17/09/2021 -

Chuyên đề

1014
 
1. Chuyện chúng mình:
TGPSG-- “Tất cả chúng ta cần phải nhìn nhau bằng cặp mắt yêu thương của Đức Kitô và phải học cách ôm lấy những người nghèo khổ, để cho họ thấy sự gần gũi, cảm tình và lòng yêu thương của chúng ta”. Đó là lời mời gọi của ĐTC Phanxicô với mọi Kitô hữu và lời mời gọi này đã được hiện thực hóa nơi các nữ tu trong ban Caritas TGP Sài Gòn đang phục vụ cho việc tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ.
Hơn 3 tháng nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca dương tính ngày càng tăng. Tính đến ngày 15.8.2021, cả nước có tổng số ca nhiễm là 275.044, số ca tử vong là 5.774. Vì dịch bệnh phức tạp nên chính quyền Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa toàn thành phố từ ngày 9.7.2021. Tuy nhiên, tình trạng phong tỏa chồng phong tỏa đã khiến cho người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả hầu như đóng băng: Mọi người không thể ra đường nếu không có lý do cần thiết; nhiều công ty ngưng hoạt động nên công nhân thất nghiệp, một số ít hoạt động nhưng phải theo quy trình “3 tại chỗ”. Không có thu nhập do mất việc làm nhưng vẫn phải trả chi phí sinh hoạt như: Ăn uống, tiền điện nước, tiền nhà trọ... nên người lao động nghèo lại càng nghèo hơn.
Do nhu cầu thực tiễn, nhà hưu dưỡng Hà Nội, 116/3 Hùng Vương, P.6, Q.10 đã trở thành một trong những điểm tập kết cứu trợ của Ban Caritas TGP Sài Gòn. Đây là nơi tiếp nhận các chuyến hàng từ các Giáo Phận tiếp tế, cứu trợ cho Tp. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, để tránh lây nhiễm cộng đồng từ việc thuê những người khuân vác bên ngoài, nên khi các chuyến hàng tới, những nữ tu tại đây đã trở thành những “tình nguyện viên khuân vác” giữa mùa dịch, nhằm đảm bảo không tập trung đông người, bảo vệ vùng xanh  đúng với chỉ thị của chính phủ: nhà cách ly theo nhà, thôn xóm cách ly theo thôn xóm, phòng chống lây lan dịch bệnh.
Nhóm chỉ có 6 người: 3 nữ tu thuộc dòng Mến Thánh Giá Hà Nội và 3 nữ tu thuộc dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm. Đa số hàng được chuyển đến vào nửa đêm hoặc 2-3 giờ sáng, nên việc bốc dỡ hàng phải gấp rút để xe kịp ra khỏi thành phố lúc 4h sáng.
Số người quá ít so với số hàng cứu trợ, nhưng các nữ tu vẫn hăng say khuân vác mà không than vãn kêu ca. Sự nhiệt tình, hăng hái làm việc của các nữ tu đã lay động người dân sống gần đó khiến họ không nề hà vào giúp đỡ. Chú Tư tâm sự: “Mỗi bịch rau củ cần vác xuống nặng gần 20 ký. Mình bốc được vài bịch là chân tay rã rời, thế mà các nữ tu có thể bốc hết một xe hàng trong vài giờ”. Với những bao bắp cải, bí đỏ nặng hơn 50kg thì phải dùng xe kéo và tất cả phương tiện có sẵn để di chuyển hàng hóa vào trong sân. Có những ngày, các nữ tu phải cật lực bốc trên chục tấn gạo, hàng nghìn thùng mì... chỉ trong vài tiếng. Vậy mà sau khi làm xong, nhóm nữ tu chỉ nghỉ ngơi đôi chút rồi tiếp tục giờ kinh nguyện đầu ngày mới. Sau giờ kinh nguyện là bữa điểm. Sau đó, nhóm nữ tu tiếp tục chia các phần hàng cứu trợ tới các giáo hạt, giáo xứ, mái ấm, khu cách ly, phong tỏa hoặc trao đến tay các anh chị em trong các khu nhà trọ đang gặp khó khăn.
