06/05/2017 -

Chia sẻ tin mừng

1236

Để cứu độ thế gian, Đức Giêsu đã tập họp và dẫn dắt chúng ta đến với sự sống đời đời. Qua dòng thời gian, Ngài vẫn luôn hiện diện, bảo vệ và đồng hành với chúng ta. Với trình thuật của thánh Gioan hôm nay, Đức Giêsu dùng hình ảnh “đàn chiên” để nói về Hội thánh và “Cửa chuồng chiên” để nói về chính mình. Qua đó, chúng ta thấy rõ vai trò, sứ mạng của Người đối với dân riêng Người đã chọn.

“Cửa chuồng chiên” giúp bảo vệ những con chiên trước những kẻ tấn công, hay những thù nghịch bên ngoài. Bên trong cửa bảo vệ ấy, đàn chiên có thể yên tâm nghỉ ngơi, dưỡng sức để đến với những đồng cỏ tươi mát. Với dụ ngôn này của Đức Giêsu, chúng ta có thể tưởng tượng ra một ràn chiên lớn, trong đó các bầy chiên thuộc nhiều mục tử nhập lại qua đêm, dưới sự canh giữ của một người giữ ràn. Khi trời sáng mỗi mục tử gọi chiên của mình và dẫn chúng ra ngoài. “Cửa chuồng chiên” cũng có chức năng giúp người giữ ràn cũng như đàn chiên phân định “đối tượng” đang đến: “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, những kẻ trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (Ga 10,1-2). Chính nhờ sự phân định này mà hình ảnh “người mục tử” được hiện lên rất rõ ràng: anh đi qua cửa mà vào ràn chiên, “chiên nghe tiếng của anh, anh gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh”(Ga 10,3-4).

Qua hình ảnh “cửa chuồng chiên”, Đức Giêsu cũng muốn liên đới đến hình ảnh vị mục tử nhân lành chăn dắt đàn chiên. Chúng ta biết rằng công việc của người mục tử là lãnh đạo, chăn dắt những đoàn gia súc du mục từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác. Mục tử có nhiệm vụ quyết định hướng đi cũng như chăm lo, bảo vệ đoàn vật của mình. Ở đây, hình ảnh mục tử được Đức Giêsu khắc họangười hiểu đàn chiên, có tương quan thân thiết với đàn chiên, vì nếu không anh không thể “gọi tên từng con” cũng như chiên không thể “nghe tiếng” của anh được. Mục tử được gọi là nhân lành khi mang trong mình phẩm chất nhân từ và hiền lành. Với Chúa Giêsu, có lẽ người mục tử nhân lành không nên chỉ dừng lại ở những phẩm chất ấy, không nên chỉ lãnh đạo đoàn chiên mà đúng hơn phải là người phục vụ đoàn chiên.

Đức Giêsu khẳng định với người Do Thái : “Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướpai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,7-9). Như vậy, cánh cửa còn mở ra để đàn chiên đến được với những đồng cỏ xanh. Bằng những lời này, Đức Giêsu nói lên vai trò độc tôn của Người đối với ơn cứu độ. Người là “cửa chuồng chiên”, chỉ có qua cửa này đàn chiên mới đến được “đồng cỏ” xanh tươi. Chỉ có tin và vâng theo lời Người thì con người mới được ơn cứu độ là sự sống đời đời. Những kẻ đã đến trước Đức Giêsu, tức là những ngôn sứ giả, được Người gọi đích danh là những kẻ “trộm cướp”, không đáng tin. Những kẻ ấy chỉ đến để “ăn trộm”, “giết hại”, “phá hủy”...thật đáng thương cho con chiên nào lơ đãng, không biết nghe tiếng mục tử của mình để rồi tự trao mình cho kẻ dữ. Cũng thế, những kẻ nào xem thường những lời Đức Giêsu dạy, sống sai lạc với những giáo huấn của Người sẽ tự mình chuốc lấy đau khổ. Đức Giêsu đến để “cho chiên được sống và sống dồi dào”. Thật vậy, chỉ có nhờ Người, với Người và trong Người, Hội thánh là đàn chiên mới có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Nhìn lại lịch sử Giáo hội với biết bao thăng trầm theo những biến chuyển của thời đại, chúng ta càng xác quyết hơn điều đó. Giáo hội không thể lớn mạnh, không thể có được một sức sống dồi dào nếu không có Đức Giêsu là đầu và là điểm tựa và mỗi người chúng ta cũng sẽ như vậy nếu đời sống chúng ta vắng bóng Thiên Chúa.

Đức Giêsu là “Cửa chuồng chiên”, Người bảo vệ, che chở đàn chiên nhỏ bé, non nớt của mình. Người mở ra để đàn chiên có thể đến được những đồng cỏ xanh, những dòng suối mát...nhờ có Người đàn chiên mới được sống và sống dồi dào. Mỗi người chúng ta, theo hình ảnh của Đức Giêsu, cũng hãy là những cánh cửa để bảo vệ Hội thánh, bảo vệ chân lý và sự thật, bảo vệ những giá trị luân lý Kitô giáo. Đây vốn là những chuẩn mực nền tảng của đời sống con người đang bị lãng quên trong một thế giới thực dụng ngày hôm nay. Chúng ta bảo vệ bằng cách nào? Thưa, bằng chính cuộc sống của chúng ta. Cuộc sống của chúng ta sẽ là một bằng chứng hùng hồn để xã hội nhận thấy những giá trị cao đẹp, tích cực của người Kitô hữu. Sống và loan truyền tinh thần của Chúa Giêsu vào thế giới hôm nay chẳng phải là bảo vệ những giá trị Kitô giáo đó sao?

Một khía cạnh khác nữa của cánh cửa đó là “mở ra”. Vâng, chúng ta phải là những cánh cửa mở ra để đón nhận anh chị em khác vào Hội thánh của Chúa Giêsu. Nếu mọi cánh cửa đều đóng kín lại, đàn chiên sẽ chết trong ngột ngạt, đói khát. Giáo hội sẽ chỉ là một cơ chế già nua, ngắc ngoải chờ chết nếu không mở cửa, đối thoại và đồng hành với thế giới. Chúng ta là những cánh cửa của Giáo hội... Hãy mở cửa lòng ra để tiếp rước anh chị em chung quanh mình! Hãy sẵn lòng đón nhận những chiên khác không thuộc đàn mình để cùng nhau chúng ta chia sẻ cánh đồng cỏ xanh rì mà Chúa Giêsu đã dành sẵn cho những con chiên biết vâng nghe tiếng Người...

Gợi ý chia sẻ

Bạn hiểu như thế nào về vai trò “Cửa chuồng chiên” của Đức Giêsu? Bạn chia sẻ vai trò đó cách nào?

114.864864865135.135135135250