24/08/2020 -

Chuyên đề

1349
Có bao giờ chúng ta thèm được xuống đường, được bày tỏ chính kiến của mình như những gì đã và đang diễn ra ở Thái Lan, Hong Kong…

Ảnh: Nguồn Internet 

Người ta thường thèm ăn thèm uống, thèm đi chơi… nhưng suốt nhiều ngày qua, khi theo dõi những gì đang diễn ra tại Thái Lan tôi lại thèm được sống trong bầu khí của tuổi trẻ Thái Lan; tương tự như thời gian trước, tôi thèm khí chất của tuổi trẻ Hong Kong vậy.
Thông điệp từ những ngón tay
Nhìn hình ảnh các bạn trẻ Thái Lan xuống đường đầy nhiệt huyết đòi dân chủ tự do ngay chính tôi cảm thấy thèm được đi trong dòng người ấy. Tôi thèm được hòa mình vào không khí của những người trẻ bản lĩnh không hãi sợ bạo quyền, chẳng sợ chi đàn áp. Họ xuống đường, để thể hiện sự phản kháng bất bạo động của mình một cách chính đáng.
Tôi thấy thẹn với mình khi nhìn những bàn tay, vốn chỉ cầm bút sách hằng ngày, giơ lên ba ngón thay thể hiện yêu cầu rất rõ ràng: Tổ chức bầu cử mới, sửa đổi hiến pháp và chấm dứt sự đe dọa đối với những người chỉ trích chính phủ. Đó là cách các em học sinh trung học Thái Lan đứng trước trụ sở Bộ giáo dục đáp trả bộ trưởng bộ giáo dục sau khi ông này lên tiếng doạ sẽ cho cảnh sát bắt những học sinh đưa biểu tượng giơ ba ngón tay ở trường học. Tôi ngạc nhiên lẫn khâm phục sự nhận thức chính trị của những con người trẻ tuổi ấy. Ba ngón tay của các em trong những bộ đồng phục học trò cùng thông điệp: Không đảo chính, đòi quyền tự do, đòi quyền dân chủ.

