20/06/2015 -

Chia sẻ tin mừng

1916

Kính thưa quý vị,

Bài Tin Mừng hôm nay khuấy động ký ức của tôi. Một nữ tu Đa Minh và tôi bấy giờ là thành viên trong một nhóm giảng thuyết ở giáo phận West Virginia. Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi đang làm việc với một nhóm chia sẻ Lời Chúa trong một căn nhà nhỏ, nằm trên một triền đồi, tại một thị trấn có mỏ than đá phía nam thủ phủ Charleston. Sau lời nguyện mở đầu sốt sắng, một người dân địa phương đọc đoạn Tin Mừng và rồi tất cả chúng tôi suy niệm trong thinh lặng. Sau những giây phút thinh lặng, tôi hỏi một câu hỏi xem ra ngớ ngẩn đối với những người sống sâu trong miền Appalachia: “Có bao giờ anh chị em gặp bão biển chưa?” Theo tôi được biết thì không hề có bão ở vùng quanh con sông Kanawha này.

Một bà cụ trả lời: “Vâng! Cách đây 30 năm, mỏ than đá ngay vùng trũng sập và lấy đi sinh mạng của 18 người. Chúng tôi ai nấy đều có người thân nằm lại trong hầm mỏ ấy, hoặc biết một người thân của ai đó đã thiệt mạng. Lúc bấy giờ thời buổi rất khó khăn.” Thế rồi bà ấy nói thêm: “Đấy chính là cơn bão biển của chúng tôi đấy!”

Tôi chắc ai đó đọc những suy tư này có khả năng đọc Tin Mừng theo thánh Máccô bằng ngôn ngữ gốc là tiếng Hy Lạp. Thế nhưng, dù là người có học thức hay không, nam hay nữ, thợ mỏ hay giáo sư, người công dân lâu năm hay chỉ là người mới nhập cư, chúng ta đều được nối kết với nhau qua những trải nghiệm chung của mình. Cùng với người phụ nữ trên, chúng ta có thể nói rằng chúng ta biết thế nào là một trận cuồng phong trên biển; cũng giống như những gia đình của các thợ mỏ phải chịu đựng những mất mát tang thương ấy. Chúng ta cũng trải qua sự đổ vỡ của một mối tương giao lâu dài nào đó; một ước mơ chúng ta đã phải gác sang một bên; mất việc làm và sự bảo đảm cho cuộc sống gia đình; một cuộc hôn nhân đang trong cơn khủng hoảng; về đời sống thiêng liêng, cảm thấy mình như đang phiêu dạt cần có hướng đi để đến được bờ bến bình an. Chúng ta biết những gì các môn đệ trong câu chuyện Tin Mừng phải trải qua “những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước.” Chúng ta đều có trải nghiệm phần đầu của câu chuyện Tin Mừng.

Chúng ta cũng có thể có kinh nghiệm về phần tiếp theo; nghĩa là phần nói lên sự bất lực, nỗi sợ hãi và lời kêu cứu. Chúng ta cảm nghiệm những đổi thay bất ngờ và không như ý muốn trong cuộc sống thường nhật của mình. Có thể chúng ta cũng đã kinh qua phần Đức Giêsu đang ngủ. Đấy là cảm giác của chúng ta đang khi cần Người nhất thì Người lại vắng bóng; khi Người xem ra không xuất hiện để ra tay cứu giúp; khi chúng ta phải tự thân vật lộn để khỏi bị chìm – cho tới khi nỗi sợ hãi bao trùm và khống chế chúng ta. Giống như các môn đệ, chúng ta kêu cứu trong cơn bão tố: “Chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chúng ta cũng biết được phần này của câu chuyện.

Thế rồi nét đẹp của câu chuyện xuất hiện: ngay cả khi chúng ta hướng về Người chỉ vì chúng ta đang chìm sâu, đến tận cổ. Chúng ta cảm thấy bất lực, nhưng Người hiện diện với chúng ta và hỏi cùng một câu hỏi Người đã hỏi các môn đệ trên thuyền, “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Đây hẳn không phải là một lời khiển trách mà đúng hơn là một lời nhắc nhớ rằng đức tin non kém của chúng đã đã không làm Người bỏ rơi chúng ta và Người thực sự sẽ làm gì đó cho chúng ta. Dĩ nhiên Người sẽ không luôn luôn làm dấu lạ như Người đã làm cho các môn đệ sợ hãi, bằng cách biến biển đầy sóng gió trở nên phẳng lặng như tờ. Và đôi khi, dường như Người đang ngủ và chúng ta phải tự chèo chống lấy. Hơn nữa, chúng ta cảm thấy mình đủ sức để chiến đấu vượt qua những bề bộn của đời sống hằng ngày. 

