28/10/2019 -

Đa Minh Việt Nam

2007

Trong tinh thần hướng về Tỉnh Hội 2019, sáng ngày 26/10/2019, diễn đàn thứ ba, và là diễn đàn cuối cùng, bàn về đào tạo và tri thức đã diễn ra tại Tu viện Mai Khôi. Quy tụ trong diễn đàn hôm nay có các anh em Đa Minh đến từ các Tu viện và Học viện. 

Diễn đàn bao gồm 3 phần chính: Phần một là bài thuyết trình của cha Phêrô  Nguyễn Thế Truyền, đại diện cho ban đào tạo. Phần hai là phần thuyết trình của cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn,  đại diện cho ban đời sống trí thức. Phần cuối cùng là những ý kiến, đóng góp của anh em cho vấn đề đào tạo và trí thức.

Cha Nguyễn Thế Truyền mở đầu buổi diễn đàn cho phần thuyết trình vấn đề đạo tạo trong tỉnh dòng với đề tài “trở nên những nhà giảng thuyết Đa Minh”. Mục đích của bài thuyết trình là giúp anh em xét duyệt lại đào tạo của Tỉnh dòng trong những năm qua và đề ra những định hướng, sáng kiến cho đào tạo của Tỉnh dòng trong thời gian sắp tới. 

Dựa theo Công vụ Tổng hội Krakow và tổng hội Walberberg, cha nhắc lại cho anh em tầm quan trọng cũng như định hướng của việc đào tạo trong Dòng Đa Minh. Việc đào tạo rất quan trọng vì nó làm nên tương lai của Dòng, còn định hướng cho việc đào tạo một tu sĩ Đa Minh cần phải được đặt trong tiến trình đào tạo suốt đời, “luôn luôn học hỏi, luôn luôn phải canh tân”. Cha còn giúp anh em ý thức rằng việc đào tạo không chỉ là trách nhiệm của các vị bề trên mà còn là trách nhiệm của từng anh em với chính ơn gọi của mình. 

Bàn về hình mẫu Đa Minh mà anh em cần phải trở thành trong quá trình đào tạo, cha nói rằng Dòng không đề ra một khuôn mẫu cụ thể nào nhưng chỉ ra những yếu tố làm nên đời sống Đa Minh bao gồm cộng đoàn, lời khấn, kỉ luật tu trì, phụng vụ và cầu nguyện, học hành và tác vụ Lời.

Cha thuyết trình cho anh em cái nhìn về tính chất của việc đào tạo Đa Minh đó là “tiệm tiến”, “hài hòa”, “quân bình”, “toàn diện”, cốt làm sao hướng đến đời sống giảng thuyết, tức một người Đa Minh vừa phải là một người giảng, vừa phải là một chứng nhân.

Trong phần nhìn lại cách thức về đào tạo trong Dòng, cha đề cập đến thư đúc kết của cha nguyên Tổng quyền Brunô với đề xuất việc đào tạo cần phải “có một chương trình dài hạn và được giám sát tốt”.

Cuối cùng, cha thuyết trình đưa ra một vài đề nghị cụ thể cho Tỉnh hội sắp tới.

Trong phần hai, cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn giúp anh em nhìn lại ý nghĩa và mục tiêu của đời sống trí thức Đa Minh dưới cái nhìn siêu hình. Điều mà cha muốn nhấn mạnh là anh em cần phải lượng giá sinh hoạt trí thức dưới quan điểm “phẩm-tính-siêu-hình”, nghĩa là duyệt xét sinh hoạt trí thức ở tầng ý nghĩa chính yếu để tìm xem đâu là ý nghĩa của việc học trong trong đức Tin, linh đạo học hành được thể hiện như thế nào, người trí thức có khả năng nhận ra chân lý của xã hội và Giáo Hội để từ đó có những giải pháp căn bản hay không?

Cha thuyết trình phân tích và chỉ ra sự khác biệt giữa những cái gọi là “sinh hoạt trí thức” với “đời sống trí thức” và “người trí thức” với “người lao động trí thức”. Cha đưa ra định hướng linh đạo học hành theo “mô hình Tin Mừng” và nhắc về mối họa khi quan tâm đến con người như một “Phòng Thi” hơn “Phòng Khám”, đồng thời cảnh báo về “nền văn hóa loại trừ” đã từng bị lên án. 

Cha chỉ ra thực trạng lâu đời của lối học Việt Nam đang diễn ra nơi các trung tâm học vấn của Giáo Hội có nguy cơ biến con người thành công cụ, sơ cứng trong kiến thức, giáo điều trong giải pháp, làm việc như “công chức” với nghề nghiệp chứ không phải như ơn gọi. Cha thao thức về một “giải pháp tinh thần” làm cho cá nhân được tôn trọng như chủ thể. Cá nhân ấy được đặt trong ý nghĩa chân thực của linh đạo học hành để làm sống động lại lời kêu mời khẩn thiết của sứ vụ tông đồ. Lời kêu gọi đó là: thiết tha với con người, có trách nhiệm với cuộc đời, thấm nhuần sứ điệp cứu độ của Đức Giêsu, năng đọc dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng đức Tin…




Cha kết thúc bằng cách mời gọi anh em duyệt xét lại việc học hành từ chính nguyên lý, đó là hành động “gia cố lại móng nền” của Dòng xét như một tòa nhà. Việc “gia cố lại móng nền” từ chính nguyên lý, theo cha, thật quan trọng như tư tưởng của một triết gia kia nói: cái gì là nguyên lý thì sẽ là cứu cánh. Như thế, điều gì người ta muốn như cứu cánh thì phải bắt đầu từ trong nguyên lý.

Diễn đàn kết thúc với phần thảo luận, góp ý kiến cho Tỉnh hội của anh em. Nhiều bậc đàn anh trong dòng, trong đó có cha Anrê Đỗ Xuân Quế nhắc lại cho anh em những nguyên tắc đào tạo, học hành căn bản để làm nên một người Đa Minh mà cha con nhớ như in khi còn ở nhà tập. Đây là một bằng chứng sống động về tinh thần Dòng của một bậc tiền bối đi trước có sức soi sáng cho bậc em út theo sau. Buổi thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến đóng khác nhau mà số lượng thời gian cho phép không thể nào đáp ứng hết được.

Do eo hẹp về quỹ thời gian nên diễn đàn gác lại vào lúc 11 giờ 30. Sau diễn đàn, anh trong trong Tỉnh dòng cùng nhau chia sẻ bữa ăn buffeet phong phú, vui tươi  tại nhà ăn Tu viện Mai Khôi.

 

114.864864865135.135135135250