01/10/2014 -

Lá thư biên tập

996

Anh chị em thân mến,

Nhìn vào những gia đình ngày hôm nay, chúng ta tạm phân chia ra hai kiểu gia đình, gia đình “kiểu cũ” của những ông bà lớn tuổi; và gia đình “kiểu mới” của những bạn trẻ. Những gia đình “kiểu cũ” thường được xây dựng, trước tiên, không phải do tình yêu, những do mai mối, do sự sắp xếp của gia đình… Nhưng điều đáng ghi nhận là những gia đình ấy lại khá bền vững. Trong khi đó, những gia đình “kiểu mới”, được xây dựng do tình yêu, thường rất nồng nàn, được tìm hiểu kỹ càng, được suy tính cẩn thận…thì lại bị đổ vỡ nhiều. Dĩ nhiên, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới hệ quả ấy, đặc biệt là những nguyên nhân xã hội. Tuy nhiên, ta cũng có thể thấy một nguyên nhân sâu xa trong chính bản chất của tình yêu : Gia đình “kiểu cũ” được xây dựng trên một quyết định chấp nhận định chế hôn nhân, một thứ định chế, hoặc theo phong tục, hoặc theo luật pháp. Theo đó, hôn nhân luôn mang ý nghĩa một sự chấp nhận bản thân của nhau và cùng chia sẻ trọn vẹn cuộc đời với nhau. Dù người chồng/vợ “kiểu cũ” ấy không được tìm hiểu, không được lựa chọn, không được sống trong cảm giác bồng bềnh của tình yêu, nhưng họ thực sự vẫn nhìn nhận giá trị căn bản của hôn nhân như là một sự “trao thân gửi phận”, nghĩa là đón nhận hôn nhân trong tầm mức “bản thân” và “cuộc đời”, một tầm mức xứng hợp với phẩm giá con người.

Trong khi đó, gia đình “kiểu mới” được xây dựng, một cách vô tình hoặc hữu ý, trên việc đánh giá những tài năng, đức độ, sắc đẹp…; và bỏ quên khía cạnh chấp nhận chính bản thân của nhau. Ngày nay, các bậc cha mẹ rộng mở cho các bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân được gặp gỡ nhau, tìm hiểu nhau, tự do quyết định về cuộc hôn nhân hệ trọng của đời mình... Những điều đó không phải chỉ là có vẻ văn minh hơn, nhưng thực sự xứng hợp với ý nghĩa của tình yêu chân thật. Tuy nhiên, việc đề cao tự do ấy, điều khẳng định tính tự nguyện của tình yêu ấy, hình như lại vô tình làm mất ý nghĩa hôn nhân như một định chế vượt trên tự do của mỗi người. Định chế hôn nhân Công giáo nhằm nhắc nhở và đòi buộc người Kito hữu chọn đời sống hôn nhân như một sự dấn thân trọn vẹn, chấp nhận đồng hành với một ai khác ở mức độ bản thân và cuộc đời; những điều đó không phải là kỷ luật suông, không phải là sự ép buộc khiên cưỡng, nhưng là hướng dẫn để tình yêu được thể hiện trong chiều hướng chân thật, chiều hướng của một sự chấp nhận toàn vẹn bản thân của nhau và đồng hành với nhau trọn cuộc đời. Tông huấn Đời sống Gia đình viết :

“Sự hiệp thông đầu tiên là sự hiệp thông được thiết lập và phát triển giữa đôi bạn : nhờ khế ước của tình yêu vợ chồng, người nam và người nữ “không còn phải là hai nhưng là một xác thịt” (Mt 19,6) và được mời gọi lớn lên không ngừng trong sự hiệp thông với nhau qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết hôn nhân là trao hiến trọn vẹn cho nhau”.(số 19)

Thật ra, ý nghĩa của luật pháp nói chung không có nghĩa là những quy định đè bẹp tự do mà là những hướng dẫn và đòi buộc để tự do được triển nở chân thật. Do đó, định chế hôn nhân Kito giáo nhằm hướng dẫn tình yêu đi vào chiều hướng chân thật của tình yêu. Trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, đức Benedicto XVI cho rằng tình yêu Kito giáo, diễn tả trong từ ngữ “agape”, không loại bỏ tình yêu nhân loại, diễn tả trong từ ngữ “eros”, nhưng thanh luyện và thăng tiến tình yêu nhân loại. Yếu tố chính trong việc thanh luyện và thăng tiến này là sự “dứt khoát”. Ngài viết :

“Để thăng tiến và thanh luyện chiều sâu, tình yêu cần sự dứt khoát theo một ý nghĩa kép : - theo nghĩa dứt khoát “duy chỉ một người mà thôi”; và theo nghĩa “vĩnh viễn”. Tình yêu bao trùm toàn bộ cuộc sống trong mọi chiều kích của nó, kể cả chiều kích thời gian. Điều này không thể khác đi được, vì sự hứa hẹn của nó nhằm vào sự dứt khoát : tình yêu nhằm vào sự vĩnh cửu” (T/đ Thiên Chúa là Tình yếu, số 6)

Tình yêu nhằm vào sự vĩnh cửu, đó là điều mà nhiều nhà văn, nhà thơ vẫn thường ca tụng với bao nhiêu ngôn ngữ phong phú nhất : mãi mãi, trọn đời, “đầu bạc răng long”…Nhưng tình yêu chân chính không phải là chuyện của mộng mơ, không phải chỉ là “cơn điên thần bí”, hoặc của những giây phút lãng mạn, mà là chuyện rất thực của cuộc đời thực. Gia đình “kiểu cũ” chưa phải là lý tưởng; nhưng gia đình “kiểu mới” cũng đang đối diện với biết bao thách đố. Những thách đố ấy, một cách nào đó, đối với gia đình Kito giáo, cũng chính là thách đố của niềm tin. Bởi vì tình yêu nói chung và tình yêu trong gia đình luôn “nhằm vào sự vĩnh cửu” mà bản chất người tự nó không có được. Tình yêu gia đình chỉ được trọn vẹn trong vĩnh cửu khi được nuôi dưỡng bằng tình yêu của Thiên Chúa vĩnh cửu, và hướng tới một sự thành toàn trong thế giới vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, và Ngài trung tín với giao ước yêu thương đã ký kết với chúng ta. Gia đình Kito giáo chấp nhận định chế hôn nhân, đó cũng là sự chấp nhận để tình yêu con người được nối kết vào nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa.

Đối diện với những thách đố của đời sống gia đình hiện đại, việc huấn luyện những kỹ năng, những đức tính luân lý,… trở nên cần thiết hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết vẫn luôn là củng cố đức Tin, một đức Tin được thể hiện một cách cụ thể trong đời sống hằng ngày, đặc biệt trong việc chấp nhận định chế hôn nhân Kito giáo một cách sẵn lòng, xác tín và nuôi dưỡng định chế ấy trong đời sống cầu nguyện.

Ước mong các gia đình của anh chị em  chính là lời chứng sống động nhất cho thách đố về đời sống gia đình trong xã hội hiện đại.
 

Ban Biên Tập

114.864864865135.135135135250