Khi chúng ta nhìn lại lúc hiểm nguy, lúc đức tin bị thử thách, cũng như nhiều người khác, chúng ta có thể nói, “Tôi biết Người đã ở cùng tôi, nếu không làm thế nào tôi đã có thể vượt qua cơn bão ấy?” Đấy chính là phần còn lại của câu chuyện. Ngay cả khi biển không lặng và vì lý do nào đó, sự thay đổi hay cải thiện không xảy ra nhanh chóng, nhưng chúng ta vẫn vững bước và niềm tin của chúng ta được đặt nền trên những đấu tranh. Dĩ nhiên không phải là nhờ vào những nỗ lực và can đảm của mình nhưng Đấng dường như đang ngủ lại hiện diện ngay đó bên cạnh chúng ta trong bão tố - cho dù chúng ta có cảm thấy Người ở đó hay không.

Tôi đã từng nghe nhiều chuyện như vậy ít là hơn một lần. Một người phụ nữ tôi quen biết đã chiến thắng được căn bệnh ung thư. Bà ấy nói điều mà xem ra không thể hiểu được và tôi muốn ca ngợi cuộc chiến đấu của bà và không muốn làm cho chuyện này có vẻ nhàm hay như một chiến thắng dễ dàng. “Căn bệnh là một ân phúc cho tôi. Nó ném cuộc đời tôi vào sự hỗn độn, cướp mất giấc ngủ của tôi, làm tôi kiệt sức và tàn phá sức khỏe cũng như đời sống tình cảm của tôi. Căn bệnh cũng làm cho đời sống gia đình trở nên căng thẳng. Nó phá tan sự yên ổn và đảo lộn đời sống thường nhật của tôi. Nhưng, căn bệnh này lại là một ân phúc vì nó giúp tôi nhìn rõ mọi sự. Những thứ trước đây làm tôi bận tâm như: nhà tôi có sạch sẽ không, những va chạm ở công sở, tính khí bất thường của chồng tôi, những cuộc cãi vã vặt của đám con tôi – không còn quan trọng đối với tôi. Mỗi ngày khi thức giấc, tôi bắt đầu nhìn thấy phép lạ trong cuộc đời tôi. Giờ đây, tôi không lo lắng nhiều cho tương lai và sống nhiều hơn cho hiện tại. Lúc ấy, tôi không biết mình có được một tương lai hay không. Tôi chỉ biết mình có giây phút hiện tại. Tôi sẽ không để nó vuột khỏi tay tôi như tôi đã để mất nó gần như cả đời mình.”

Thế rồi bà ấy nói thêm: “Mỗi ngày tôi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, ‘xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” Tôi xác tín rằng điều tôi cần cho ngày hôm nay sẽ được ban cho tôi trong bất cứ một cơn bão mới nào tôi phải đối diện. Và rồi tôi đã được nhận lời.”

Tôi dám nói rằng đấy chính là đức mà tin Đức Giêsu tìm kiếm nơi các môn đệ của Người. Tôi tin rằng dù cơn bão còn đó thì các ông cũng sẽ vượt qua nó cùng với Người, đây là “lương thực hằng ngày của họ,” trên chiếc thuyền. Đấy chính là đức tin Người đang kiến tạo cho chúng ta ngày hôm nay, tại Thánh Lễ này, đặc biệt nếu như trong lúc này chúng ta đang lênh đênh trên biển đầy sóng gió và mất phương hướng. Người ban tặng chính Người cho chúng ta làm lương thực hằng ngày cho cuộc lữ hành.

Chúng ta có thể thấy tại sao bài đọc một được chọn cho ngày hôm nay. Thiên Chúa nói với ông Gióp “từ cơn lốc.” Đấy là biến cố Chúa hiển linh, Thiên Chúa tỏ lộ quyền năng và sự hiện diện của Người. (Điều này cũng gợi lên những gì diễn ra trong bài Tin Mừng.) Lúc này trong câu chuyện của ông Gióp, từng người đến “an ủi” ông đã cất lời và ông Gióp đã trả lời họ. Thế nhưng vấn nạn về đau khổ được ông Gióp nêu lên vẫn còn đó: tại sao con người chịu đau khổ? Giờ đây đến lượt Chúa nói, “từ cơn lốc.” Câu trả lời của Chúa chỉ đơn giản khẳng định sự siêu việt của Người trên con người và quyền năng của Người trên thiên nhiên. Chúa là đấng trị vì mọi thứ. Trong trình thuật hôm nay, quyền năng của Người thống trị biển cả và giúp chúng ta đón nhận bài Tin Mừng nơi Đức Giêsu sẽ thể hiện quyền năng của Người trên cơn bão.

Sau khi nghe bài Tin Mừng, câu hỏi được các môn đệ lòng đầy kinh ngạc gợi lên cũng là câu hỏi của mỗi chúng ta: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?"

 

Lm. Jude Siciliano, OP.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

 

114.864864865135.135135135250