18/10/2014 -

Chia sẻ tin mừng

1381

 
Is 45,4-6;  Th 1,1-5b; Mt 22,15-21
 
Tin Mừng :
          
Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Đưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi!” Họ liền đưa cho Người một đồng bạc. Và Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xê-da.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”
Kính thưa quý vị,
Thiên Chúa không là người Mỹ. Một trong những nguyên tắc điều hành đất nước Mỹ là sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước. Chúng ta, những người của Giáo Hội không muốn chính phủ can thiệp vào các thực hành tôn giáo, và chúng tôi cũng không muốn chính quyền ưu đãi hay bị chi phối bởi một tôn giáo đặc thù nào. Chúng ta nói “hãy giữ tôn giáo độc lập với chính quyền”.
Tuy nhiên, khi nhìn lại cách Thiên Chúa sử dụng bàn tay của một người dân ngoại, vua Kyrô xứ Persia, để giải phóng dân Israel thoát cảnh nô lệ, chúng ta nhận ra lằn ranh giữa hai thế giới, chính quyền và tôn giáo, đã bị xóa nhòa. Vua Kyrô trở thành khí cụ của Thiên Chúa để đưa dân Israel thoát cảnh lưu đày ở Babylon và trở về quê cha đất tổ. Xưa kia, khi Thiên Chúa giải thoát Israel khỏi Ai Cập thì Môsê đã được Thiên Chúa chọn từ trong dân để lãnh đạo Dân Người. Giờ đây, Thiên Chúa đã chọn một vị vua dân ngoại để hoàn thành kế hoạch của Người.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là Thiên Chúa chọn vua Kyrô như là “kẻ được xức dầu” – hạn từ dành cho “Đấng Thiên Sai”. Vua được Thiên Chúa xức dầu để hoàn tất công trình giải phóng vĩ đại của Thiên Chúa. Người đảm bảo rằng vua sẽ giành được những thắng lợi quân sự và giúp vua hoàn thành sứ mạng. Quả thế, vua đã đánh bại Babylon và cho những người lưu đày trở về Israel, thậm chí còn giúp họ tái thiết vương quốc nữa.
Dân Israel có thể sẽ chống lại ngôn sứ Isaia bởi họ xác tín rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng cai trị cả về tôn giáo lẫn chính thể quốc gia của họ. Thử hỏi, Thiên Chúa là Chúa của Israel, thì làm sao Người có thể cậy nhờ thế lực ngoại bang để mang lại hạnh phúc cho Dân Người? Ngôn sứ Isaia đã gặp phải sự kháng cự của các thủ lãnh tôn giáo lẫn chính trị. Họ tự cho mình là trổi vượt hơn các dân tộc khác. Do vậy, làm sao một ông vua ngoại bang lại có thể trở thành “kẻ được xức dầu” để giải thoát họ?
Trong thế giới tràn ngập hỗn loạn do những nhóm quá khích tôn giáo gây ra, liệu chúng ta cũng giống như dân Israel xưa mà cho rằng Thiên Chúa đứng về phía chúng ta để chống lại họ? Chẳng phải Thiên Chúa cũng là Chúa của các quốc gia và tôn giáo khác hay sao? Họ có thể không tin vào Người hay không phụng thờ Người theo cách thức như chúng ta, nhưng điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa đặt họ ra ngoài tình yêu và ảnh hưởng của Người.
Ngôn sứ Isaia nói: Khi dân Israel được giải thoát khỏi cảnh lưu đày, họ sẽ phải thừa nhận rằng công trình của Thiên Chúa vượt ra khỏi văn hóa, tôn giáo và ranh giới quốc gia của họ. Thiên Chúa nói với vua Kyrô điều mà dân Israel đã được nghe biết: “Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác”. Không một ai hay điều gì nằm ngoài Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể hoàn tất ý định của Người qua một dân mà không ai nghĩ đến, thậm chí qua một vị vua ngoại lai của vùng đất dân ngoại.
Trong những tuần qua, chúng ta đã được nghe những đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu về sự đối đầu giữa các thượng tế, kỳ mục và nhóm Pharisêu với Đức Giêsu. Kể từ khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem (21,1tt), các cuộc tranh luận diễn ra thường xuyên và gay gắt hơn. Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng nằm trong bối cảnh đó. Nhóm Pharisêu bày mưu với những người thuộc nhóm Hêrôđê vốn là kẻ thù của họ để chống đối Đức Giêsu. Câu hỏi mà họ đặt cho Người mang nặng tính thực tiễn: “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?”
