09/02/2015 -

Đa Minh Việt Nam

2873
Trưa ngày 6-2, Tu viện Mân Côi – Gò Vấp bước vào ngày tĩnh tâm tháng với phần chia sẻ của cha Giuse Nguyễn Tất Trung, OP.

Ngay trong những câu đầu tiên, cha nói: Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị mừng biến cố 800 năm Dòng được châu phê, riêng Tỉnh Dòng cũng đang kỷ niệm 50 thành lập; tất cả đều là những biến cố lớn và đáng nhớ. Tuy nhiên, trong một xã hội ngày càng vật chất hóa và trần tục hóa hôm nay, căn tính người tu sĩ dường như đang bị lu mờ, đời sống thánh hiến đang bị suy giảm, thậm chí nhiều người còn cho rằng đời tu không còn ý nghĩa và cần thiết nữa. Giữa một không khí nặng nề và ảm đạm như vậy, chúng ta phải làm gì? Phải chăng chúng ta chỉ tưởng nhớ lại những biến cố trên đây như những sự kiện đã qua để rồi nuối tiếc một thời quá khứ. Làm sao chúng ta có thể chứng minh cho thế giới thấy rằng đời tu vẫn còn có ý nghĩa và người tu sĩ Đa Minh vẫn còn cần thiết cho thế giới và mọi người? Chúng ta phải tìm lại căn tính đích thực của chính mình và sống lại lý tưởng của thánh Đa Minh khi ngài thành lập Dòng cách đây 800 năm, đồng thời cụ thể hóa lý tưởng này trong cuộc sống cụ thể của mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện điều này như thế nào? Câu chuyện mà ông Jonathan Sacks, Giáo trưởng Do Thái của các cộng đồng Do Thái hiệp nhất của Khối Thịnh Vượng Chung, về việc người Do Thái đã làm như thế nào để duy trì, bảo tồn và chuyển trao căn tính dân tộc cho con cháu trong suốt gần 2000 năm qua chính là một bài học tốt cho chúng ta.

Chúng ta đều biết rằng người Do Thái sau biến cố thành Giêrusalem bị cháy năm 70 đã bị phân tán ra khắp thế giới. Thế nhưng, họ vẫn luôn hướng về quê với lòng yêu thương nhớ nhung da diết và vẫn giữ được căn tính của dân tộc mình. Làm sao họ có thể thực hiện được điều này? Qua những câu chuyện kể và những ký ức.

Thật thế, ông Jonathan nói: Ngay khi còn rất nhỏ, các em bé Do Thái đã được cha mẹ kể cho nghe những câu chuyện về lịch sử, truyền thống và niềm tin của cha ông, nhất là câu chuyện về đêm Vượt Qua. Hơn nữa, chính các em còn được tham dự trực tiếp vào nghi thức trên và nói lên “bốn câu hỏi” truyền thống bắt đầu bằng những chữ “Mah nishtanah” - “Tại sao đêm nay lại khác với tất cả các đêm khác ?” Thế là, các em bắt đầu được dẫn vào trong căn tính dân tộc.

Tuy vậy, việc nghe những câu chuyện không đủ để làm cho căn tính của người Do Thái có thể được bảo tồn và gìn giữ suốt hàng ngăn năm lịch sử. Quả vậy, họ không chỉ nghe và tưởng nhớ những câu chuyện trên đây như những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ xa xưa, nhưng họ còn sống chúng như là những ký ức của chính mình. Ông Jonathan giải thích: “Đọc lịch sử Hy Lạp không làm cho tôi thành người Hy Lạp. Đọc lịch sử nước Anh không làm cho tôi thành người Anh… Nhưng căn tính thuộc về không phải lịch sử mà là ký ức. Đó không phải là chuyện đọc các bản văn, học biết các sự kiện, nhớ những ngày tháng năm. Đó là vấn đề kể một câu chuyện nào đó như là câu chuyện của riêng chính mình”. Quả vậy, người Do Thái không nghe và cử hành những biến cố, niềm tin của cha ông như những sự kiện của một thời quá khứ đã xa, nhưng chính họ sống sự kiện đó trong cuộc đời của họ.

