18/09/2021 -

Chuyên đề

538


1. Chuyện chúng mình:

29 TU SĨ HOÀN THÀNH 1 THÁNG PHỤC VỤ TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN 16 (đợt 2)
TGPSG -- Vào lúc 9g ngày 15-9-2021, tại nhà khách Công đoàn số 1, Bùi Thị Xuân, Q. 1, Tp.HCM, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp.HCM đã tổ chức đón 29 tu sĩ tình nguyện viên (TNV) hoàn thành nhiệm vụ sau một tháng chung tay và đồng hành cùng ngành Y tế trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 16 (đợt 2). 
Nhằm đánh giá sơ bộ những đóng góp của tình nguyện viên các tôn giáo tham gia phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 16, Bác sĩ Chuyên khoa II Vương Trọng Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 16 - đã phát biểu:
“Tôi rất cảm kích và thán phục sự hy sinh phục vụ của anh chị em tu sĩ. Ban đầu, rất bối rối lo lắng khi tiếp nhận 62 tu sĩ - những người có rất ít chuyên môn, tôi không biết sẽ phân công cho các tu sĩ như thế nào. Nhưng tôi đã rất bất ngờ trước sự hội nhập và cách phục vụ của các tu sĩ. Họ hoà nhập rất nhanh và phục vụ rất tốt, kể cả việc trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, thăm hỏi, động viên... Hôm nay, tôi rất tiếc vì một số vị phải trở về với công việc của Hội Dòng…” 
Tiếp theo, TS. BS. Đỗ Ngọc Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai - có lời cám ơn quý thầy quý sơ đã đồng hành cùng với bệnh viện ngay từ những ngày đầu: 
“Nếu không có các sơ, các thầy, thì việc chăm sóc bệnh nhân không thể tốt như thế. Các sơ, các thầy đã rất nhiệt tình, hết lòng. Tôi rất vui vì các tu sĩ đã hoàn thành một tháng tốt đẹp.”
Trong bài phát biểu của mình, bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN Tp.HCM - đã bày tỏ niềm cảm kích khi được nghe kể về sự lưu luyến giữa các bệnh nhân và nhân viên y tế với các tu sĩ. Bà cũng diễn tả niềm vui khi thấy bệnh nhân được xuất viện, nỗi buồn khi thấy bệnh nhân vẫn còn rất đông, mà các tu sĩ tuy vẫn muốn tiếp tục phục vụ nhưng phải đi về vì sứ vụ của Hội Dòng đang cần. Bà đã động viên: “Dù là gì đi nữa thì tôi tin đây là một trải nghiệm khó quên đối với mỗi người. Chúng tôi trân trọng và cảm ơn sự đồng hành của các vị với ngành y tế trong thời gian vừa qua.”
Đại diện cho Tòa Giám mục TGP Sài Gòn, Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ đã chia sẻ:
“Đức Tổng cũng luôn quan tâm và dõi theo hành trình phục vụ của anh chị em tu sĩ nơi bệnh viện. Thay lời Đức Tổng, tôi chúc các tu sĩ tiếp tục ôm ấp kỷ niệm về những người bệnh, ôm ấp hồng ân được phục vụ một tháng vừa qua.”
Sau đó Linh mục Giuse cảm ơn lãnh đạo thành phố và các ban ngành đã đón nhận sự phục vụ của anh chị em tu sĩ, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện cho các tu sĩ được cống hiến.
Đại diện các tu sĩ TNV, nữ tu Marie Desire Nguyễn Thị Thanh Tân - thuộc Tỉnh Dòng Chúa Quan Phòng Tây Nguyên - đã nói lên tâm tình biết ơn đối với các y bác sĩ, các điều dưỡng, các nhân viên y tế khác:
“Những hy sinh, tận tụy và những chỉ dẫn tận tình của quý vị đã giúp cho các tu sĩ TNV chúng tôi có thể chăm sóc các bệnh nhân cách tốt nhất.
Xin cảm ơn các nhân viên khách sạn ‘Viên Gạch Nhỏ’ đã rất chu đáo giúp đỡ các tu sĩ lưu trú, nghỉ ngơi sau những giờ làm việc.
Cảm ơn các bác tài xế đã đưa đón chúng tôi.
