30/07/2020 -

Chuyên đề

1340
“Chủ nghĩa xã hội”, “quá độ lên chủ nghĩa xã hội”… là những cụm từ chúng ta nghe mỗi ngày từ “miệng quan” thông qua truyền thông, báo, đài. Vậy, những cụm từ đó là gì mà lại có chất “gây nghiện” đến thế?
 
Trong một bài báo trên trang BBC tiếng Việt “Đại hội 13: Đã đến lúc Việt Nam dám buông mô hình Trung Quốc?” đăng tải vào ngày 18-5 vừa qua; sau khi phân tích những mô hình chính trị, kinh tế của Liên Xô trước đây và của Trung Quốc hiện nay, tác giả bài viết cho rằng “nhiệm vụ chủ yếu trong cải cách chuyển đổi ở Việt Nam là tạo khác biệt về bản chất với hai mô hình trên, thoát khỏi sự níu kéo bởi ý thức hệ giáo điều và chế độ chuyên quyền, xây dựng thể chế dân chủ cho phù hợp và thúc đẩy kinh tế thị trường” [1].
Bản chất Đảng cộng sản Việt Nam
Tuy nhiên tác giả không cho biết “tạo sự khác biệt về bản chất” là gì bởi bản chất của chế độ Việt Nam hiện nay thực ra vẫn không khác với Trung Quốc và Liên Xô (cũ), nghĩa là chế độ chuyên chế, độc đảng. Vì thế mà sự mong chờ của tác giả vào sự thay đổi của Đại hội 13 của Đảng sắp tới như một hy vọng “để tạo sự khác biệt về bản chất” cho Việt Nam thì thật khiên cưỡng.
Vào ngày 10-6 vừa qua, Ban tuyên giáo trung ương tổ chức hội nghị báo cáo viên trung ương. Báo chí tường thuật phát biểu của Phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương Phùng Hữu Phú về Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng sắp tới. Ông Phú cho rằng cần phải làm rõ con đường tiến lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH) [2]. Nói cách nôm na nghĩa là con đường mà Đảng Cộng sản đang dẫn dắt dân tộc này đi chưa rõ ràng; mà chưa rõ ràng thì biết sẽ đi về đâu?

Thật ra, việc thừa nhận sự lúng túng ngay trong công tác lý luận của Đảng đã có từ lâu. Trong bài phát biểu về Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 2013, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố: “... xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”(?). Điều đó có nghĩa là “mặt mũi” của CNXH khi hoàn thiện ra sao thì chưa ai hình dung ra được. Chưa có nước nào đã thành công, chưa có mô hình nào được coi là đúng đắn nhưng ta vẫn cứ xây, xây dài dài tới đâu thì chưa ai biết. Tuy nhiên xây cho bằng được thì thôi [3].
Chính vì thế, ông Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, mới viết: Điểm mới trong chủ đề đại hội mà văn kiện Đại hội XIII đưa ra là “phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Và ông cũng không quên nhắc lại lời ông Nguyễn Phú Trọng trước đây là “chúng ta chưa nghiên cứu tường minh vấn đề này, có khi trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội”,  đồng thời ông Phú cũng thừa nhận “thời kỳ quá độ (lên chủ nghĩa xã hội) là bao lâu, có mấy chặng đường thì chưa rõ”[4].
90 năm lúng túng và gieo rắc ảo tưởng
Nhìn lại, từ ngày “đặt viên đá đầu tiên” năm 1930 đến nay đã 90 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn cứ loay hoay xây mãi. Hết nhìn mô hình Liên Xô (cũ) rồi lại mô hình Trung Quốc, đổi mới, sáng tạo liên tục nhưng chẳng tới đâu. Vậy căn cứ nào để có thể kiên định về một xã hội Xã hội chủ nghĩa (XHCN) giàu mạnh, tiến bộ, văn minh, đỉnh cao của trí tuệ nhân loại?
Theo các lý thuyết gia Cộng sản thì CNXH là giai đoạn đầu tiên của Chủ nghĩa Cộng sản (CNCS), hay nói cách khác dễ hiểu hơn là giai đoạn “chuyển tiếp” từ Chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên CNCS. Xã hội XHCN là một xã hội tiến bộ vượt bậc so với xã hội Tư bản chủ nghĩa (TBCN) về mọi mặt: Kinh tế, chính trị, dân chủ… Trong đó không có chuyện người bóc lột người, nhưng ai cũng coi nhau như anh em đồng chí và giúp đỡ lẫn nhau; làm theo năng lực, hưởng theo lao động; mọi người đều bình đẳng, tinh thần dân chủ rộng rãi; được đảm bảo quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp... Nói chung đó là một xã hội ưu việt, tốt đẹp không phải bàn cãi. Lenin từng nói: “CNTB chỉ có thể bị đánh bại hẳn, và sẽ bị đánh bại hẳn vì CNXH tạo ra nền dân chủ mới gấp triệu lần dân chủ tư sản và năng suất lao động mới cao hơn nhiều”. Việt Nam dường như rất tự tin khi bỏ qua giai đoạn tư bản để “nhảy cóc”, tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH; chỉ khổ nỗi nhảy như thế nào thì vẫn còn lúng túng.

