17/05/2020 -

Chuyên đề

1763
Lời Ban biên tập:
Đại dịch do virus corona gây ra đã và đang gây thiệt hại cho con người trên mọi lĩnh vực. Quan trọng hơn, trong hành trình nhiều bối rối với phòng, chống dịch, đại dịch này còn đặt ra thách thức cho con người về vấn đề đạo đức. daminhvn.net  xin giới thiệu chuyên đề “Một số vấn đề đạo đức trong đại dịch virus corona”.
 
Kỳ 1: Thuyết ưu sinh và sự cân bằng xã hội
Kỳ 2: Những lựa chọn sinh mạng, kinh tế và tự do cá nhân trong đại dịch
Kỳ 3: Hãy an ủi nhau khi chúng ta trên cùng một con thuyền
 
Kỳ 1:
Thuyết ưu sinh và sự cân bằng xã hội

Con người đang đối diện với đại dịch, đối diện với cả giàu nghèo và đối diện với việc được chọn lựa để sống.
 
Thế giới đang đối mặt với một đại dịch gây ra những hậu quả to lớn về cá nhân lẫn xã hội chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Dịch viêm phổi Vũ Hán đã tấn công vô số cá nhân ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại (17-5-2020), đã có trên 300.000 người tử vong liên quan đến virus corona và hơn 4,5 triệu người bị nhiễm. Và con số chắc chắn chưa dừng lại ở đó trong thời gian tới.
Bài kiểm tra cho loài người
Với nhiều người, đại dịch do virus corona gây ra là một thử nghiệm cho con người trong nhiều lĩnh vực. Nó có thể là một bài kiểm tra năng lực y tế và ý chí chính trị; có thể là một bài kiểm tra sức chịu đựng và nhẫn nại của con người; có thể là một bài kiểm tra cho các tín đồ về đức tin tôn giáo của mình; nó cũng có thể là một bài kiểm tra về sức mạnh của những ý tưởng mà con người chọn, từ đó hình thành các phán đoán đạo đức và hướng dẫn hành vi cá nhân của mình.
Theo các báo cáo, phần lớn các trường hợp nhiễm virus corona dẫn đến tử vong rơi vào các bệnh nhân cao tuổi và có tiền sử bệnh nền như: Tim mạch, đái tháo đường… Các trường hợp này có tỷ lệ tử vong cao nên cần nhận được chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận được sự hỗ trợ y tế cần thiết.
Tại Hà Lan, 75% bệnh nhân đã chết tại nhà riêng, tại nhà dưỡng lão hoặc tại bệnh viện mà không phải ở các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Những người này không được nhận vào các đơn vị chăm sóc đặc biệt vì tình trạng bệnh mãn tính nghiêm trọng và tuổi già. Họ chỉ nhận được sự chăm sóc với các biện pháp nhằm duy trì sự sống và hồi sức bình thường. Chỉ 25% các trường hợp tử vong sau khi nhập viện và được chăm sóc đặc biệt.
Từ thực trạng trên, chúng ta có thể thấy những hệ lụy đạo đức mà trước đây chưa bao giờ được đặt ra.

