01/04/2015 -

Lá thư biên tập

1598

Quý độc giả thân mến,

Mến Chúa và yêu người là hai điều không bao giờ có thể tách biệt với nhau; vì một đàng là gốc rễ, một đàng là hoa trái; hoa trái không thể không có gốc rễ, và gốc rễ không thể không sinh hoa trái:

Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy." (Mt 22, 37-40)

Thật ra, ban đầu, các thánh ký kinh nghiệm về những những đau khổ trong cuộc sống, những đổ vỡ trong tương quan con người; rồi khi suy niệm về sự đổ vỡ tình nghĩa con người với nhau, các ngài mới được mạc khải về gốc rễ, về căn nguyên sâu xa nơi sự đổ vỡ tình nghĩa với Thiên Chúa. Chính vì bất trung với Thiên Chúa mà nguyên tổ loài người chia rẽ nhau, Cain giết Abel… Ơn cứu độ chính là nối kết lại tình nghĩa với Chúa và nhờ đó mà con người được hòa giải với nhau.

Ý nghĩa kép ấy không phải chỉ là một phương thức sống, nhưng còn là nguồn mạch mang lại sự sống; nói cách khác, trong đời sống đức Tin Tân Ước, không phải người Kitô hữu lo “vận dụng” đức độ của mình để chu toàn hai điều khó khăn ấy, nhưng là đón nhận nguồn sức sống của Chúa khi tín trung với giáo xứ và cộng đoàn của mình.

Đức Giêsu đã khai mạc Nước Trời với những điều vượt trên sự công bằng sòng phẳng, với những lý tưởng vượt quá khả năng của con người :

"Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5, 44)

Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.(Mt 5,48)

Những điều ấy giả thiết một chế độ mới, chế độ của ân sủng được chính đức Giêsu khai mạc. Ân sủng là ân huệ tặng không của Thiên Chúa. Điều “đòi hỏi” về phía con người, dĩ nhiên không phải là một công đức tương xứng mà là một thái độ “tỏ thiện chí”. Thái độ "tỏ thiện chí" này chính là bắt đầu từ những điều trong tầm tay của mình, là gắn bó và trung tín với cộng đồng Giáo hội, yêu thương anh chị em mình :

"Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa". (1 Ga 4,7)

Ơn gọi Kitô hữu vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính cộng đoàn. Thiên Chúa gọi tôi "bằng chính tên tôi", nhưng Thiên Chúa không cứu độ con người cách riêng rẽ mà bằng cách quy tụ con người vào Giáo hội. Thiên Chúa cứu độ mỗi người chúng ta bằng cách đưa đến con thuyền Giáo hội, để những ai nhận ra mình bị trầm luân trong biển đời, bước vào con thuyền Giáo hội để được Chúa cứu độ :

"Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, những Ngài muốn quy tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện" (GH 9)

Mặt khác, Kitô giáo không phải chỉ đạo luân lý, nghĩa là chỉ tùy thuộc vào đạo đức riêng của mỗi người, nhưng là đạo cứu độ, nghĩa là nhờ vào ơn huệ tặng không của Thiên Chúa. Đời sống của người Kitô hữu không phải là một nỗ lực luân lý của cá nhân, mà chính là đón nhận, thông hiệp vào dòng sự sống của Thiên Chúa. Ân huệ của Thiên Chúa, một cách chính thức, chỉ có trong Giáo hội;và nguồn mạch thánh thiện cao cả của Thiên Chúa lại được thông ban qua chính Giáo hội, một Giáo hội gồm nhiều tội nhân...

Anh chị em thân mến,

 Trong thực tế, Giáo xứ hay cộng đoàn không phải là những xã hội hoàn hảo và không bao gồm toàn những con người hoàn hảo. Người Kitô hữu đón nhận giáo xứ và cộng đoàn không phải vì sự hoàn hảo luôn giới hạn của con người, nhưng vì sự trung tín với Chúa. Chính khi đón nhận cộng đoàn và giáo xứ dưới ánh sáng đức Tin, người Kitô hữu mở rộng lòng mình để đón nhận nguồn sức sống của Chúa.

Sự sống của Giáo hội biểu lộ, không phải nơi một sự hoàn hảo toàn bích; nhưng ở trần gian này, biểu lộ trong khả năng đón nhận những khiếm khuyết và bất toàn, một cách cụ thể, nơi những người anh chị em của mình. Thư Cô-lô-xê cho chúng ta một cái nhìn thật đẹp và thật chính xác về đời sống đức Tin. Những phẩm tính cao quý nhất của một Kitô hữu "được tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương", những phẩm tính ấy phát sinh hoa trái trong một thái độ đón nhận những anh chị em còn nhiều khiếm khuyết. 

"Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo" (Cl 3, 12-14).

Chúc anh chị em tìm được niềm vui và sự sống đức Tin chân chính trong sự hiệp thông với cộng đoàn và giáo xứ của mình.
 

Ban Biên Tập

114.864864865135.135135135250