01/04/2020 -

Lá thư biên tập

1348
Trong thế giới hôm nay, con người đối diện với quá nhiều thách thức. Điều đó càng đúng nhiều nhiều hơn đối với người trẻ. Cuộc sống của xã hội hiện đại giống như một cuộc đua gay gắt, cuộc đua sống-còn. Thế giới đã chuyển từ một xã hội an ổn ai cũng sống được, chuyển sang một xã hội muốn sống cần có ưu thế hơn người khác; rồi lại chuyển sang một xã hội cạnh tranh khốc liệt đến độ muốn sống thì phải, cách này cách khác, "tiêu diệt" người khác.... Người ta muốn đưa xã hội đến giai đoạn hợp tác..., nhưng muốn hợp tác thì mỗi người cũng phải có điểm mạnh của chính mình... Xã hội hiện đại càng ngày càng trở nên như một chiến trường.
Trước thách đố ấy, người trẻ ngày nay bị đặt vào thế luôn phải gồng lên để khẳng định mình, luôn đứng trước những thử thách sống còn, và luôn sống cuộc đời mình như "một bài toán chưa có đáp số”. Thách đố ấy có thể tạo nên một sự thúc bách tiến bộ. Tuy vậy, xã hội như thế luôn bao hàm hệ quả là sự loại trừ những người yếu kém, luôn xếp hạng con người theo những chuẩn mực thành đạt và xếp hạng luôn cả chính phẩm giá làm người; nghĩa là người ta có quyền khinh dể những người thật bại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt...
Tính cách gay gắt ấy cũng thường đưa tới một hệ quả là con người luôn sống trong tình trạng đối phó, đối phó với những thách đố bên ngoài để sống còn, đối phó bằng việc phát triển thật nhiều kỹ năng mềm, phải khôn khéo để luồn lách, nhiều khi còn phải bợ đỡ cấp trên để được thăng tiến hoặc ít là để được an ổn...
Người trẻ hôm nay không lưu tâm đến cứu cánh cuộc đời và cũng không đặt nặng ý nghĩa nhân văn trong những lựa chọn của mình. Nếp sống xã hội như thế dễ làm cho con người đánh mất bản thân. Người trẻ không có điều kiện để trở  về với chính mình, để biết khát vọng sâu xa của bản thân mình. 
Thái độ chỉ biết thích ứng, chỉ bận tâm đến thành quả lịch sử (thành quả cụ thể) có thể đưa tới những thành công gần, nhưng  tiếp tục khoét rỗng nền tảng giá trị nhân bản và xa rời niềm hạnh phúc vốn gắn liền với cứu cách trọn vẹn của cuộc đời con người.  Thực trạng ấy mời gọi những người trẻ Đa Minh làm chứng về một khả năng phân định ơn gọi và sứ mạng cuộc đời.  
Công đồng Vatican II cho thấy mỗi người Kitô hữu đều có ơn gọi và sứ mệnh Thiên Chúa dành riêng cho mình.
“Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng tất cả các Kitô hữu , bất kỳ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Đức Ái” (GH 40b).
Quả thật, trong nhiệm cục cứu độ Kitô giáo, Thiên Chúa ban Thánh Thần cho mọi người Kitô hữu, nghĩa là Thiên Chúa nhìn đến mỗi người, chơi với mỗi người, quan tâm đến mỗi người :
”ĐỨC CHÚA đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ,
lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi”. (Is 49,1).

Khái niệm “ơn gọi” chỉ có được trọn vẹn ý nghĩa trong đời sống đức Tin Kitô giáo thôi. Chúa gọi tôi, nghĩa là Chúa nhìn đến tôi, Chúa coi trọng tôi, Chúa kéo tôi ra khỏi đám đông vô danh, Chúa đưa tôi và một đẳng cấp tương quan mới. Được Chúa gọi, nghĩa là tôi được đón nhận chính bản thân, trở nên như một “người nhà”. Không phải Chúa cần tới một công nhân làm thuê, có tài này hay đức kia để làm một công việc nào đó như một “công nhân làm thuê”. Nhưng Chúa đón nhận tôi như con cái trong nhà, đảm nhận trách nhiệm về gia đình của Chúa.
”Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi! "16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa”. (Rm 8,15-16)
Ơn gọi khác với nghề nghiệp. Nghề nghiệp là một phương thức để ta hiện diện và được chấp nhận trong xã hội. Có không ít người chọn nghề không phải theo ý nghĩa mình thích, nhưng để kiếm tiền và để được xã hội công nhận... Còn ơn gọi là một thứ nghề được thôi thúc do chính ý nghĩa ở trong lòng. Có những thầy cô, y sĩ làm việc như một nghề, và có những thầy cô hoặc y sĩ làm nghề như một ơn gọi của chính cuộc đời mình. Làm cha-mẹ, chọn đời sống thánh hiến,... thì không phải là nghề, nhưng là ơn gọi...
Cũng vậy, sứ mạng khác với công tác. Người ta thi thành công tác một cách tương đối trong hoàn cảnh cho phép, và người ta có thể thỏa mãn mình đã hoàn thành được công việc ấy. Nhưng người nào thi hành một sứ mạng, người đó không bao có thể thỏa mãn vì mình đã hoàn thành. Người cha, người mẹ, cha xứ..., dù đã nỗ lực hy sinh nhiều lắm rồi, vẫn luôn cảm thấy thôi thúc phải làm hơn nữa và hơn nữa...
Chỉ khi người ta nhận ra được ơn gọi thì mới có thể đón nhận công việc như một sứ mạng. Trong đức Tin Kitô giáo, mỗi người Kitô được Chúa gọi, nhận ra sức mạnh của tình nghĩa nơi lời mời gọi của Chúa; được thôi thúc để thi hành sứ mạng Chúa trao phó, đó là phẩm tính sâu xa của một người Kitô hữu, khác với bao người khác cũng đang thi hành những công việc giữa lòng xã hội hôm nay.
 
Các bạn trẻ thân mến,
Cuộc sống hiện tại của các bạn, công việc các bạn đang làm..., tất cả những điều đó không phải là chuyện riêng của bạn, không phải là chuyện bên lề sự sống đức Tin. Đức Tin giúp bạn hiểu ra rằng chính Chúa đã kêu gọi bạn đã trao cho bạn sứ mạng làm cho Nước Chúa được lớn lên trong công việc hằng ngày của bạn.
Đặc Trách Huynh Đoàn

 
114.864864865135.135135135250