Vất vả là vậy, nhưng các nữ tu vẫn cảm thấy hạnh phúc và ấm lòng. Sr Têrêsa - Phó Ban Caritas TGP Sài Gòn - chia sẻ: “Hiện nay vì tình hình dịch bệnh lan nhanh nên văn phòng Caritas Sài Gòn không thực hiện nhiều hoạt động như trước. Tuy nhiên, chúng con vẫn cố gắng liên đới, nối kết với các ân nhân để nhận hàng trong phạm vi cho phép, sau đó chia sẻ cho người khó khăn qua đội ngũ anh em của nhóm xe “Phản ứng nhanh”. Các anh em trong đội ngũ này đã giúp chuyển gạo, mì ăn liền và rau củ đến cho những nơi cần. Công việc khó khăn hơn nhiều khi nguồn ân nhân có vẻ đang bớt lại, người phục vụ thì giới hạn mà người khó khăn lại tăng nhiều hơn. Chúng con đi làm trong sự tín thác, xin Chúa giữ gìn chứ cũng không biết phải làm sao, dù cố gắng hết sức để thực hiện theo những tiêu chuẩn mà Bộ Y tế đã hướng dẫn. Xin mọi người cầu nguyện cho chúng con và cho các gia đình đang gặp khó khăn thử thách, luôn vững niềm tin và cùng nhau vượt qua cơn đại dịch này”. Sr Têrêsa còn chia sẻ thêm: “Cả ngày lẫn đêm chuyển hàng mệt mỏi, thân xác rã rời, nhưng chúng con vui lắm, tâm hồn cảm thấy hạnh phúc vì mình được may mắn cộng tác với các ân nhân và có cơ hội phục vụ những người đang gặp khó khăn, những bà con trong các khu cách ly, họ không được ra khỏi nhà. Đây là một hành trình đầy ý nghĩa trong các hoạt động của mình”.
Vincente Huy - Chuquangnam
(Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/nhung-nu-tu-khuan-vac-cua-chua-64055)

2. Những con số biết nói
Stt Quốc gia Được chữa khỏi Tử vong Tổng số
1 Philippines 2.090.228 36.018 2.304.192
2 Georgia 554.618 8.390 589.727
3 Costa Rica 404.719 5.919 502.362
4 Việt Nam 423.551 16.425 656.076
Thế giới 204.424.239 4.683.231 227.785.323
Cập nhật lúc 6g40, ngày 17.9.2021



3. Khuôn vàng thước ngọc (Lc 8,1-3, thứ Sáu, tuần XXIV Thường niên)

Trích đoạn Sách Thánh mà chúng ta được nghe hôm nay, kể lại việc Đức Giêsu bắt đầu đi rao giảng khắp nơi. Điều khiến chúng ta chú ý đó là, ngoài các Tông đồ, thánh Luca còn nói tới việc có những người phụ nữ cùng góp mặt để trợ giúp Đức Giêsu cũng như các đồ đệ thân tín của Ngài. Sứ điệp Tin Mừng mà Đức Giêsu loan báo là sự giải phóng con người khỏi mọi thứ nô lệ. Ở đây, ngay cả việc có một số phụ nữ được đi theo để chia sẻ sứ mạng của Ngài cũng là một dấu chỉ nói về sự giải phóng ấy, bởi vì thời đó người Do Thái coi khinh phụ nữ, không cho họ tham gia những sinh hoạt công khai ngoài xã hội.
Bài Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay nhắc đến một số phụ nữ bên cạnh các Tông đồ trên hành trình truyền giáo của Đức Giêsu. Thánh sử Luca còn nói rõ, họ đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu cũng như các môn đệ. Điều đó cũng có nghĩa là họ được cộng tác vào công việc loan báo Nước Thiên Chúa theo cách thức riêng của họ. Chúng ta không biết vì sao và trong trường hợp nào mà những người phụ nữ này lại đi theo Chúa. Việc tìm câu trả lời có lẽ không cần thiết, điều quan trọng mà tác giả muốn giới thiệu ở đây chính là những đóng góp của họ vào công cuộc loan báo Tin Mừng. Chính điều này cũng tạo nên một sự khác biệt ở nơi Đức Giêsu; bởi lẽ, chắc chắn không có một Rabbi Do Thái nào dám làm điều tương tự như thế.
