16/09/2021 -

Chuyên đề

697


















1. Chuyện chúng mình:
TÌNH YÊU CỦA CÔ GÁI KHÔNG CHÂN VỚI CHÀNG TRAI CÁCH NỬA VÒNG TRÁI ĐẤT
Sau khi đọc sách của cô gái khuyết tật, chàng trai người Áo biết rằng mình sẽ cưới người phụ nữ này làm vợ.
Sinh ra chỉ với nửa trên của một người bình thường do dị tật, Jen Bricker bị cha mẹ ruột bỏ rơi. Cô được cha mẹ nuôi nhận về chăm sóc và cho cô một tuổi thơ bình thường. Giống như bao cô gái trẻ của thập niên 90, cô lớn lên với tình yêu môn thể dục dụng cụ và thần tượng Dominique Moceanu.
Năm 28 tuổi, Bricker đã chứng kiến thần tượng của mình giành huy chương vàng trong Thế vận hội 1996. Cô tự hào khi có chung dòng máu gốc Romani và dáng người nhỏ bé như Dominique.
Bảy năm sau, cô phát hiện ra thần tượng của mình chính là người chị gái ruột. Sau nhiều năm giữ kín, họ công khai phát hiện gây “sốc” vào năm 2012.
Lớn lên ở Illinois, Mỹ cùng với 3 người anh trai không chung dòng máu và luôn được bố mẹ nuôi yêu thương, Bricker tin rằng mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Cô được gia đình khuyến khích thử sức với thể dục dụng cụ. Ngay lập tức, Bricker thể hiện năng khiếu đặc biệt trong môn thể thao này.
Nhờ thành tích và thái độ tích cực, cô gái không chân bắt đầu nổi danh ở địa phương, sau đó là cấp quốc gia, thậm chí vượt ra khỏi nước Mỹ.
Từ khi còn nhỏ, Bricker đã nhiều lần xuất hiện trên truyền hình. Cô bé biết rằng định mệnh của mình là giúp truyền cảm hứng cho những người khác. Cô cũng tin rằng một ngày nào đó mình sẽ viết một cuốn sách.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Bricker theo học một trường cao đẳng cộng đồng địa phương, rồi làm việc cho công viên giải trí Walt Disney World. Cô yêu thích công việc này và cũng là lần đầu tiên trong đời, cô được sống tự lập.
Bricker chưa bao giờ nghi ngờ khả năng thành công của mình trong những việc cô chọn làm. Một phần lớn là nhờ sự khuyến khích của cha mẹ nuôi và sự tự tin mà họ truyền cho cô.
“Họ cho phép tôi trở thành người mà tôi muốn” - Bricker chia sẻ.
Sau vài năm vừa học vừa làm, Bricker trở thành một nghệ sĩ nhào lộn trên không. Năm 22 tuổi, cô được chọn tham gia biểu diễn trong chuyến lưu diễn “Circus” của ca sĩ Britney Spears. Vào thời kỳ hoàng kim, Bricker tham gia biểu diễn cho 40 chương trình. Cô gọi đó là khoảng thời gian “tuyệt vời và điên rồ” trong đời.
Tình yêu đến với Bricker vào năm 2018 khi cô gặp chàng trai người Áo Bauer, lúc ấy 26 tuổi.
“Lần đầu tiên gặp cô ấy, cảm giác giống như mình vừa va phải một chiếc xe tải” - Bauer chia sẻ.
“Sau khi đọc sách của cô ấy, tôi đã tìm cách liên hệ… Mọi thứ cô ấy viết đều đúng, và tôi biết mình muốn có người phụ nữ này trong đời”.
Sau 3 tháng trao đổi thư từ, cả hai đã gặp nhau ở Los Angeles vào tháng 11/2018. Thời điểm ấy, hai người trò chuyện qua điện thoại hoặc video mỗi ngày. Sau vài lần gặp nhau, Bauer biết Bricker chính là một nửa cuộc đời mình. 
“Tôi đã không trò chuyện với cô ấy trong khoảng 2 tháng sau, nhưng tôi biết mình sẽ cưới cô ấy”.
Tháng 3/2019, Bauer cầu hôn Bricker. Cả hai nhanh chóng chuẩn bị cho một lễ cưới cổ tích ở trong khu rừng gần ngôi nhà thời thơ ấu của Bricker.