Hình ảnh nguồn Internet
Ai được chọn chăm sóc đặc biệt?
Thứ nhất, đối với các bác sỹ và những nhân viên y tế, vốn là những chuyên gia được đào tạo để chăm sóc cho bệnh nhân, bất kể là ai. Tuy nhiên, trong tình trạng quá tải và sự khan hiếm các nguồn lực y tế như: Giường bệnh và máy thở, họ phải phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Lúc này, vấn đề bình đẳng xã hội đặt ra: Ai sẽ là người được ưu tiên để nhận được sự chăm sóc đặc biệt?
Chắc chắn, đội ngũ y tế có thể gặp khó khăn về đạo đức khi họ nhận thức được sự căng thẳng giữa nghĩa vụ chăm sóc cho từng bệnh nhân, nghĩa vụ đảm bảo bình đẳng cho mọi bệnh nhân. Thời gian đầu khi số ca nhiễm ở Anh bắt đầu tăng vọt, có những luồng thông tin cho rằng một số người có trách nhiệm ủng hộ ý tưởng lây nhiễm cộng đồng để thiết lập quyền miễn trừ trên toàn quốc, bảo vệ nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là những người cao tuổi, người có tiểu sử bệnh nền sẽ phải đối mặt với tử thần trong cuộc chiến mà ai cũng biết chắc kẻ thua cuộc là ai. Điều này cũng đồng nghĩa người ta công khai hoặc ngấm ngầm ủng hộ thuyết ưu sinh.
Sự trở lại của Thuyết ưu sinh
Ưu sinh là một học thuyết phi nhân nhằm đánh giá các nét tiêu biểu của con người, theo đuổi các đặc điểm mong muốn và loại bỏ những nhóm bị liệt vào dạng xấu và thấp kém. Nói cách nôm na, những người chủ trương thuyết này muốn tạo ra một thế hệ con người “thượng đẳng”, “tốt đẹp” nhất về mặt thể chất lẫn tâm lý, và chỉ những con người ấy hoàn hảo ấy mới có tồn tại và phát triển, còn lại nên bị loại bỏ. Nguồn gốc của thuyết này được bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19 với công trình nghiên cứu của nhà khoa học người Anh Charles Darwin về thuyết tiến hóa, về sự chọn lọc tự nhiên. Vào những thập niên đầu thế kỷ 20, thuyết ưu sinh đã gây ra hậu quả đau thương cho nhân loại.
Nhân vật ủng hộ và áp dụng tinh thần thuyết ưu sinh một cách triệt để và cực đoan nhất chính là nhà độc tài Đức Quốc xã Adolf Hitler. Bản thân ông này đã khuếch đại tinh thần học thuyết theo hướng xây dựng giống loài thượng đẳng và giết sạch cái gọi là nhóm hạ đẳng. Nhiều quốc gia thời điểm đó cũng từng ủng hộ học thuyết này, chẳng hạn một số nghị sĩ Anh đã ủng hộ quyết định đề xuất triệt sản cưỡng bức đối với mọi cá nhân có vấn đề về đầu óc và thiểu năng trí tuệ. Dù bị bác nhưng nó cũng không ngăn những trường hợp bị cưỡng bức. Trong khi đó, từ năm 1907, Mỹ đã buộc triệt sản đối với đàn ông, đàn bà, trẻ con bị liệt vào dạng “điên, ngu si, khờ khạo, ngốc hoặc bị động kinh”, và đa số nạn nhân bị phẫu thuật mà không được thông báo hoặc giải thích chuyện gì đang chờ đón họ. Đến năm 1938, tổng cộng có đến 33 tiểu bang cho phép triệt sản bắt buộc đối với phụ nữ có khả năng nhận thức hạn chế. Cùng thời gian này, 29 tiểu bang thông qua luật tương tự đối với những người có vấn đề về gien di truyền. Nhiều nước khác bao gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan đã thông qua luật triệt sản như Mỹ vào thập niên 1920 -1930.