Chúng ta cũng nên biết rằng, sự hiện diện của các phụ nữ bên cạnh Nhóm Mười Hai chắc hẳn không phải là điều bình thường trong một xã hội vốn trọng nam khinh nữ. Dĩ nhiên, thái độ trọng nam khinh nữ không chỉ có ở xã hội Do Thái thời Đức Giêsu mà còn có ở nhiều nơi khác trên thế giới. Thậm chí cho tới những thế kỷ gần đây, nhất là dưới chế độ phong kiến, người ta vẫn còn nhìn người phụ nữ bằng một nhãn quan sai lầm: xem họ như là một thành phần nguy hiểm, một cám dỗ triền miên, một thụ tạo thấp hèn hay cùng lắm chỉ là một phương tiện để bảo tồn nòi giống... Thời Đức Giêsu, có lẽ người ta đối xử với nữ giới còn tệ hơn những gì chúng ta biết hiện nay nhiều lần. Vậy nên, sự hiện diện của các chị em phụ nữ bên cạnh Đức Giêsu thời bấy giờ thì quả là một điều mới mẻ thực sự.
Đức Giêsu không chấp nhận con người đối xử bất bình đẳng với nhau và càng không chấp nhận con người tự đánh mất phẩm giá của chính mình. Trước mặt Thiên Chúa, dù là nam hay nữ, dù giàu hay nghèo, dù thông minh hay kém may mắn hơn... mọi người đều bình đẳng vì đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và đều được kêu gọi để được thừa hưởng sự sống đời đời. Đó chính là phẩm giá cao quý của con người và cũng là nền tảng cho sự bình đẳng giữa con người với nhau. Hơn ai hết, các Kitô hữu chúng ta ngày hôm nay cũng phải biết thực thi các giáo huấn của Chúa nhằm bảo vệ phẩm giá con người cũng như tôn trọng quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong tất cả các mối tương quan xã hội.
Thánh Luca, qua bài Tin Mừng hôm nay, đã cho thấy tấm lòng quảng đại của các phụ nữ, những người đã dùng tài sản của mình để giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ trong công cuộc truyền giáo. Có thể nói, Tin Mừng không hề kể chuyện các phụ nữ này rao giảng Tin Mừng, nhưng lại nói đến sự trợ giúp quý báu của họ dành cho Đức Giêsu cùng các môn đệ. Điều đó cho thấy, sự đóng góp của nữ giới trong Giáo Hội thời sơ khai là rất đáng trân trọng; bởi vì, họ luôn là những con người nhạy bén và quảng đại trước những nhu cầu của mọi người chung quanh. Các môn đệ của Đức Giêsu chắc hẳn là những người hiểu rõ điều đó nhất.
Khi cho phép những người phụ nữ cùng sánh vai với các Tông đồ trong công cuộc loan báo Tin Mừng, chắc hẳn Đức Giêsu cũng muốn mời gọi hết thảy chúng ta biết nhận ra phẩm giá cao quý của mình; Nơi Chúa, không hề có sự phân biệt, tức là bất kỳ ai cũng có khả năng thi hành lệnh truyền của Ngài. Ngoài ra, Đức Giêsu cũng muốn chúng ta biết nhìn vào những hành động bác ái yêu thương và phục vụ của các chị em phụ nữ khi xưa mà bắt chước. Như vậy, cách nào đó, Ngài cũng đã ngỏ lời để mời gọi chúng ta tham gia vào thực tại Nước Trời ngay trong môi trường mà mình đang sống. Chúng ta luôn mong mình trở thành môn đệ chân chính của Đức Giêsu, biết trung thành thực thi những giáo huấn của Ngài; thế nhưng, để làm được điều đó, chúng ta không chỉ là những người biết rao truyền Lời Chúa mà còn phải là những người biết thực thi những lời rao giảng ấy bằng chính đời sống chứng tá của mình.
Lạy Chúa, xưa kia đã có những người phụ nữ thành tâm thiện chí đi theo Chúa và góp phần mình vào công cuộc rao giảng Tin Mừng; nay, xin cũng ban ơn trợ giúp để chúng con biết hăng say thi hành những điều Ngài truyền dạy ngang qua cuộc sống thường ngày. Xin cho chúng con luôn biết quý trọng phẩm giá của mình và hết lòng tôn trọng phẩm giá của những người khác. Xin cho chúng con biết sống quảng đại và hết lòng phục vụ tha nhân bằng tình thương mến. Và, xin nâng đỡ để chúng con luôn biết góp sức mình vào công cuộc xây dựng Nước Chúa ngay ở trần gian này, ngõ hầu nhờ đó mà muôn dân nhận biết và không ngừng tán dương Danh Ngài.