Ảnh: Nguồn Internet 
Tôi cũng nhớ lại những bàn tay năm ngón và một ngón ở bàn tay kia được giơ lên của các bạn trẻ Hong Kong thời gian trước đây như thông điệp thể hiện ý chí mạnh mẽ yêu cầu nhà cầm quyền thực hiện năm yêu sách không thiếu một ngày nào.
Tự do hoặc chết
Tôi nhớ đến một Joshua Wong trẻ tuổi (sinh năm 1996), người dẫn đầu trong phong trào Dù vàng biểu tình chống chính quyền Trung Cộng ở Hong Kong vào năm 2014. Một người trẻ đã hy sinh tương lai và sự nghiệp vì lý tưởng tự do, dân chủ.
Tôi cũng nhớ đến cô gái kiên cường, xinh đẹp, giỏi giang Agnes Chow (sinh năm 1996), người đã từ bỏ những cơ hội học tập và làm việc của mình, thậm chí bỏ cả quốc tịch Anh để đáp ứng điều kiện tranh cử vào Hội Đồng Lập Pháp Hong Kong. Và cũng như Joshua Wong, Agnes Chow đã ở lại Hong Kong, sẵn sàng chấp những nguy hiểm, bắt bớ có thể gặp phải từ nhà cầm quyền vì lý tưởng đấu tranh cho một xã hội dân chủ, tự do.
Các bạn trẻ Hong Kong viết lên tường: “Không còn tự do, chi bằng chết đi”. Có người nói, dân Hong Kong đã được sống trong bầu không khí tự do dân chủ thực sự nên trước mối hoạ bị tước đi những giá trị ấy, họ quyết phải bảo vệ cho dù máu và nước mắt đã chan hoà xứ sở của họ. Vâng, cũng có thể. Tuy nhiên, Thái Lan thì sao?
Thái Lan được mệnh danh là đất nước của những cuộc đảo chính, một đất nước mà nhiều người cho là nơi có một nền dân chủ pha trộn với quyền lực trong tay quân đội và sự ảnh hưởng của nhà vua. Dù năm 1999, Thái lan được xếp là nước tự do bởi tổ chức Free House (Ngôi nhà Tự do) nhưng giờ đây Thái lan được xem như một ví dụ của dân chủ thất bại và hiện đã không còn được xếp là nước tự do nữa.
Nhìn người lại nghĩ đến ta. Tôi tự hỏi đến bao giờ Việt Nam mới có được một thế hệ ý thức mạnh mẽ được thế nào là tự do dân chủ và sẵn sàng đấu tranh vì những điều đẹp đẽ ấy.
Tất cả những gì người trẻ Hong Kong và Thái Lan đã và đang làm toát lên một vẻ đẹp đầy khí chất hào hùng. Cũng là người châu Á và cách chúng ta chẳng bao xa, cũng thở một khí trời của vùng nhiệt đới gió mùa mà sao khác chúng ta đến vậy? Trong khi xã hội Việt Nam, các “đầy tớ của nhân dân” đang ăn trên ngồi trốc, tham nhũng, quan liêu. Người dân với bộ máy cầm quyền như những kẻ xa lạ, khi có việc vào cơ quan công quyền thì nhiều người khúm núm, sợ sệt… Nhiều người có quyền còn chẳng biết quyền của mình là gì thì làm sao nói tới chuyện đòi dân chủ, tự do như Hong Kong, Thái Lan.
Trách nhiệm đâu chỉ ở người trẻ
Người trẻ Việt Nam thì sao? Một người dùng Facebook nhận xét rằng: Đa số những người trẻ Việt Nam không thể nhận thức được những sai trái, bất công, thối nát trong xã hội mà họ đang sống. Họ không có lòng thương cảm với người dân đồng bào mình bị Trung Cộng chèn ép ngoài biển Đông. Họ cũng không có lòng yêu nước khi đất đai biên giới bị đe doạ. Vụ giàn khoan Hai Yang 981 vừa qua là một minh chứng. Thay vào đó họ chỉ quan tâm đến những thứ phù phiếm như quần áo đẹp, xe đẹp, điện thoại xịn… để thể hiện mình đẳng cấp rởm đời… Và tác giả kết luận rằng: Tuổi trẻ Việt Nam - một thế hệ vứt đi.

Ảnh: Nguồn Internet 
Người viết không đến nỗi quá bi quan vậy. Đa số không có nghĩa là tất cả. Chúng ta vẫn có nhiều bạn trẻ cũng đầy thao thức cho một sự thay đổi, nhiều bạn trẻ can đảm và có nhận thức chính trị. Bên cạnh đó, người trẻ là những người có tư duy dễ thay đổi và có thể đủ sức mạnh thay đổi một khi họ nhận ra được điều đúng phải làm là gì.
Những năm gần đây, các phong trào đòi dân chủ bằng hình thức phản kháng bất bạo động đã lan truyền và tạo cảm hứng cho nhiều người trẻ tại nhiều quốc gia trên thế giới, ít nhiều có tác động đến một phần nào đó những người trẻ ở Việt Nam. Thế hệ trẻ hôm nay có nhiều hạn chế, song không vì thế mà bảo họ đáng bị vứt đi. Ngược lại, chính những người trưởng thành hãy đối thoại với người trẻ và giúp họ nhận ra những giá trị cần thiết trong hành trình của con người là gì chứ không chỉ ở dừng lại ở những nhu cầu tâm sinh lý. Đó chính là trách nhiệm của những thế hệ đi trước, của các bậc cha mẹ, của tất cả những ai mong muốn cho đất nước này một tương lai tươi sáng hơn.
Đức Minh
114.864864865135.135135135250