Nộp thuế không phải là bổn phận của công dân Rôma. Nhưng người Do Thái phải chịu gánh nặng này. Trước hết, họ phải nộp “thuế Đền Thờ” cho những nhà cầm quyền Do Thái. Bên cạnh đó, họ còn phải nộp nhiều loại thuế khác cho đế quốc Rôma: thuế đất, thuế hải cảng, thuế nhập khẩu hàng hóa, thuế cho các sản phẩm nông nghiệp và mỗi món hàng được mua bán. Hơn nữa, họ phải nộp thuế tại các cổng thành. Và để làm tăng khoảng cách bất công và sự xỉ nhục, những đồng tiền để nộp thuế phải mang một dấu hiệu cùng với tước hiệu thể hiện tính thần linh của hoàng đế Xêda. Người Do thái vốn không làm ra những hình tượng con người cũng như cố gắng làm ra hình tượng của một vị Thiên Chúa. Bởi thế, đối với họ, đồng tiền biểu trưng tính thiêng liêng của hoàng đế Xêda là một sự báng bổ thần thánh.
Nhóm Pharisêu và phe Hêrôđê hợp thành một thế lực chống lại Đức Giêsu. Phe Hêrôđê trung thành với vua Hêrôđê và ủng hộ chính quyền Rôma. Họ đạt được nhiều lợi ích nhờ mối liên minh này. Nếu Đức Giêsu phản đối việc nộp thuế, phe này sẽ trao Người cho chính quyền vì tội mưu phản. Nhóm Pharisêu vốn chống lại chính quyền Rôma, nhưng tạm thời bỏ qua mọi hiềm khích để cộng tác với phía Rôma.
Đức Giêsu biết họ có ác ý bởi rõ ràng là khi Người yêu cầu họ cho xem đồng tiền nộp thuế thì họ đã có ngay, tức là họ đã chuẩn bị sẵn hòng đưa Người vào bẫy. Đức Giêsu nhận thấy những hệ quả mà sự cai trị của chính quyền Rôma có thể đem lại. Vì thế,  Người trả lời họ: “Của Xêda, trả về cho Xêda; của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa”. Đây là một thách đố đối với những kẻ chống lại Người. Liệu họ có quan tâm đến đường lối của Thiên Chúa như họ quan tâm đến đường lối cai trị của chính quyền Rôma hay không?
Đức Giêsu tránh được cái bẫy do nhóm Pharisêu và phe Hêrôđê bày ra. Đồng thời, Người đưa ra những thách thức cho họ và cho cả chúng ta nữa. Mỗi người phải quyết định làm thế nào để “trả cho Xêda” và “trả cho Thiên Chúa”. Nếu đồng tiền mang hình ảnh của Xêda thì cái gì hay ai sẽ mang hình ảnh của Thiên Chúa? Đức Giêsu không cho thấy rõ lằn ranh giữa thế giới của Xêda và thế giới của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ phải quyết định và chọn lựa. Xêda bắt nộp thuế, chúng ta phải trả nhưng Xêda không thể sở hữu “đồng tiền” vô giá là chính con người chúng ta. Hình ảnh của ông có thể đúc trên những đồng tiền nhưng hình ảnh của Thiên Chúa lại ở trong mỗi con người. Mang trong mình hình ảnh thần linh, mỗi người cần phải được đối xử xứng với hình ảnh vốn là hình ảnh của Thiên Chúa.
Đức Giêsu không đặt ra những quy phạm tuân thủ và thực hành tôn giáo nghiêm ngặt. Người đòi hỏi chúng ta phải phản tỉnh với điều mà Người đã nói với những kẻ chống đối Người. Mỗi người phải nhận ra được ý nghĩa cho đời sống bản thân về việc “trả cho Xêda” và “trả cho Thiên Chúa”. Có lẽ Thiên Chúa đang ở hàng ghế sau khi chúng ta loay hoay với cuộc sống thường nhật nơi gia đình, trong cộng đồng, quốc gia. Là công dân của quốc gia trần thế này, làm cách nào tôi nhận ra được “điều gì thuộc về Thiên Chúa”?
Chúng ta phải “trả cho Xêda”; chính quyền có thẩm quyền. Nhưng đó là một thẩm quyền có giới hạn trên cuộc sống chúng ta. Trong khi đó, việc “trả cho Thiên Chúa” thì không có giới hạn và chi phối mọi bổn phận của chúng ta. Đôi khi nhà nước xem ra chen chân vào lãnh vực tôn giáo, chẳng hạn, trên những đồng tiền có in dòng chữ “chúng tôi tin vào Thiên Chúa”. Phải chăng chính phủ đang cho thấy một thực tế là nước Mỹ tin Thiên Chúa? Nhưng để làm gì? Để duy trì đất nước luôn hùng mạnh và thịnh vượng ư? Để chứng tỏ rằng Hoa Kỳ là một cộng đồng khăng khít luôn quan tâm đến quyền lợi của công dân ư? Để thúc giục chúng ta đi ra và đến với những lãnh thổ, dân tộc cần sự giúp đỡ ư? Chúng ta có thể giải thích câu này bằng vô vàn cách khác nhau hay đưa nó vào những cuộc chiến nảy lửa. Chúng ta cũng có thể bị đánh động để rồi đi đến xóa bỏ những xung đột trong gia đình, hay thậm chí giảm thiểu đầu đạn hạt nhân bởi “chúng tôi tin vào Thiên Chúa”.
Cũng giống như những người thuộc phe Hêrôđê, đôi lúc ta đã cộng tác và đắm chìm trong thế giới của Xêda. Khi đó, ta nhận thấy rằng mình đã “trả cho Xêda” vượt quá cái mà ta nên trả, đồng thời trở về với Thiên Chúa để “trả cho Người những gì thuộc về Người”, đó là cả con người của ta nữa.
 
Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ
 
                                                                                 
114.864864865135.135135135250