Theo dòng lịch sử, không thể phủ nhận trong một giai đoạn rất ngắn ngủi, mô hình CNXH ở Liên Xô trước đây đã phần nào để lại dấu ấn và làm “lóa mắt” biết bao người. Tuy nhiên, thực tế diễn ra cho thấy, xã hội mà người ta đã ca tụng và quảng cáo hết cỡ kia chỉ dường như vẫn chỉ là một món bánh vẽ không hơn không kém. Đó là nơi những kẻ quyền lực khoác áo “vô sản” giả tạo ngày càng lộ rõ.
Hoang tưởng dẫu thành trì đã đổ
Tại Việt Nam, vào năm 2012, trình bày trước Quốc hội, cố chủ tịch nước Trần Đại Quang, khi đó đang là Bộ trưởng Công an cho biết, trong năm 2012 “tội phạm về kinh tế, tham nhũng phức tạp nổi lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, tác động xấu đến an ninh tài chính, tiền tệ”. Còn ông Nguyễn Bá Thanh, cố Trưởng ban Nội chính Trung ương, khi đó còn đang đương chức thì cho rằng đã đến lúc phải “hốt liền, không nói nhiều” những “bầy sâu làm nghèo đất nước” [5].
Hơn 30 năm trở về trước, người ta vẫn tin là CNXH đã thắng lợi, xã hội XHCH đã được xây dựng tại Liên Xô và đang từng bước xây dựng ở một số nước khác… Thế rồi khi Liên Xô, được coi là thành trì của CNXH,  sụp đổ một cách hoàn toàn và chóng vánh, thì họ lại lý luận rằng “mô hình CNXH mà Liên Xô xây dựng sụp đổ chứ lý thuyết về CNXH không sụp đổ”, và rằng “CNXH chắc chắn sẽ thành công”, và dĩ nhiên, Việt Nam đang đi trên con đường dẫn tới sự thành công đó. Lý luận như thế liệu chăng có thể gọi là hoang tưởng?
Trước đây, giai đoạn ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư ĐCSVN, còn mù mờ cho rằng “CNXH sẽ dần dần sáng tỏ”. Nhiều người tự hỏi cái “dần dần” của ông không biết đến bao giờ. Đến khi nghe ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố thì người ta mới thấy rằng lý tưởng về CHXH mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang nỗ lực xây dựng sao mà mơ hồ đến thế. Và quả thật, cho đến hôm nay, họ cũng chẳng trả lời được CNXH là gì một cách cụ thể. Họ còn mơ đến bao giờ?

90 năm bước vào con đường “xây dựng CNXH mà bỏ qua giai đoạn TBCN”, “chạy nước rút” về XHCN, không cần đi qua giai đoạn TBCN nữa; và Việt Nam hôm nay là một đất nước nghèo nàn và lạc hậu so với thế giới. Một đất nước thường xuyên bị đánh giá là không dân chủ thực sự; luôn bị xếp vào danh sách những nước thiếu tự do nhất. Vậy mà bao nhiêu lãnh đạo vẫn không cảm thấy sượng sùng, đơn cử như bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, vẫn cho rằng “Việt Nam còn dân chủ hơn gấp vạn lần các nước tư sản...” [6] Vậy rốt cuộc người ta còn mơ đến bao giờ?
Lê Sỹ
 
 [1] Bài viết cuả TS. Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ kế hoạch và Đầu tư VN, mô tả hai mô hình Xã hội chủ nghĩa. Thứ nhất, mô hình của chính quyền Xô Viết do Lenin đặt ra đó là: Chủ nghĩa cộng sản bằng (=) Chính quyền Xô Viết cộng với (+) Điện khí hoá toàn quốc. Thứ hai, mô hình của Trung Quốc là: Chế độ đảng cộng sản toàn trị cộng với (+) thị trường bằng (=) Nhà nước Tư bản thân hữu. Để hiểu rõ hơn phân tích này có thể đọc bài viết Đại hội 13: Đã đến lúc Việt Nam dám buông mô hình Trung Quốc?” https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52706990
[2] Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bao lâu, có mấy chặng đường cần tiếp tục làm rõ. (thanhnien.vn/thoi-su/qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bao-lau-co-may-chang-duong-can-tiep-tuc-lam-ro-1235976.html).
[3] “Dự thảo chưa vang vọng như lời hiệu triệu” (tuoitre.vn/du-thao-chua-vang-vong-nhu-loi-hieu-trieu-576098.htm).
[4] Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bao lâu, có mấy chặng đường cần tiếp tục làm rõ. (thanhnien.vn/thoi-su/qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bao-lau-co-may-chang-duong-can-tiep-tuc-lam-ro-1235976.html).
[5] Hốt hết bầy sâu làm nghèo đất nước. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/hot-het-bay-sau-lam-ngheo-dat-nuoc-105253.html; Có một quy trình “làm nghèo đất nước”. https://nongnghiep.vn/co-mot-quy-trinh-lam-ngheo-dat-nuoc-d128375.html
[6] Bài đã bị gỡ trên trên báo Nhân dân điện tử vào ngày 5/11/2011.
 
114.864864865135.135135135250