01/12/2014 -

Lá thư biên tập

1497

Cùng quý bạn đọc thân mến,

Từ căn bản của chương trình sáng tạo, Thiên Chúa đã không muốn con người sống đơn độc : “Đức Chúa là Thiên Chúa phán ‘con người ở một mình không tốt…” (St 2,18); “Nhưng Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc : bời vì từ khởi thủy ‘Ngài đã tạo dựng có nam và có nữ’(St 1,2-7). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người khác con người sẽ không thể sống và phát triển tài năng của mình” (MV 12)

Do đó, trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa cũng không cứu con người một cách đơn lẻ, nhưng gắn liền ơn cứu rỗi con người cá nhân vào mầu nhiệm Giáo hội :

Nhưng Thiên Chúa đã không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tự thành một dân tộc, để họ nhận biết chính ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện” (GH 9).

Đừng có ai đó nghĩ rằng con người giống như những kẻ bị bỏ trên biển, bơi lóp ngóp… và Thiên Chúa nhặt từng người lên, xem xét đời sống đạo đức thế nào… rồi bỏ vào thiên đàng hay luyện ngục, hoặc hỏa ngục. Đúng hơn, Thiên Chúa cứu con người, những kẻ sắp chết đuối trên biển, bằng cách đưa đến con thuyền Giáo hội. Nhưng ai nhận ra mình không thể tự mình bơi được thì bước lên con thuyền Giáo hội, cùng với nhau để chèo chống và có Chúa Giêsu vẫn ở trên con thuyền ấy, dù nhiều lúc Ngài giống như đang ngủ…

 

“Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói : "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao ?" (Mc 4,38)

Như thế, đời sống đức tin của người Kitô hữu thiết yếu là được sống hiệp thông trong Giáo hội. Cũng như đời sống tự nhiên của con người cần có người khác “nếu không liên lạc với những người khác con người sẽ không thể sống và phát triển tài năng của mình”, thì đời sống đức Tin cũng chỉ có thể sống và phát triển trong sự hiệp thông với Giáo hội Chúa Kitô.   Giáo hội không phải chỉ là những Đấng bậc, không phải chỉ là giáo quyền ở Roma, nhưng cũng chính là những anh chị em Kitô hữu đang hiệp thông với nhau trong mầu nhiệm Giáo hội, được tỏ lộ ngay tại các cộng đoàn địa phương.

Mỗi người Kitô hữu đều có ơn gọi nên thánh và được Thiên Chúa giúp thực hiện ơn gọi ấy trong lòng Giáo hội, một Giáo hội thánh thiện. Sự thánh thiện là của Chúa, và “lạy Chúa Giêsu, chỉ có Chúa là Đấng Thánh” (kinh Vinh Danh) nên người Kitô chỉ có thể nên thánh nhờ ơn Chúa, trong sự hiệp thông với sự thánh thiện của Giáo hội. Giáo lý cho chúng ta biết bốn đặc tính căn bản của Giáo hội : duy nhất - thánh thiện - công giáo - và tông truyền. Điều cần phải hiểu cho đúng là khi nói Giáo hội thánh thiện thì không phải nhằm so sánh đời sống đạo đức của Giáo hội với các tôn giáo khác và khẳng định sự thánh thiện của Giáo hội Công giáo cao hơn; nhưng có nghĩa là Giáo hội được sự thánh thiện của Chúa thông ban, dưỡng nuôi. Ngay cả khi trong Giáo hội có nhiều tội nhân, hoặc “mức độ” thánh thiện nói chung của Giáo hội không sáng sủa cho lắm, thì đó vẫn là Giáo hội thánh thiện, vì Chúa Giêsu là Đầu của Giáo hội, và Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng dẫn dắt để Giáo hội vượt qua những thử thách khó khăn nhất.

Chúng tôi tin Giáo hội, một mầu nhiệm được Thánh Công Đồng trình bày, có tính cách thánh thiện, bất khả khuyết. Thực vậy, Chúa Kitô Con Thiên Chúa, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là “Đấng thánh duy nhất”, đã yêu dấu Giáo hội như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Giáo hội (Ep 5,25-26). Người kết hiệp với Giáo hội như thân thể Người và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa” (GH 39)

Như thế, ơn gọi nên thánh của mỗi người Kitô hữu, một cách chính yếu, không phải là một lời khuyên thuần túy luân lý, không phải chỉ là những mệnh lệnh đòi buộc…nhưng chính là lời mời gọi hiệp thông với Giáo hội, hiệp thông để lãnh nhận sự sống thánh thiện của Chúa trong lòng Giáo hội.

Được Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của ngài, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận phép rửa, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh.” (GH 40)

Anh chị em thân mến,

Giáo hội là một mầu nhiệm, phản ảnh mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Giáo hội không phải chỉ là những đấng bậc, không phải chỉ là giáo quyền ở Roma… những là một mầu nhiệm hiệp thông rộng lớn và đang tiến bước trong dòng lịch sử.

…Tuy nhiên, Giáo hội đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương, Giáo hội được vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà Chúa Giêsu hứa ban, hầu vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình, dầu xác thịt yếu hèn, và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần cho đến ngày, nhờ thánh giá, đạt đến ánh sáng không hề tắt” (GH 9)

Chỉ với một cách nhìn của đức Tin, chúng ta mới đón nhận được mầu nhiệm Giáo hội, đồng thời được củng cố trong một thái độ liên đới cách kiên vững với Giáo hội, và nhờ đó mà được hiệp thông với sự thánh thiện của Giáo hội, ngay tại chính mầu nhiệm cộng đoàn địa phương của mình.

Mong anh chị em tìm được niềm vui và hoa trái thánh thiện của Chúa Thánh Thần khi gắn bó chặt chẽ với Giáo xứ, với cộng đoàn của mình.
 

Ban Biên Tập

114.864864865135.135135135250