Đám cưới ấm cúng của họ có chiếc cổng tò vò bằng gỗ, chiếc bánh cưới màu trắng - vàng do mẹ cô dâu tự làm, đồ ăn do một người họ hàng lo liệu và chiếc váy cưới bồng bềnh do một nhà thiết kế gốc Romani may.
Sau đám cưới, họ cùng nhau sống ở Los Angeles và dự định sẽ sinh con.
Hiện tại, Bricker cùng chồng đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới. Cô là tấm gương nghị lực và vui sống không chỉ cho những người khuyết tật mà cho cả những người bình thường.
Đăng Dương(Theo People, ESPN)
 (Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/tinh-yeu-cua-co-gai-khong-chan-voi-chang-trai-cach-nua-vong-trai-dat-742951.html)

2. Những con số biết nói
Stt Quốc gia Được chữa khỏi Tử vong Tổng số
1 Palestine 340.560 3.856 377.134
2 Slovenia 263.493 4.479 279.217
3 Mông Cổ 241.221 1.066 263.446
4 Việt Nam 412.650 16.186 645.587
Thế giới 203.830.208 4.671.578 227.158.336
Cập nhật lúc 6g10, ngày 16.9.2021

3.Khuôn vàng thước ngọc (Lc 7,36-50, thứ Năm, tuần XXIV Thường niên – thánh Cornêliô, giáo hoàng, tử đạo và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo)
Trích đoạn Sách Thánh này là những câu cuối cùng trong chương 7 của Tin Mừng theo thánh Luca. Tác giả ghi lại cảnh Đức Giêsu được xức dầu thơm ở nhà ông Simon. Trong sự kiện này, thánh Luca làm nổi bật thái độ sám hối của người phụ nữ và tấm lòng bao dung của Đức Giêsu. Đây là sự kiện mà chỉ có một mình thánh Luca chép lại. Cũng trong phần này, chỉ riêng tác giả Luca cho thấy nhóm Pharisêu có đủ thiện cảm với Đức Giêsu, để mời Ngài tới nhà dùng bữa. Điều đáng chú ý ở đoạn trích này là thân phận tội lỗi của người phụ nữ, chứ không phải là những cách chị biểu lộ lòng quý mến Đức Giêsu.
Hình ảnh người phụ nữ khóc bên chân Đức Giêsu để cuối cùng được Ngài tuyên bố tha tội mà Tin Mừng hôm nay nói đến, hẳn là làm cho mỗi người liên tưởng đến việc xưng thứ lỗi lầm của mình. Tuy nhiên, giữa việc sám hối tội lỗi của người đàn bà ấy với việc xưng tội của chúng ta vẫn có những điểm khác nhau, thậm chí là có những điểm khác biệt căn bản.
Thật thế, người đàn bà đã không thú tội bằng lời như chúng ta vẫn làm, mà bằng những giọt nước mắt ăn năn. Những giọt nước mắt của bà đã nói thay tất cả. Chính điều đó tạo nên sự khác biệt; bởi vì, những giọt nước mắt của người phụ nữ đã cho thấy, bà sám hối vì lòng yêu mến chứ không phải vì sợ hình phạt. Mặt khác, việc bà ta làm cũng không như chúng ta, xưng tội cốt chỉ để mong được tha tội thay vì là cơ hội để chúng ta cảm nhận được lòng xót thương của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã xác nhận điều đó khi Ngài nói: Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”.
Như vậy, những điều khác biệt trên đây thật đáng để cho chúng ta suy nghĩ và điều chỉnh lại cách xưng thú lỗi lầm của mình. Thiếu đi lòng yêu mến, việc xưng tội khó có thể giúp chúng ta có được sự hoán cải thực sự; bởi vì, hoán cải là một hành vi tự nguyện được thúc đẩy bởi lòng yêu mến. Nhưng làm sao tự nguyện được nếu như không cảm nhận được rằng, Thiên Chúa như một người cha lúc nào cũng yêu thương và không bao giờ phiền trách chúng ta. Trái lại, Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về để tha thứ và để đưa vào sống trong tình yêu thương hải hà của Ngài. Muốn đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa mà không cảm nhận được tình thương của Ngài là điều không thể hiểu được. Chính Đức Giêsu cũng đã cho thấy đó là điều tất yếu phải có, bởi vì: “Ai được tha ít thì yêu mến ít”. Hơn nữa, thánh Phêrô còn quả quyết cho chúng ta: Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi (1Pr 4,8).
