12/10/2019 -

Chia sẻ tin mừng

364
Có một cậu bé nọ sống trong một gia đình giàu có, suốt ngày được người kẻ hầu người hạ. Cậu luôn tự hào rằng gia đình mình giàu có thì muốn gì mà chả được, cần gì thì cứ thuê người làm. Vậy nên cậu xem thường tất cả những người giúp việc trong nhà. Một đêm nọ, cậu nằm mơ thấy người thợ giày đến nói với mình: “Từ nay xin cậu tự đóng lấy giày mà đi”. Kế đó, người thợ bánh mì cũng đến nói với cậu: “Tôi nghĩ đã đến lúc cậu hãy tự làm bánh mì mà ăn”. Sau đó, người bán thịt cũng lên tiếng: “Tôi cũng nghĩ cậu hãy nuôi heo giết lấy thịt mà ăn”. Ngay cả người giúp việc cho cậu cũng thưa: “Từ nay xin cậu tự dọn bữa, quét nhà, giặt quần áo, tôi xin nghỉ việc”. Khi cậu hỏi lý do thì mọi người đều nói, vì cậu đã được mọi người phục vụ mình, mà không bao giờ cậu biết nói lời “cảm ơn”. Cậu bé sợ toát mồ hôi và giật mình tỉnh giấc, sực nhớ đây chỉ là một giấc chiêm bao, cậu vô cùng mừng rỡ. Dù sao giấc mơ cũng là một lời nhắc nhở cho cậu rằng, tất cả những điều cậu nhận được đều là “hồng ân”, tất cả mọi người đều là “ân nhân” của cậu. Cậu đã mắc nợ mọi người. Cậu hiểu ra rằng “người không biết cảm ơn thì không đáng được nhận ơn”.

