23/08/2014 -

Chia sẻ tin mừng

1184

 
Is 22,19-23; Rm 11,33-36; 
Tin Mừng Mt 16,13-20
          
Một hôm, khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.

Kính thưa quý vị,
Bài Tin Mừng hôm nay cũng được dùng trong dịp lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ hồi cuối tháng sáu. Có nên quay trở lại những dữ liệu cũ và cập nhật điều chúng ta đã giảng không? Ắt hẳn là không rồi. Cũng cùng một đoạn Kinh Thánh, nhưng bản văn sẽ mang một ý nghĩa mới khi đặt trong bối cảnh khác. Đó là lý do chúng ta không thể lấy lại bài cũ để giảng lại lần nữa trong ngày hôm nay. Đoạn Kinh Thánh này không phải là “đoạn văn cũ rích”, nhưng luôn mới mẻ, sẵn sàng để chuyển trao một thông điệp tươi mới đến những người luôn tha thiết lắng nghe trong cuộc sống và trong lịch sử nhân loại.
Bản văn này được xem là cội nguồn cho giáo huấn của Giáo Hội về quyn tối thượng của Đức Giáo Hoàng - Giám Mục Rôma. Dựa trên bản văn này, anh em Tin Lành chú trọng đến đức tin của thánh Phêrô, đá tảng mà Đức Giêsu đã dùng để xây dựng Giáo Hội của Người - đá tảng mà Thiên Chúa từng bước xây dựng một cộng đoàn những người tin vào Đức Kitô.
Chúng ta vẫn thường nghe nhiều người tự nhận là “những người có nếp sống thiêng liêng chứ không phải thuộc về một tôn giáo nào”. Họ tin nhận những giá trị thiêng liêng và thậm chí còn có những thực hành riêng tư nữa, nhưng lại không muốn thuộc về bất cứ một thể chế hợp pháp nào. Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay nói về Giáo Hội, vốn là điểm trọng yếu đối với đức tin Kitô giáo. Giáo Hội không chỉ là tập hợp những người suy nghĩ và hành động theo cùng một cách thức. Đức Giêsu thực sự rất đặc biệt: Người thiết lập Giáo Hội của Người, bảo vệ Giáo Hội chống lại các quyền năng của sự dữ, cả bên trong lẫn bên ngoài, muốn phá hoại Giáo Hội, và coi Giáo Hội chỉ như những giá trị tầm thường, dành cho những người có nếp sống thiêng liêng mà thôi. Đức Giêsu mong muốn Giáo Hội tiếp tục sứ mạng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho Người thực hiện. Đó là việc giảng dạy về Triều đại Thiên Chúa đang hiện diện và đang đến.
Vì lẽ, trên hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu gặp phải mối căng thẳng càng lúc càng tăng thêm với những nhà cầm quyền Do Thái, nên Người nghiêm cấm các môn đệ không được nói cho bất cứ ai biết Người chính là Đấng Mêsia. Thời điểm thích hợp để loan báo điều này là sau khi Đức Giêsu hoàn tất sứ vụ của Người, và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên cộng đoàn vào ngày lễ Ngũ tuần.
Cả ba Tin Mừng nhất lãm - Mátthêu, Máccô và Luca - đều ghi lại sự kiện của bài Tin Mừng hôm nay. Có lẽ các tác giả xem sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng  để Giáo Hội hiểu biết về sứ vụ của Đức Giêsu. Đây là lần đầu tiên tước hiệu Đấng Mêsia được sử dụng trong Tin Mừng Mátthêu. Đức Giêsu xác nhận tước hiệu này dành cho Người, nhưng các môn đệ lại có một quan niệm sai lầm về vai trò Đấng Mêsia nơi Đức Giêsu. Chắc chắn Người không phải là vị cứu tinh chinh phục, nghĩa là sẽ đánh đuổi quân đội Rôma và khôi phục vương quốc Israel như một quốc gia hùng cường dưới quyền Thiên Chúa. Tin Mừng vẫn chưa được hoàn tất, mọi sự vẫn chưa rõ ràng. Giêrusalem mong chờ Đấng Mêsia, nhưng sứ vụ Đấng Mêsia của Đức Giêsu sẽ bao hàm việc Người chịu chết nhục nhã và phục sinh vinh hiển (xin coi thêm bài Tin Mừng tuần tới). Các môn đệ phải học thêm nhiều điều về vai trò Đấng Mêsia của Đức Giêsu, và do đó, lúc này “Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô”.
Có nhiều nhân vật lãnh đạo tôn giáo lớn và tốt lành trong lịch sử. Môn đồ của các vị trong những tôn giáo lớn này, như Hồi giáo, Phật giáo, Do Thái giáo…, đều kể Đức Giêsu vào danh sách những nhà lãnh đạo tôn giáo vĩ đại và thánh thiện. Thậm chí những người không tôn giáo cũng nói tương tự như thế. Vì vậy, ngày nay, có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi của Đức Giêsu: “Người ta nói Con Người là ai?” Những câu trả lời khác nhau này đều có sự kính trọng và thường diễn tả một niềm cảm phục nào đó.
Nhưng khi Đức Giêsu đặt câu hỏi cho thánh Phêrô và cho chúng ta, Người không hỏi về ý kiến của công chúng. Người mời gọi các môn đệ tuyên xưng đức tin vào Người - một đức tin đưa tới sự dấn thân suốt đời và một đời sống được đổi mới. Nhưng chẳng có mấy môn đệ đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống khi họ tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô. Đúng ra, chấp nhận Người có nghĩa là sẽ đi theo Người trên suốt hành trình cuộc đời, gồm cả: làm điều tốt, dẫu có thất bại; vẫn luôn tin tưởng ngay cả khi gánh nặng cuộc sống đè nặng, thậm chí có đôi lúc lo sợ hay tuyệt vọng; có những ý hướng tốt lành, cho dù bản thân vẫn có lúc ích kỷ… Một sự dấn thân suốt đời mời gọi chúng ta thường xuyên quay trở lại con đường theo Chúa những khi chúng ta đã lạc xa, và nài xin Người tha thứ.