Và qua cha Giuse, chúng con xin gửi lời cảm ơn đến Đức Tổng Giuse và cả Giáo phận đã đồng hành với chúng con trong lời cầu nguyện, trong những động viên và khích lệ…” 
Kết thúc buổi lễ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN Tp.HCM đã trao Giấy biểu dương và quà tặng cho 29 tình nguyện viên Công giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ trong một tháng qua.
Sau khi tham dự buổi lễ, các tu sĩ được đưa về nơi nghỉ ngơi và cách ly tập trung tại Tu hội Bác Ái Cao Thái và Dòng Biển Đức Thiên Phước. Sau một tuần, họ sẽ được xét nghiệm lại một lần nữa; nếu có kết quả âm tính, họ mới trở về nhà dòng của mình.
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Thuyết - Dòng Đức Bà Truyền Giáo - nói lên tâm tình khi lên xe trở về khu cách ly: 
“Tôi cảm thấy rất vui vì đã được cộng tác với các bác sĩ và các nhân viên y tế trong việc chăm sóc bệnh nhân Covid tại Bệnh viện Dã chiến số 16.
Tôi cảm nhận được nỗi hy sinh vất vả của các nhân viên y tế, chia sẻ niềm vui của những bệnh nhân được xuất viện và mang nặng những nỗi buồn của các bệnh nhân phải từ giã cuộc đời...
Cộng tác và chứng kiến những hy sinh âm thầm của mọi người trong chiến dịch - kể cả các bác tài xế, cô chủ và những người dọn khách sạn - tôi cảm nhận được tình thương giữa người với người và trân quý mầu nhiệm của sự sống.
Cầu chúc cho quý bác sĩ, nhân viên y tế và quý thầy, quý sơ còn ở lại nơi tuyến đầu luôn được tràn đầy sức khỏe, bình an và nhiều niềm vui trong phục vụ…”
Bài: Sơn Nữ SPC, Ảnh: Thùy Linh (TGPSG)
(Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/29-tu-si-hoan-thanh-1-thang-phuc-vu-tai-benh-vien-da-chien-16-dot-2-64203)

2. Những con số biết nói
Stt Quốc gia Được chữa khỏi Tử vong Tổng số
1 Croatia 373.182 8.481 389.654
2 Ireland 321.571 5.179 372.687
3 Hàn Quốc 254.094 2.389 281.938
4 Việt Nam 433.465 16.637 667.597
Thế giới 204.905.915 4.691.781 228.312.707
Cập nhật lúc 6g20, ngày 18.9.2021

3.Khuôn vàng thước ngọc (Lc 8,4-15, thứ Bảy, tuần XXIV Thường niên)
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay kể lại dụ ngôn người gieo giống và việc Đức Giêsu giải nghĩa dụ ngôn này cho các môn đệ. Tuy nhiên, thay vì trả lời cho các môn đệ về ý nghĩa của dụ ngôn thì Đức Giêsu lại giải thích cho các ông về bốn loại đất có thể tiếp nhận Lời Chúa. Thánh Luca khi đặt trên môi miệng Đức Giêsu một ý tưởng liên quan tới ngôn sứ Isaia khiến cho phần giải thích ý nghĩa dụ ngôn thiếu mạch lạc và khá khó hiểu, tức là bốn loại người được kể ra vừa tượng trưng cho hạt giống, vừa tượng trưng cho bốn loại đất nhận hạt giống. Có thể nguyên thuỷ, Đức Giêsu chỉ nói về Lời, nhưng sau đó, trong Giáo Hội, có hướng giảng giải theo kiểu luân lý đạo đức, nên đặt trọng tâm ở thái độ đón nghe hơn là ở chính Lời của Thiên Chúa.
Trích đoạn Tin Mừng của ngày hôm nay cho thấy rằng, nếu như Lời Chúa được ví như hạt giống gieo vào tâm hồn chúng ta, thì hạt giống ấy chỉ có thể nẩy mầm, phát triển và trổ sinh hoa trái khi gặp được mảnh đất tốt. Vậy đâu là dấu hiệu để biết tâm hồn chúng ta là một mảnh đất tốt thực sự để qua đó, những hạt giống Lời có thể nảy mầm, bén rễ sâu, không ngừng tăng trưởng và sinh hoa trái một cách phong nhiêu nhất?
