29/10/2022 -

Đa Minh Việt Nam

1344

Vào lúc 8g00-11h00, ngày 29/10/2022, tại Trung tâm Học vấn Đa Minh đã diễn ra buổi Hội thảo với chủ đề: “Tu sĩ trước những thách đố của nền văn hóa kỹ thuật số”. Thuyết trình viên của buổi hội thảo là cha Giuse Đinh Trọng Chính, OP và cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Minh Thiệu SDB, cùng hơn 500 tham dự viên là quý cha, quý tu sĩ nam nữ cùng quý khách. Đề tài thuyết trình chia làm hai phần chính. Phần I, cha Giuse chia sẻ về chức năng và giá trị của truyền thông, từ đó phân tích một vài hiện tượng liên quan đến truyền thông. Phần II, cha Phanxicô Xaviê chia sẻ về những định hướng cho việc truyền thông của Giáo hội nói chung và cách riêng nơi các tu sĩ trong nền văn hóa kỹ thuật số.

Mở đầu bài chia sẻ, cha Giuse đã đi thẳng vào vấn đề khi khẳng định rằng công nghệ truyền thông đã được Giáo hội nhắc đến và sử dụng từ lâu. Hiện nay, chúng ta không bàn đến nên hay không nên sử dụng mà vấn đề là sử dụng các phương tiện truyền thông như thế nào.


Trước tiên, cha Giuse nêu lên ba chức năng của truyền thông là thông tin, giáo dục và thẩm mỹ.  Trong ba chức năng thì chức năng thẩm mỹ là một yếu tố cần lưu ý vì tính chất giá trị của thông điệp mà chúng ta muốn truyền tải. Chẳng hạn việc giảng dạy của chúng ta trên các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể biết cách truyền đạt thông tin, biết cách giáo dục người nghe nhưng về giá trị thẩm mỹ liệu có không? Hay chỉ là những bài giảng, bài chia sẻ kiểu thùng rỗng kêu to mà thực chất không đánh động biến đổi tâm hồn con người. Giá trị thẩm mỹ hướng đến tính thiện lương nơi con người.
Tiếp đó, về vấn đề đạo đức trong truyền thông, chúng ta phải truyền đạt thông tin đúng sự thật. Tuy nhiên không phải sự thật nào cũng đưa ra. Truyền thông nói sự thật nhưng biết chắt lọc sự thật nào cần được nói ra. Ngoài ra cần thông tin cách công bằng. Công bằng đối với tha nhân về vấn đề tài chính, về danh dự, về quyền riêng tư; trách nhiệm về thông tin đưa ra, về hành vi sử dụng internet.v.v.
Bên cạnh đó cũng xảy ra những vấn nạn tiêu cực của truyền thông. Đó là hiện tượng tin giả, tin bài chứa thông tin sai, hiện tượng ngụy thông tin, tin giả mà cứ tưởng tin thật. Người ta đăng thông tin để nhằm trục lợi về kinh tế, chính trị, tôn giáo hay chỉ là để gây ra hiện tượng chú ý câu view câu like. Không chỉ ảnh hưởng đến xã hội mà tin giả còn lan tràn trong truyền thông Công giáo. Thực vậy, sự phổ biến của công nghệ truyền thông khiến cho tính chính danh của Giáo hội nhiều lúc bị lạm dụng, gây ra những thông tin sai lạc hiểu lầm về đời sống Đức tin Công giáo. Để minh họa cho đề tài, cha trưng dẫn một vài trường hợp tiêu cực đã xảy ra trong vấn đề truyền thông.


Tiếp theo là phần thuyết trình về những định hướng cho việc truyền thông trong nền văn hóa kỹ thuật số. Cha Phanxicô Xaviê đã chia sẻ về ba ý chính, thứ nhất là quan niệm về nền văn hóa kỹ thuật số, thứ hai là nền văn hóa kỹ thuật số trong đời sống xã hội và thứ ba là nền văn hóa kỹ thuật số trong đời sống Giáo hội, từ đó liên kết đến đời sống người tu sĩ hôm nay.
Từ trước tới nay, quan niệm về nền văn hóa kỹ thuật số, chúng ta thường chỉ quan tâm đến những vấn đề mang tính chất kỹ thuật công nghệ mà xem nhẹ cách chúng ta sử dụng, cách chúng ta bị chi phối, bị ảnh hưởng, những giá trị tích cực và tiêu cực mà kỹ thuật số mang lại.v.v. Đấy là cả một nền văn hóa kỹ thuật số. Hiện nay, kỹ thuật số là một yếu tố ảnh hưởng lớn mạnh đến toàn bộ hoạt động của con người. Kỹ thuật số như là một công cụ để con người sử dụng trong nhiều hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa lẫn tôn giáo.v.v. Chính vì vậy, nhiều lúc kỹ thuật số đã bị lợi dụng để tìm kiếm duy lợi nhuận, gạt nhân phẩm con người qua một bên. Con người bị dẫn dắt theo những định hướng truyền thông, đánh mất dần khả năng đánh giá, phán đoán, chạy theo thì hiếu giác quan.
Trước những mặt tích cực lẫn tiêu cực của nền văn hóa kỹ thuật số, Giáo hội bày tỏ rõ lập trường của mình. Huấn thị Mục vụ truyền thông khẳng định các công cụ truyền thông phải phục vụ con người và các nền văn hóa, giúp đối thoại với thế giới, giúp gắn kết cộng đồng nhân loại, giúp tân Phúc Âm hóa.v.v. Bên cạnh đó các sứ điệp truyền thông của các Đức Giáo hoàng nêu lên những lời cảnh báo về những tiêu cực mà nền văn hóa kỹ thuật số gây ra như: hời hợt, phân tán, đánh mất khả năng suy tư phản tỉnh, bị phân tán thành nhiều mảnh rời rạc, không đi sâu vào đời sống, không bén rễ trong những giá trị vững bền của con người. Truyền thông có những mặt tích cực và mặt tiêu cực, Giáo hội đã khẳng định sự dấn thân vào lòng xã hội bằng các phương tiện truyền thông, và kêu gọi chúng ta phải biết cách sử dụng các phương tiện truyền thông để thông truyền vẻ đẹp của Thiên Chúa cho mọi người.
Sau buổi thuyết trình là buổi thảo luận, các tham dự viên đặt câu hỏi để bàn luận thêm những vấn đề liên quan đến đề tài thuyết trình.

Truyền thông Học viện
114.864864865135.135135135250