25/07/2015 -

Chia sẻ tin mừng

600

1 Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. 2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê : "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?" 6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7 Ông Phi-líp-phê đáp : "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." 8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người : 9 "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !" 10 Đức Giê-su nói : "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ : "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." 13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói : "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !" 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Một cuộc hoả hoạn ở tụ điểm ca nhạc gần trường học tại Phi Luật Tân khiến cho 160 người chết và bị thương, đa số là học sinh và sinh viên. Sự việc gây nên nhiều phản ứng khác nhau trong xã hội. Nghe tin, nhiều tù nhân tại Manila đã tình nguyện hiến máu để cứu giúp các nạn nhân. Những tù nhân này muốn chứng minh rằng: dù đang bị pháp luật kết án, bị dư luận khinh khi, miệt thị, họ vẫn có thể làm được những việc tốt, việc thiện để giúp người khác và nhất là người đó đang trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Đúng thế, trong cuộc sống chẳng ai quá giàu để không cần đón nhận của người khác, cũng như, chẳng ai quá nghèo đến nỗi không có gì để cho đi. Bài Tin Mừng hôm nay là lời mời gọi của Đức Giêsu đối với các môn đệ của Người: dám cho đi.

Dám cho đi

Trong mọi thời đại, chuyện nghèo đói luôn luôn là vấn đề muôn thuở của nhân loại nói chung và những người có trách nhiệm nói riêng phải giải quyết. Nó được ví như một bãi rác mênh mông, đến nỗi người ta không biết tháo gỡ từ đâu. Mặc dù, các cơ quan quốc tế đã nhiều lần lên tiếng báo động và nỗ lực giải quyết nhưng sự nghèo đói, lạc hậu, ngu dốt vẫn diễn ra hàng ngày trên thế giới. Những vấn nạn này không những diễn ra ở các nước nghèo, kém phát triển mà còn ở các nước giàu, hàng hoá sản xuất dư thừa. Những vấn đề nghèo đói, lạc hậu hay ngu dốt đã gây nên bao đau thương và bao cái chết cho loài người.

Trong bài Tin Mừng, khi Đức Giêsu đứng trước đám đông dân chúng đang có nguy cơ đói lả, và Người nói các môn đệ mua bánh cho dân chúng ăn. Trước yêu cầu vượt quá khả năng này, các môn đệ đã “bó tay”: “chúng tôi chỉ có năm cái bánh và hai con cá, như thế sẽ thấm vào đâu”. Câu trả lời của các môn đệ khi xưa, thì đến hôm nay, câu trả lời đó vẫn còn là sự thách đố đối với mỗi người chúng ta khi đứng trước anh em đồng loại. Khi trả lời Thầy mình như thế, các môn đệ chỉ cậy dựa vào khả năng của con người chứ chưa biết nương tựa vào quyền năng Thiên Chúa. Thật thế, nhiều khi chúng ta bị cản trở bằng những tư tưởng của loài người như: trong cái nghèo khó của tôi, cái vị tha, thông cảm … làm sao tôi dám cho đi? Khả năng của tôi thì có hạn, trong khi đó, nhu cầu của người khác lúc nào cũng đầy dẫy, cho bao nhiêu cũng chẳng đủ. Hẳn nhiên, Đức Giêsu thừa biết các môn đệ không có khả năng kiếm đủ bánh cho đám đông ăn. Bài học Thầy Giêsu dạy các môn đệ là: dám cho đi trong sự tin tưởng vào Thiên Chúa.

Tấm bánh bẻ ra cho muôn người

Đức Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho muôn người. Hình ảnh Đức Giêsu vẫn mời gọi các môn đệ bẻ bánh cuộc đời mình bằng tình thương và lòng mến, vượt ra khỏi chính mình qua câu nói khẳng định tình thương của Người: “Anh em hãy cho họ ăn”. Đối với Chúa Giêsu, vấn đề không phải là chúng ta cho đi bao nhiêu hiện vật, nhưng là có bao nhiêu lòng can đảm để dám cho đi, dám chia sẻ.

Dù đôi khi, lòng tốt của mình bị lợi dụng, bị đánh lừa mà vẫn quảng đại để chia sẻ, để cho đi, để phân phát, và theo nghĩa nào đó, đôi khi cho đi là mất. Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta về lời mời gọi: dám cho đi. Thật vậy, chắc chắn Đức Giêsu biết rằng khi Người xuống thế làm người, là để cho đi, và cho đi tận cùng cách nhưng không. Như thế, Đức Giêsu là Đấng có lòng thương xót lớn hơn nỗi sợ phản bội, nỗi sợ bị lừa đối, có con tim lớn hơn sự tính toán của cái đầu và có vòng tay lớn hơn mọi so đo hơn thiệt. Người ta vẫn thường nói: “Cách cho quí hơn của cho”. Đó là việc cho đi với tất cả tâm tình, cho đi mà không so đo tính toán hơn thiệt, cho đi mà không cầu mong được đáp trả, và cho đi như là chính Đức Giêsu đã cho loài người. Đức Giêsu đã nhập thể vào trần gian, tự nguyện đứng vào hàng ngũ những kẻ nghèo khó để nâng họ lên làm Con Thiên Chúa, làm cho họ giàu có vô cùng. Vì thế, Đức Giêsu luôn mời gọi chúng ta hãy đến với những người nghèo và giúp đỡ họ với hết khả năng, vì chính Người đã nói: “Ai làm cho cho những kẻ bé mọn này, dù chỉ là một bát nước lã, vì danh Ta thì cũng làm cho chính Ta”.

Việc dám cho đi, dám chia sẻ với người khác là một ân ban, một sức mạnh và một sự trợ lực từ trời cao hay từ cung lòng Thiên Chúa, Đấng vừa giàu có vừa có lòng thương xót vô cùng. Bài Tin Mừng hôm nay là lời mời gọi, lời nhắn nhủ chúng ta cầu xin Chúa cho bản thân mình luôn luôn biết mở rộng vòng tay, mở rộng con tim và khối óc để chia sẻ, dám cho đi, biết cho đi để yêu thương. Từ đó, chúng ta sẽ thấy rằng khi nào người nghèo khổ, người bất hạnh, … còn sống bên cạnh, còn cần đến, đó là cơ hội để mỗi người rộng lòng để chia sẻ như Đức Giêsu đã dám cho đi tất cả vì con người. Amen.

Học viện Đa Minh

114.864864865135.135135135250