Trước hết, có thể nói ngay rằng, tâm hồn mỗi người là mảnh đất tốt một khi chúng ta nghe và hiểu được ý nghĩa của Lời Chúa. Dĩ nhiên không phải lúc nào Lời Chúa cũng dễ hiểu hoặc dễ chấp nhận. Thế nhưng, nếu chúng ta biết để tâm suy nghĩ và tìm hiểu; nhất là biết ghi nhớ Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng thì chắc rằng Chúa Thánh Thần sẽ trợ giúp để chúng ta hiểu được ý nghĩa nơi Lời của Thiên Chúa đang nói với mình. Đây là điều kiện căn bản cần phải có nhưng thực ra nó lại rất quan trọng; bởi vì, nếu ta không hiểu, thì Lời Chúa rất có thể sẽ bị qủy dữ đến cướp đi khỏi tâm hồn chúng ta.
Tiếp đến, để biết tâm hồn chúng ta có phải là thửa đất màu mỡ hay không, thì tốt nhất nên xem xét nó dưới góc độ của sự kiên trì hay nhẫn nại trước những khó khăn thử thách mà Lời Chúa đòi hỏi chúng ta vượt qua. Một minh họa rất đỗi quen thuộc đó là, Thiên Chúa đòi chúng ta phải yêu thương và tha thứ cho kẻ thù. Chúa muốn chúng ta tha thứ mãi mãi, chứ không chỉ dừng lại ở số lần mà chúng ta có thể đếm được. Chẳng một ai dám bảo, làm được như thế là chuyện dễ dàng; thế nhưng, đó lại là điều Chúa luôn mong chúng ta thực thi. Bao lâu chúng ta chưa dám sống những đòi hỏi của Tin Mừng thì bấy lâu, chúng ta sẽ dễ đầu hàng hoặc bỏ cuộc trước những thách đố thực sự đến từ cuộc sống. Vậy nên, để có thể trung thành tuân giữ đến cùng những đòi hỏi của Lời Chúa, chúng ta chẳng còn cách nào khác là phải biết nỗ lực từng ngày và nhất là phải biết cộng tác với ơn Chúa thì mới mong vượt qua được những trở ngại liên quan tới đời sống đức tin.
Ngoài ra, nếu tâm hồn chúng ta là mảnh đất tốt, thì nó phải làm bật lên thái độ dứt khoát của chúng ta đối với những đòi hỏi của Lời Chúa. Thái độ dứt khoát ấy không cho phép chúng ta sống đạo nửa vời, nghĩa là vừa muốn theo Chúa lại vừa muốn theo những lề thói của thế gian; vừa muốn chiếm được kho tàng Nước Trời lại vừa muốn hưởng thụ những thú vui trần thế. Con người ta vẫn thường bị giằng co giữa một bên là những đòi hỏi của Lời Chúa với bên còn lại là cuộc sống dễ dãi không cần phải hy sinh hay từ bỏ. Thái độ nước đôi chỉ đưa chúng ta tới chỗ phải hứng chịu lời nguyền rủa của Đức Chúa mà thôi: Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,16).
Và cuối cùng, để biết tâm hồn của mình là mảnh đất tốt thế nào, thì chỉ cần nhìn vào việc chúng ta có biết thực hành Lời Chúa trong cuộc sống thường ngày hay không. Điều đó có nghĩa rằng, chúng ta không chỉ nghe suông nhưng còn phải biết thi hành Lời Chúa bằng chính đời sống cụ thể. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất mà ai trong chúng ta cũng có thể tự kiểm chứng được, bởi vì chính Đức Giêsu đã nói: “Cây tốt thì sinh quả tốt” (Mt 7,17). Như vậy, một tâm hồn chan chứa mọi điều thiện hảo thì ắt hẳn sẽ nảy sinh ra những ý nghĩ ngay lành cùng những việc làm đem lại hoa thơm trái tốt. Tắt một lời, đó chẳng phải là điều mà Thiên Chúa luôn đợi chờ nơi mỗi người chúng ta sao?
