05/10/2020 -

Lá thư biên tập

1183
Gia đình không phải là kết quả ngẫu nhiên của một hoàn cảnh cụ thể nào đó, không do phương thức kiếm sống và đấu tranh giai cấp của một vùng đất hay thời điểm nào trong lịch sử… Nhưng gia đình có nguồn gốc xa xôi hơn, căn bản hơn, và là một diễn tả đặc biệt phẩm tính của tình yêu Thiên Chúa :
“…tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3, 14-15)
Từ kinh nghiệm sống trong gia đình, con người có thể hiểu được phần nào tình yêu và ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho con người. Quả thật, khác với nhiều nền văn hoá khác chỉ đề cao tình bạn và coi nhẹ tình yêu gia đình, mạc khải trong truyền thống Do thái Kitô giáo vừa đề cao tình bạn, nhưng lại đề cao một cách mạnh mẽ hơn nữa tình yêu hôn nhân và đời sống gia đình.
Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương(Hs 2,21; x. chương 2, 1-25).
Đức Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Gia Đình, coi những quy luật sống của đời sống gia đình chính là “việc thực tập căn bản”, là “gương mẫu”, là “sự khích lệ” (x. GĐ 42) để đi vào xã hội. Điều đó có nghĩa là người Kitô hữu sống trong xã hội nhằm để biến xã hội thành những gia đình lớn của Chúa. Bởi vì “chính kinh nghiệm về sự hiệp thông và chia sẻ phải là đặc điểm cho đời sống thường nhật của gia đình, nói lên sự góp phần đầu tiên và nền tảng của mình cho xã hội” (GĐ 42)
Điều đặc biệt nhất trong đời sống gia đình, giống với đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và giống với đời sống của Giáo hội, đó là : gia đình là một cộng đồng các ngôi vị. Điều ấy có thể được coi như một định nghĩa tuyệt vời về đời sống gia đình.
“Gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng các ngôi vị” (GĐ 18)
Cộng đồng ngôi vị là một cộng đồng mà mỗi thành viên đóng góp vào đó chính ngôi vị của mình, đóng góp chính “cái tôi”. Trong gia đình, mỗi người đóng góp trọn vẹn bản thân và cuộc đời của mình cũng như đón nhận trọn vẹn bản thân và cuộc đời của người khác. Cộng đồng ngôi vị khác biệt với những thứ “cộng động chức năng”, như các xí nghiệp, các tổ chức khác, vì nơi đây người ta chỉ đóng góp cái gì ở bên ngoài ngôi vị, đóng góp tài năng, sức lực hoặc tiền bạc….
Trong một cộng đồng ngôi vị, các thành viên thuộc về nhau, liên luỵ với nhau trong mọi tình huống, liên đới trách nhiệm với nhau trong suốt cuộc đời. Đó là thứ “đón nhân từ chân”, đón nhận chính con người chứ không phải so đo tính toán về tư cách hay khả năng của nhau.
Cộng đồng ngôi vị được thành hình do một thứ “giao ước bản thân” mà ở đời sống trần thế ta chỉ thấy được trong đời sống gia đình. Trong đời sống đức Tin, bí tích Rửa Tội là một giao ước bản thân, vì qua đó, ta chết đi cho con người cũ để sống một con người mới hoàn toàn thuộc về Chúa; còn Chúa thì cho Con của Ngài chịu chết cho ta, dưới hình thức bí tích, để đón nhận người Kitô hữu như là con cái chứ không phải như người nô lệ.
Như một người mẹ, vui vì thấy con khoẻ mạnh, nhưng đứa con đau yếu bệnh tật cũng vẫn trọn vẹn là con; mẹ vui khi thấy con giỏi dang, nhưng với đứa con dở và dốt mẹ vẫn có một tình yêu thương trọn vẹn của người mẹ… Thiên Chúa khi ký giao ước bản thân với ta, Ngài chấp nhận trọn vẹn bản thân ta, như đức Giêsu đã trình bày trong dụ ngôn Người con hoang đàng (X. Lc 15, 11-32). Sự trung tín ấy được diễn tả trong ngôn ngữ giáo lý là “ấn tích thiêng liêng” được ghi dấu trong linh hồn và người Kitô hữu không bao giờ phải rửa tội lại, dù có phạm tội lỗi nặng nề đến đâu…
Như thế, qua bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu trở thành con của Chúa trong Giáo hội, và Giáo hội cũng là một “cộng đồng ngôi vị” chứ không phải là một “cộng đồng chức năng”. Trong Giáo hội, mỗi người Kitô hữu được đón nhận và đón nhận anh chị em của mình, giống như và còn hơn nữa, là anh chị em thật sự trong gia đình Thiên Chúa.
Chính kinh nghiệm về đời sống gia đình chân chính sẽ giúp người ta có niềm tin tưởng vào nhau để đi vào đời sống hôn nhân, để xây dựng những gia đình mới, để mở ra biên giới tình yêu nhân loại mỗi ngày mỗi rộng mở hơn, mỗi ngày mỗi bền chặt hơn… Tiếc thay, trong trào lưu xã hội hiện đại, ta có thể thấy như có một chiều hướng nghịch thường, thay vì biến xã hội thành những gia đình lớn, người ta lại có khuynh hướng biến gia đình thành những “xí nghiệp nhỏ”. Kinh nghiệm nhạt nhoà hoặc méo mó về đời sống gia đình cũng ảnh hưởng tới ý nghĩa đời sống Giáo hội. Trong Giáo hội, cả giới giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, còn có ai nhìn ra những người Kitô hữu kia cũng là anh, chị, em của mình trong đức Giêsu Kitô, và cùng là con của Chúa Cha ?
Quý độc giả thân mến,
Một chút thái độ trân trọng đời sống gia đình, một chút tấm lòng quảng đại với cha mẹ anh chị em của mình… cũng đều góp phần củng cố tương quan gia đình, và góp phần làm cho ý nghĩa của đời sống gia đình được sáng lên trong tâm hồn con người, và như thế, cũng làm sáng lên ý nghĩa của ơn cứu độ, làm sáng lên tình nghĩa của những người con Chúa trong lòng Giáo Hội.
Ban Biên Tập
114.864864865135.135135135250