20/06/2020 -

Chia sẻ tin mừng

528
Tin Mừng: Mt 11, 25-30
5Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
27“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.
28“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.
Chia sẻ
THÁNH TÂM – NGUỒN MẠCH YÊU THƯƠNG
Tình yêu được phát xuất từ trái tim. Trái tim là biểu trưng cho tình yêu. Không biết quy ước trên có nguồn gốc từ bao giờ? Vì sao người ta lại lấy trái tim làm biểu hiện tình yêu? Có lẽ trái tim là trung tâm của cơ thể con người. Trái tim có nhiệm vụ cung cấp máu cho toàn bộ cơ thể. Nếu trái tim không làm công việc bơm máu, cơ thể sẽ khó thở. Trái tim ngừng đập, con người coi như đã chết. Vì vậy, trái tim có một tầm quan trọng đối với cơ thể con người. Từ đó, người ta thường dùng hình ảnh hay từ ngữ trái tim để diễn tả tình yêu. Có lẽ cũng vì lý do đó mà khi tỏ mình ra cho thánh Margarita Maria Alacoque, Chúa Giêsu đã cho thánh nữ được xem thấy trái tim của Người. Và để diễn tả tình yêu, Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ rằng: “Đây là trái tim đã thương yêu loài người vô cùng. Không tiếc gì với họ”. Thật vậy, trái tim Chúa Giêsu đã thương yêu nhân loại vô cùng. Đó là trái tim nhân hậu, khiêm nhường, cảm thông, tha thứ và hy sinh tất cả không tiếc gì với chúng ta.
Trái tim nhân hậu. Chúa Giêsu quan tâm hết mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Người quan tâm đám đông, chạnh lòng thương vì họ bơ vơ không có gì ăn nên đã hoá bánh ra nhiều nuôi họ (Mc 8,1-10). Người chạnh lòng trước đám tang người con trai duy nhất của bà goá thành Naim nên đã làm cho chàng sống lại (Lc 7,11-17). Người đã thổn thức trong lòng và xao xuyến khi thấy Maria khóc thương Lazarô nên đã cho Lazarô sống lại (Ga 11,1-45). Người chữa lành nhiều bệnh tật, xua trừ ma quỷ: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế” (Cv 10,38).
Trái tim khiêm nhường. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Khi các tông đồ tranh luận xem ai là người lớn nhất. Chúa Giêsu biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và dạy cho các ông bài học khiêm nhường: Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất."(Lc 9,47-48). Nơi khác, trong một bữa tiệc, Chúa Giêsu thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, Người đã lên tiếng dạy họ rằng: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Sự khiêm nhường được thể hiện rõ ràng nhất khi Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly (Ga 13,1-20).
Trái tim biết cảm thông và tha thứ. Người cảm thông sâu sắc với những người tội lỗi. Người đã đến, cùng ăn cùng uống với họ để có thể cảm hoá họ trở về nẻo chính đường ngay. Người sẵn lòng tha thứ mọi tội lỗi mà họ đã vấp phạm cách vô điều kiện và hướng họ đến một tương lai tươi sáng hơn.
 Trái tim hy sinh. Chúng ta thấy rõ điều này nơi dụ ngôn người đàn bà bị mất đồng bạc và dụ ngôn con chiên lạc. Hình ảnh người đàn bà thắp đèn, quét nhà để tìm đồng tiền bị đánh mất, hình ảnh người chăn chiên trèo đồi lội suối đi tìm con chiên lạc nói lên sự hy sinh của Thiên Chúa đi tìm tội nhân. Dù chỉ một đồng bạc bị mất, dù chỉ một con chiên đi lạc thì Thiên Chúa vẫn cố tìm cho bằng được, Người không muốn một ai bị hư mất. Đó là bằng chứng nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa được diễn tả cách cụ thể nơi trái tim Chúa Giêsu. Người đã đi đến tận cùng của tình yêu bằng việc hy sinh tính mạng của mình làm của lễ đền thay tội lỗi chúng ta: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu vẫn tiếp tục được lan toả mỗi ngày trong Giáo hội nơi các bí tích, đặc biệt là nơi bí tích Giải tội và Thánh Thể. Vì yêu thương Chúa đã ẩn mình trong hình bánh rượu làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta. Vì yêu thương Chúa đã lập nên bí tích Giao hoà để tha tội cho chúng ta. Mỗi lần tội nhân đến với bí tích Giải tội với lòng thống hối ăn năn tội thì sẽ được tha thứ. 
 Ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta biến quả tim mình thành quả tim yêu thương, nhân hậu, khiêm nhường, cảm thông, hy sinh và tha thứ. Nhờ đó, tình yêu từ Thánh Tâm Chúa không chỉ được tiếp tục nơi một số người mà lan toả ra nơi mọi người. Để thế giới này không còn chỗ của ghen ghét oán thù nữa mà tràn ngập tình yêu thương như lời của thánh Têrêxa Calcutta: Hãy phổ biến tình yêu khắp nơi bạn sinh sống, trước hết là trong gia đình : cha mẹ hãy yêu thương con cái, vợ chồng yêu thương nhau, mọi người yêu thương người thân cận, đừng để bất cứ ai đến với bạn mà lúc ra về lại không cảm thấy mình được trở thành tốt hơn, hạnh phúc hơn. Hãy biểu lộ hình ảnh sự tốt lành của Thiên Chúa trong ánh mắt, nụ cười, trong lời nói việc làm
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa.
Học viện Đa Minh
Gợi ý chia sẻ
Lời mời gọi sống hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu có là lẽ sống cho cuộc đời bạn không? Nó có phù hợp với xã hội hôm nay không? Bạn đã thực hành lời dạy trên ra sao?
Nêu lên những quyết tâm và cố gắng thiêng liêng của bản thân trong tháng kính Thánh Tâm năm nay.

114.864864865135.135135135250