Lạy Chúa, Chúa không ngừng mời gọi hết thảy chúng con biết canh tân đời sống mỗi ngày. Xin gia tăng lòng mến để chúng con biết nhiệt thành cộng tác với ơn Chúa ban mà lo vun xới cho mảnh đất tốt ở nơi tâm hồn mình, ngõ hầu nhờ đó mà hạt giống Lời Chúa đã gieo được trổ sinh hoa trái dồi dào. Xin cho chúng con biết kiên trì chịu đựng dẫu cuộc đời luôn phải đối diện với những khốn khó gian lao, nhờ đó mà đức tin của chúng con ngày một thêm kiên vững. Xin đừng để chúng con mải mê với những bả vinh hoa trần thế mà đánh mất cùng đích đời mình là được tề tựu bên Chúa và hợp đoàn với các phúc nhân.
 
4. Lời bàn
- Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu sử dụng một hình ảnh mà mọi kẻ nghe Ngài đều có thể hiểu được. Dụ ngôn nói đến bốn loại đất. Đất ruộng ở xứ Palestine thường được chia thành từng luống, dài và hẹp, giữa các luống đó có những lối đi, hạt giống nào rơi trên các lối đi tức là rơi nhằm đất đã chai cứng và cũng kể như uổng phí; vì nếu nó không mọc được thì chim trời sẽ ăn mất. Có thứ đất xen lẫn đá sỏi (Mt 13,5; Mc 4,5). Đây không phải là thứ đất chỉ toàn có sỏi đá, nhưng đúng hơn, loại thổ nhưỡng này chỉ có một lớp đất mỏng phủ phía bên trên mà thôi. Loại đất như vậy không đủ độ ẩm và chất dinh dưỡng nên khi cây mọc lên, nó sẽ mau chóng héo úa dưới ánh nắng mặt trời, rồi chết yểu. Đất gai góc là loại đất mà thoạt nhìn có vẻ sạch sẽ. Muốn làm cho một khu đất sạch sẽ thì không chỉ đơn giản là cày lật đất lên; bởi vì khi đó, những hạt giống cỏ lùng và rễ gai dại vẫn còn lại trong đất. Sau khi gieo, hạt giống và những thứ cỏ dại sẽ cùng mọc lên; nhưng cỏ dại thì bao giờ cũng mạnh hơn lúa, như thế cây lúa sẽ bị chèn ép và không thể sống nổi. Đất tốt là đất có độ sâu, được dọn dẹp và cày xới kỹ lưỡng. Một khi hạt giống được gieo và mọc lên, nó sẽ có được những yếu tố thuận lợi để phát triển tươi tốt cũng như mang lại thành quả xứng đáng cho người đã mất công gieo trồng và chăm bón.
- Trong bản văn này, có một điều gây khó hiểu cho chúng ta. Có vẻ như Đức Giêsu bảo rằng, sở dĩ Ngài nói bằng dụ ngôn là để dân chúng không thể nào hiểu được. Thật khó tin là Đức Giêsu lại nói đến điều đó với dụng ý mang sắc thái tiêu cực. Có nhiều cách giải thích đã được nêu ra. Trong bản văn đối chiếu, thánh Mátthêu ghi nhận rằng, Đức Giêsu khi giảng dạy đã dùng dụ ngôn là vì dân chúng không thấy hoặc hiểu không đúng lời Ngài (Mt 13,13). Thánh Mátthêu chỉ trích dẫn một phần lời ngôn sứ Isaia (Is 6,9): Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra”. Như vậy, có lẽ Đức Giêsu không nhắm mục đích là giảng dạy bằng dụ ngôn cho bằng việc Ngài nhắm vào kết quả có được sau khi giảng dạy. Thực tế chỉ ra rằng, đúng là dân chúng đã nhiều lần không hiểu những lời Đức Giêsu đã nói. Ngay cả các môn đệ cũng gặp phải khó khăn tương tự; thậm chí, đôi khi họ còn hiểu sai lời của Thầy mình.
