01/03/2015 -

Lá thư biên tập

1491

Có thể tạm ví Nước Trời như một cỗ xe cũ kỹ. Nói cũ kỹ là bởi vì, trước mắt xã hội trần thế, phương thức giải quyết của Nước Trời không phải điều dễ hiểu và dễ chấp nhận. Với cỗ xe ấy, các giáo sĩ sẽ là người kéo cỗ xe, nhưng vẫn còn một chân đứng dưới đất; giáo dân là những người hai chân ở dưới đất và  nỗ lực chất hàng lên xe; các người sống đời sống thánh hiến là những người bước cả hai chân vào xe, phó trọn cuộc đời mình vào sự thành công của cỗ xe Nước Trời.  

Đời sống thánh hiến là lối sống Nước Trời trong thực tại trần thế. Đời sống thánh hiến, trong tinh thần Kitô giáo, không phải là một lối sống từ bỏ trần thế, ngược lại, là một phương cách đảm nhận thực tại trần thế và trình bày một phương án giải quyết khác với lối suy nghĩ thế gian, phương án Nước Trời. Chẳng hạn ba lời khuyên Phúc Âm mà các tu sĩ tuyên khấn, đó không là gì khác hơn một sự "dấn thân" đảm nhận những thách đố căn bản nhất của cuộc sống con người bằng phương thức được Chúa mời gọi. Ba lãnh vực bao trùm cuộc sống con người, đó là tình yêu, kinh tế và chính trị. Lời khấn khiết tịnh là cách diễn tả một tình yêu chân thật nhất; lời khấn khó nghèo trình bày cách thức sống vấn đề kinh tế rốt ráo nhất; và lời khấn vâng phục chính là một phương án giải quyết vấn đề chính trị ("chính trị" trong ý nghĩa nguyên thuỷ, chính là đời sống chung giữa con người với nhau) căn bản nhất. Do đó, đời sống thánh hiến, dù là đan tu, vẫn bao hàm một mối liên hệ sâu xa với cuộc sống trần thế. Nên lưu ý là từ "thế gian" trong Tin Mừng Gioan không phải ám chỉ toàn bộ thực tại của trần gian, nhưng ám chỉ tính cách gian dối của một thế gian tội lỗi.

Mặt khác, theo Công đồng Vatican II, Giáo hội chính là bí tích Nước Trời. Nước Trời không đồng nhất với Giáo hội hữu hình nhưng cũng không tách biệt với Giáo hội hữu hình. Điều quan trọng là đời sống Giáo hội phải tỏ lộ cho thế giới một sự hiện diện ẩn sâu của Nước Trời (sự hiện diện của ân sủng vô hình), trong nề nếp sinh hoạt cụ thể của một Giáo hội hữu hình (dấu chỉ hữu hình). Do đó, sự hiện diện của đời sống thánh hiến góp phần cho vai trò "bí tích" của Giáo hội phổ quát. Nếu việc quản trị luôn có nguy cơ làm lu mờ khía cạnh siêu nhiên của bản chất Giáo hội; và nếu sứ vụ thánh hoá trần gian luôn có nguy cơ chìm ngập trong não trạng thế tục, thì chính sự hiện diện của đời sống thánh hiến là một sự bù đắp cần thiết, cần thiết như một lời chứng.

Sự hiện diện của đời sống thánh hiến không phải chỉ là gương sáng cho con người trong thế giới hôm nay, nhưng chính yếu là một lời chứng về một thực tại khác. Chứng tá không hẳn là làm gương; vì chứng tá là làm lộ ra một thực tại khác. "Làm gương" hơi giống như một người kia nói với bạn của mình : mày coi tao nè, sáng nào tao cũng đi lễ...; ráng cố gắng đi lễ đi nhé. Trong khi đó, làm chứng giống như lời nói : mày coi tao nè, tao cũng lười như mày; nhưng Chúa giúp sức cho tao để tao có thể đi lễ hằng ngày...; hãy tin tưởng vào Chúa đi... Người làm chứng, một cách nào đó, cần nhìn nhận đúng thật về bản thân mình trong đức Tin, để rồi không phải đưa bản thân mình lên; mà ngược lại phải hạ bản thân mình xuống, và để làm lộ ra được sự hiện diện đầy quyền năng và tình yêu của Chúa. Lời chứng của Gioan Tẩy Giả trở nên thiết thực khi mà ông tự nhận mình không đáng cởi dép cho Đấng Mê-si-a :

"Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người" (Ga 1,27)

Người sống đời sống thánh hiến, ngay cả khi không trực tiếp làm việc tông đồ, chẳng hạn các đan sĩ, thì vẫn là một lời chứng sống động do chính sự hiện diện. Sự hiện diện là một lời chứng của cả bản thân. Vì người sống đời sống thánh hiến là người "bước cả hai chân" vào cỗ xe Nước Trời, nên sự hiện diện ấy đã là một lời chứng về một sự dấn thân toàn vẹn. Gần giống như người ta thấy có người chờ đón xe buýt thì hiểu rằng sẽ có xe buýt, cũng thế khi thấy có người sống mà không đắm chìm vào những toan tính thành công trong cuộc sống này, người ta có được chứng tá về một cuộc sống khác; khi thấy có người dám chọn cả đời sống khiết tịnh, người ta hiểu ra có một thứ tình yêu không chiếm hữu và đòi hỏi lợi lộc cho bản thân...

Việc vận hành cỗ xe Nước Trời cần có các giáo sĩ để dẫn lối; cần có giáo dân để thánh hoá trần gian; và cần có đời sống thánh hiến để làm chứng về mầu nhiệm Nước Trời. Tất cả mọi thành phần trong Giáo hội đều có chung một sứ mạng là làm cho đức Giêsu được lớn lên giữa lòng Giáo hội và giữa lòng thế giới hôm nay :

“Hài nhi càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).

Dĩ nhiên đời sống thánh hiến cũng có những bước thăng trầm, cũng có những góc cạnh của ánh sáng và bóng tối, và nếu Giáo hội trần thế vẫn luôn cần được thanh luyện trong Thánh Thần, thì chính đời sống thánh hiến vẫn cứ phải liên lỉ thực hành việc sám hối. Tuy vậy, Giáo hội vẫn cần tới sự hiện diện của đời sống thánh hiến, một đời sống tự bản chất nhằm biểu lộ sự thánh thiện của Giáo hội.

Sự hiện diện như chứng tá của đời sống thánh hiến chắc chắn cũng cần thiết đối với việc loan báo Tin Mừng cho muôn dân; bởi vì Giáo hội trước mặt muôn dân chính là "bí tích Nước Trời" và điều quan trọng không chỉ là làm cho Giáo hội lớn mạnh, phát triển mà còn phải biểu lộ rõ nét hơn sự hiện diện của Nước Trời trong lòng Giáo hội.

Chúng ta được mời gọi để cộng tác với giáo xứ, chia sẻ sứ mạng của đời sống thánh hiến. Ước mong sao mỗi đoàn viên trong huynh đoàn cũng góp phần cầu nguyện cho anh chị em sống đời sống thánh hiến và cũng cố sự hợp tác mang tính Giáo hội với các thành phần khác trong mầu nhiệm Giáo hội.
 

Ban Biên Tập

114.864864865135.135135135250