16/11/2014 -

Đa Minh Việt Nam

2993
Trưa ngày 7/11, Tu viện Mân Côi – Gò Vấp bước vào ngày tĩnh tâm tháng với phần chia sẻ của cha Giuse Tôn Khánh Duy, OP, về chủ đề Tế nhị trong đời tu. Ai trong chúng ta khi nghe mới qua hai chữ “Tế nhị” cũng nghĩ rằng mình đã hiểu hết, biết hết mọi ý nghĩa và giá trị của nó. Thế nhưng, qua phần chia sẻ của mình, cha Giuse đã giúp mọi người có một cái nhìn rõ ràng hơn và sâu sắc hơn về đức tính tốt đẹp này.

Ngay khi bắt đầu bài chia sẻ, cha giải thích: “Tế nhị là khéo léo, tinh tế, nhã nhặn trong đối xử”. Vì thế, người biết cách cư xử tế nhị sẽ mang lại sự hòa thuận, vui tươi với mọi người chung quanh. Cha nhấn mạnh: Người tế nhị cũng là một người khiêm tốn và mang nơi mình vẻ đẹp của lòng nhân hậu, tinh thần cao thượng cũng như sự hiểu biết giàu có trong đời sống. Sự hiền hậu làm cho người đó trở nên dễ thương và đức khôn ngoan giúp họ biết cẩn trọng trong mọi sự. Sự dễ thương làm cho họ được mọi người đón nhận, và sự cẩn trọng giúp họ tránh được những tai hại và bất lợi cho mình cũng như cho người khác. Như vậy, sự tế nhị biểu hiện một tâm hồn sâu sắc và tinh tế, gây nên sự tín nhiệm và luôn được mọi người quí chuộng. Ngược lại, việc thiếu tế nhị chứng tỏ một tâm hồn sơ sài, qua loa và thô thiển, khó lòng mà triển nở một nhân cách tốt đẹp từ một tâm hồn như thế. Do đó, có những điều người ta thể hiện rất khôn nhưng không khéo nên dễ gây đụng chạm, đổ vỡ; có những điều người ta rất thông thạo nhưng vì không tinh tế nên làm mất hòa khí và gây mặc cảm cho người khác; và cũng có những điều cần phải nói lý lẽ nhưng vì không nhã nhặn đã biến thành những cuộc tranh chấp hơn thua.

Sau đó, cha mời mọi người cùng tìm hiểu kỹ hơn về sự tế nhị được biểu hiện cụ thể trong lời nói, thái độ và hành động của con người. Cha chia sẻ: Người ta dễ sai lỗi nhất trong lời nói. Lắm khi chỉ vì một lời nói thiếu tế nhị, không đúng nơi, đúng lúc mà nhiều người từ bạn đã trở thành thù. Ngược lại, lời nói tế nhị luôn mang lại một kết thúc tốt đẹp cho cả người nói lẫn người nghe. Cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacop là minh chứng hùng hồn cho điều này. Qua những lời nói hết sức tế nhị và sâu sắc của Chúa, cô ta đã được hoán cải và biến đổi.

Cũng vậy, các thái độ và hành động tế nhị luôn mang lại những kết quả hết sức tốt đẹp, làm gia tăng tình thân giữa những con người với nhau, và khiến cho mối tương quan giữa họ sâu sắc hơn, nồng ấm hơn. Cuối cùng, cha kết luận: Trong cuộc sống, sự tế nhị là yếu tố rất quan trọng giúp cho mọi người sống với nhau một cách thật tốt đẹp. Trong đời tu và hành trình theo Chúa, sự tế nhị càng quan trọng hơn. Nhờ đó, người tu sĩ trở nên một hình ảnh sống động của Chúa Giêsu – Đấng hiền lành, khiêm nhường và luôn tế nhị với tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ và bất hạnh.

Sự tế nhị là điều rất quan trọng trong việc xây dựng và củng cố mối tương quan giữa người với người, giúp con người thấu hiểu nhau hơn. Đối với Thiên Chúa thì khác. Ngài là Đấng thông biết mọi sự, biết rõ tâm can con người và hiểu hết mọi điều con người suy nghĩ. Nơi Ngài không có sự hiểu lầm như con người. Vì thế, điều quan trọng trong mối tương quan với Ngài là một tâm tình yêu mến thiết tha và tín thác tuyệt đối của một đứa con thơ bé nhỏ trong vòng tay của cha mình. Đây cũng là tâm tình mà các anh em lớp Thần 1 gửi gắm đến mọi người trong giờ Chầu Thánh Thể vào buổi tối.

Trong bầu khí tĩnh lặng và không gian kỳ ảo của nhà nguyện cùng một điệu nhạc du dương, lời thơ nhẹ nhàng, chậm rãi của các anh em đã mời gọi mọi người cùng chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, suy gẫm về tình yêu thương vô biên của Ngài, cũng như tâm sự với Ngài những điều sâu kín nhất trong tâm hồn. Nhờ đó, từng người cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình với muôn hồng ân mà Ngài đã ban, để rồi từng người cất lời tạ ơn và thêm lòng yêu mến, niềm tín thác vào Chúa.





Ngày tĩnh tâm tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại nơi các anh em nhiều suy nghĩ, nhắc nhở anh em về sự tế nhị trong lời nói, thái độ và hành động giữa mọi người với nhau, cũng như niềm tín thác và lòng yêu mến đối với Thiên Chúa. Nhờ đó, mối tương quan hàng dọc giữa từng người với Chúa và hàng ngang giữa mọi người với nhau ngày càng thêm đậm đà, thắm thiết.



Ban Thông Tin Học Viện
114.864864865135.135135135250