Tin mừng hôm nay cũng nói về sự biết ơn và vô ơn của những kẻ phong hủi được Đức Giêsu chữa lành. Trong văn hóa Do thái thời bấy giờ, những người phong hủi bị coi là những kẻ tội lỗi nên bị Thiên Chúa nguyền rủa và chúc dữ. Họ được liệt vào thành phần ô uế, do đó phải sống ở xa khu dân cư, đi đâu cũng phải hô to: “ô uế, ô uế” để người khác biết mà tránh xa. Những ai tiếp xúc, hoặc đụng chạm đến những người phong hủi này cũng sẽ bị coi là ô uế. Chính bởi luôn phải sống trong cảnh bị ghẻ lạnh, khinh thường như thế nên những người phong hủi này rất khổ tâm, họ luôn ước ao được chữa lành, được hòa nhập với cuộc sống như bao người khác. Mở đầu Tin Mừng Thánh sử Luca thuật lại cho chúng ta rằng: khi Đức Giêsu vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13 và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!". Hành động của những người phong hủi đứng “đón” Đức Giêsu, và lớn tiếng kêu cầu Người thể hiện khát khao, sự mong ngóng được tiếp xúc với Đức Giêsu để được Người chữa lành. Theo luật Do thái, những người phong hủi không được phép đến gần dân chúng để tránh lây nhiễm, do đó khi những người phong hủi trông thấy Đức Giêsu, họ chỉ dám dừng ở phía xa mà lớn tiếng kêu cầu Người. Khoảng cách về địa lý đã không ngăn cách được niềm tin và khát khao được chữa lành. Họ không được phép lại gần Đức Giêsu nhưng niềm tin của họ cũng vẫn đụng chạm được đến Người. Đáp lại sự khát khao và thiện chí của họ, Đức Giêsu truyền cho những người phong hủi này đi trình diện với các tư tế. Sở dĩ Người yêu cầu họ làm việc này là vì truyền thống Do thái yêu cầu những người bị phong hủi sau khi đã hết bệnh phải đến trình diện với các tư tế, để được công nhận là đã lành bệnh và được phép tiếp xúc với cộng đồng. Ở đây, chúng ta không nghe thấy một lời nói hay một cử chỉ chữa lành nào của Đức Giêsu, Người chỉ đơn giản truyền họ đi gặp trình diện với tư tế, một công việc chỉ có thể làm sau khi đã hoàn toàn khỏi bệnh. Lúc này họ chưa được khỏi bệnh nhưng Đức Giêsu vẫn yêu cầu họ đi trình diện theo luật. Ấy thế mà những những kẻ phong hủi này vẫn tin Người, vẫn đến gặp các tư tế khi trên mình còn mang bệnh, và rồi “đang khi đi thì họ được sạch”. Niềm tin mạnh mẽ của những con người này được cụ thể hóa bằng hành động can đảm làm theo lời Đức Giêsu, họ đi trình diện tư tế dù bệnh phong hủi vẫn còn trên da thịt. Đức Giêsu đã không chữa lành ngay cho họ khi vừa mới gặp gỡ, nhưng đã cho họ được sạch trong lúc họ thực thi lời Người.
Có thể nói, đây chính là phần thưởng dành cho những người dám tin và làm theo lời Thiên Chúa. Nếu như câu chuyện nếu kết thúc ở đây thì có lẽ sẽ là một câu chuyện có hậu và không có gì đáng nói. Thế nhưng, trong số mười kẻ phong hủi được chữa lành ấy, chỉ có 1 người quay lại cảm tạ Đức Giêsu, anh ta lại là người Samari. Chúng ta biết rằng, trong mắt người Do thái, dân Samari là một dân ngoại bang, là những kẻ thấp hèn, tội lỗi. Thế nhưng kẻ phong cùi người Samari lại là kẻ duy nhất quay lại để cảm ơn Đức Giêsu. Trong khi đó, những người Do thái được lành bệnh kia lại không thấy đâu. Dân Do thái vẫn tự hào mình là dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn, nhưng lại tỏ ra quá thờ ơ với Đấng đã tuyển chọn họ. Quả thực, sự tự hào về nguồn gốc dân tộc đã khiến người Do thái trở nên tự kiêu và vô ơn, họ đang mang một thứ bệnh cùi hủi về tinh thần sốt mến và biết ơn đối với Thiên Chúa của họ. Sự vô ơn của những kẻ phong hủi gốc Do thái kia còn đại diện cho cả một chiều dài lịch sử của dân tộc này, dân tộc nhỏ bé được Thiên Chúa tuyển chọn, giải cứu, nuôi nấng, và kí kết giao ước với họ, thế nhưng đáp lại tình yêu ấy là sự vô ơn và phản bội. Dân Do thái không ít lần quay sang tôn thờ các thần ngoại, họ thờ ơ và xa rời đường lối của Thiên Chúa. Qua sự kiện về những kẻ phong cùi, Đức Giêsu muốn nhắc nhớ họ rằng, từ nay sự công chính và công phúc của mỗi người không còn hệ tại ở nguồn gốc, xuất thân của họ nữa, nhưng ở niềm tin và thái độ của họ đối với Thiên Chúa.
Đoạn tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy tình thương của Thiên Chúa không bị đóng khung hay giới hạn nơi một dân tộc, tôn giáo nào nhưng mở ra cho hết mọi người. Bài Tin Mừng cũng là lời mời gọi chúng ta hãy nhìn lại đời sống của mình, mà biết cúi xuống cảm tạ Thiên Chúa về những gì chúng ta đang có. Quả thật ta thấy có không ít lần chúng ta than vãn, kêu la, trách móc Thiên Chúa hết việc này đến việc khác, so đo thiệt hơn với hết người này đến người kia. Lời Chúa hôm nay dạy mỗi người chúng ta hãy biết nhìn ra những ơn huệ Chúa ban và tạ ơn Người từ những chuyện nhỏ nhất, trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày, vì biết ơn là cách để được thêm ơn.
Học viện Đa Minh
Gợi ý Chia sẻ:
Bạn đã bao giờ cảm tạ Thiên Chúa trong những lúc gặp khó khăn, nghịch cảnh hay đau khổ chưa?
Hãy dành ít phút ngẫm lại đời sống mình, bạn có thấy mình may mắn và hạnh phúc hơn biết bao nhiêu người khác không? Bạn đã làm gì để tạ ơn Chúa về những gì bạn đang có hôm nay?
114.864864865135.135135135250