Điểm danh những nạn nhân đầu tiên
Dịch viêm phổi Vũ Hán tác động trên tất cả mọi người, nhưng thực tế cho thấy nó tác động lớn đến cộng đồng người nghèo, người yếu thế và dễ bị tổn thương trong các quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn tại Mỹ, dịch virus corona tràn đến như cơn sóng thần, tính đến sáng ngày 8-5-2020 đã có gần 76.000 người chết trên tổng số hơn 1.250.000 ca nhiễm. Mỹ cũng như nhiều nơi khác, người cao tuổi là những đối tượng tấn công chính của virus corona chủng mới. Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho thấy, phần lớn nạn nhân của Covid-19 là cộng đồng người Mỹ gốc châu Phi, với tỷ lệ cao gấp sáu lần so với người da trắng. Bản thân tổng thống Donald Trump cũng nhìn nhận tình trạng này.
Nhiều nguyên nhân được đưa ra lý giải cho nạn nhân Covid-19 ở Mỹ, như người Mỹ gốc châu Phi sống chủ yếu ở trung tâm thành phố trong những khu vực có mật độ dân cư đông hơn, họ lại làm những công việc dễ bị phơi nhiễm… Đó còn là một trong những cộng đồng nghèo khổ nhất, khó tiếp cận các dịch vụ y tế so với những người da trắng hay người giàu có, và dường như rất nhiều người trong số họ không nhận được sự quan tâm chăm sóc cần thiết, dù chính phủ đã có những sự hỗ trợ rất đáng ghi nhận.
Những khu ổ chuột và khu nhiễm bệnh
Khu vực Đông Nam Á, tình trạng khó khăn của những người nghèo, người lao động nhập cư cũng thấy rõ. Tại Thái Lan, các công trình xây dựng vẫn được xây dựng trong bối cảnh đất nước bị phong tỏa một phần đã khiến hàng trăm công nhân xây dựng bị mắc bệnh. Hầu hết trong số họ không được trang bị khẩu trang, thuốc khử trùng tay và không thể tiếp cận các thông tin về dịch bệnh.
Tại Singapore, nới có nhiều lao động nhập cư, những công dân được chính phủ cấp khẩu trang miễn phí và thuốc khử trùng tay trong khi người lao động nhập cư phải dựa vào các nhóm xã hội cộng đồng. Họ sống trong các khu ký túc xá dành cho người nhập cư với mật độ đông đúc, thiếu vệ sinh và rất ít thông tin về dịch bệnh. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm trong nhóm này là rất cao.
Tại Philippines, nhiều cư dân trong các khu ổ chuột không nhận được bất kỳ gói thực phẩm hay đồ cứu trợ nào từ chính phủ kể trong thời gian phong tỏa đã xảy ra… Và khi những người nghèo, người yếu thế lây nhiễm, họ cũng không có đủ điều kiện để nhận được sự chăm sóc cần thiết.
Dịch bệnh hay loài người phân biệt giàu nghèo?
Trước tình hình đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi chính phủ các nước ASEAN cần thực hiện các hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn sự lây lan của viêm phổi Vũ Hán.
Mặc dù bệnh tật thường được coi là không phân biệt giàu nghèo nhưng tỷ lệ lây nhiễm và số ca tử vong khác nhau theo tầng lớp xã hội và chủng tộc. Người giàu vẫn có thể mắc bệnh nhưng họ có thể có nhiều lựa chọn để tránh bị nhiễm bệnh mà người bình thường không thể. Ví dụ, người giàu có phương tiện và tiền bạc để chạy khỏi khu vực nhiễm bệnh và tránh dịch thành công, hoặc nhận được sự chăm sóc y tết tốt hơn nếu nhiễm bệnh. Do đó, khả năng sống sót cao hơn.
Chưa kể, người nghèo không chỉ đối mặt với dịch bệnh mà con đối mặt cả với nghèo đói. Thu nhập quá thấp không cho phép họ nghỉ không hưởng lương và cách ly tại nhà trong thời gian dài. Dù bị nhiễm bệnh, họ vẫn phải tiếp tục làm việc và tiếp xúc với những người khác.
Tại Ấn Độ, hơn 90% của 500 triệu lao động phi nông nghiệp của Ấn Độ làm các công việc chân tay như thợ xây dựng, bán hàng rong, chạy xe kéo… Khi cả nước bị phong tỏa, các ngành công nghiệp đóng cửa, các quy định về đi lại, giãn cách xã hội khiến họ không thể làm việc kiếm sống. Và đối với khoảng 120 triệu lao động nhập cư tại các thành phố, cái ăn và chỗ ở là vấn đề đáng sợ hơn cả virus.
Tham chiếu 62.000 tỷ của Việt Nam
Tại Việt Nam chúng ta, những người nghèo, người lao động nhập cư, những người bán vé số một ngày cách ly là một ngày đối diện với miếng ăn vì họ kiếm cơm hàng ngày bằng sức lao động của mình. Ngày 10-4, Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19, với số tiền 62.000 tỷ đồng. Đây được coi như là quyết định chưa có trong tiền lệ. Vấn đề đặt ra là sự hỗ trợ ấy có thật sự còn “nguyên vẹn” để đến với người dân nghèo hay không. Mặt khác, theo thông báo từ chính phủ, thì từ ngày 10-5 sẽ tập trung cao độ để giải quyết hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Dự kiến, cơ bản đến ngày 15-5 sẽ chi trả hỗ trợ xong 4 đối tượng gồm người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo, nhưng thực tế cho đến ngày 10-5, nhiều địa phương còn chưa… triển khai. Có địa phương (Thanh Hóa) đã triển khai nhưng tại đây lại xuất hiện hiện tượng người dân gửi đơn xin không nhận hỗ trợ để giúp nhà nước chống dịch. Tuy nhiên, theo một số thông tin, những lá đơn đã được …viết sẵn và được cán bộ mang đến từng nhà để vận động.
Suốt thời gian qua, từ khi lệnh cách lý xã hội có hiệu lực vào cuối tháng 3-2020 cho đến khi lệnh cách ly được dỡ bỏ vào đầu tháng 5-2020, các hoạt động hỗ trợ người nghèo phần lớn là do người dân tự nguyện đóng góp và tổ chức hỗ trợ phần lớn mang tính tự phát.
 
Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi Kỳ 2: Những lựa chọn sinh mạng, kinh tế và tự do cá nhân trong đại dịch
Đỗ Minh

114.864864865135.135135135250