05/07/2020 -

Chuyên đề

859

Trong cuộc sống hàng ngày, ít nhiều mỗi người chúng ta đều trải qua và có kinh nghiệm về việc sợ hãi. Sợ là một trong những biểu hiện cảm xúc của con người. Có thể nói sợ là một yếu tố gắn liền với bản chất của con người. Do vậy, người nào cho mình không sợ gì cả là người nói dối, chỉ có những vật vô tri mới không biết sợ. Sợ là một thực tại có thực trong sinh hoạt của đời người mà ai cũng phải đối điện. Điều quan trọng là chúng ta phải đối diện với nỗi sợ như thế nào, nhất là các bạn trẻ ngày hôm nay cần phải sống với thái độ nào để đừng sợ những gì không nên sợ và biết sợ những điều đáng phải sợ.
Sợ vừa có tính tiêu cực vừa mang tính tích cực
Trước hết, chúng ta thấy cuộc đời của con người chất chứa biết bao nhiêu nỗi sợ thiếu căn cứ và phi lý, nhưng làm ảnh hưởng đến lối sống của con người. Chẳng hạn như, vì sợ ma nên người ta không dám đi ra ngoài vào ban đêm. Sợ xui xẻo, nên khi làm bất cứ việc gì, người ta đều phải xem ngày lành tháng tốt. Thêm vào đó, có nhiều trường hợp chỉ vì sợ dư luận, sợ người khác biết khả năng của mình nên không dám dấn thân hay bắt tay làm việc gì. Tệ hơn nữa, vì sợ dự luận đánh giá khen chê nên luôn tìm cách che đậy những khuyết điểm của mình, và tìm mọi cách luồn lách để được người khác công nhận mình là giỏi giang. Thêm vào đó, nhiều người vì sợ thất bại nên không dám đầu tư vào một công việc gì, không có những sáng tạo mới, nhưng luôn đi theo những lối mòn người khác đã dọn sẵn. Tựu trung, sợ hãi làm cản bước tiến của một cá nhân hay tập thể trên con đường thành công, nó làm cho người ta không còn đủ minh mẫn và tự tin để có thể thực hiện công việc của mình một cách hữu hiệu nhất. Sợ làm cho người ta khúm núm và không còn tự tin về bản thân. Sợ làm cho người ta không chân thật với chính mình và với tha nhân.
Mặc dù vậy, cũng có những nỗi sợ đem lại sự tích cực. Sợ làm cho ta biết giới hạn của bản thân. Sợ cũng giúp ta có thể dự tính cho tương lai. Vì sợ thất nghiệp người sinh viên phải lo nỗ lực chăm chỉ học tập để khi ra trường có cơ hội kiếm được việc làm. Sợ cũng giúp người ta thay đổi suy nghĩ và hành động nhất là khi người ta đụng chạm đến nỗi sợ của cái chết và bệnh tật, họ có thể dễ dàng thay đổi não trạng và thay đổi đời mình sang một chiều hướng khác tích cực hơn. Kinh nghiệm cho thấy một người nghiện thuốc lá dù có khuyên răn đủ điều anh ta cũng không thể bỏ được tật hút thuốc, nhưng khi đụng chạm đến tính mạng của mình, khi phát hiện mình bị lao phổi do hút thuốc, anh ta có thể tự động bỏ thuốc tức khắc mà không cần ai nhắc nhở.
Như vậy, sợ tự nó chẳng xấu. Điều đáng để chúng ta lưu tâm là cái gì chúng ta nên sợ và cái gì chúng ta không nên đáng phải sợ? 
Những điều nên sợ?
Trước tiên, cần phải biết sợ với chính sự lãng phí thời gian của bản thân. Một thực tế các bạn trẻ có thể nhìn thấy được đó là nhiều người trẻ cậy dựa mình còn sức trẻ cho nên không dồn hết tâm lực cho việc học cũng như các công việc khác. Chính vì thế thời gian trôi qua và họ tiêu tốn thời gian một cách vô ích, họ để lãng phí tuổi thanh xuân mà không tích lũy cho mình được những trang bị cần thiết để bước vào đời.
