18/07/2015 -

Chia sẻ tin mừng

1179

30 Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông : "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

Một nữ tu kể lại câu chuyện xảy đến với cộng đoàn của chị như sau: Khi quân đội Israel và Liban giao chiến. Người Palestine đã vào trường học của các sơ để xin tị nạn. Phản ứng tự nhiên của chúng tôi dĩ nhiên là dè dặt, thủ thế và nghi kỵ. Làm sao chúng tôi có thể niềm nở với hạng người không có văn hoá như thế được. Họ tháo gỡ Thánh Giá Chúa khỏi các lớp học và chà đạp dưới chân, họ cưa chân bàn để nấu cơm. Nét mặt của họ lúc nào cũng câm lặng khó thương. Thế nhưng, các nữ tu chúng tôi cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của họ và tiếp nhận họ mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Chúng tôi cố gắng hiểu rằng, họ bị người ta kìm kẹp trong sự dốt nát để dễ dàng sai khiến và lèo lái. Dần dần tâm hồn của chúng tôi hoán cải và chính những người Palestine này cũng biến đổi, và mỗi khi chúng tôi xuống sân trường thì họ đều chào hỏi niềm nở với chúng tôi. Như thế, các nữ tu đã cảm thông nỗi đau khổ vất vả của những người tị nạn Palestine. Còn bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu đã chạnh lòng thương dân chúng khi Người thấy họ bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt.

Lòng thương xót của Thiên Chúa

Trình thuật Tin Mừng hôm nay đã ghi lại lòng thương xót của Đức Giêsu, trước tiên là với các Tông Đồ và sau là với dân chúng. Đức Giêsu đã thương xót khi thấy các tông đồ rất mệt mỏi sau chuyến đi công tác về. Và không đợi các ông ngỏ ý, Đức Giêsu đã đi bước trước, Người khuyên các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút". Còn đối với đám đông, thánh Máccô đã tóm gọn: "Đức Giêsu đã chạnh lòng thương". Trái tim giàu lòng thương xót của Đức Giêsu và cũng là của Thiên Chúa vẫn đang từng giây, từng phút bừng cháy ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa cảm thông và trìu mến đối với tất cả mọi người chúng ta, không loại trừ một ai.

Trong tương quan giữa con người với nhau, nhiều khi, chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mới hiểu và thông cảm với họ. Đó là bài học mà chúng ta rút ra từ chính cuộc đời của Đức Giêsu để noi gương bắt chước, và để có thể sống đúng luật bác ái của Người. Để cảm thông với nhân loại tội lỗi, Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Và khi làm người, Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa chọn đời sống thanh bần để sống thân thiết và phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt đối với người nghèo. Thiên Chúa muốn nên một với con người, ngoại trừ tội lỗi, nhất là những người nghèo hèn cùng khổ, những người bị gạt bỏ ra ngoài lề của xã hội. Sự nhập thể của Thiên Chúa trong thân phận người nghèo nói lên lòng thương xót vô biên của Người, đồng thời là gương mẫu và lời mời gọi các Kitô hữu hãy hành động như vậy.

Sống với trái tim biết rung động

Đức Giêsu xuống thế làm người là để sống và thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho loài người. Có lẽ ai trong chúng ta ít nhất cũng đã hơn một lần được nghe các đoạn Tin Mừng nói về:

- Đức Giêsu động lòng thương trước cái chết của Lazarô và Người đã cho sống lại.

- Đức Giêsu động lòng thương trước cái chết của một thanh niên con bà goá ở thành Naim và Người đã cho anh ấy sống lại.

- Đức Giêsu động lòng thương trước sự hối cải của tên trộm trên đồi Calvê và hứa ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.

Qua những việc làm cao cả đó, Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta thấy được tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người. Đồng thời Đức Giêsu cũng muốn tỏ bày cho chúng ta nhân tính đích thực của con người. Không thể làm người mà không biết xúc động, cảm thông trước những đau khổ của người chung quanh. Không thể sống triệt để thân phận con người nếu không có một quả tim biết rung động trước đau khổ của đồng loại. Không thể sống trọn kiếp người nếu không có tấm lòng xót thương người nghèo khổ. Tục ngữ ca dao dân gian Việt Nam có câu: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh". Chúng ta là con cái của Thiên Chúa, là môn đệ của Đức Giêsu, và là học trò của các tông đồ. Vậy, chúng ta đã học được nơi Đức Giêsu điều gì để xứng đáng được gọi là học trò của Người? Là đoàn viên huynh đoàn Đa Minh, chúng ta là con cái thánh phụ Đa Minh, chúng ta có học tấm lòng thương cảm của thánh nhân khi ngài bán sách để giúp người nghèo?

Tóm lại, là Kitô hữu và là đoàn viên huynh đoàn Đa Minh, chúng ta phải không ngừng học hỏi Đức Giêsu. Người là thầy dạy về lòng thương xót. Và mỗi người là những cánh tay nối dài của Đức Giêsu để giúp những người bị gạt ra bên lề xã hội được sống đúng phẩm giá của con người. Đức Giêsu đã làm gương và mời gọi mỗi người rèn luyện trái tim của mình để biết rung động và cảm thông trước những đau khổ với người khác; biết chia sẻ nỗi đau khổ của người khác. Khi noi theo bắt chước lòng thương xót của Đức Giêsu, chúng ta mới xứng đáng là những người môn đệ của Đức Giêsu, người học trò của các tông đồ, là thành viên huynh đoàn Đa Minh thực thụ. Ngày hôm nay, người kitô hữu luôn được mời gọi sống để làm chứng cho lòng thương xót, sự cảm thông và tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Đó chính là sứ vụ, trách nhiệm sống chứng nhân của mỗi Kitô hữu trong lòng trần thế hôm nay. Amen.

Học viện Đa Minh

114.864864865135.135135135250