01/01/2015 -

Lá thư biên tập

2674

Cùng quý bạn đọc thân mến,

Tin Mừng của Đức Giêsu luôn luôn là một sự đảo ngược kỳ diệu những giá trị và những phương thức của con người. Tuy nhiên, sự đảo ngược ấy không phải là một sự ngang ngược như thể Thiên Chúa muốn làm gì thì làm, bất kể cảm nhận của con người, mà là một sự vượt quá cách kỳ diệu khiến mọi người thành tâm phải thán phục vì nét đẹp của Tin Mừng.

Tin Mừng Gioan cho thấy Thiên Chúa đã sáng tạo mọi sự trong Ngôi Lời :

Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.” (Ga 1.3) 

Và chính Ngôi Lời đã thành xác phàm nơi đức Giêsu Kitô (X. Ga, 1, 14), Đấng khai mạc Tin Mừng Nước Trời mà chính bản thân Ngài hiện diện như trung tâm của Nước Trời. Tin Mừng Nước Trời không đối nghịch nhưng “sửa lỗi” và “nâng cấp” bản tính “tự nhiên” của tạo thành. Chính vì thế, Tin Mừng đức Giêsu Kitô vừa là sự tiếp nối của chương trình sáng tạo, vừa là sự vượt quá từ lãnh vực “tự nhiên” đến lãnh vực siêu nhiên.

Chẳng hạn, theo lẽ tự nhiên, mọi tổ chức đều muốn thu phục và cậy nhờ vào những con người ưu tuyển, nhưng Tin Mừng của đức Giêsu lại ưu tiên chọn lựa những người “nghèo”, những người “bé mọn”; chẳng hạn vua chúa trần gian luôn tìm sức mạnh của quyền lực để dễ bề thống trị và thúc bách đạt mau tới thành quả nào đó, nhưng Tin Mừng của đức Giêsu lại đề cao một thái độ phục vụ những người bé mọn nhất, và dáng dấp của vị Vua Giêsu biểu lộ ở thái độ trân trọng phẩm giá của những người đang phải đói, phải khát, phải mình trần, phải tù đày… Chẳng hạn người ta luôn tính toán theo lẽ công bằng để yêu những kẻ yêu mình, quí trọng những kẻ làm ơn cho mình; thì Nước Trời lại tỏ lộ khi người tín hữu dám yêu và dám làm điều tốt lành cho những kẻ ghét mình…

Ngôn sứ Isaia đã nói :

Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55,9)

Như thế, đời sống đức Tin, một cách nào đó, không là gì khác hơn một hành trình “vượt quá” từ những giá trị, những phương thức của thế giới như đã được sáng tạo và đã bị hư hoại do tội lỗi, trở nên một thụ tạo mới trong ơn cứu độ của đức Giêsu Kitô. Hành trình vượt quá ấy vẫn còn đang diễn ra, vì Giáo hội vẫn đang sống trong giai đoạn cánh chung (tức giai đoạn từ khi Chúa Giêsu đến trần gian lần I cho tới khi Chúa Giêsu đến lần thứ II trong ngày Quang Lâm).

Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng : "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." (Mt 4,17)

Hành trình vượt quá ấy được biểu lộ nơi đời sống của Giáo hội nói chung, nơi các cộng đoàn trong lòng Giáo hội, các giáo phận, giáo xứ, các cộng đoàn tu trì, gia đình Kitô giáo… Giáo xứ và cộng đoàn trong lòng Giáo hội không phải là một tổ chức trần thế thuần túy, dù có chặt chẽ và hoàn hảo đến đâu; không phải chỉ được tính toán theo sự khôn ngoan của con người, không phải chỉ tìm kín múc sinh lực từ những ưu điểm hay sở trường của phương thức điều hành hoặc nhờ những những con người tài ba xuất chúng… Một cách căn bản, Giáo hội cùng các cộng đoàn và giáo xứ, mặc dù vẫn còn nhiều giới hạn, vẫn bắt nguồn từ “Thần Khí của Tân Ước”, tức là Thánh Thần của Đức Giêsu, và Thánh Thần đang hoàn thành những giá trị của Nước Trời nơi tổ chức hữu hình của Giáo hội. Chính Thánh Thần của Đức Kitô mới là Đấng mở ra được chân trời tuyệt hảo của Nước Trời trong tâm hồn người tín hữu, và chính Thánh Thần của Đức Kitô mới gỡ ra được những mối giây của quy luật trần thế đang trói buộc, để dẫn dắt đúng đắn hành trình vượt qua của Giáo hội đến chân trời ấy.

Điều quan trọng diễn tả đức Tin chân thật của người tín hữu hiện nay chính là thái độ tin vào quyền năng của Chúa giữa lòng những giới hạn của lẽ sống tự nhiên. Mặc dù ở đây và lúc này đời sống Giáo hội chưa phải là thiên đàng, nhưng Giáo hội vẫn luôn tỏ lộ được những dấu chỉ về sự sống Thần linh đang ngấm ngầm đưa dẫn hành trình vượt qua ấy; và người tín hữu sống đức Tin sung mãn cũng là những người được soi sáng để nhận ra sự hiện diện của Nước Trời qua những dấu chỉ lấp lánh trong lòng những giới hạn và thiếu sót ấy.

Anh chị em thân mến,

Một khi xác tín và nguồn cội Thần linh của Giáo hội, mỗi người kitô hữu và mỗi cộng đoàn trong Giáo hội không được phép bằng lòng với những dáng vẻ sầm uất, không được chỉ nhằm tới sự phát triển bên ngoài, không được đặt tất cả niềm tin và những phương thức giải quyết theo “đường lối của con người”. Giáo hội và các cộng đoàn trong Giáo hội cần không ngừng khám phá và ngưỡng vọng Nước Trời để nhận ra sự bất lực của sức người, và luôn khát vọng nguồn sức sống từ Chúa Thánh Thần.

Có thể chúng ta đã quá dễ dàng nhận thấy, trong đời sống Giáo hội Việt Nam hiện nay, rất nhiều điều chưa được biểu lộ được dấu chỉ Nước Trời. Lý do là vì những thành phần trong Giáo hội vẫn là những con người, những con người sống chìm ngập trong những tương tác và thúc bách của quy luật trần thế. Tuy nhiên, chỉ có con mắt đức Tin mới giúp người tín hữu đọc được dấu chỉ, dấn thân vào hành trình vượt qua trong lòng Giáo hội. Chính thái độ tin tưởng ấy sẽ góp phần tỏ lộ mỗi ngày mỗi rõ nét hơn mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi ngay trong lòng Giáo hội.  
114.864864865135.135135135250