Lòng yêu mến vì được tha thứ sẽ luôn là động cơ cho đời sống đức tin. Đức tin làm cho người ta biết trông cậy ơn tha thứ, nhưng tình yêu phát xuất từ ơn tha thứ sẽ làm cho đức tin được triển nở. Đó là một cảm nghiệm thật sâu sắc của những người đầy yếu đuối tội lỗi nhưng biết quay về với tình thương của Thiên Chúa. Chớ gì khi suy niệm về bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta cũng hãy bắt chước cử chỉ tràn đầy yêu thương như người phụ nữ để nhận lãnh được ơn tha thứ tội lỗi. Điều căn bản là chúng ta phải biết chân nhận tội lỗi của mình, đồng thời thực tâm trở về với nẻo chính đường ngay. Những giọt nước mắt muộn màng bao giờ cũng đáng giá hơn nhiều lần sự chây lỳ trong tội. Thiên Chúa sẽ chẳng thể tha thứ nếu chúng ta cứ nhất mực chối từ lòng thương xót của Ngài.
Lạy Chúa, người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đã nhận ra sự cần thiết của việc sám hối, nên đã bất chấp những lời dị nghị cũng như sự khinh bỉ nơi những người chung quanh để thể hiện một cách chân thành và trọn vẹn ước muốn được thứ tha của mình. Xin cho chúng con cũng biết thực lòng ăn năn sám hối như người phụ nữ ấy bằng những giọt nước mắt chân thành. Xin cho đời sống đức tin của chúng con cũng luôn là lời đáp trả lại chính tình yêu mà Chúa đã ưu ái tặng ban. Xin soi dẫn để chúng con luôn biết nhận ra thân phận yếu hèn của mình, để nhờ đó mà không bao giờ kết án tha nhân.

4. 
Lời bàn
- Câu chuyện Tin Mừng hôm nay được thuật lại một cách sống động, đến nỗi nhiều người nghĩ rằng thánh Luca là một nghệ sĩ thực thụ. Mọi việc diễn ra trong sân nhà ông Simon, là một người thuộc nhóm Pharisêu. Nhà cửa của giới giàu có thường được xây dựng quanh một khu sân rộng và trông giống như một công viên trống trải được thu nhỏ. Thường thì trong sân có vườn cây và giếng nước; vào mùa nóng nực, người ta bày bàn ăn ở đó. Ở Palestine, mỗi khi có một Rabbi đến nhà nào dự tiệc, thì mọi người được tự do đến nghe những lời khôn ngoan của Rabbi đó. Thói quen như vậy đã giải thích cho sự có mặt của người đàn bà trong nhà Simon hôm ấy. Khi có khách đến nhà, người ta thường làm ba việc sau đây: Trước tiên, chủ nhà sẽ đặt tay lên vai khách và tặng vị khách một cái ôm hôn bình an. Đó là dấu hiệu của lòng kính trọng, nhất là trong trường hợp mời được một vị Rabbi danh tiếng. Thứ hai, đường xá đầy cát bụi và giày thực chất chỉ là những đôi dép đơn giản nên người ta sẽ đổ nước lạnh lên bàn chân khách để rửa sạch bụi và làm mát chân vị khách của mình. Thứ ba, người ta cũng đốt hương liệu cho thơm, hoặc đổ một vài giọt dầu hoa hồng lên đầu của vị khách quý. Phép lịch sự đòi hỏi những việc đó, nhưng trong trường hợp này chủ nhà lại bỏ qua hết mà không làm bất cứ điều gì khi tiếp đãi Đức Giêsu. Khi ăn, thực khách không ngồi, nhưng nằm nghiêng quanh bàn việc.