 
4. Lời bàn
- Sách Thánh bắt đầu mở ra một trang mới, qua đó cho thấy Đức Giêsu bị chống đối và điều đó đã khiến cho cửa hội đường không còn rộng mở để đón tiếp Ngài như trước nữa. Có thể nói, Ngài bắt đầu một hành trình di chuyển liên tục, đến bất cứ nơi đâu đang có những người cần Ngài cứu giúp. Cũng trong bối cảnh đó, thay vì phải đối diện với những người chống đối, Đức Giêsu đã đi đến với những người sẵn sàng lắng nghe Ngài. Trên hành trình truyền giáo ấy, chúng ta sẽ bắt gặp những người đã bỏ công bỏ việc để đi theo giúp đỡ Đức Giêsu cùng các môn đệ.
- Đoạn Kinh Thánh này nói đến một nhóm các phụ nữ sẵn lòng giúp đỡ Đức Giêsu bằng cách trao tặng cho Ngài không những là của cải mà còn sẵn lòng bỏ công sức và thời gian. Việc nâng đỡ một Rabbi bao giờ cũng được coi là hành vi đạo đức, cho nên những người phụ nữ này đã theo Đức Giêsu để giúp đỡ Ngài là chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng đối với họ, chúng ta nhận thấy ở nơi nhóm người này có một sự pha trộn khá thú vị. Trong số đó có Maria Magdala, là người đã được Chúa trừ cho khỏi bảy quỷ. Rõ ràng nàng đã có một quãng đời tối tăm, đau khổ. Ắt hẳn có người sẽ coi việc đi theo Đức Giêsu là dịp để bà trả ơn. Nhưng đồng thời, chúng ta lại thấy có bà Gioanna, là vợ ông Khuđa, quản lý của nhà vua Hêrôđê. Thật là một điều lạ lùng khi thấy Maria Magdala với dĩ vãng xấu xa lại có thể song hành cùng một người thuộc diện có “máu mặt” như bà Gioanna để chung tay giúp đỡ Đức Giêsu. Họ sát sánh bên nhau để cùng thực hiện những điều tốt đẹp trong khả năng của mỗi người.
- Chính nhờ ân sủng và quyền năng tuyệt đối của Đức Giêsu đã khiến cho những người rất khác biệt nhau vẫn có thể chung sống với nhau mà không đánh mất cá tính và phẩm chất riêng của họ. Điều chúng ta cần lưu ý rằng, không có gì cấp bách cho Giáo Hội hơn là tìm cách để những người có tính cách khác nhau vẫn có thể làm việc với nhau, gánh vác trách nhiệm cùng nhau. Nếu chúng ta thất bại thì đó là lỗi của chúng ta, vì trong Đức Giêsu, những khác biệt đó đều có thể được dung hòa.
- Mặt khác, đây là một nhóm phụ nữ có những giúp đỡ rất thực tiễn. Là phụ nữ, họ không được phép giảng dạy, nhưng họ cung cấp những của cải; như thế, họ sắm vai những người lo việc ở hậu phương. Rõ ràng, không phải tất cả những người xuất đầu lộ diện bao giờ cũng là những người có thể làm được các công việc lớn lao nhất. Thật vậy, nhiều vị lãnh đạo trong các cộng đoàn đã nói rằng, họ sẽ không kham nổi công tác nếu thiếu đi sự nâng đỡ của những người thân tín đang trợ giúp họ ở hậu trường. Không có ân huệ nào mà lại không ích lợi cho việc phục vụ Chúa. Nhiều tôi tớ Chúa vẫn làm việc một cách hăng say nhưng âm thầm đến nỗi không ai nhìn thấy họ; thế nhưng, họ luôn luôn cần thiết cho công việc của Chúa cũng như của Giáo Hội. Đó là điều đáng trân trọng, bởi vì chẳng ai có thể quán xuyến tất cả mọi công việc cùng một lúc. Bên cạnh đó, người ta chỉ có thể đóng tròn vai của mình dựa trên những nén bạc mà Chúa đã trao ban chứ không thể một mình cáng đáng được tất cả mọi công việc thường ngày. Chúng ta trân trọng những đóng góp âm thầm đó. Người lãnh đạo phải là người biết kiến tạo một sức mạnh tập thể chứ không phải tự xoay xở và làm thay cho những người khác. Thiết tưởng đó là một bài học cần thiết đối với tất cả mọi người trong chúng ta.