Ông nói tiếp: “Có sự khác biệt giữa lịch sử và ký ức. Lịch sử là câu chuyện của một ai đó. Nó nói về những biến cố đã xảy ra ở một chỗ nào đó, vào một lúc nào đó. Còn ký ức là câu chuyện của tôi. Nó nói về những biến cố đã xảy ra, có một ý nghĩa nào đó, cho tôi. Vì thế mà có lệnh truyền thuộc truyền thống rab-bi về việc kể câu chuyện lễ Vượt Qua: ‘Trong mỗi thế hệ, chúng ta có bổn phận buộc phải coi chính bản thân chúng ta như thể chúng ta đã đi lên từ Ai Cập’. Ký ức liên can đến căn tính. Đó là câu chuyện mà tôi là một phần của câu chuyện đó. Câu chuyện đó có thể là cổ kính. Trường hợp lễ Vượt Qua còn rất cổ kính là đàng khác. Nhưng tôi là một phần của câu chuyện đó. Đó là cái nói lên căn tính là gì – là một phần của một trình thuật đang tiếp diễn, một trong những tính cách tôi đang là. Ký ức là thể thức mạnh mẽ nhất thông qua đó căn tính của một nhóm được hình thành và được nâng đỡ xuyên qua các thế hệ. Chúng ta là câu chuyện mà chính chúng ta đang kể”. Ông khẳng định: “Không có ký ức, thì không có căn tính, và thiếu mất căn tính, chúng ta bị ném lênh đênh phiêu dạt vào một biển cả đầy dẫy những may rủi, không có la bàn, không có bản đồ hoặc chẳng biết đâu là bờ bến”.

Sau khi kể câu chuyện của ông Jonathan Sacks, cha Giuse đã kết thúc bài chia sẻ với lời nhắn nhủ: Chúng ta hãy cố gắng sống những biến cố lớn trong Dòng và Tỉnh Dòng không phải chỉ với tinh thần tưởng nhớ về một sự kiện đã qua, nhưng hãy sống tinh thần của sự kiện đó trong từng giây phút hiện tại bằng một tâm tình thật hăng say, nhiệt thành. Nhờ đó, căn tính đời tu Đa Minh của chúng ta mới vững vàng và chính ta không bị cuốn vào cuộc sống tha hóa hôm nay.

Những ý tưởng mà cha Giuse nêu lên đã được tiếp nối trong giờ Chầu Thánh Thể vào buổi tối do các anh em lớp Thần 4 thực hiện. Trong bài suy niệm, anh em nhắc mọi người về ý nghĩa cao cả của người sống đời thánh hiến. Họ chính là người mang chở tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Không những vậy, họ còn có sứ mạng trở nên niềm hi vọng cánh chung cho toàn thể nhân loại. Vì thế, họ phải sống thánh thiện, tốt lành.

Ngày tĩnh tâm tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại nơi các anh em nhiều suy nghĩ và nhắc nhở anh em về lối sống cần phải có trong hành trình theo Chúa. Đó là một lối sống của sự hoán cải liên tục không ngừng nghỉ nhằm vươn đến sự thánh thiện, đồng thời không ngừng đào sâu tinh thần Dòng và mang tinh thần ấy vào trong từng giây phút cuộc đời. Nhờ vậy, mỗi anh em sẽ trở nên một con người của Tin Mừng, một con người Đa Minh đích thực.

Riêng với các anh em Học viện, ngày tĩnh tâm càng ích lợi hơn khi anh em được gặp gỡ và trò chuyện với hai cha Michael Mascari, OP., Phụ tá Tổng quyền Đặc trách Đời sống Trí thức, và cha Mark O’Brian, OP., Giám đốc Học vụ Tỉnh Dòng Úc từ lúc 15g30 đến 16g30. Trong buổi gặp gỡ, hai cha chia sẻ với anh em về tầm quan trọng của việc học, nhất là việc học và nghiên cứu Kinh thánh. Riêng cha Mark O’Brian, OP. còn chỉ cho anh em cách học Kinh thánh sao cho tốt, đó là phải chú ý đến khung cảnh, bối cảnh, từng câu chữ cũng như những tầng ý nghĩa khác nhau của bản văn. Nhờ vậy, anh em sẽ nhận ra những ý tương rất mới mẻ, độc đáo và sáng tạo.

 
Ban Thông Tin Học Viện












 
114.864864865135.135135135250