- Gia chủ được nhắc đến trong câu chuyện này là một Pharisêu, tức là một người thuộc nhóm Biệt phái. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao một người như vậy lại mời Đức Giêsu đến nhà của mình? Có thể ẩn đằng sau nó nhiều lý do. Trước hết, có thể ông ta là một người có lòng mến phục, vì không phải mọi người Biệt phái đều thù nghịch với Đức Giêsu. Nhưng bầu không khí thiếu lịch sự đã khiến chúng ta có quyền nghi ngờ lí do này. Mặt khác, cũng có thể Simon là một người thích nổi tiếng, với thái độ nửa trọng nửa khinh, ông đã mời chàng thanh niên kỳ lạ người xứ Galilê đến ăn uống tại nhà mình. Vì thế, ta có hiểu tại sao lại có sự pha trộn vừa có vẻ tôn kính lại vừa bỏ qua thứ lịch sự tối giản cần phải giữ. Cách nào đó chúng ta có thể phỏng đoán rằng, Simon chưa hẳn là một người đã thực sự muốn kết thân đối với Đức Giêsu.
- Người đàn bà được nhắc đến ở đây, có lẽ là một người nổi tiếng vì ăn ở trắc nết. Chúng ta không rõ bà ấy bị mang tiếng về điều gì. Nhưng chắc rằng, đã có lần bà đứng bên lề đám đông để nghe Đức Giêsu giảng dạy và rồi bà nhìn thấy nơi Ngài, một bàn tay có thể nâng bà lên khỏi vũng lầy nhơ nhớp của đời mình. Theo tập tục của phụ nữ Do Thái, một chai nhỏ đựng dầu thơm nguyên chất, quen gọi là bình ngọc, rất đắt tiền thường được đeo trên cổ. Nàng chỉ ước ao được đổ bình dầu thơm đó lên chân của Đức Giêsu, vì đó là tất cả những gì nàng có thể dâng cho Ngài. Nhưng khi nhìn thấy Đức Giêsu thì nước mắt nàng trào ra và nhỏ xuống chân Ngài. Một người phụ nữ Do Thái khi đi ra ngoài với mớ tóc buông xõa là đã phạm lỗi lầm lớn về tiết hạnh. Trong ngày cưới, cô gái Do Thái phải buộc tóc lên và từ đó không bao giờ nàng xõa tóc dài của mình trước mặt công chúng, ngoại trừ trước mặt chồng của nàng mà thôi. Còn ở đây, người phụ nữ này đã quên hẳn mọi người chung quanh và chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu nên bà đã xõa tóc mình mà lau chân Chúa. Với người Pharisêu, đó được coi là một hành vi khả ố; nhưng với Đức Giêsu, đó lại là một nghĩa cử ân tình; bởi vì người đàn bà này đã dùng chính tình yêu để đáp lại tình yêu. Chúng ta rất có thể đứng ở thế của người phán xử để lên án điều xem ra thiếu nhã nhặn ấy; nhưng hãy coi chừng, chính bản thân chúng ta đôi lúc làm những điều bạo ngược mà chẳng hề hay biết.
- Cả câu chuyện này bày tỏ một sự trái ngược giữa hai thái độ của lòng và trí; giữa một bên tự cho mình đạo đức thánh thiện và bên còn lại thì tội lỗi ngập đầu; giữa một bên là đạo mạo uy nghiêm, còn phía bên kia thì phải hứng chịu sự khinh bỉ đến tột cùng. Thật vậy, trước tiên, ông Simon không biết sự thiếu thốn của mình, nên chẳng hiểu được thế nào là biết tình yêu và cũng vì vậy, ông đã không nhận được ơn tha thứ. Trong khi đó, người đàn bà thì ngược lại, bà nhận biết mình thiếu thốn vô cùng, bởi thế bà tràn ngập tình yêu đối với Đấng có thể khỏa lấp nhu cầu cho mình; và chính vì điều đó, bà nhận được ơn thứ tha. Thái độ tự kiêu tự mãn ngăn cách loài người với Thiên Chúa, và điều lạ là, hễ ai càng tốt lành thì càng nhận biết tội lỗi của mình cách sâu xa. Thánh Phanxicô Assisi từng nói: “Không đâu có một tội nhân khốn nạn hơn tôi”. Thật rất đúng khi nói rằng, tội nặng nhất là không nhận biết tội của mình; còn nếu ai biết mình thiếu thốn thì sẽ được mở cửa để vào đón nhận ơn tha thứ của Chúa.
