04/09/2014 -

Lá thư biên tập

1004
Cùng quý độc giả thân mến,
Đưc Giêssu đã xác nhận tầm quan trọng của gia đình khi thiết lập bí tích Hôn phối. Với bí tích ấy, đời sống bình thường của gia đình trở thành đời sống đức tin.
Bí tích nói chung mang ý nghĩa một giao ước, và mọi bí tích đều dựa trên giao ước căn bản của bí tích Rửa tội. Khi hai người nam/nữ mang chính tình yêu hôn nhân của mình để giao ước với Chúa, thì đời sống hôn nhân ấy, cùng với những trách nhiệm đời thường của đời sống gia đình cũng chính là cách thức biểu lộ lòng trung tín với Chúa; ngược lại, Chúa cùng liên đới với mọi người trong gia đình để dẫn dắt, gìn giữ và thánh hóa đời sống gia đình Kitô giáo.
Người Kitô hữu thường hiểu bí tích như một lệnh truyền có tính luân lý, là những đòi buộc như một nghĩa vụ thêm vào những gồng gánh đã quá nặng nề. Thật ra, bí tích là giao ước có tính luật pháp, nên ít nhiều có tính đòi buộc. Nhưng chính tính cách đòi buộc ấy nhằm khẳng định sự vững bền của tình nghĩa giữa Thiên Chúa với Dân của Người, chứ không phải nhằm đe nẹt hoặc đòi hỏi suông. Mặt khác, bí tích nói chung không phải chỉ là một nghi thức với những hiệu quả “ở đây và lúc này” mà thôi, nhưng đúng hơn là một đời sống. Bí tích Rửa tội không phải chỉ tha tội tổ tông và tội riêng, nhưng còn là được sống một đời làm con Chúa; bí tích giải tội không phải chỉ là tha hết tội, nhưng còn là được giao hòa với Chúa và cùng với Chúa để sửa lại những hệ lụy của tội lỗi; bí tính Thánh Thể không phải chỉ là thờ phượng Chúa Cha bằng hiến lễ của đức Giêsu, nhưng còn là đón Chúa đi vào muôn nẻo đường đời của cuộc sống thường ngày …
Như thế, bí tích Hôn Phối là một hồng ân cho con người, đặc biệt cho những ai được tham gia cách này cách khác vào đời sống gia đình. Bí tích Hôn phối không phải chỉ là “giấy phép” để hai người sống chung với nhau mà không được ly dị… nhưng là biến đời sống gia đình thành một “giáo hội tại gia”; nơi đó, các thành viên được ơn Chúa để cùng chia sẻ tình yêu và trách nhiệm với nhau trong đời sống thường ngày. Chính trong “giáo hội tại gia” ấy, đời sống đức tin được nuôi dưỡng, được triển nở và phát sinh hoa trái. Ngay cả những người sống đời sống thánh hiến hoặc làm linh mục thì cũng được hưởng nhờ hồng phúc từ bí tích Hôn phối của cha mẹ.
Một số nền văn hóa khác vốn coi thường đời sống gia đình nhưng chỉ đề cao tình bằng hữu; bởi vì đời sống gia đình, những sinh hoạt trong đời sống gia đình, không có dáng vẻ của một tinh thần cao cả; bởi vì đời sống gia đình là điều phổ biến mà gần như ai cũng có thể làm được…Đó là những nền văn hóa đề cao người ưu tuyển, những con người tự hào có thể làm nên sự cao cả của bản thân mình. Trong khi đó, truyền thống Do Thái – Kitô giáo vốn không phải là đạo của những người ưu tuyển, nhưng là đạo của ơn cứu độ, ơn cứu độ của Thiên Chúa ưu tiên dành cho những người nghèo. Sách Thánh thường dùng hình ảnh tình yêu vợ chồng để diễn tả tình yêu thân mật, thiết tha của Thiên Chúa với Dân Người.
Đặc biệt, trong Kitô giáo, đời sống hôn nhân được kết hợp với tình yêu lớn lao của đức Kitô và lòng trung tín của Giáo hội. Trong thư Ephêsô, sau khi đã nhắc nhở về cung cách của người vợ đối với người chồng và chồng đối với vợ, thánh Phaolô nói :
“Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng”.(Ep 5,32-33)
Quả thật, Kitô giáo đã nâng cao phẩm giá của tình yêu gia đình đến mức độ tuyệt hảo; bởi vì những công việc và trách nhiệm trong đời sống gia đình không còn là những chuyện thấp hèn hay vô nghĩa, nhưng là thể hiện đức Tin, thể hiện lòng trung tín của người môn đệ đức Kitô. Nhờ bí tích Hôn phối, tất cả những chuyện bình thường, tầm thường, đều đặn của cuộc sống, thực sự diễn tả “mầu nhiệm cao cả”, mầu nhiệm cứu độ trong tình yêu, bằng tình yêu.
Đời sống gia đình khó tránh khỏi những lúc mệt mỏi, những tình huống khó khăn, và cả những đau thương xé lòng… Một khi Đức Maria như một bà Mẹ hiền đã phát hiện ra tiệc cưới Cana bị thiếu rượu. Đức Maria là hình ảnh Giáo hội, đã đưa dẫn gia đình mới đến với đức Giêsu và đức Giêsu đã tỏ vinh quang của Ngài như một người Hôn Phu đích thực.
“Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ : "Các anh đổ đầy nước vào chum đi !" Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ : "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói : "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ." Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người”. (Ga 2,6-11)
Hồng phúc của đời sống gia đình Kitô hữu là đây. Những đòi buộc luân lý không phải chỉ là sự ép buộc, nhưng chính yếu là cách thức diễn tả lòng trung tín, lòng trung tín với đức Giêsu là vị Hôn Phu của Giáo hội, là Đấng “chịu trách nhiệm” để cung cấp “rượu mới”. Đó là sự sống đức Tin được thực hiện trong bí tích Hôn Phối.
Ước mong anh chị em tin tưởng vào tình yêu của Chúa, được giao ước một cách vững bền trong bí tích Hôn phối; biết quí trọng ơn gọi sống đời hôn nhân và biết thánh hóa đời mình qua những trách nhiệm của đời sống gia đình.
Thân mến!
Ban Biên Tập
114.864864865135.135135135250