04/02/2016 -

Anh em Đa Minh

1553
Chứng kiến việc bách hại chống lại các Kitô hữu lan rộng do những kẻ cực đoan và các nhóm vũ trang thực hiện, đại giáo trưởng của thánh đường Hồi giáo lớn thứ hai ở Pakistan, thánh đường Badshahi ở Lahore, là giáo trưởng Syed Muhammad Abdul Khabir Azab, đã cùng với một linh mục dòng Đa Minh, cha James Channan, sát cánh bảo vệ cộng đoàn thiểu số các Kitô hữu đang bị vây hãm tại quốc gia này. Linh mục Channan là giám đốc của Trung tâm Hoà bình tại Lahore, đấy cũng là nơi mà giáo trưởng Abdul Khabir Azad vừa có chân trong ban điều hành, lại vừa là cộng tác viên thân cận của Trung tâm Hoà bình.

Trong cuộc phỏng vấn chung dành riêng cho trang tin Aid to the Church in Need, giáo trưởng Abdul Khabir Azad và linh mục Channan đã mô tả hiện trạng Pakistan cũng như công việc mà họ đang cùng thực hiện.

Giáo trưởng Abdul Khabir Azad và linh mục Channan có biện pháp can thiệp ngay lập tức, mỗi khi xảy ra việc bách hại, tìm cách chữa lành những nạn nhân và giảm thiểu tối đa các vụ tấn công trả đũa.

Chẳng hạn, vào ngày 15-03-2015, hai kẻ đánh bom liều chết đã tiến vào nhà thờ thánh Giuse (Công giáo) và nhà thờ Chúa Kitô (Tin lành), ở Youhanabad, Lahore, vùng này vốn được coi là một trong những nơi có số các Kitô hữu ngoại kiều lớn nhất Châu Á. Bất chấp mạng sống mình, những người bảo vệ đã chặn các kẻ tấn công liều chết tại cổng của nhà thờ. Tuy nhiên, các vụ nổ đã khiến cho 22 người, cả Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo, thiệt mạng, 70 người khác bị thương.


Phong trào chống lại các kẻ khủng bố được hưởng ứng chưa từng thấy

Nhận được lời gợi ý thân mật của linh mục Channan, ngày hôm sau, giáo trưởng Abdul Khabir Azad đã hiện diện tại cộng đoàn Youhanabad như một chứng nhân công khai thể hiện tình đoàn kết với các Kitô hữu.

Tuần sau đó, Giáo trưởng Abdul Khabir Azad tổ chức một cuộc tuần hành ngay trước thánh đường Hồi giáo Badshai do ông phụ trách – một sự kiện trọng đại có thể quy tụ đến 100.000 tín đồ – để bày tỏ sự phản đối của phần lớn các tín đồ Hồi giáo đối với chủ nghĩa khủng bố và kêu gọi xây dựng hoà bình, hoà hợp.

Trung tâm Hoà bình của linh mục Channan, tiếp đó cũng có những nỗ lực giúp hoà giải, như việc cho xuất bản tập san Umang, và tổ chức diễn đàn và các buổi hội thảo Kitô giáo – Hồi giáo và đại kết rải rác trong năm. Giáo trưởng Abdul Khabir Azad đặc biệt chú ý đến giới tăng lữ Hồi giáo tại vùng thôn quê, vì họ thường là những tác nhân gây ra bạo lực tôn giáo. Ngài dấn thân tích cực hầu mang đến một sự thay đổi tích cực nơi các chức sắc này, để khi xuất hiện trong các thánh đường, họ không đưa ra các tuyên bố mang tính chống đối, thù nghịch với các Kitô hữu. Năm 2004, giáo trưởng Abdul Khabir Azad đã tổ chức một diễn đàn liên tôn bên trong thánh đường Badshahi, lần đầu tiên các Kitô được mời đến để thuyết trình tại thánh đường có từ 350 năm này. Linh mục Channan được mời trình bày bài thuyết trình đầu tiên này, một cơ hội hết sức ý nghĩa cho cuộc đối thoại và các liên hệ qua lại giữa Kitô giáo – Hồi giáo.

Từ khi diễn ra các cuộc khủng bố ngày 11-09 tại Mỹ, hơn 60.000 người Pakistan – hầu hết là người Hồi giáo – đã bị các kẻ khủng bố sát hại. Mặc dù khá chậm trễ trong việc ý thức được mối nguy bên trong này, giờ đây chính phủ Pakistan đang cho thực thi một chính sách mạnh mẽ chống chủ nghĩa khủng bố, dưới sự chỉ đạo hiệu quả của Bộ trưởng Bộ quốc phòng, tướng Raheel Sharif. Giáo trưởng Abdul Khabir Azad ước tính, các lực lượng quân sự đã loại trừ được 80% các kẻ khủng bố tại Pakistan.


