19/10/2019 -

Chia sẻ tin mừng

572
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một vị thánh khá quen thuộc đối với các tín hữu Việt Nam. Là một nữ tu chỉ sống vỏn vẹn trong bốn bức tường của tu viện nhưng Têrêsa lại được đặt làm bổn mạng các sứ truyền giáo, ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê – người đã bôn ba khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Sở dĩ được như vậy là vì thánh nữ đã không ngừng hy sinh và cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội.
Bài Tin mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta phải biết kiên trì cầu nguyện và tín thác vào Chúa. Đức Giêsu đã lấy hình ảnh một quan toàn bất chính và bà goá để dạy các tông đồ bài học ấy. Một quan toà bất chính mà còn chịu thua trước sự kiên trì của con người chẳng lẽ một Thiên Chúa giàu lòng thương xót lại không để ý đến lời cầu xin của con cái mình hay sao.

Trong bài đọc một, tác giả sách Xuất hành trình bày cho chúng ta chiến thắng vẻ vang của dân Israel. Nhưng chiến thắng ấy có được là do Đức Chúa chứ không phải do sức mạnh của dân. Israel ý thức mình là một dân tộc bé nhỏ, non nớt, nên đã biết trông cậy vào Chúa. Vũ khí duy nhất của Israel không gì khác hơn là lòng tin cậy, phó thác vào Thiên Chúa của mình. Và nhờ Chúa, dân đã đánh thắng được kẻ thù của mình.
Tình thương của một Thiên Chúa hằng thương xót và lắng nghe con cái mình được Đức Giêsu quảng diễn trong bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giêsu không ngần ngại lấy hình ảnh một quan toàn bất chính để nói về Thiên Chúa. Một ông quan không biết kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng coi ai ra gì nhưng cuối cùng đã chịu thua trước sự kiên trì nài nỉ của một bà goá nghèo, cô thế, cô thân.
Lấy hình ảnh của quan toà bất chính, Đức Giêsu không có ý ví Thiên Chúa như một quan toà bất chính nhưng ngài muốn làm nổi bật tình yêu của Thiên Chúa. Người là một Thiên Chúa “có giận giận trong giây lát nhưng yêu thương, thương suốt cả đời”(x. Tv 29,6). Một thiên Chúa chỉ phạt ba bốn đời nhưng trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời (x. Xh 20,5-6). Một Thiên Chúa chẳng bao giờ lãng quên con cái Ngài đã dựng nên (x. Is 49,15). Một Thiên Chúa như vậy lẽ nào lại không lắng nghe đến lời con cái mình cầu xin? Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của con người, chỉ sợ con người không đủ lòng kiên trì và nhẫn nại đến cùng.
Hôm nay là lễ khánh nhật truyền giáo, chúng ta ngạc nhiên tại sao Hội thánh lại chọn bài đọc này. Đó là vì Hội thánh ý thức công việc truyền giáo phải bắt đầu từ Chúa. Hội thánh ý thức việc truyền giáo đòi hỏi nhiều hy sinh vất vả nên Hội thánh xin Chúa giúp sức và hướng dẫn mình, vì không có Thầy anh em không thể làm gì được (x. Ga 15,5). Hội thánh cũng ý thức truyền giáo là giới thiệu Chúa cho người khác chứ không phải nói về chúng ta. Để nói về Chúa, chúng ta phải biết sống gắn bó với Chúa qua lời cầu nguyện. Bóng điện sáng được là nhờ kết nối với nguồn điện. Chúng ta chỉ có thể nói được như thánh Phaolô “Tôi sống, nhưng không phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20) khi chúng ta biết sống gắn bó với Chúa.
Chúa đã đến thế giới hơn hai ngàn năm nhưng số người nhận biết Chúa vẫn còn là một con số khiêm tốn. Ở Việt Nam, số tín hữu mới chỉ có 8% so với dân số của cả nước. Một trong những nguyên nhân khiến công cuộc rao giảng Tin Mừng chưa đạt kết quả cao là thiếu chứng nhân. Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI nói rằng: “Ngày hôm nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Thật vậy, ông Gandhi – nhà lãnh tụ của Ấn Độ từng nói: “Nếu những người Kitô giáo sống đúng tinh thần giáo lý của họ, tôi sẽ mời gọi cả dân tộc Ấn trở lại”[1].
Cách đây hơn 800 năm, thánh Đa Minh đã đem lại cho Hội Thánh một luồng sinh khí mới giữa lúc các bè rối đang hoành hành, là nhờ đời sống gắn bó mật thiết với Chúa của thánh nhân. Người ta tặng ngài danh hiệu một người chỉ biết “Nói với Chúa và nói về Chúa”. Thật vậy, thánh nhân thường thức suốt đêm để cầu nguyện với Chúa và dùng thời gian ban ngày để nói về Chúa cho tha nhân. Nhờ đó, ngài đã đưa được nhiều người lầm lạc trở về với Chúa và đem Chúa đến cho mọi người. Không những vậy, thánh nhân còn lập ra dòng Giảng Thuyết để con cái ngài tiếp tục sứ vụ Chúa đã khởi xướng nơi ngài. Chúng ta ngạc nhiên tại sao một nữ tu như Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ sống trong bốn bức tường của Dòng Kín nhưng lại được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Đó là vì thánh nhân đã không ngừng hy sinh và cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. Chị đã âm thầm dâng những hy sinh trong đời sống thường ngày để cầu nguyện cho các nhà truyền giáo. Chị chưa một lần ra khỏi cổng tu viện để rao giang Tin Mừng nhưng con tim chị đã hướng ra khắp thế giới. Nhờ vậy mà chị được Hội thánh đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
Chúng ta đang sống trong một xã hội để cao sự hưởng thụ và tiêu dùng. Lối sống ấy khiến chúng ta dễ dàng thiếu kiên nhẫn, thích ồn ào, cậy vào sức mình hơn là trông cậy vào ơn Chúa. Trong bài đọc hai, thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy giữ vững đức tin mà chúng ta đã học hỏi được, hãy sống theo lời Chúa dạy. Đó là những Lời giúp chúng ta trở nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ nhờ lòng tin vào Đức Giêsu. (x. 2Tm 3,14-17). Khi sống được như thế chúng ta sẽ luôn có Chúa ở bên mình và trở thành chứng nhân của Tin Mừng ở mọi nơi, mọi lúc.
Ông bà ta có câu “hữu xạ tự nhiên hương”. Một khi chúng ta sống gắn bó mật thiết với Chúa qua các bí tích và cầu nguyện chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân của Chúa. Công cuộc truyền giáo cần nhiều hy sinh, vất vả có khi phải hy sinh đến tính mạng. Nếu chúng ta biết kiên trì trông cậy vào Chúa chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái được nhiều kết quả.
Xin cho chúng ta luôn biết kiên trì, nhẫn lại và tín thác vào Chúa trong việc đem Lời Chúa đến cho mọi người. Amen.
Học viện Đa Minh
Câu hỏi gợi ý:
1. Theo bạn, việc âm thầm hy sinh và cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu có còn thích hợp trong thế giới ngày nay không? Tại sao?
2. Bạn có thói quen xin ơn Chúa khi bạn bắt đầu một công việc hay bắt đầu công tác tông đồ của bạn hay không?
 
[1] Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền, “Chứng nhân trong sự hiệp nhất yêu thương”, Tổng Giáo phận Hà Nội. Truy cập ngày 31/8/2019, https://tonggiaophanhanoi.org/suy-niem/suy-niem-chua-nhat/9677-cac-bai-suy-niem-le-khanh-nhat-truyen-giao.html
114.864864865135.135135135250