13/10/2015 -

Anh em Đa Minh

2367
Cha Jean Jacques Pérennès sinh ở miền bắc nước Pháp vào năm 1949. Với học vị cao học thần học, và tiến sỹ kinh tế, sở học của cha Jean Jacques Pérennès khá ấn tượng, cha đã từng nghiên cứu, giảng dạy và đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo tại nhiều nơi trên khắp thế giới. Cha đã giảng dạy môn kinh tế tại Đại học Algiers, rồi sau đó làm giảng viên của Viện Nghiên cứu Chính trị và Đại học Công giáo Lyon. Năm 1985, cha sang Rôma làm phụ tá cho Tổng quyền Dòng, và đã đến nhiều quốc gia đói khổ. Năm 2000, cha sang Cairo và đảm nhận nhiều cương vị, chẳng hạn bề trên cộng đoàn, tổng thư ký và giám đốc của Học viện Nghiên cứu Phương đông của Dòng (IDEO). Cha làm giám tỉnh của các anh em Đa Minh hoạt động trong thế giới Ả Rập từ năm 2002-2010. Sau 9 năm làm việc tại IDEO ở Ai Cập, vào ngày 01-10 vừa qua, cha Jean Jacques Pérennès bắt đầu đảm nhận cương vị mới là giám đốc của trường Kinh thánh và Khảo cổ Pháp tại Giêrusalem.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn mà cha dành cho chúng tôi.

Thưa cha, cha làm việc tại IDEO bao lâu?

Tôi đã sống ở Ai Cập 15 năm, 9 năm làm tổng thư ký và 5 năm làm giám đốc của IDEO. Đó là những năm thách đố nhưng cũng đầy niềm vui, và bổ ích.

Theo cha, đâu là thành tựu đáng kể nhất trong thời gian cha làm giám đốc IDEO?

Theo tôi, thành tựu đáng kể nhất là đã lập được một nhóm các anh em trẻ, tài năng và nhiệt huyết, biết làm việc chung với nhau, để họ tiếp nối, thúc đẩy một dự án vừa lớn lao vừa thách đố, đó là xây dựng một sự hiểu biết qua lại giữa các học giả Hồi giáo và các học giả Kitô giáo. Chúng tôi cũng làm được một số việc khác nữa: xây dựng thêm một khu thư viện mới, phát hành một nhu liệu khá công phu, sửa chữa lại phòng ốc nhà cửa, nhưng tôi cho rằng, chiều kích nhân sự, con người chính là thành tựu đáng kể nhất trong giai đoạn này. Và đây là điều chúng tôi đã cùng nhau đồng lòng kiến tạo.

Sống ở Giêrusalem, cha cảm thấy thế nào?

Sống ở Giêrusalem chẳng dễ chịu chút nào cả, vì lẽ luôn có những căng thẳng giữa các tôn giáo. Trong một đất nước mà người ta đang cho xây lên những bức tường bằng vôi cát lẫn những rào cản về mặt chính trị, tôi hy vọng là mình sẽ quen dần với nơi đây, đồng thời sẽ kết nối được với nhiều người, nhiều nhân vật và nhiều học viện, quan tâm đến việc xây dựng, thiết lập lại những cầu nối giúp người ta hiểu biết lẫn nhau hơn.

Khi nào cha sẽ đến làm việc tại trường?

Tôi bắt đầu đảm nhận cương vị giám đốc của trường Kinh thánh và Khảo cổ Pháp vào đầu niên học, tức ngày 01-10, nhưng thực ra mấy tháng vừa qua, tôi đã làm việc tích cực, để chuẩn bị cho một khởi đầu mới mẻ của học viện cổ kính và danh tiếng này. Với sự trợ giúp của Tổng quyền và một số giám tỉnh, năm nay trường chúng tôi đã có thêm 4 giáo sư và một quản lý mới. Nhu cầu cấp bách là phải có nhân sự mới. Và điều này đã được đáp ứng. Đó thực là một ân phúc.

Thưa cha, tại sao, với gia đình Đa Minh, hai học viện này (IDEO và trường Kinh thánh và Khảo cổ Pháp) rất quan trọng? Làm thế nào để chúng ta có thể rao truyền Lời đến cho người khác?

Trong những năm 1930, các anh em Đa Minh ở Giêrusalem đã cho lập tu viện tại Cairo, nhằm giúp các sinh viên của trường Kinh thánh và Khảo cổ Pháp nghiên cứu môn khảo cổ. Rốt cuộc, cộng đoàn tại Cairo đã có một sứ vụ mới, nhưng ở cả hai nơi, sự dấn thân là như nhau: làm chứng về tình yêu Thiên Chúa cho mọi người, bằng đời sống tu trì cộng đoàn, và xây dựng tình bằng hữu qua việc học hành và văn hoá. Đó thực ra chính là sứ vụ của người Đa Minh: sống cộng đoàn, học hành và bằng đời sống của mình cho người khác thấy được tình yêu của Thiên Chúa.

(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://www.op.org
114.864864865135.135135135250