26/06/2017 -

Nhận định

3604

Người ta đã từng gọi một vị giáo hoàng là “Giáo hoàng xanh”.

Ngài có được danh hiệu như vậy trên cả mặt đời lẫn mặt đạo, bởi vì Ngài đã viết bàn rất nhiều về vấn đề môi trường, đồng thời kêu gọi các tín hữu Công giáo trở nên những người tử tế hơn, trách nhiệm hơn trong việc quản lý công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Trong triều đại của vị giáo hoàng này, Vatican trở thành quốc gia độc lập đầu tiên trên thế giới thực hiện được việc trung hoà khí thải carbon (carbon-neutral), có nghĩa là tất cả khí thải nhà kính của quốc gia nhỏ bé này đều được bù đắp bởi các nguồn năng lượng tái tạo và các tín chỉ carbon (carbon-credit) nhờ vào việc trồng thêm cây cối và việc sử dụng các tấm pin mặt trời. Chính ngài cũng đã sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, tiết kiệm. Popemobile, chiếc xe chuyên dụng để chở ngài, cũng được thiết kế lại để có thể chạy được cả bằng điện.

Lạ là, “Giáo hoàng xanh” không phải là đức Phanxicô.

Nhưng là đức Bênêđíctô XVI, vị tiền nhiệm, điều này có thể gây ngạc nhiên cho những ai vẫn tin rằng, di sản của ngài đơn giản là chủ nghĩa bảo thủ triệt để.

Trong Ngày Hòa bình Thế giới năm 2010, đức Bênêđíctô XVI đã chọn chủ đề “Nếu bạn muốn duy trì hòa bình, hãy bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa.” Ngài nói: “Tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc môi trường”.

Được gợi hứng từ sáng kiến của các vị tiền nhiệm, là đức Gioan Phaolô II, đức Lêô XIII và đức Phaolô VI, trong thông điệp của mình, đức Bênêđíctô đã kêu gọi Dân Chúa hãy quan tâm đến tình trạng biến đổi khí hậu và hãy chăm sóc công trình sáng tạo, và coi đó như là một sự nới rộng sự quan tâm mà Giáo hội dành cho nhân loại. Ngài cũng đã đề cập đến hiện tượng “tị nạn môi sinh” (ND: Những người tị nạn bởi vấn nạn môi trường) vài năm trước khi đức Phanxicô cảnh báo về việc yếu tố môi trường trong cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.

Đức Bênêđíctô XVI đã đặt những câu hỏi sau đây trong thông điệp của Ngài: “Liệu chúng ta có thể thờ ơ trước những vấn đề như biến đổi khí hậu, sa mạc hoá, các vùng nông nghiệp rộng lớn không thể canh tác, ô nhiễm sông ngòi và các nguồn nước ngầm, tính đa dạng sinh học bị mất đi, các thảm hoạ thiên nhiên gia tăng, và nạn phá rừng tại các vùng cận xích đạo và nhiệt đới? Liệu chúng ta có thể thờ ơ trước sự gia tăng của hiện tượng các anh chị em tị nạn môi sinh”, là những người do suy thoái môi trường sống buộc phải từ bỏ nhà cửa quê hương, và thường là cả tài sản của mình nữa, để đối mặt với những nguy hiểm, những bấp bênh do bắt buộc phải thay đổi chỗ ở? Liệu chúng ta vẫn có thể tiếp tục thụ động trước những nguy cơ xung đột, và cả những xung đột đã thực sự xảy ra liên quan đến việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên?

Ngài nói thêm: “Tất cả những điều này đều là những vấn đề có tác động quyết định đến việc thực hiện các quyền con người, như quyền sống, được nuôi dưỡng, được chăm sóc sức khoẻ và phát triển”.

Đức Bênêđictô XVI đề cập đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu không chỉ một lần. Tại Sydney vào năm 2008, Ngài đã nói với những bạn trẻ trong diễn văn ngày khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới rằng, bảo vệ công trình sáng tạo và chăm lo cho nhân loại là những vấn đề thiết thân gắn bó với nhau.