- “Số người quá ít so với số hàng cứu trợ, nhưng các nữ tu vẫn hăng say khuân vác mà không than vãn kêu ca. Sự nhiệt tình, hăng hái làm việc của các nữ tu đã lay động người dân sống gần đó khiến họ không nề hà vào giúp đỡ”. Tôi quá quen với những hình ảnh bốc vác hàng cứu trợ như thế này, bởi vì nó thường xuyên diễn ra nơi cộng đoàn mà tôi đang sinh sống. Khi đại dịch Covid-19 ập tới, hầu hết các hoạt động thường ngày đều bị đình trệ, duy chỉ có những công việc bác ái lại diễn ra sôi nổi. Quý cha giáo và các thầy Học viện đã lăn xả vào công việc, bất kể ngày đêm. Những ngày cao điểm, họ có thể tiếp nhận và chia sẻ cho các nơi hàng chục tấn rau củ quả các loại. Đó là một công việc khá vất vả, nhất là đối với những người vốn thường ngày chỉ quen với việc đèn sách. Mặc dù vậy, ai cũng cảm thấy vui vì nghĩ rằng, những việc mình làm tuy nhỏ bé nhưng nó sẽ góp phần tương trợ cho những mảnh đời đang vạ vật vì sinh kế và thiếu trước hụt sau trong mỗi bữa ăn. Vào lúc này, chẳng những người nghèo rơi vào cảnh thiếu thốn mà ngay cả những người khá giả cũng không thể mua được lương thực cho gia đình mình. Các nhà hảo tâm ở khắp nơi đã hết lòng chia sẻ với Sài Gòn, nhưng nếu không có các tình nguyện viên cộng tác thì e rằng, cuộc sống của rất nhiều gia đình vốn đã túng quẫn thì nay lại càng bi đát hơn. Dù sao đi chăng nữa, đối với những công việc cần đến “cơ bắp” thì các thiện nguyện viên là nam giới bao giờ cũng có những lợi thế nhất định. Tuy nhiên, cũng với những công việc tương tự, các chị em nữ tu cũng cho thấy mình chẳng hề kém cạnh.
- Quả thật, các nữ tu cũng đã cống hiến hết mình và làm được nhiều việc hơn chúng ta tưởng. Họ có thể làm việc quần quật như những “phu khuân vác” thực thụ hoặc trở thành những shipper bất đắc dĩ, lặn lội tới tận các khu cách ly để giao thức ăn, thuốc men cùng các nhu yếu phẩm khác. Họ chuẩn bị thức ăn và trao tặng cho nhân viên y tế cùng các bệnh nhân ở những bệnh viện dã chiến. Họ tiếp cận và nhẹ nhàng khuyên bảo cùng nâng đỡ tinh thần các gia đình có người bị nhiễm bệnh. Và đặc biệt, họ chiếm quân số áp đảo trong những đợt thiện nguyện do các giáo phận kêu gọi, để có mặt và phục vụ tại những bệnh viện tuyến đầu phòng chống dịch bệnh Covid-19. Như vậy, nếu xưa kia từng có những người phụ nữ đi theo để trợ giúp Đức Giêsu cùng các môn đệ; thì ngày nay, các chị nữ tu cũng đã góp sức mình để phục vụ cộng đồng, với danh nghĩa là những người đang theo sát gót Thầy Giêsu. Nếu xưa kia các bà đã dâng tặng những của cải vật chất để tương trợ Đức Giêsu cùng các Tông đồ trên hành trình truyền  giáo; thì hôm nay, các chị nữ tu cũng đã dâng tặng trái tim và thậm chí là cả mạng sống của họ để phục vụ người nghèo, cách riêng là các bệnh nhân. Nếu xưa kia danh tánh của các bà được ghi lại và vang danh muôn thuở; thì lúc này đây, các chị nữ tu của chúng ta vẫn cứ miệt mài phục vụ Chúa cũng như phục vụ mọi người mà chẳng màng tới chuyện mong được người đời vinh danh hay ca tụng. Và, nếu xưa kia các bà được chung chia niềm vui và hưởng nếm tình thương của Chúa; thì trong giây phút hiện tại, các chị nữ tu chắc hẳn cũng cảm nghiệm được niềm vui từ chính những công việc họ đang đảm nhận, nhất là nhận ra được dung mạo của Đức Giêsu nơi những người họ đang hết lòng phục vụ trong yêu mến. Suy cho cùng, dẫu cho bao nỗi sợ hãi và tang thương cùng xuất hiện với cơn đại dịch khiến nhiều người gục ngã; thế nhưng, tất cả những điều đó không đủ sức làm nhụt chí những chứng nhân thầm lặng của Đức Giêsu. Họ vẫn luôn hăng say và đầy nhiệt huyết; không sờn lòng nản chí dù gặp cảnh gian nguy.
Viết Cường, O.P. 
114.864864865135.135135135250