Điều thứ hai phải sợ, đó chính là thái độ dửng dưng vô cảm đối với tha nhân. Ngoài ra, chúng ta nên biết sợ đối với thái độ sống mà không có ước mơ hoài bão. Nhiều người trẻ sống không có một chút nỗ lực cho tương lai, họ sống một cuộc sống theo kiểu nước nổi bèo nổi. Khi gặp khó khăn họ thường chùn chân và dễ bỏ cuộc. Họ không có một khát vọng để vươn lên. Là người trẻ sống là cần phải có ước mơ, có mơ ước chúng ta mới có cơ may thăng tiến cuộc đời của mình.
Sau cùng, một điều đáng sợ đó là thái độ dửng dưng với đời sống đức tin. Các bạn trẻ nên biết rằng ngày hôm nay nhiều nơi trên thế giới nhiều người trẻ đã xa rời đức tin, họ không còn đến nhà thờ nữa. Họ đánh mất trí nhớ về đức tin, nghĩa là vì họ không thực hành đời sống đức tin nữa cho nên những điều liên quan đến giáo lý đức tin trở nên xa lạ đối với họ. Vì thế, các bạn cần biết sợ thái độ lạnh nhạt đó, để luôn biết cũng cố và hun đúc đời sống đức tin của mình bằng cách siêng năng đọc kinh lần hạt, tham dự thánh lễ ngày chúa nhật và tận dụng thời gian bao nhiêu có thể để học hỏi giáo lý nhằm có được một nền tảng nhất định về đạo lý đức tin.
Đừng sợ!
Đừng sợ! đây là câu nói được lặp lại nhiều lần trên môi miệng của thánh Giáo hoàng Gio-an Phaolô II. Trong suốt triều đại Giáo hoàng của mình, thánh Giáo hoàng Gio-an Phaolô II đã không ngừng kêu gọi toàn thể Hội Thánh và mọi người trên thế giới “Đừng sợMới đây ngày 18 tháng 05 năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật Đức Gio-an Phaolô II, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã gửi một lá thư mục vụ, trong đó các Giám mục nêu lên câu hỏi: đâu là sứ điệp thánh Gio-an Phaolô II muốn gửi đến những người trong thời điểm rất khó khăn đối với tất cả chúng ta, những người đang chiến đấu chống đại dịch coronavirus? Các Giám mục trả lời bằng câu nói của Đức Gio-an Phaolô II: “Anh chị em đừng sợ! Hãy mở toang các cánh cửa cho Chúa Kitô! Hãy mở biên cương các nước, các chế độ kinh tế, cũng như chính trị, các lãnh vực văn hóa, văn minh, phát triển! Anh chị em đừng sợ! Chúa Kitô biết trong con người có điều gì, chỉ có Chúa biết điều đó! Chúa Kitô biết điều gì mỗi người chúng ta mang trong mình ngày hôm nay, Chúa biết trọn vẹn những niềm vui, lo âu, hy vọng, sợ hãi và mong ước của chúng ta. Chỉ có Chúa biết câu trả lời cho những câu hỏi chúng ta đang đặt ra bây giờ”.
Thật vậy, cuộc sống của mỗi người chúng ta luôn có những bấp bênh. Tuy nhiên, là những người Kitô hữu chúng ta tin rằng Thiên Chúa vẫn hằng luôn ở bên và đồng hành với ta. Có một điều thú vị là trong Kinh Thánh có tới 365 câu “Đừng Sợ!” đó như là lời khích lệ để chúng ta sống trọn vẹn 365 ngày trong một năm. Sau nữa lời Kinh Thánh vẫn nhắc nhở chúng ta rằng đừng qúa lo sợ cho những điều chưa xảy đến: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo, ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).
 Lam Thành
114.864864865135.135135135250