- “Lần đầu tiên gặp cô ấy, cảm giác giống như mình vừa va phải một chiếc xe tải”. Tôi chưa từng nghe ai đó kể về cảm giác lần đầu tiên họ gặp gỡ người yêu mà lại sống động và chân thật đến vậy. Từ cuộc gặp gỡ này, cặp đôi Jen Bricker và Bauer đã dần trở nên thân thiết hơn. Chẳng bao lâu sau đó, họ thuộc về nhau và cùng nhau viết tiếp câu chuyện cổ tích đời mình. Chúng ta có thể nói rằng, cuộc đời của cô Jen Bricker thực sự là một câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại. Thật vậy, những khiếm khuyết trên cơ thể đã khiến những người thân yêu nhất coi cô như của nợ, đồng thời chối bỏ trách nhiệm đối với cô cho quãng đời còn lại. Thế nhưng, vẫn còn đó những tâm hồn cao thượng và đầy nhân ái, cha mẹ nuôi không những cho cô tình thương mà còn chấp cánh để cô thực hiện được ước mơ, đồng thời truyền cảm hứng tích cực cho những người khác. Cô là tấm gương nghị lực và vui sống không chỉ cho những người khuyết tật mà cho cả những người bình thường.
- Ai đó nói với chúng ta rằng, với thế giới, bạn có thể chỉ là một người, nhưng với một người, bạn có thể là cả thế giới. Ý tưởng này có lẽ hoàn toàn đúng với Bauer. Chính tình yêu đã giúp anh vượt qua những trở ngại, những dị nghị và thậm chí đôi khi còn có cả những dè bỉu, để tự nguyện trở thành đôi chân cho người mình yêu. Chúng ta tin, đó không phải là một sự thương hại; đồng thời cũng tin rằng, đó chính là thứ tình yêu có thể tạo nên một sức mạnh để bảo vệ, nâng niu và tôn trọng người vợ của mình suốt quãng đời còn lại.
- Ngang qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay, cách nào đó chúng ta cũng nhận thấy những điều đáng quý như thế. Trong khi những người khác tỏ ra khinh thường và xa tránh người đàn bà tội lỗi, thì Đức Giêsu lại dùng chính những việc bà đã làm để dạy cho mọi người một bài học về sự yêu mến. Với quan niệm của người Pharisêu, việc tiếp xúc với người đà bà tội lỗi này thì cũng giống như đụng chạm phải xác chết, bởi vì họ sẽ bị nhiễm uế. Đức Giêsu thì không nghĩ như vậy. Ngài nhìn thấy tận cõi lòng người đàn bà và chỉ cho người ta biết rằng, tội của chị nhiều thật nhưng tình thương của Thiên Chúa còn lớn hơn nhiều và Ngài đã tha thứ cho chị. Đáp lại tình thương của Chúa, người phụ nữ tội lỗi đã khiêm tốn thực hiện những cử chỉ mà dám chắc rằng, chẳng ai trong số những người hiện diện ở đó có thể làm được. Đơn giản là vì, không một người nào trong số họ có được thứ tình yêu dành cho Chúa cách nồng nàn giống như chị ta.
- Nhìn lại đời sống của mình, nhiều khi chúng ta cũng giống như những người Pharisêu khi xưa vậy. Chúng ta thường thích chê bai người này, xét đoán người nọ là kém đạo đức, không cùng đẳng cấp hoặc chẳng đáng để kết thân. Nói khác đi, chúng ta dễ dàng cho phép mình đánh giá người khác ngang qua những biểu hiện bên ngoài. Thế nhưng, liệu rằng mấy ai trong chúng ta đủ bình tâm để kiểm đếm xem lòng yêu mến của chúng ta dành cho Chúa được bao nhiêu. Chúng ta vốn dĩ mang nơi mình nhiều yếu đuối và tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta, hết lần này đến lần khác. Vậy nên, bao lâu chúng ta chưa nhận biết điều đó thì bấy lâu, chúng ta chưa thể đáp lại tình thương của Chúa cho thành tâm được. Bao lâu chúng ta còn để cho thói cao ngạo điều khiển tâm trí thì bấy lâu, chúng ta vẫn chưa thể có đủ khiêm tốn để nhận ra những khiếm khuyết của mình. Và, bao lâu chúng ta chưa nhận ra sự non kém trong đời sống đức tin của mình thì bấy lâu, chúng ta cũng chẳng thể khởi sự một hành trình hoán cải thực tâm được.
 
Viết Cường, O.P. 
114.864864865135.135135135250