- Ngang qua dụ ngôn này, dường như Đức Giêsu muốn chỉ cho các môn đệ thấy rằng, tâm trí của đám đông dân chúng có thể trở nên u mê đến nỗi khi Lời chân lý của Thiên Chúa chuyển đến thì họ không thể nhận biết và cũng chẳng thể hiểu được một cách tỏ tường. Điều đó không phải do Chúa, nhưng vì họ đã trở nên chai lì trong tâm trí và mù quáng bởi những thành kiến bủa vây, nên họ không sẵn lòng nhìn xem bất cứ điều gì nếu họ không muốn và cũng chẳng tha thiết khám phá thêm thứ gì đó mới mẻ. Do vậy, hệ quả tất yếu sẽ đến đó là, họ không còn khả năng tiếp nhận chân lý của Thiên Chúa nữa.
- Có hai cách giải thích dụ ngôn này.
+ Trước hết, có người cho rằng, số phận của Lời Chúa tùy thuộc vào tấm lòng của người nghe. Lối đi chai cứng trên thửa ruộng ám chỉ đến những tâm hồn đã đóng chặt lại, tức là không muốn tiếp nhận Lời Chúa nữa. Đất chen lẫn nhiều sỏi đá, nói đến những kẻ đón nhận Lời Chúa nhưng không hề suy gẫm, không hề nhận thức được công hiệu của Lời đó; và vì thế, khi gặp khó khăn thì họ sa ngã bởi chẳng bao giờ biết bám víu vào Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Đất gai góc ám chỉ những kẻ có đời sống quá bận rộn với chuyện thế gian đến nỗi chẳng còn màng tới những điều thuộc về thiên giới nữa. Chúng ta nên nhớ, những điều làm nghẽn mạch các nhu cầu thuộc về tâm linh không nhất thiết là những điều xấu xa. Kẻ thù tệ hại hơn hết đó là không thể phân định nổi đâu là điều tốt và đâu là điều tốt nhất. Còn đất tốt thì có ý nói đến những người mang nơi mình một tấm lòng đầy thiện chí. Người tốt thường phải là người biết chăm chú lắng nghe, suy gẫm những điều mình đã đón nhận cho đến khi khám phá ra ý nghĩa của nó và cuối cùng, họ thực hành những điều mình nghe biết được.
+ Thứ hai, một số người khác lại cho rằng, dụ ngôn này thật sự là một lời khuyên giúp người ta đương đầu với nỗi tuyệt vọng. Hãy nghĩ đến hoàn cảnh lúc bấy giờ, Đức Giêsu đã bị khai trừ khỏi các hội đường. Các Kinh sư và người Pharisêu đã ra mặt chống đối Ngài. Dĩ nhiên trong hoàn cảnh đó, các môn đệ của Đức Giêsu sẽ cảm thấy nản lòng, nhụt chí. Vì thế, Đức Giêsu mới kể dụ ngôn này để dạy cho họ biết rằng, những người nông dân thừa biết có những hạt giống được gieo vãi nhưng không đem lại kết quả nào. Tuy nhiên, họ không bao giờ thất vọng, mà trái lại, họ luôn trông chờ mùa gặt sẽ đến. Đức Giêsu hẳn cũng muốn nói điều đó với các môn đệ. Những gian nan vất vả có thể làm các ông thối lui hoặc muốn bỏ cuộc; thế nhưng, cho dù các kẻ thù có thể khiến họ thảm bại, thì đừng bao giờ ngã lòng vì mùa gặt cuối cùng rồi cũng sẽ đến. Như vậy, dụ ngôn này vừa cảnh cáo chúng ta là những người nghe và nhận lãnh lời của Chúa; nhưng đồng thời cũng khích lệ chúng ta đừng bao giờ buông xuôi hay thất vọng. Hãy tin chắc rằng, mọi sự chậm trễ hay trắc trở không thể nào làm hỏng mùa gặt cuối cùng mà Chúa đã sắp đặt để nó được diễn ra đúng thời đúng buổi.
- Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết nhìn lại và tự đánh giá mảnh đất tâm hồn của mình. Mỗi người phải tự làm lấy, không ai làm thay chúng ta được. Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta; cho dù ngay lúc này, tâm hồn chúng ta đầy sỏi đá hay gai góc. Điều chính yếu là khả năng phục thiện, biết cải tạo và không ngừng chăm bẵm cho thửa ruộng đời mình. Thiếu đi thiện chí, tâm hồn của chúng ta sẽ mau chóng héo tàn khi đối diện với gian nan khốn khó. Thiếu đi thiện chí, chúng ta sẽ luôn phải đối diện với một vấn đề muôn thuở đó là chọn cách tháo lui hay bỏ cuộc ngay khi vừa chạm trán với những thử thách trong đời sống đức tin. Thiếu đi thiện chí, chúng ta sẽ dễ chọn cho mình những thứ thỏa hiệp nhất thời, để mong tìm sự thoải mái tạm bợ mà lòng chẳng biết. Niềm vui hay sự an ổn chóng qua đó sẽ sớm bị những thứ cỏ dại hay gai độc quấn lấy khiến chúng ta trở nên thoi thóp và chết ngạt vào một ngày không xa.
- “Tôi rất cảm kích và thán phục sự hy sinh phục vụ của anh chị em tu sĩ. Ban đầu, rất bối rối lo lắng khi tiếp nhận 62 tu sĩ - những người có rất ít chuyên môn, tôi không biết sẽ phân công cho các tu sĩ như thế nào. Nhưng tôi đã rất bất ngờ trước sự hội nhập và cách phục vụ của các tu sĩ. Họ hòa nhập rất nhanh và phục vụ rất tốt, kể cả việc trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, thăm hỏi, động viên...”. Có lẽ chúng ta chẳng thể chờ đợi điều gì tốt đẹp hơn như thế, nhất là khi nó được thốt lên từ trái tim của vị Phó Giám đốc bệnh viện Dã chiến. Tôi thực sự xúc động khi đọc được những dòng chia sẻ này. Với tôi, các tu sĩ thiện nguyện cũng giống như những người đi gieo hạt giống Lời Chúa vào giữa chốn thương đau vậy. Đa số họ là những người không có chuyên môn y khoa. Tôi đồng ý điều đó. Họ là những người không có nhiều kinh nghiệp trong việc phục vụ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Tôi cũng nghĩ như vậy. Họ là những người chưa thực sự thuần thục trong việc tự bảo vệ bản thân trước những mối hiểm nguy do lây nhiễm, kể cả khi họ đặt chân tới các bệnh viện Dã chiến. Tôi cũng nghĩ đó là một thực tế đáng nghi ngại.
- Vậy thì họ mang theo những gì khi bước chân ra đi? Xin thưa, đó là một đức tin can trường cùng với một ước nguyện hiến trao sự sống của chính mình. Những điều đó đã giúp họ vượt qua mọi trở ngại để mau chóng hội nhập và hết lòng phục vụ các bệnh nhân. Họ không đến những nơi đó để xem cho biết, nhưng là ở lại và hiện diện một cách sống động. Tôi tin chắc rằng, không chỉ có các bệnh nhân mà ngay cả các nhân viên y tế cũng sẽ có những ấn tượng tốt đẹp về họ. Trong môi trường bệnh viện, các tu sĩ tình nguyện viên không có những bục giảng để giảng giải Tin Mừng, nhưng chính sự hiện diện cùng với sự tận tình phục vụ, tất cả đã trở thành những lời giảng hùng hồn nhất nhằm giới thiệu Đức Giêsu cho những người mà họ có dịp gặp gỡ. Thánh Luca khi kể về dụ ngôn người gieo giống đã chỉ ghi năng suất tối đa, tức là nói đến kết quả gấp trăm mà thôi. Tôi tin các thiện nguyện viên cũng có được những thành quả như thế, chí ít cũng là đối với bản thân của họ. Thật vậy, họ đã có cho riêng mình những trải nghiệm thú vị và quý báu. Còn Thiên Chúa, Ngài sẽ không bao giờ để cho những công khó của con cái mình thành vô ích hay để cho chúng chìm vào lãng quên. Hẳn sẽ có người nghi ngờ khi mảnh đất tốt được sánh ví với không gian ở nơi bệnh viện Dã chiến; riêng tôi chẳng có chút hoài nghi nào. Vì sao ư? Bởi vì tôi luôn tin tưởng rằng, cho dù chúng ta không đạt được năng suất tối đa đi chăng nữa, thì chắc chắn một điều, những hoa trái thu về sẽ gấp rất nhiều lần so với số hạt giống mà chúng ta từng vãi gieo.
 
Viết Cường, O.P. 
114.864864865135.135135135250