Xuyên suốt hành trình sống của mình, nhờ sự đáp trả đầy lòng tin, chúng ta không ngừng trả lời cho câu hỏi của Đức Giêsu: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” và chúng ta mạnh dạn bước tiếp trên hành trình đức tin, nhờ việc nhớ lại lời hứa của Đức Giêsu dành cho cộng đoàn của Người - chúng ta là Giáo Hội của Người và không có gì thắng vượt được chúng ta, kể cả tội lỗi và cái chết.
Khi còn ở trần gian, Đức Giêsu đã trao quyền cho thánh Phêrô và các tông đồ của Người (Mt 18,18). Khi Người rời xa các ông để về cùng Chúa Cha, các ông thi hành uy quyền của mình bằng cách chuyển trao những điều đã học và nhận được từ Đức Kitô, cho các thế hệ tín hữu tiếp theo. Nhờ các ông thi hành uy quyền này cách khôn ngoan, mà qua nhiều thế kỷ sau đó, chúng ta vẫn biết được điều Đức Giêsu đã nói và đã làm. Do đó, chúng ta có thể tuyên xưng cùng một đức tin vào Người như thánh Phêrô đã làm: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu đề cập đến chính mình như Con Người. Tước hiệu này có thể gây lẫn lộn cho những thính giả của Đức Giêsu. Có lẽ nó gợi lại ý tưởng trong sách Đanien chương 7, nơi đó Con Người được miêu tả qua hình tượng mạnh mẽ, Đấng sẽ vượt thắng tất cả những kẻ thống trị của các nước trong thế gian này. Đức Kitô, Đấng được xức dầu, là người Tôi Trung được nói đến trong sách ngôn sứ Isaia (Is 61,1). Người sẽ mang tin tốt lành đến cho những ai đang đau khổ và ưu phiền.
Thánh Phêrô đã đưa ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi của Đức Giêsu, mặc dù thánh nhân không biết rõ hết hàm ý đầy đủ của câu nói đó. Câu trả lời của ông, chúng ta không thể lý giải theo ý riêng - vì không do máu huyết mặc khải cho. Đức Giêsu xác nhận điều này với lời chúc phúc: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc”. Không phải do công trạng của mình mà chúng ta hiểu biết về Đức Kitô và  hoàn thành vai trò của mình như những môn đệ của Người, nhưng là do ơn từ trên (Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, mặc khải cho anh điều đó). Chỉ duy Thiên Chúa có thể làm cho Phêrô nhận ra Đức Giêsu, và chỉ duy Thiên Chúa làm cho chúng ta nhận biết bản tính thần thiêng của Đức Giêsu.
“Đá tảng” là một danh hiệu Kinh Thánh được gán cho Thiên Chúa. Có lẽ đây là điều mà Đức Giêsu ám chỉ khi Người gọi Phêrô là “tảng đá”. Đức tin của thánh Phêrô sẽ trở nên vững chắc vì bắt nguồn từ Thiên Chúa - Đá tảng và ơn cứu độ của chúng ta. Thiên Chúa cũng là nền tảng cho cuộc đời của chúng ta, là nền vững chắc nơi đó chúng ta cư ngụ. (Hãy nhớ rằng người khôn ngoan “xây nhà trên đá” (Mt 7,24). Dân Do Thái hy vọng một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ phục hồi cộng đoàn này và xây dựng nó vững mạnh chống lại tất cả những thế lực của sự dữ, thậm chí cả chính sự chết (Is 28,15-19). Cộng đoàn được hứa ấy là Giáo Hội mà chính Đức Giêsu đã thiết lập, và  sẽ tồn tại mãi.
Thánh Phêrô được trao chìa khóa nắm quyền Vương quốc. Thánh nhân là tôi tớ sẽ trông coi tòa nhà của Thầy mình với cả trách nhiệm lẫn tự do. Đức Giêsu dùng những từ ngữ pháp lý để miêu tả vai trò của Phêrô. Thánh nhân có thẩm quyền để xóa bỏ những nợ nần chúng ta mắc nợ Thiên Chúa. Thánh nhân cũng sẽ tháo cởi những ràng buộc bất công cho những kẻ bị giam cầm. Phêrô và những người tin (Mt 18,18) sẽ mở cửa thiên đàng cho những ai chân thành tìm kiếm nước Thiên Chúa, nhưng sẽ đóng lại đối với những kẻ muốn bước vào để phá hủy cũng như gây trở ngại cho mối liên kết của cộng đoàn, do sự hiện diện hay hành động của họ.
Thánh Phêrô đã hoàn toàn đúng. Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng đến giải thoát không chỉ những ai bị quân Rôma đô hộ, mà cả những người nghèo hèn và những ai bị áp bức. Người có thể giải thoát những ai bị tội lỗi làm cho suy yếu, những ai bị sức mạnh thuộc địa thống trị, bị đè nặng do những món nợ quốc gia, do bạo lực hay do bất cứ tình trạng nô lệ nào. Sức mạnh giải thoát của Đức Giêsu được trao lại cho Phêrô và những người cộng tác với thánh nhân, đồng thời đó cũng là trách nhiệm của chúng ta ngày nay. Chúng ta phải tháo cởi những ai bị trói buộc, và phải ngăn chặn thế lực của những người đe dọa tự do của con cái Thiên Chúa dưới bất cứ cách thức nào.
 
Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ
114.864864865135.135135135250