            B. Đầy ân sủng


 


Đức thánh Trinh nữ trổi vượt hơn các thiên sứ vì ba lý do. Thứ nhất vì Người đầy ân sủng, một điều đặt Người lên trên hết mọi loài linh thiêng. Để nêu bật điều này, thiên sứ Gabriel kính chào Người với danh hiệu “kẻ đầy ân sủng”, ra như muốn nói rằng: “Tôi bái phục Ngài vì Ngài hơn tôi về sự sung mãn ân sủng”. Chúng ta có thể hiểu “đầy ân sủng” về ba phương diện: linh hồn, thân xác, san sẻ cho tha nhân:


 


1/ Trước hết, Đức thánh Trinh nữ được gọi là “đầy ân sủng” bởi vì linh hồn của Người chan chứa ân sủng. Hồng ân này được ban cho Người vì hai mục tiêu, đó là làm điều tốt và tránh điều xấu. Đức Maria nhận được cả hai sự trợ giúp ấy ở mức độ toàn hảo. Người tránh tội hơn bất cứ vị thánh nào, chỉ thua Đức Kitô mà thôi.


 


Tội lỗi có hai loại: tội nguyên tổ và tội cá nhân, nặng hay nhẹ. Đức Maria được thanh luyện khỏi tội nguyên tổ ngay từ lòng thân mẫu[6], và được khỏi các tội cá nhân, ngay cả tội nhẹ nữa. Sách Diễm ca đã viết: “Bạn ta ơi, bạn tuyệt đẹp, không thể thấy vết nhơ nào nơi bạn!” (Dc 4,7). Thánh Augustinô, trong khảo luận về “Tự nhiên và ân sủng” (De natura et gratia) thêm rằng: “Ngoại trừ thánh Trinh nữ Maria, nếu ai hỏi tất cả các thánh nam và các thánh nữ xem khi còn ở trần thế họ có coi mình có được khỏi tội lỗi không, thì các ngài sẽ đồng thanh đáp: “Nếu chúng tôi nói rằng mình không phạm tội, thì chúng tôi sẽ lừa dối mình, và không có sự thật trong lời nói của chúng tôi!” (1 Ga 1, 8). Hết tất cả mọi người đều mắc tội, nhưng phải loại trừ đức thánh Trinh nữ, vì danh dự của Thiên Chúa. Thật vậy, chúng ta biết rằng Người được ban ân sủng ngõ hầu có thể thắng được cơn cám dỗ bé nhỏ nhất; Người đáng được điều ấy bởi vì Người cưu mang và sinh hạ Đấng không biết đến bóng dáng của tội lỗi”. Tuy nhiên, Đức Kitô vượt trổi hơn đức thánh Trinh nữ: Người không mắc tội nguyên tổ khi thành thai và khi sinh, còn đức Trinh nữ không mắc tội nguyên tổ lúc sinh ra, chứ không vào lúc thành thai.


 


Ngoài ra, Đức Maria thực hành tất cả mọi nhân đức, còn các vị thánh thì chỉ sáng chói về vài nhân đức: có người nổi về đức khiêm nhường, người về đức khiết tịnh, người về lòng trắc ẩn: xét riêng từng người thì mỗi vị trở nên mẫu gương về vài nhân đức đặc thù (chẳng hạn như thánh Nicôla, được đề cao về lòng thương xót, vv). Đức trinh nữ Maria là mẫu gương cho mỗi nhân đức: thật vậy bạn có thể thấy nơi Người gương khiêm nhương qua lời thưa: “Này đây, tôi là tôi tớ của Thiên Chúa ... Ngài đã đoái nhìn phận hèn của tôi tớ của Ngài” (Lc 1, 38. 48). Người là gương khiết tịnh (“Tôi chẳng có quan hệ hôn nhân”)[7]: và các nhân đức khác nữa cũng vậy. Như thế đức Trinh nữ đầy ân sủng xét về điều tốt phải làm và điều xấu phải tránh.


 


2/ Hơn nữa, Người còn được đầy ân sủng nhằm để tuôn trào từ linh hồn ra thân xác. Thật là diệu kỳ khi các thánh nhận được ân sủng đầy đủ để được nên thánh trong linh hồn; nhưng tinh thần của Đức Trinh nữ được tràn đầy ân sủng đến độ trào ra ngoài thân xác, nơi mà Con Thiên Chúa được đầu thai. Hugues de Saint-Victor viết như sau: “Tình yêu của Thánh Linh đã bừng cháy trong tâm hồn của Người cách đặc biệt, nên đã tạo ra những kỳ diệu trong thân xác của Người, khiến cho từ đó mà sinh ra Con Người Thiên Chúa”. Thật là một lời chú giải chí lý cho câu Tin mừng thánh Luca: “Hài nhi mà Bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh và sẽ được gọi là con của Đấng Tối Cao” (Lc 1,35).


 


3/ Đức Maria cũng còn được đầy ân sủng đến nỗi chia sẻ sự dạt dào ấy cho hết mọi người. Các vị thánh nào nhận được nhiều ân sủng đến độ giúp cho nhiều người được cứu độ thì hẳn là họ được dồi dào ân sủng; vậy phải nói thế nào về kẻ nhận được ân sủng nhiều đến nỗi mang lại ơn cứu độ cho toàn thế giới, như đã xảy ra nơi Đức Kitô và Đức thánh Trinh nữ. Trong bất cứ cơn nguy khốn nào, bạn cũng có thể thoát khỏi nhờ đức Trinh nữ. Để tượng trưng cho quyền năng của Người ta có thể áp dụng lời trong Sách Diễm ca (4,4): “Các thành lũy – nghĩa là nơi ẩn náu - vây quanh Người”. Người cũng có thể ở bên cạnh bạn để giúp bạn thực hiện mọi nhân đức. Về điều này ta có thể áp dụng câu Kinh thánh: “Các ngươi có thể thấy nơi Ta tất cả niềm hy vọng về nhân đức và sự sống” (Hc 24,25).


 


            C. Maria


 


Vì thế Đức Maria đầy ân sủng, vượt xa các thiên thần. Người đang được gọi là “Maria”, có nghĩa là “kẻ mang ánh sáng trong mình”. Thực vậy, có thể áp dụng về Người câu nói của ngôn sứ “Thiên Chúa làm cho linh hồn Người tràn ngập ánh sáng” (Is 58,11), Người trở nên ánh sáng tỏa ra trên khắp nhân loại, vì vậy Đức Maria được ví như mặt trời và mặt trăng (x. Dc 6,9).







1. Phan Tấn Thành, Magnificat, Học viện Đa Minh 2010, trang 97-98.


2. Dĩ nhiên là phần thứ hai của kinh Kính mừng (“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời ... Amen”) cũng do Giáo hội thêm vào; nhưng vào thời thánh Tôma thì chưa có, như đã nói lần trước.


3. Tiếng Latinh “Ave” chỉ là một lời chào (cũng tựa như “Salve”); nhưng nguyên gốc Hy lạp là “Khaire”: Mừng vui lên!


4. Quanh cảnh được thuật lại ở chương 18 của Sách Sáng thế.


5. Bildad là một trong ba người bạn đến tranh luận với ông Giob.


6. Nguyên vắn: Peccatum enim aut est originale, et de isto fuit mundata in utero aut mortale aut veniale, et de istis libera fuit


7. Các nhà thần học kinh viện giải thích lời này như là lời khấn trinh khiết.


114.864864865135.135135135250