01/11/2014 -

Lá thư biên tập

1750

Cùng quý bạn đọc thân mến !

Giáo hội Việt Nam kết thúc năm thánh hóa đời sống gia đình, nhưng chúng ta lại được mời gọi để hiệp thông với Giáo hội toàn cầu trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về đời sống gia đình. Sự quan tâm đặc biệt ấy cũng hé lộ cho thấy Giáo hội đang nhìn thấy nhiều mối đe dọa của xã hội hiện đại đối với đời sống gia đình nói chung, và đặc biệt là đời sống gia đình Kitô hữu.

Nếu như ở thế giới Tây phương, đời sống gia đình bị đe dọa nhiều và càng ngày càng lung lay nhiều hơn, thuận chiều với một cuộc sống càng ngày càng văn minh hơn, thì tại Việt Nam chúng ta, mặc dù các gia đình còn vững bền hơn, nhưng ta cũng thấy một đà sa sút thuận chiều với cuộc sống càng văn minh hơn. Điều đó có nghĩa là chúng ta không được quyền tạm an ổn với tình hình hiện tại, nhưng cần dám chuẩn bị để đối diện với những thách đố của đời sống gia đình trong tương lai. Sự đối diện và chuẩn bị cho những thách đố tương lai như thế cũng là một cách chuẩn bị, liên đới trách nhiệm với con cháu của chúng ta.

Quả thật, nếp sống xã hội hiện đại, cùng với những đòi hỏi, những quyến rũ, những thái độ và não trạng mới là một thách đố rất lớn mà mỗi gia đình gần như không thể nào chống cưỡng lại được : khía cạnh “ngoài đường” lấn át khía cạnh “ở nhà”; sự lãng quên định chế hôn nhân khi người ta không còn hiểu hôn nhân là hai bên cùng “trao thân gửi phận” cho nhau…

Điều trước tiên cần nhìn nhận là chúng ta không thể nào đi ngược lại trào lưu xã hội bằng một thái độ né tránh, kết án suông; và đòi hỏi những gia đình trẻ sống một lối sống như cha mẹ, ông bà của các bạn… Điều đó chẳng khác gì quát nạt mãi “con trâu già” mà không dám nhẩy lên chiếc xe máy cầy để điều kiển…

Đời sống gia đình hiện nay dĩ nhiên là phức tạp hơn những thế hệ trước rất nhiều, đặc biệt là những thúc bách của khía cạnh kinh tế,… Trong số những điều phức tạp ấy, xin được lựa chọn phân tích một yếu tố, đó là việc trao đổi “chiều sâu”.

Khi còn là một đôi tình nhân, hai anh chị thường nhậy bén tìm được những nơi thuận tiện để tâm tình và thường dành nhiều giờ để bàn tính chuyện tương lai, trao đổi những khó khăn, chia sẻ vui buồn. Thế nhưng, một khi kết hôn rồi, hầu hết các gia đình đều dần dần đánh mất những không gian riêng tư và mau chóng giảm thiểu thời gian của những trao đổi “chiều sâu”. Đời sống kinh tế trở thành một hoạt động chính yếu, lấn lướt đời sống tình cảm. Khi không có một không gian thuận tiện và không còn mấy thời giờ rảnh rỗi để tâm sự, thì sẽ có rất nhiều điều không còn được chia sẻ. Đời sống vợ chồng dần dần giản lược vào những vấn đề, những công việc chung của nếp sống gia đình. Những gì là riêng tư thì mỗi người đành giữ riêng cho mình; những gì là khó khăn riêng, hoặc khó khăn trong cơ quan, hoặc khó khăn của gia đình và bạn bè…, thì mỗi người phải tự mình tìm cách giải quyết. Hai người dần dần sống bên cạnh nhau, đòi hỏi nhau phải chu toàn trách nhiệm của đời sống hôn nhân mà không còn biết đến những khó khăn trong tâm hồn của nhau.

Cũng thế, đời sống gia đình Việt Nam hiện đại, vợ chồng, con cái sống với nhau và có đầy những công việc chung dính dáng, ràng buộc lẫn nhau, nhưng lại có ít sự thông cảm từ trong tâm. Giờ ăn cơm chung bị giảm thiểu, và nếu có ăn cơm chung thì luôn là vừa ăn vừa xem tivi;… những lời nói với nhau dần dần trở thành những lời của công việc chứ không phải những lời của tâm hồn. Lời của công việc là nói để giải quyết những vụ việc; còn lời nói của tâm hồn là lời tỏ bày bản thân để hiểu nhau. Rồi đến một lúc nào đó, có thể không còn cả những lời giải quyết công việc mà là những lời đông đổng …

Anh chị em thân mến,

Có thể nhiều anh chị em, cả những người trẻ, coi việc tìm một không gian và thời gian thuận tiện để vợ chồng tâm sự, để cha mẹ, con cái cũng như anh chị em nói chuyện để với nhau có được giơ…là việc xa xỉ, hoặc không đứng đắn, nhất là với những vợ chồng lớn tuổi. Thật ra, con người có nhu cầu hiểu biết tâm hồn người mình yêu mến, cũng như được người mình yêu mến hiểu và cảm thông. Việc tìm nơi chốn và thì giờ để tâm sự chẳng những không có gì xấu mà còn là điều cần thiết, không phải chỉ với những đôi vợ chồng trẻ, mà là đối với mọi gia đình, trong mọi lứa tuổi. Chính trong nhu cầu gặp gỡ ấy mà Thiên Chúa muốn tỏ bày mầu nhiệm cứu độ của Ngài.

Quả thật, nếu nhìn vào mầu nhiệm Lời Chúa, chúng ta biết rằng mặc khải của Thiên Chúa thiết yếu là mặc khải chính bản thân Ngài cho con người :

“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (X. Ep 1,9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (X. Ep 2,18; 2P 1,4). Trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình (X. Cl. 1,15; 1Tm 1,17) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (Xac. 33,11; Ga 15,14-15), Ngài đối thoại với họ (X. Br. 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài” {MK 2a}{C}[1] 

 

Mong rằng gia đình của anh chị em gìn giữ được thói quen tìm cơ hội để mọi thành viên trong gia đình có thể chia sẻ, tâm sự và nhờ đó mà hiểu nhau hơn, cũng như cảm thông và yêu thương nhau nhiều hơn.


{C}[1] Xc. ”Thực thế, trong các sách Thánh, Chúa Cha trên trời, bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ” {MK 21a}

 

114.864864865135.135135135250