Luật pháp bị lạm dụng

Tuy nhiên, theo cả linh mục Channan và giáo trưởng Abdul Khabir Azad, vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề, đặc biệt là việc lạm dụng luật báng bổ của Pakistan. Có vô số việc liên quan đến các vấn đề này mà cả hai bên Kitô giáo lẫn Hồi giáo cần làm, để luật báng bổ không bị lạm dụng, và những ai lạm dụng các luật này sẽ bị đem ra xét xử công bằng để làm gương, nhằm răn đe những ai muốn lợi dụng các luật này hầu giải quyết những chuyện cá nhân.

Chẳng hạn, vào ngày 02-03-2011, ông Shahbaz Bhatti, một tín hữu Công giáo và là bộ trưởng đầu tiên của Bộ các nhóm thiểu số, đã bị các thành viên Taliban sát hại vì ông đã chống lại luật này và các điều khoản liên quan đến luật này. Thống đốc bang Punjab, ông Salman Taseer, bị chính cận vệ của mình là Mumtaz Qadri sát hại, sau khi phê phán các điều luật báng bổ là thứ “luật đen tối”.

Linh mục nhắc tới một vụ án cho thấy mức độ tồi tệ của những vụ bách hại cũng như sự thù ghét mà các Kitô hữu phải chịu. Ngày 04-11-2011, một cặp vợ chồng Kitô giáo là ông Shahzad Masih và vợ là bà Shama Masih, bị khép vào tội báng bổ kinh Koran. Vụ việc xảy ra tại làng Kot Rodha Kishan. Bà Shama Masih là một người mẹ 24 tuổi đang mang thai, có bốn con. Bà Shama và chồng bị một đám đông dữ tợn tấn công, tra tấn, sau đó bị thiêu sống trong một lò nung gạch. Linh mục lên án, đây là một tội ác chống lại nhân loại. Vị giáo trưởng cũng kết án hành động man rợ này bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất.

Giáo trưởng Khabir Azad thường xuyên có những lời lên án về những vụ lạm dụng như thế, dầu biết đó là việc làm hết sức nguy hiểm. “Tôi đã nhận được nhiều lời đe doạ vì những gì tôi đang thực hiện, nhưng tôi không từ bỏ đâu. Đấy là việc cần kíp phải làm, và đó là sứ mệnh của tôi.” Vị giáo trưởng cho biết, hình tượng Chúa Kitô, Vị Hoàng Tử Hoà Bình là hình tượng ưa thích của ông, chính hình tượng này đã gợi hứng cho ông rất nhiều.

Xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn

Linh mục Channan kêu gọi thực hiện việc rao giảng Tin Mừng và đối thoại liên tôn, và gọi đó là “hai thanh ray, trên đó, đoàn tàu là Giáo hội lăn bánh”. Nhờ việc loan giảng Tin Mừng, các môn đệ Đức Kitô, khi vâng nghe lệnh truyền của Người, họ trao tặng cho tất cả mọi người cơ hội hoà giải với Thiên Chúa qua cái chết và cuộc phục sinh của Người, để rồi giúp họ đón nhận phép rửa. Còn mục đích của việc đối thoại liên tôn không phải là cải đảo người khác, nhưng là tìm ra những điểm chung giữa các tôn giáo khác nhau, để cùng nhau dấn thân xây dựng một nhân loại tốt đẹp hơn, cổ võ việc chung sống hoà bình, và tôn trọng các giá trị tôn giáo của người khác.

Mặt khác, việc đối thoại liên tôn cũng đóng một vai trò này nữa – một vai trò vừa mang tính thực tế, vừa mang tính vĩnh cửu. Linh mục cho biết, chúng ta cần phải khám phá ra càng nhiều những điểm nền tảng chung càng tốt, để từ đó có thể xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Việc này có thể giúp mang lại một cuộc “biến đổi lòng người”, theo nghĩa các tín đồ Hồi giáo và các tín đồ của các tôn giáo khác sẽ nhận ra các Kitô hữu là những người đồng bào đích thực, đáng trọng, đáng quý.

Tầm quan trọng của việc đối thoại liên tôn tại những đất nước như Pakistan là việc hầu như không còn phải bàn cãi nữa. Chính vì vậy mà linh mục Channan đã được chỉ định làm chuyên viên của Hội đồng giáo hoàng về đối thoại liên tôn (1985 – 1995), và Uỷ ban các liên hệ tôn giáo với anh em Hồi giáo (1999 – 2004). Linh mục Channan cũng được chính phủ Pakistan tham khảo ý kiến về các vấn đề liên quan đến tôn giáo, ngài cũng đi nhiều nơi trên khắp thế giới để nói về tầm quan trọng của việc xây dựng hoà bình nhờ qua việc đối thoại.

Linh mục Channan đã được tận mắt chứng kiến sự thay đổi nơi nhiều vị đầu lĩnh Hồi giáo tại Pakistan, từ chỗ họ thậm chí không thể dùng bữa chung với các Kitô hữu, đến chỗ thiết lập được một tình bằng hữu thực sự – tình bằng hữu được thể hiện rất rõ qua mối thân tình giữa giáo trưởng Abdul Khabir Azad và linh mục Channan.

(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://www.op.org
114.864864865135.135135135250