Ngài nói: “Những ưu tiên, cổ võ bất bạo động, phát triển bền vững, công lý hoà bình, chăm sóc môi trường là những chuyện sống còn đối với nhân loại. Tuy nhiên, người ta sẽ không thể lãnh hội, ý thức đầy đủ về tất cả những điều này được, nếu thiếu đi một sự thấu triệt sâu xa về phẩm giá thiên bẩm của mỗi một con người từ lúc thành thai cho đến khi qua đời: một phẩm giá được chính Thiên Chúa ban tặng, bởi vậy nó được kể là bất khả xâm phạm”.

Thậm chí, ngài đã đưa đề tài này vào trong tông thư “Sacramentum Caritatis” năm 2007 của ngài, với chủ đề là: bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ mạng của Giáo hội.

Trong tông thư, ở phần có tựa là “Thánh hóa thế giới và bảo vệ công trình sáng tạo”, đức Bênêđíctô XVI lưu ý rằng ngay cả phụng vụ cũng nhắc nhở các tín hữu về tầm quan trọng của công trình sáng tạo của Thiên Chúa khi “linh mục dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cùng với bánh miến và rượu nho, là hoa màu ruộng đất và lao công của con người.

Ngài nói thêm: Với những lời đọc như thế, nghi thức phụng vụ không chỉ nhắc đến những của lễ mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa là những nỗ lực, công khó của con người, mà còn giúp chúng ta ý thức rằng trái đất là một phần trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, và nó giúp cung cấp những thứ sống còn giúp duy trì cuộc sống chúng ta. Trái đất không giống như những thứ khác, nó không chỉ đơn thuần là vật chất như chúng ta vẫn thấy. Đúng hơn, nó là một phần trong kế hoạch tốt lành của Thiên Chúa, trong đó tất cả chúng ta được mời gọi trở nên những người con trai, con gái trong Đức Giêsu Kitô, Người Con Duy Nhất của Người”.

Các trước tác của ngài rất bổ ích và sâu sắc nên đã được trích dẫn nhiều lần trong thông điệp về môi trường, “Laudato Si”, của đức Phanxicô.

Giống như đức Bênêđíctô và các vị tiền nhiệm khác, đức Phanxicô cũng nhắc nhở rằng, sẽ không có môi sinh học mà không có nhân học thích ứng.

Không thể có một sự canh tân về mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên mà không có một sự canh tân tự chính bản thân nhân loại. Sẽ không có sinh thái học mà không có một ngành nhân chủng học đầy đủ. Khi con người nhân loại bị coi chỉ đơn giản là một thực thể trong số những thực thể khác, là sản phẩm của sự tình cờ hay hay thuyết định mệnh thể lý, thì toàn bộ cảm thức về trách nhiệm của chúng ta hết thời’”, đức Phanxicô đã viết như thế, dẫn lại lời của đức Bênêđíctô XVI.

Chăm lo “công trình sáng tạo”, hay “ngôi nhà chung của chúng ta”, như Đức Thánh Cha Phanxicô thường gọi, dường như sẽ tiếp tục là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong triều giáo hoàng của ngài. Ngoài thông điệp của mình, đức Phanxicô thường xuyên đề cấp đến việc biến đổi khí hậu và môi trường với nhiều cử toạ khác nhau, chẳng hạn trong dịp ngài là vị giáo hoàng đầu tiên nói chuyện với Quốc hội Hoa Kỳ vào mùa thu năm ngoái.

Thế nhưng, chúng ta cũng không quên những đóng góp quan trọng, nền tảng về mặt học thuyết lẫn thực tiễn của các vị giáo hoàng tiền nhiệm, đặc biệt là của đức Bênêdictô XVI.

Mary Rezac
Chuyển dịch: Kim Bình (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
http://www.catholicnewsagency.com

114.864864865135.135135135250